Nga hứa không xâm lược Ukraine

Lính Nga đã kiểm soát hoàn toàn Crimea

Theo BBC
Cập nhật: 04:29 GMT - thứ bảy, 29 tháng 3, 2014

Moscow không hề có ý định đưa quân vào Ukraine, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi Tổng thống Nga và Hoa Kỳ có cuộc điện đàm về giải pháp ngoại giao giải quyết khủng hoảng.
Hoa Kỳ ủng hộ kế hoạch kêu gọi Nga hoãn việc củng cố lực lượng quân sự ở biên giới với Ukraine và cho rút các nhóm quân đóng ở Crimea.
Trong khi đó cựu võ sỹ quyền anh và là lãnh đạo đảng đối lập người Ukraine Vitali Klitschko đã rút khỏi cuộc đua giành ghế tổng thống.
Ông nói hôm thứ Bảy 29/03 rằng ông ủng hộ tỷ phú Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử vào tháng Năm tới. Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko cũng nói sẽ tham gia tranh cử.
Ông Klitschko nói về quyết định của mình: "Cơ hội duy nhất để thắng cử là có một ứng viên từ lực lượng dân chủ."
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 hôm thứ Bảy, ông Lavrov nói: "Chúng tôi không hề có ý định - hoặc quan tâm tới - việc vượt qua biên giới Ukraine."
Ông nói thêm rằng Nga đã sẵn sàng bảo vệ "quyền lợi của người Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine, sử dụng mọi phương thức chính trị, ngoại giao và pháp luật".
Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, ông Lavrov đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, mà theo các quan chức Nga, cuộc nói chuyện do phía Hoa Kỳ đề nghị.

'Giải pháp ngoại giao'

"Chúng tôi không hề có ý định - hoặc quan tâm tới - việc vượt qua biên giới Ukraine."
Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga
Điện đàm giữa hai vị ngoại trưởng diễn ra sau khi ông Putin và ông Obama nói chuyện hơn một tiếng trên điện thoại hôm thứ Sáu 28/03, do ông Putin gọi trước, theo quan chức Hoa Kỳ.
"Tổng thống Obama đã nhấn mạnh với Tổng thống Putin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng," thông cáo của tòa Bạch Ốc viết.
"Tổng thống Obama cũng nói rõ rằng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Nga chịu rút quân và không có thêm hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine."
Lãnh đạo hai nước cũng đã đồng ý các ngoại trưởng của mình sẽ gặp mặt để bàn về những bước đi tiếp theo.
Đề xuất của Hoa Kỳ, vốn đã qua thảo luận với Ukraine và các quốc gia EU, bao gồm việc triển khai các quan sát viên quốc tế để bảo đảm quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine, cũng như việc Nga phải rút quân về căn cứ.
Ông Obama nhận cuộc gọi của ông Putin khi đang ở Ả rập Saudi, điểm dừng chân mới nhất của ông sau chuyến công du châu Âu, nơi mà khủng hoảng tại Ukraine đã là đề tài chính của các cuộc thảo luận.
Điện Kremlin nói trong một thông cáo rằng tổng thống Nga đã đề cập với ông Obama về "tình trạng lộng hành của các nhóm cực đoan" tại Kiev và những nơi khác của Ukraine.


Tổng thống Putin đón các tướng lĩnh quân đội ở điện Kremlin hôm 28/03

Những người này đã "có hành động khiêu khích nhằm vào những người dân ôn hòa, công chức nhà nước và các cơ quan hành pháp", thông cáo nói thêm.
Ông Putin gợi ý các bên nên xem xét những cách thức mà cộng đồng quốc tế có thể áp dụng nhằm tháo gỡ căng thẳng và giúp ổn định tình hình.
Động thái di chuyển quân của Nga gần lãnh thổ phía Đông của Ukraine - được Nato gọi là "củng cố quân sự khổng lồ" - làm dấy lên lo sợ rằng mối quan tâm của ông Putin tới Ukraine không chỉ giới hạn ở Crimea.
Biên tập viên chuyên về mảng Bắc Mỹ của BBC, Mark Mardell, nói cuộc điện đàm đêm thứ Sáu cho thấy có thể có tiến trình hướng tới giải pháp ngoại giao - trong lúc lo ngại về việc Nga xâm chiếm vùng phía Đông Ukraine ngày càng gia tăng.
Hoa Kỳ và đồng minh áp dụng cấm vận lên các nhân vật thân cận của ông Putin, và đe dọa sẽ hành động nhắm tới kinh tế Nga, nhằm đáp trả hành động của Nga ở Crimea.
Moscow đã chính thức sáp nhập Crimea sau khi bán đảo với đa số dân cư là người gốc Nga tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ việc quay về với Nga.
Kiev và phương Tây đã gọi cuộc bỏ phiếu này là "bất hợp pháp".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?