Nguyên Đại sứ Việt Nam kể về những “trò trẻ con” của Trung Quốc
TTXVA
Published on March 26, 2014“Rõ ràng phía Trung Quốc không muốn tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao nhưng không có cách gì truất chức đó của tôi”, đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nói.
TS: Từ ngàn đời nay, việc “nhìn rõ bản chất thực” của Trung Quốc luôn là một ưu tiên hàng đầu để Việt Nam có đối sách phù hợp với người láng giềng cực kỳ khó lường này. Và ít ai có thể hiểu thấu Trung Quốc hơn những cán bộ ngoại giao kỳ cựu đã từng sống giữa lòng Trung Quốc.
Phát biểu không lần nào giống lần nào
Vị “lão” đại sứ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng đoàn ngoại giao tại Trung Quốc chia sẻ: “Do đã ở liền vài nhiệm kỳ ở Bắc Kinh nên theo thông lệ quốc tế, tôi trở thành Trưởng đoàn ngoại giao một thời gian khá dài. Tôi thấy bình thường nhưng ngoại giao đoàn rất coi trọng chức trưởng đoàn đó. Các Đại sứ mới đến Trung Quốc, sau khi đi chào các vị lãnh đạo của nước chủ nhà thì đều phải đến chào trưởng đoàn ngoại giao. Khi tổ chức ngày Quốc khánh nước mình, các đại sứ đều đến mời trưởng đoàn ngoại giao và lại bố trí ngồi chỗ sang trọng nhất bên cạnh bản thân mình. Khi có Đại sứ nào rời nhiệm, nếu có tổ chức gặp gỡ để chào từ biệt ngoại giao đoàn thì trưởng đoàn ngoại giao sẽ được mời và thay mặt các Đại sứ phát biểu lời tiễn biệt.Trong suốt thời gian làm Trưởng đoàn ngoại giao, tôi đã phải làm đến 60 bài diễn văn ngắn để chào mừng hoặc tiễn biệt những người đồng nghiệp. Tuy ngắn vậy thôi, nhưng cũng không phải dễ làm, bởi vì mỗi vị Đại sứ lại đại diện cho mỗi nước khác nhau mà quan hệ với ta cũng khác nhau nên 60 bài đòi hỏi phải hợp với mỗi hoàn cảnh khác nhau đó. Có lần ông Đại sứ Thụy Điển đã nói với tôi: “Tôi theo dõi thấy ngài phát biểu không lần nào giống lần nào.”
Có chuyện ông Đại sứ Mỹ, khi đến nhận chức thì không đến chào tôi, nhưng khi rời chức, tổ chức gặp gỡ để từ biệt thì lại đến Đại sứ quán ta thông báo cho tôi là đã hết nhiệm kỳ và mời tôi đến dự. Tôi nói: “Khi ngài mới đến, hoặc là ngài còn hận Việt Nam, hoặc ngài sợ Trung Quốc nên đã không đến chào tôi. Nhưng hôm nay ngài đã đến mời tôi tới dự buổi gặp mặt từ biệt, tôi nhận lời và sẽ phát biểu ý kiến tiễn chân ngài”. Cái khó là trong trường hợp này ở chỗ ca ngợi ông ta thì không được mà nói xấu ông ta cũng không xong. Tôi phải tìm nhưng câu vô thưởng vô phạt để nói, cuối cùng thì cũng chúc sức khỏe ông ta và gia đình, chúc ông ta lên đường gặp mọi sự may mắn. Các Đại sứ khác nghe vậy cũng thấy là được”.
Tướng Vĩnh kể tiếp: “Mặc dù Trung Quốc lúc đó chẳng ưa gì Đại sứ Việt Nam, lại càng không ưa gì một người luôn đấu lý và lại hay làm họ cứng họng như tôi, nhưng cũng vì tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao nên dịp mừng Quốc khánh của họ hay các dịp nguyên thủ các nước đến thăm, Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi trọng thể, bao giờ họ cũng phải mời tôi ngồi bàn danh dự.
Rõ ràng phía Trung Quốc không muốn tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao nhưng không có cách gì truất chức đó của tôi, nên lắm khi họ bày ra những chuyện nực cười, rất trẻ con để chọc phá tôi.
Trong lần đoàn ngoại giao đi thăm tỉnh An Huy của Trung Quốc, khi kết thúc chuyến hành trình, lãnh đạo địa phương tổ chức tiệc chiêu đãi tại một công viên. Trước khi vào phòng tiệc, một cán bộ ngoại giao Trung Quốc đến nói với tôi: “Những lần trước ngài đã phát biểu rồi, lần này nên làm khác đi, để ông Đại sứ Tan-za-nia (người thứ hai sau trưởng đoàn) phát biểu ý kiến”. Tôi nói: “Nếu không cần phải phát biểu ý kiến gì thì thôi, còn nếu có, theo thông lệ quốc tế, tôi sẽ phát biểu chứ không phải người khác. Nếu các ngài cố ý làm trái, tôi sẽ không dự bữa tiệc này nữa. Và lại tôi cũng chẳng nói xấu gì nước ngài”. Cán bộ Trung Quốc nói: “Sẽ không có ai phát biểu cả”.
Vậy mà ngay lúc đó, phía Trung Quốc lại đi vận động ông Đại sứ Tan-za-nia phát biểu trong bữa tiệc. Nhưng ông Đại sứ Tan-za-nia nói: “Không được! Phát biểu là quyền của ông Đại sứ Việt Nam. Chỉ khi nào ông ấy ủy quyền cho tôi thì tôi mới được nói”. Trong khi các Đại sứ khác đều đi vào phòng tiệc, tôi vẫn đi ở vườn hoa chưa vào. Lúc sau, cán bộ ngoại giao Trung Quốc ra mời tôi vào ngồi ở bàn số một, đối diện với Tỉnh trưởng An Huy, bên cạnh tôi vẫn còn chỗ trống. Thì ra ông Đại sứ Tan-za-nia cũng ngại nên vẫn loanh quanh ngoài vườn hoa chưa vào. Họ lại phải đi tìm và mời vào chỗ trống đó. Lúc khai tiệc, chắc theo đạo diễn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tỉnh trưởng không nói gì. Tôi vẫn chủ động đứng lên nâng cốc, cảm ơn về chuyến đi, chúc sức khỏe Tỉnh trưởng và Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đi cùng và tôi quay lại chúc sức khỏe các bạn đồng nghiệp. Tôi chúc xong mọi người mới bắt đầu cầm đũa”.
Nhà báo Mỹ cũng cứng họng
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh cũng cho biết thêm: “Trong thời kỳ làm Đại sứ, thỉnh thoảng tôi có tổ chức họp báo, lúc thì giới thiệu tình hình nước ta, lúc thì để tố cáo bọn Pol – Pot khiêu khích đánh phá biên giới Việt Nam. Khi Trung Quốc sắp đánh ta, tôi cũng họp báo và tố cáo rằng: “Trung Quốc đang dùng 3 sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam.” Một nhà báo Mỹ đứng lên nói: “Ngài Đại sứ nói quá lên thế chứ, còn theo tình báo của chúng tôi thì đâu có nhiều quân đến thế?”. Tôi nói: “Việc chúng tôi thì chúng tôi biết hơn ai hết. Còn tình báo của các ngài thì chúng tôi cũng biết. Tết Mậu Thân năm 1968, quân chúng tôi đánh vào khắp nơi, đánh cả vào Sứ quán Mỹ, mà trước đó tình báo Mỹ có biết gì đâu!”, các nhà báo cười ồ cả lên.Lúc đó, tôi chợt nghĩ một chuyện về ngài Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc mà tôi nhắc đến ở trên. Khi đến nhậm chức ở Bắc Kinh, ông ta không đến chào tôi, vì vậy sau đó mỗi khi đứng cương vị Trưởng đoàn ngoại giao có việc gì cần gửi thông báo đến các Đại sứ, tôi không gửi cho Sứ quán Mỹ và cho ông ta. Một số Đại sứ khác ở Trung Quốc thấy tôi có thái độ “tẩy chay” Đại sứ Mỹ đã đến vận động tôi đừng làm như vậy. Nhưng tôi nói: “Khi đến ông ta cậy thế nước lớn không đến chào tôi, vì vậy tôi cũng không việc gì phải giao thiệp với ông ta”. Không biết có phải ông Đại sứ Mỹ đã được chuyển đến tai câu nói đó của tôi hay không, mà khi tổ chức chiêu đãi rời nhiệm sở, ông ta đã phải đến tận nơi mời tôi”.
“Làm đại sứ ở Trung Quốc trong những năm nước này cố tình khiêu khích và biến Việt Nam thành kẻ thù, đã đành là rất cẳng thẳng thần kinh và hao tổn thể chất; nhưng với tôi, cũng không phải hoàn toàn chỉ có vất vả gian khổ. Cũng có những khi được “đắc ý” chứ. Ấy là niềm vui sau những cuộc đấu lý với Trung Quốc. Họ thì hùng hùng hổ hổ, đập bàn đập ghế, dùng nhưng lời lẽ đao to búa lớn để vu cáo trắng trợn và đe dọa ta. Tôi thì vận hết “nội công” cố sức kiềm chế để không bị cuốn vào cái kiểu hùng hổ bất lịch sự, phi ngoại giao đó, để tìm những lý lẽ và ngôn từ đích đáng, đập lại họ, buộc họ phải rút dù. Sau mỗi cuộc như vậy, tôi thấy như người đánh cờ, thắng được một ván là có được một niềm vui”, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói.
THEO TRÍ THỨC TRẺ
Nhận xét
Đăng nhận xét