Giới trung lưu 'mỏng manh' ở Việt Nam
Trang web của đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) hôm 17/12 đăng bài phân tích về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, đang đối diện những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.
Bài viết mở đầu bằng nhận định: “Tầng lớp trung lưu của Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên từ thập niên 1990.”“Từ đó đến nay, họ đã giành được vài quyền tự do, nhưng vẫn còn mỏng manh. Nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa xóa tan những thành tựu ấy.
"Siêu thị, siêu thị, siêu thị,", cô con gái bốn tuổi của Tuyên và Liên nhảy lên xuống trên giường. Cô cảm thấy không thể đợi lâu hơn nữa để được đi,
Giống như nhiều gia đình trung lưu khác, gia đình này dành ngày Chủ Nhật để đi mua sắm ở một siêu thị tại Hà Nội.
"Chủ nhật là ngày duy nhất mà cả gia đình có thể ở bên cạnh nhau mà không phải làm gì cả,” Tuyên nói.
"Tôi làm việc 50 tiếng một tuần, đó là chưa kể ba tiếng đi xe. Vì thế nên không có nhiều thời gian. Ở siêu thị, trẻ con có thể được giải trí và bố mẹ có thể tranh thủ đi mua sắm.”
Tầng lớp trung lưu đang lên
"Khó có sự chống đối nào có thể đến từ tầng lớp trung lưu. Họ có quá ít tự tin vào sức mạnh của chính mình."
Will, chuyên gia Việt Nam
Những siêu thị đầu tiên của Việt Nam xa xỉ đến nỗi chỉ có những người giàu mới đến đấy. Ngày nay, mọi thứ khác xưa rất nhiều, nhất là sau khi chính phủ thực hiên "Đổi mới".
Từ bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung, chính phủ nước này đã áp dụng mô hình kinh tế đem lại cho người dân nhiều tự do và quyền lợi hơn; chính sự tự do đó khiến nước này tăng trưởng khá ổn định.
"Một tầng lớp trung lưu đã ra đời trong giai đoạn Đổi mới này," Gerhard Will, một chuyên gia VIệt Nam của Viện nghiên cứu quốc tế và An ninh của Đức (SWP) nói.
Gia đình nhà họ Nguyễn kể trên là một trong những thế hệ đầu tiên được hưởng lợi từ Đổi mới. Cả hai đều được sinh ra vào cuối thập niên 70 và chứng kiến những năm nở rộ về kinh tế mà thế hệ bố mẹ họ không dám mơ tới.
Những thế hệ đi trước có vẻ đầy hoài nghi về sự phát triển kinh tế. Khi Tuyên về đến nhà với một món đồ dùng gia dụng trong bếp hay một món đồ chơi mới cho Mai Chi, bố mẹ và ông bà của anh tỏ ra ngờ vực về mức độ cần thiết của những món đồ đó, hoặc tại sao không tiết kiệm đề phòng tình huống xấu.
Sự thịnh vượng đang lung lay
Và có lẽ những thế hệ đi trước không sai.Trước hậu quả của khủng hoảng toàn cầu năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng mờ nhạt đi.
Kinh tế gia Adam Fforde, trường đại học Victoria tại Melbourne, Úc khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với DW: "Khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam là nghiêm trọng".
Sự kết hợp độc hại: Lạm phát cao và sản lượng kinh tế suy giảm
Lạm phát - 7% vào tháng Mười năm nay, đang bào mòn thu nhập, ông Fforde nói. "Giá trị bất động sản trượt dài, khiến nhiều hộ gia đình phải trả các khoản nợ trị giá lớn hơn nhà của họ," ông nói thêm.
"Trong lúc đó, chi phí giáo dục và y tế lại lên cao."
"Các khoản chi phí, trong một số trường hợp là rất cao, lại không đáng đồng tiền bát gạo", Will, một chuyên gia Việt Nam khác nói. Ông Will cũng cho rằng hệ thống giáo dục cần được cải cách và hệ thống y tế ở đây bị suy đồi.
"Bằng đại học thường xuyên bị mua hoặc bán, hoặc đem đi cầm cố cho các nhân vật trung thành với Đảng hơn là thực sự có được."
"Chỉ băng bó hoặc tiêm vắc-xin cũng tốn rất nhiều tiền," ông nói.
Thiếu tự tin
Sự lên xuống của kinh tế Việt Nam gây ảnh hưởng nặng nhất đến tầng lớp trung lưu non trẻ. Những năm gần đây đã đe dọa lật ngược những thành tựu đạt được trong quá khứ.Tầng lớp trung lưu của Việt Nam dường như lung lay trước khi kịp củng cố vị thế của mình.
"Tầng lớp trung lưu đã phải gánh chịu những hạn chế đáng kể về cả mặt kinh tế lẫn chính trị," Will nói.
Các cuộc biểu tình tại Việt Nam đều bị đàn áp thẳng tay
Mặc cho viễn cảnh buồn thảm đó, cho đến giờ vẫn chưa có cuộc biểu tình nào đáng nhắc đến.
"Khó có sự chống đối nào có thể đến từ tầng lớp trung lưu. Họ có quá ít tự tin vào sức mạnh của chính mình," Will nhận xét.
"Người ta sợ sẽ mất tất cả những gì đã cố gắng có được trong những năm qua nếu như có biến động đột ngột hoặc thay đổi lớn."
Trong lúc đó, Tuyên chỉ biết trông cậy vào chính mình.
"Biểu tình phản đối chính phủ là vô ích, thế nhưng trông cậy vào chính phủ thì còn vô ích hơn. Phải tự biết trông cậy vào bản thân thôi," anh nói.
Thêm vào đó, từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, chính phủ ngày càng trở nên lo lắng và thẳng tay đàn áp các ý kiến chỉ trích.
"Sự buộc tội các blogger là một tín hiệu cho những người khác." Will ghi nhận.
Hồi tháng 10, blogger nổi tiếng với tên gọi Điếu Cày đã bị kết án 12 năm tù giam.
Một ngày sau khi trả lời phỏng vấn DW, Tuyên gửi một tin nhắn trong lúc đang ở công sở và con gái ở nhà trẻ.
"Đã có những thời điểm còn khó khăn hơn trước cuộc khủng hoảng. Có thể Việt Nam có nhiều vấn đề hơn các nước phương Tây, nhưng so với tình hình cách đây 20, 30 năm, chúng tôi vẫn đang sống tốt."
Nhận xét
Đăng nhận xét