Nga sẽ chẳng bao giờ giống chúng ta

Bush va Putin hút thuốc lào. Ảnh minh họa


Bush va Putin không thể giống nhau. Ảnh minh họa

Theo Hiệu Minh blog
Bài của Anne Applebaum do tác giả Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Chúng ta mất 20 năm gắng biến Nga thành một nước phương Tây. Vô ích.
Từng có những giây phút mặn nồng: Bill Clinton và Boris Yeltsin ôm nhau thắm thiết; George W. Bush nhìn vào mắt Vladimir Putin và “hiểu được tâm hồn của ông”; Hillary Clinton nhấn “nút tái khởi động” (Pressing a button). Cũng từng có những lúc đắng cay. Thế nhưng ở phương Tây luôn có một luận thuyết phổ biến về Nga trong hơn hai mươi năm độc lập của đất nước này.

Dù công khai hay ngấm ngầm, từ năm 1991 giới lãnh đạo phương Tây hành xử với giả định rằng Nga là một nước phương Tây còn khiếm khuyết. Có lẽ trong thời Xô Viết, nước này đã trở nên khác hẳn, thậm chí bị biến dạng. Nhưng chẳng chóng thì chầy, đất nước của Tolstoy và Dostoevsky, quê hương của ba-lê cổ điển, sẽ trở về với cái mà Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Liên Xô cuối cùng, đã gọi một cách cảm động là “ngôi nhà Châu Âu chung của chúng ta”.
Trong những năm 1990, nhiều người nghĩ rằng để Nga về với ngôi nhà đó chỉ cần có các chính sách mới: Với những cải cách kinh tế đúng đắn, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ giống chúng ta. Có người lại nghĩ rằng nếu Nga tham gia Hội đồng Châu Âu, và nếu chúng ta biến G-7 thành G-8, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ hấp thu các giá trị phương Tây. Các đặc quyền như vậy thậm chí chưa bao giờ được dành cho Trung Quốc, một cường quốc kinh tế và chính trị lớn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa bao giờ tin rằng Trung Quốc sẽ là “phương Tây”. Nhưng trong thâm tâm chúng ta đã tin rằng một ngày nào đó nước Nga sẽ cùng hội cùng thuyền với chúng ta.
Lại cũng có người nghĩ rằng để nước Nga tiến lên cần có một kiểu ngôn ngữ phương Tây nhất định, một cuộc đối thoại tốt hơn. Khi mối quan hệ đó xấu đi, Tổng thống Bush trách Tổng thống Clinton. Tổng thống Obama trách Tổng thống Bush. Và tất cả chúng ta trách cứ lẫn nhau. Hồi năm 1999, Tạp chí New York Times đăng bài chính lên trang bìa với nhan đề “Ai đã đánh mất Nga?” (“Who Lost Russia?”) Được bàn luận nhiều lúc đó, bài báo này cho rằng chúng ta đã đánh mất Nga “vì chúng ta theo đuổi những nghị trình sai bét đối với nước Nga” và đã tư vấn kinh tế sai lầm. Tuần trước, Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ ở Nga, gợi nhớ lại ý của Putin và cho rằng Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay vì đã “xem Nga là kẻ thua cuộc”.
Những lập luận này chỉ là suy bụng ta ra bụng người: Chính trị Nga chưa bao giờ “liên can đến chúng ta”. Thực tình mà nói chúng ta chẳng có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Nga kể từ năm 1991, ngay cả khi chúng ta hiểu họ. Những thay đổi quan trọng nhất – sự chuyển giao ồ ạt dầu và khí từ nhà nước sang giới chính trị quả đầu (oligarchs), sự trở lại nắm quyền của những người được KGB nhào nặn, sự loại bỏ tự do báo chí và đối lập chính trị – đã diễn ra bất chấp lời khuyên của chúng ta. Các quyết định quân sự quan trọng nhất – các cuộc xâm lược Chechnya và Georgia – đều bị chúng ta phản đối. Tuy nhiều người dường như nghĩ khác, mục đích chính của cuộc xâm lược Crimea cũng không phải là để khiêu khích phương Tây. Như một bình luận viên Nga sắc sảo đã nhận xét, những câu quan trọng nhất trong bài phát biểu sáp nhập [Crimea] của Putin trong tuần này nhìn chung không được chú ý đến: ông nhắc đến “lực lượng phá hoại ngầm” và “những kẻ phản bội” Nga được phương Tây tài trợ mà nay sẽ bị dập tắt. Putin xâm lược Crimea vì Putin cần một cuộc chiến. Trong thời buổi tăng trưởng chậm hơn, và với một tầng lớp trung lưu ngang ngạnh, có thể ông cần thêm vài cuộc chiến nữa. Lần này quả thực không phải liên can đến chúng ta.
Nhưng vì Crimea quá gần với Châu Âu, và vì ngôn ngữ sắc tộc-dân tộc chủ nghĩa mới của Putin gợi lại quá nhiều ký ức về quá khứ đẫm máu của Châu Âu, cuộc xâm lược Crimea có thể có một ảnh hưởng lớn hơn đối với phương Tây hơn cả ý đồ của ông. Tại thủ đô của nhiều nước Châu Âu, các sự kiện ở Crimea đã thật sự gây bàng hoàng. Lần đầu tiên, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng luận thuyết này đã sai lầm: Nga không phải là một cường quốc phương Tây còn khiếm khuyết. Nga là một cường quốc chống phương Tây với một tầm nhìn khác, u ám hơn về chính trị toàn cầu. Các danh sách cấm vận công bố ở Châu Âu tuần này ngắn đến buồn cười, nhưng chính sự xuất hiện các danh sách này phản ánh cuộc bể dâu này. Hai mươi năm qua, chẳng ai nghĩ đến chuyện “chế ngự” Nga. Nay thì người ta sẽ nghĩ về chuyện đó.
Dù gì đi nữa, ngay cả danh sách cấm vận mới và dài hơn của Mỹ cũng chỉ là một tín hiệu. Hiện nay, những thay đổi quan trọng hơn nhiều là các thay đổi chiến lược sâu sắc hơn nên xuất phát từ những hiểu biết mới của chúng ta về Nga. Chúng ta cần suy nghĩ lại NATO, cần chuyển các lực lượng NATO từ Đức sang các biên giới phía đông của liên minh này. Chúng ta cần xem xét lại sự hiện diện của tiền Nga trong các thị trường tài chính quốc tế, do quá nhiều tiền “tư nhân” của Nga thực ra do nhà nước kiểm soát. Chúng ta cần xem lại các luật lệ của chúng ta về rửa tiền và các hình thức tránh thuế, do Nga dùng tham nhũng như một công cụ của chính sách đối ngoại. Trên hết thảy, chúng ta cần xem xét chiến lược năng lượng của phương Tây, do các tài sản dầu khí của Nga cũng được dùng để thao túng chính trị và giới chính khách Châu Âu, và tìm cách giảm sự phụ thuộc của chúng ta.
Tất cả những điều này sẽ mất thời gian, và đối với một số người, như vậy có thể đã quá trễ. Tuần trước ở Kiev, Ukraine, tôi gặp những thanh niên Ukraine nói với vẻ hào hứng đến đau lòng về triển vọng một ngày nào đó họ có thể sống trong một đất nước hoàn toàn khác. Tôi không nỡ lòng nói với họ là tôi không biết liệu họ có bao giờ được như vậy hay không.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

Anne Applebaum là nhà báo viết chuyên mục cho Washington Post và Slate. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale (Mỹ) và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh), thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ba Lan và Nga. Bà chuyên về lịch sử chủ nghĩa cộng sản và việc phát triển xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu, và đã viết nhiều sách về các chủ đề này, trong đó có “Gulag: A History” (Lịch sử nhà tù Gulag) giành được Giải Pulizer năm 2004. Chồng bà, Radosław Sikorski, là Ngoại trưởng Ba Lan.
Đọc thêm: “Đằng sau bức màn sắt“, bài giới thiệu tác phẩm Bức màn sắt: Cuộc thâu tóm Đông Âu (Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe, nhà xuất bản Doubleday) của Anne Applebaum.
Nguyên văn: Pressing the “reset button”. Chi tiết này nhắc tới chuyện năm 2009 ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nút bấm tái khởi động, bày tỏ ý muốn của Mỹ muốn tái khởi động mối quan hệ Mỹ-Nga. (N.D.)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?