Bất ổn chính trị do đâu?
TTXVA
Published on March 26, 2014 · No CommentsTrong bài “Tương lai bất ổn” được đăng hôm 27/02 – ngay sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị quốc hội Ukraine truất phế – tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mô tả làn sóng biểu tình dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ là “bạo lực”.
Bài viết còn cho rằng dùng “biểu tình bạo động để xóa sổ một chính phủ hợp pháp là phương án được phương Tây hậu thuẫn khi muốn thao túng chính trường các nước” hậu cộng sản như Ukraine.
Hơn nữa, theo Nhân Dân các cuộc biểu tình như vậy – được tờ báo mô tả là những cuộc “cách mạng sắc màu” – “thường dẫn đến hậu quả là tranh giành quyền lực và lợi ích ngay trong nội bộ phe đối lập, đẩy đất nước lún sâu vào bất ổn chính trị”.
Nếu những nhận định trên là quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam thì xem ra giới lãnh đạo Việt Nam có cái nhìn khá phiến diện về cuộc xung đột ở Ukraine và cũng không rút ra được kinh nghiệm bổ ích gì từ cuộc khủng hoảng này.
Lãnh đạo tham nhũng, độc tài
Không ai phủ nhận rằng ông Yanukovych là Tổng thống được bầu lên hợp pháp. Nhưng bất cứ ai – trong đó có chính bản thân ông – đều hiểu ông được người dân Ukraine bầu vào chức vụ ấy để lãnh đạo đất nước chứ không phải để tham ô, tham nhũng.Chuyện ông Yanukovych là một người tham nhũng, bất tài và những người thân cận của ông trở nên giàu có nhanh chóng và bất thường trong thời gian ông tại vị nhiều người đã biết và giờ ai cũng rõ.
Chẳng hạn, theo tạp chí Forbes, với tài sản ước tính 510 triệu đôla Mỹ vào cuối năm 2013, con trai lớn của ông là Oleksandr đã trở thành một trong những người giàu nhất ở Ukraine.
Theo tân Thủ tướng Arseny Yatseniuk, trong những năm ông Yanukovych nắm quyền, ước tính công quỹ của Ukraine bị thất thoát đến 37 tỷ đôla.
Một bằng chứng của sự tham nhũng – và cũng là sự tham lam, ăn chơi – của ông Yanukovych là tòa biệt thự xa hoa được xây dựng trong khuôn viên 140 hecta ở ngoại ô thủ đô Kiev mà ông buộc rời bỏ để chạy trốn sang Nga.
Vì chỉ biết bòn rút tài sản của đất nước, người dân để làm giàu cho mình và người thân, ông đã khiến nền kinh tế Ukraine rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và có nguy cơ bị vỡ nợ, phá sản.
Cụ thể, như bài viết của tờ Nhân Dân chỉ ra, trong năm nay Ukraine phải trải trả 17,4 tỷ (đôla Mỹ) nợ nước ngoài và cần tới 35 tỷ để cải thiện nền kinh tế. Không ai khác chính ông Yanukovych đã khiến – hay ít ra chính sự tham nhũng và bất tài của ông đóng một vài trò quan trọng việc đưa đẩy – Ukraine vào tình cảnh “gà mắc tóc” này.
Làm sao có thể để một người tham nhũng như thế tiếp tục lãnh đạo đất nước!
Cũng vì muốn che giấu cung cách lãnh đạo không minh bạch của mình, ông đã không muốn đáp ứng những đòi hỏi của người dân và quyết định theo Nga thay vì tiến gần với Liên minh châu Âu (EU). Điều này chứng tỏ ông coi trọng lợi ích của mình hơn quyền lợi của người dân, đất nước.
Việc ông từ chối đòi hỏi của người dân và sẵn sàng dùng vũ lực trấn áp biểu tình còn cho thấy ông là một lãnh đạo độc tài. Và chuyện ông cho an ninh bắn vào người biểu tình làm nhiều người thiệt mạng chứng minh ông là người “bạo lực”, chứ không phải người biểu tình như tờ Nhân Dân nhận định.
Chuyện một lãnh đạo cho dùng vũ lực trấn áp, giết hại người dân biểu tình chỉ diễn ra ở những quốc gia độc tài. Và trong mắt công luận khi một lãnh đạo cho bắn vào người dân biểu tình – dù có được bầu lên một cách dân chủ – người đó không còn tư cách, chính danh lãnh đạo.
Quả thực, nếu sự tham nhũng và bất tài của ông buộc người dân xuống đường biểu tình chống đối ông trong nhiều tháng thì những viên đạn bắn vào người biểu tình ấy là những viên đạn chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông.
Ngay sau khi ông cho nổ súng vào người biểu tình, thậm chí những người trong đảng của ông cũng không còn chấp nhận cách hành xử tàn ác của ông và đã quyết định bỏ rơi ông. Đối diện nguy cơ bị truất phế và có thể bị bắt giữ, ông đã bỏ Ukraine chạy trốn sang Nga.
Phát biểu tại đồng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) hôm 03/03, Đại sứ Nga ở LHQ Vitaly Churkin biện hộ rằng Nga đưa quân vào Crimea vì ông Yanukovych đã yêu cầu Nga can thiệp.
Dù có thực Nga cho quân vào Crimea, thuộc chủ quyền của Ukraine, chỉ vì ông Yanukovych gửi thư cho Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi Nga làm vậy, qua tiết lộ đó của Đại sứ Nga, cựu Tổng thống Ukraine có thể còn được coi là một kẻ phản quốc.
Nếu còn chút tự tôn dân tộc hay nếu biết coi trọng lãnh thổ quốc gia, không một lãnh đạo nào lại mời – hay ủng hộ chuyện – ngoại bang vào đóng chiếm đất nước mình dù bất cứ lý do hay mục đích gì.
Qua việc Nga cho quân đóng chiếm Crimea và có những động thái hung hăng khác đối với Ukraine sau khi ông Yanukovych – người được coi là một kẻ bù nhìn của Nga – bị quốc hội Ukraine phế truất, chính giới cầm quyền tại Nga chứ không phải lãnh đạo các nước phương Tây muốn thao túng chính trường nước này.
Cụ thể, trong những ngày qua người lên tiếng bảo vệ Ukraine và chống lại sự can thiệp, chiếm đóng của Nga ở Ukraine là Mỹ, Anh, Pháp và các nước phương Tây khác. Hơn nữa, có thể nói, trái ngược với các nước cựu cộng sản khác – những quốc gia đã gia nhập EU và NATO, như Ba Lan – Ukraine cứ rơi vào bất ổn chính trị phần lớn chỉ vì chưa thoát được sự kìm kẹp, can thiệp của Nga.
Lướt qua như thế để thấy rằng người đưa đẩy Ukraine đến bên bờ nội chiến, phá sản và chiến tranh hiện nay là cựu Tổng thống Yanukovych – một người không chỉ tham nhũng, độc tài mà còn coi nhẹ chủ quyền quốc gia – và “quan thầy” của ông tại Kremlin – những người dùng sức mạnh kinh tế, quân sự và bất chấp luật pháp quốc tế chèn ép, trấn áp nước nhỏ.
Để tránh ‘tương lai bất ổn’
Trường hợp của ông Yanukovych và cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn nói lên nhiều điều đáng suy nghĩ khác.
Cụ thể, những biến động gần đây ở Ukraine – hay tại Ai Cập, Libya hoặc Syria – cho thấy tham nhũng, độc tài và bạo lực thường đi đối với nhau. Vì lợi ích của mình, các lãnh đạo và chế độ độc tài dám làm tất cả, thậm chí sẵn sàng đàn áp, giết hại những người chống đối mình.
Nhưng dùng bạo lực để giữ chức quyền có khi lại phản tác dụng. Thay vì giúp giữ chức quyền, vũ lực lại làm những nhà lãnh đạo, chế độ độc tài sớm sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine cũng là một ví dụ nữa chứng minh rằng những lãnh đạo, chế độ độc tài không chỉ kìm hãm sự phát triển của một quốc gia mà còn có thể đưa đẩy đất nước ấy vào khủng hoảng, xung đột.
Và thiết nghĩ để đất nước mình khỏi rơi vào một “tương lai bất ổn” giống như Ukraine những lãnh đạo, các thể chế độc tài và tham nhũng khác thay vì cứ tiếp tục đường lối cũ nên tự mình thay đổi.
Tự diễn biến không chỉ tránh được những xung đột đẫm máu hay những chia rẽ, hận thù khác không đáng có mà tiến trình đó cũng dễ thành công hơn.
Những biến động tại một số nước Bắc Phi – Ả Rập hay tại Ukraine trong những năm qua và đặc biệt trong thời gian này cho thấy các căng thẳng, xung đột giữa những người biểu tình, phe đối lập và lãnh đạo, chế độ độc tài thường dẫn đến đổ máu. Hơn nữa, việc xây dựng một xã hội ổn định thời hậu “cách mạng” không phải là một việc dễ dàng.
Trái lại, những thành công của tiến trình cải cách ở Myanmar chứng minh rằng đổi mới – đặc biệt là cởi mở về chính trị – mà giới tướng lãnh tại đây khởi xướng không chỉ giúp quốc gia này tránh được xung đột, đổ máu mà còn làm cho tiến trình dân chủ hóa ở đó cũng diễn ra suôn sẻ.
Đây cũng là một trong ba lý do mà Lex Rieffel nêu lên trong một bài viết được đăng trên Brookings Institute – một viên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, chính trị, chính sách đối ngoại đặt tại thủ đô Washington – để giải thích tại sao tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar dễ thành công hơn ở các nước Bắc Phi – Ả Rập.
Vì chủ động đối thoại với đối lập và sẵn sàng tiến hành những cởi mở chính trị, giới tướng lãnh tại Myanmar dễ dàng được những người dân, đối lập đón nhận, hợp tác. Theo Lex Rieffel việc những lãnh đạo đối lập tại Mynamar không hận thù giới tướng tá nắm quyền cũng là một yếu tố nữa làm cho tiến trình dân chủ hóa ở đây dễ thành công hơn.
Yếu tố khác làm tiến trình dân chủ hóa do những nhà lãnh đạo, chế độ độc tài tiến hành hiệu quả hơn những cuộc nổi dậy do người dân và đối lập khởi xướng là một tiến trình như thế không để lại một”‘lỗ trống quyền lực”. Như vậy – như chính bài viết của tờ Nhân Dân nhân định – sẽ tránh được những tranh giành quyền lực trong nội bộ đối lập và đất nước không “lún sâu vào bất ổn chính trị”.
Vì vậy, có thể nói, nếu thẳng thắn xem xét, đánh giá những biến động ở Ukraine, những lãnh đạo, thể chế độc đoán hay độc tài có thể rút ra được những bài học thiết thực, bổ ích để mình tránh được kết cục như ông Yanukovych và đất nước mình cũng không phải đối diện với những xung đột hiện tại và “tương lai bất ổn” như Ukraine.
THEO VOA
Nhận xét
Đăng nhận xét