Nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật, đáng thương hay đáng trách?

Gò Cỏ May

Hình minh hoạ. Ảnh: FB. VNA
Xin thưa luôn là vừa đáng thương lại vừa đáng trách.

Đáng thương vì chỉ với 21 món hàng quần áo ăn cắp trị giá khoảng 25,7 triệu đồng từ tháng 9 năm ngoái mà bị bắt giữ, thẩm vấn và bị truyền thông quốc tế rùm beng mấy ngày hôm nay. Đáng trách vì “mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới” (quảng bá của Vietnam Airlines trên VTV) như thế là làm xấu hình ảnh của một đất nước mà cha ông ta đã từng tự hào “lành cho sạch rách cho thơm”.


Tối hôm qua (26.03), Truyền hình trung ương của Nhật đã đưa tin, xin trích:

Phía cảnh sát Tokyo cho biết đã tìm ra đầu mối là một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật đã đặt hàng các tiếp viên. Cũng theo điều tra, tháng 6 năm ngoái Bích Ngọc đã thực hiện trót lọt vận chuyển khoảng 3 triệu Yên Nhật tiền hàng (khoảng 618 triệu đồng VN) và nhận lại tiền công vận chuyển.

Nhưng theo lời khai ban đầu, chị Bích Ngọc phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định không biết số quần áo trên là hàng ăn cắp.
(hết trích)

Trong bản tin trên còn loan, báo Nhật nghi ngờ có thêm khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng nằm trong “đường dây” vận chuyển hàng ăn cắp này. Nhưng chỉ có 5 người bị thẩm vấn bao gồm 1 phi công và 4 tiếp viên…

Mặc dù vậy, khi thông tín viên Đài VOA Việt ngữ liên lạc với Phát ngôn nhân hãng Hàng không Vietnam Airlines tối ngày 26/3, ông Trịnh Ngọc Thành, từ chối bình luận và thẳng thừng tuyên bố:
“Tôi không phải người phụ trách….. Tôi không liên quan gì chuyện đó.”

Cũng như các vụ án hối hộ Đại lộ Đông Tây (gọi tắt là vụ Huỳnh Ngọc Sỹ) vào năm 2008. Gần đây thêm chuyện JTC khai báo đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam), để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4,2 tỷ Yen.

Ảnh bên:Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân tham dự quốc yến của Nhật hoàng Akihito. Ảnh: AFP

Nay thêm vụ bắt giữ thẩm vấn nữ tiếp viên của VNA, xem ra những tin thất thiệt trên lại đi ngược lại mối quan hệ nồng ấm “Đối tác chiến lược sâu rộng” mà Việt-Nhật vừa đạt được trong chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 16-19.03.2014 vừa diễn ra.

Nhiều ý kiến bàn luận rôm rả sự kiện này.

Thật tội nghiệp mấy cháu tiếp viên, chỉ buôn bán lặt vặt mà đã bị bắt. Còn những con cá sộp, tham nhũng hàng chục tỷ thì bây giờ chối tội xơi xơi.

... nó làm vậy ko đáng ngượng bằng các em hoa hậu người mẫu bán thân. Chỉ không cảnh giác mang hàng ăn cắp thôi, chứ các em này có ăn cắp đâu.

Bàn về việc này, tôi đã viết trên FB rằng:

Tất cả các loại hàng hóa mang lên máy bay, trừ những thứ vật dụng cá nhân (như đồ dùng sinh hoạt hàng ngày…), còn lại những đồ (hàng hóa) mới đều phải có nguồn gốc rõ ràng. Hành khách hàng không bình thường cũng phải biết những tối thiểu ấy chứ đừng nói là nhân viên HK (tiếp viên, tổ lái). Các em tiếp viên bị bắt tuy không trực tiếp ăn cắp đồ ở siêu thị. Nhưng tiếp tay (như buôn bán, vận chuyển) các đồ ăn cắp cũng vẫn bị khép tội theo luật của nước sở tại (đây là Nhật) như thường. Ở nước Đông Á thân thiện này họ (chính khách) đang rất qúi mến VN (Đối tác chiến lược sâu rộng). Nhưng luật chống tham nhũng (ăn cắp) của nước Nhật là không có vùng cấm với bất kỳ ai (bất luận quan hay dân; chủ hay khách…) nên đất nước người ta mới phát triển và giàu có như hôm nay.

Về mặt cảm tình thì ai cũng thấy người Nhật nói chung đều có nhiều thân thiện với người Việt (người Hoa không có được như vậy). Nhưng gầy đây hình ảnh VN bị hoen ố nhiều bởi thói ăn cắp vặt ở các siêu thị. Không thể đỗ lỗi cho đói rách qúa (kiểu “đói ăn vụng túng làm càn”) được. …

Trên thực tế từ nhiều năm nay đường dây buôn bán đồ ăn cắp từ Nhật về VN đã được các nhân viên VNA thực hiện một cách tích cực (nên cái giá để chạy vào một chân tiếp viên ở tuyến bay này cũng cao ngất ngưởng). Các siêu thị bị mất cắp nhiều, lực lượng an ninh Nhật đã đưa vào tầm ngắm những người khách tới từ Việt Nam đã lâu, nay chín muồi họ mới cất vó thôi. Chứ trong thâm tâm, chính giới Nhật đâu muốn làm to các chuyện này!

Nếu VNA muốn “cải thiện hình ảnh và chất lượng dịch vụ” một cách thực sự. Phải hành động. Chứ đừng hô khẩu hiệu một cách khơi khơi. Nên “tắm gội” cho sạch sẽ thơm tho chứ đừng thoái thác “Tôi không liên quan gì chuyện đó” như cách trả lời vô cảm của người phát ngôn VNA với truyền thông tối 26.03!

Lại nhớ, hồi 1978 khi đi làm phụ quay phim cho bộ phim truyện ”Những người trên mặt sông” (Đạo diễn Xuân Chân), tôi đã chứng kiến cảnh chỉ có một đêm mà công trường đang thi công ở Cầu Thăng Long đã bị mất cắp tới ngót 2000 bóng điện. Nhiều lần ngồi các quán nước ở gần công trường xây dựng các khu lắp ghép ở Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ hay Thành Công tôi cứ thấy các công nhân (thợ nề) xách cạp lồng vào phía trong quán nước xin “rửa nhờ tay” trước khi uống nước. Sau mới biết các cạp lồng đó không chỉ có tác dụng đựng cơm trưa mà còn có tác dụng đựng xi măng lấy trộm được ở công trường bán cho các quán nước để trừ nợ tiền thuốc (quấn) và nước trà chén hàng ngày. Các thợ lát nền, còn có sáng kiến cắm gần chục viên gạch men cỡ nhỏ vào bụng. Thợ sắt còn quấn được vài cân sắt phi 8 vào bắp đùi… bình thản đi qua cổng bảo vệ công trường để bán cho các quán nước. Tôi có hỏi một công nhân ở Công ty xây dựng Khu Nam Hà Nội, anh ta nói không làm như vậy thì không đủ sống, ai cũng thế nên chẳng ai tố cáo ai. Nhân viên bảo vệ cũng xà xẻo vật liệu như công nhân nên biết (ăn cắp) cũng không nỡ bắt, có khi còn nhắc khéo mọi người ”ăn vụng thi chùi mép cho kỹ” vào…

Trái lại ở các công trình xây dựng lớn nhỏ ở xứ “giẫy chết”, những vật liệu xây dựng toàn loại đắt tiền để ngổn ngang mà không ai (cả công nhân lẫn dân đi qua) tơ màng làm gì. Vì có lấy cũng không biết tiêu thụ ở đâu. Đó cũng chính là lý do các công trình xây dựng ở xứ người ta thật chắc bền.

Trở lại chuyện tiếp viên Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) đang bị “Đối tác chiến lược sâu rộng” làm khó dễ thiết nghĩ cũng là chuyện tất yếu mà nước Nhật phải làm. Theo Kyodo, Sở Cảnh sát Tokyo cũng nghi ngờ 20 nhân viên khác của hãng hàng không quốc gia Việt Nam có liên can và yêu cầu 1 cơ phó và 4 tiếp viên khác đến trình diện, những người này hiện không có mặt tại Nhật. Cách đây 5 năm (2009), phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines bị tòa án ở Nhật phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm. Người này còn bị phạt 500.000 Yen Nhật và bị trục xuất về Việt Nam vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Qua đó cho thấy Luật pháp xứ Phù tang thật công tâm. Chuyện nào ra chuyện đó. Họ không có lối đánh trống bỏ dùi trong chống tham nhũng tiêu cực theo kiểu ”Không khởi tố vì đại cục“. Hay “Ngựa chết hết chuyện“.

Trước bê bối này, đại diện của VNA cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của Vietnam Airlines là cương quyết làm rõ và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân nào là tiếp viên hay cán bộ công nhân viên trong tổng công ty lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để mang hành lý sai quy định. Đồng thời, tổng công ty cũng đã kiểm tra và chấn chỉnh lại quy định, tiêu chuẩn liên quan để ngăn chặn việc mang hàng hóa sai quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Nếu cam kết này được nghiêm túc thi hành thì cũng cải thiện phần nào hình ảnh của VNA trước con mắt của người Nhật nói riêng và thế giới nói chung. Song e rằng, bài toán vấn nạn chạy chức chạy quyền vẫn không có lời giải, thì sự cương quyết làm rõ và xử lý nghiêm của Vietnam Airlines cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của câu chuyện mà thôi!

Gocomay

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?