Quân sự Ấn Độ và vũ khí Nga


.
Nga là nhà cung ứng thiết bị quân sự truyền thống của Ấn Độ từ lâu nay

Ấn Độ có kế hoạch chi khoảng 100 tỷ đôla trong vòng 10 năm tới để nâng cấp thiết bị quân sự, hầu hết có từ thời kỷ nguyên Xô Viết, trong lúc nền kinh tế lớn thứ ba ở Á châu muốn nâng khả năng quân sự lên tương ứng với sự phát triển kinh tế của mình, hãng tin Reuters viết.

Bài viết của phóng viên Arup Roychoudhury nói rằng sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Ấn Độ, một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đã chuyến hướng sang mua của phương Tây, trong lúc các sản phẩm của Nga thường bị bàn giao chậm trễ, gặp trục trặc trong chuyện bảo dưỡng và thiếu thiết bị thay thế.

Tuy nhiên, Nga vẫn là một trong những nhà cung ứng chủ chốt của Ấn Độ.

Hôm thứ Hai, trong chuyến viếng thăm tới Ấn Độ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã đồng ý bán cho nước chủ nhà hàng chục trực thăng quân sự Nga và các phần thiết bị nhằm lắp ráp chiến đấu cơ Sukhoi.

Vũ khí và thiết bị quân sự Nga hiện đang được Ấn Độ sử dụng cùng các hợp đồng sắp tới gồm:

Không quân

Lực lượng không quân dựa chủ yếu vào các chiến đấu cơ Mikoyan MiG thời Xô-viết, còn được mệnh danh là "quan tài bay" ở Ấn Độ bởi tỷ lệ tai nạn cao, cùng máy bay vận tải Antonov và Ilyushin và trực thăng Mil của OPK Oboronprom.

Phi cơ mạnh nhất trong đội bay của Ấn Độ là loại chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-30MKI thuộc lực lượng United Aircraft Corp.

Hơn 150 chiếc hiện đang hoạt động và tổng số sẽ được nâng lên 272 chiếc tính đến năm 2019.

Hôm thứ Hai, Nga đồng ý cung cấp các thiết bị trị giá 1,6 tỷ đôla để lắp ráp 42 chiếc máy bay loại này.

Ấn Độ cũng đang phát triển một loại máy bay tàng hình cùng Nga. Ấn Độ sẽ nhận bàn giao khoảng 140 chiếc loại này sau năm 2020, giảm so với 200 chiếc ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, trong năm nay nhà máy sản xuất trực thăng của Nga, Mil Moscow Helicopter, một đơn vị thuộc Oboronprom, đã để hợp đồng 15 chiếc trực thăng siêu trọng và 22 trực thăng chiến đấu rơi vào tay Boeing Co., với tổng trị giá 2,4 tỷ đôla.

Nga cũng mất hợp đồng 1 tỷ đôla vào hãng EADS của châu Âu, với nội dung cung ứng máy bay tiếp liệu trên không, trong lúc Mig-35 của Nga thất thế trước Dassaut của Pháp trong thỏa thuận trị giá 15 tỷ đô la cung ứng 126 chiến đấu cơ.

Tuy nhiên, các trực thăng có sức nâng tải cỡ trung đời mới Mil-17, có tên gọi Mil-17 V-5, đang được mua với mức 71 chiếc trong các thỏa thuận có tổng trị giá 1,3 tỷ đôla.


Hải quân

Nga đã trì hoãn việc bàn giao tàu hàng không mẫu hạm gặp trục trặc Admiral Gorshkov, được đặt tên mới là INS Vikramaditya, đến quý tư 2013, chậm ít nhất là một năm so với kế hoạch ban đầu. Đây là cú đánh mạnh vào các nỗ lực của Ấn Độ, muốn xây dựng lực lượng hải quân trong lúc Trung Quốc đang vươn rộng hoạt động trên biển.

Ấn Độ cũng đang tự xây dựng hai hàng không mẫu hạm, với sự trợ giúp kỹ thuật của Nga. Chiếc đầu tiên dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2017.

Ấn Độ hiện có khoảng 15 tàu ngầm đang hoạt động, trong đó 11 chiếc nguyên thủy của Liên xô/Nga, gồm một chiếc thuộc lớp Akula chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nước này cũng sử dụng nhiều tàu chiến từ thời Xô-viết.

Ấn Độ hiện cũng đang mua mới từ Nga một loạt các tàu khu trục tàng hình lớp Talwar, là loại tàu được thiết kế để khó bị phát hiện.

Lực lượng hải quân Ấn Độ có kế hoạch trang bị các tàu của mình với khoảng 45 chiến đấu cơ MiG-29 của Nga và các trực thăng chống tàu ngầm Kamov.

Đội tàu cũ kỹ gồm các máy bay do thám trên biển Tupolev của Nga sẽ được thay thế bằng Boeing P-8.

Hải quân cũng có kế hoạch sử dụng chừng 60 trực thăng hậu cần.

Kamov, thuộc hãng Oboronprom hiện đang chạy đua giành hợp đồng trước đối thủ Âu châu và Hoa Kỳ.


Quân đội

Trong lực lượng của mình, quân đội Ấn Độ có hơn 5.000 xe tăng và chiến xa đánh bộ là sản phẩm của Liên Xô và Đông Âu, trong đó có các xe tăng T-72 và T-55.

Quân đội Ấn có kế hoạch triển khai khoảng 250 xe tăng chiến đấu được làm trong nước và hơn 2.000 xe tăng Nga T-90, tính đến năm 2020.

Một trong những sản phẩm của Nga được xuất khẩu nhiều nhất cho quân đội, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự Ấn Độ là súng AK và các đời súng AK mới hơn.

Quân đội đã chọn Eurocopter AS 500 của EADS để đặt mua 197 trực thăng với trị giá chừng 550 triệu đô la hồi năm 2007. Thỏa thuận này sau đó đã bị bỏ do có các cáo buộc bất bình đẳng trong việc chọn thầu, và việc đấu thầu đã được tổ chức lại.

Các ứng viên dự thầu có Eurocopter và Kamov, và dự kiến quyết định chọn thầu sẽ sớm được đưa ra.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?