ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 30/6/2014
Anh có thể rời Liên Hiệp Châu Âu ?
Tương lai nào cho quan hệ giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu ? Về chủ đề này, báo Le Figaro có hồ sơ mang tựa đề « Anh có thể giã từ Liên Hiệp Châu Âu ? ». Việc Thủ tướng Anh gần như một mình chống lại việc ông Jean-Claude Juncker ứng cử chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho thấy rạn nứt ngày càng gia tăng giữa đảo quốc sương mù với lục địa. « Brexit » (British exit) không chỉ là lời lẽ mang tính khẩu chiến, mà là một khả năng đang được xem xét.
Ngày thứ Sáu 27/06/2014, ông Jean-Claude Juncker, 58 tuổi, nguyên Thủ tướng Luxembourg, cựu Chủ tịch khối đồng Euro (Eurogroupe), vừa được đa số chính phủ các nước Liên Hiệp Châu Âu tiến cử vào cương vị Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chức vụ tương đương « Thủ tướng » của khối 28 nước. Quyết định này còn phải được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn với ít nhất 376 phiếu (trên tổng số 751), tuy nhiên khả năng bác bỏ là rất thấp, vì cựu Chủ tịch khối đồng Euro là ứng cử viên của khối đảng bảo thủ Châu Âu.
Ứng viên Chủ tịch Châu Âu không có tố chất của nhà cải cách
Bình luận về chủ đề này Le Monde có bài xã luận « Ông Juncker và thách thức cải cách », nhấn mạnh đến « một bước ngoặt lịch sử trong quá trình xây dựng Châu Âu », với việc chức Chủ tịch Ủy ban thuộc về đảng chiến thắng trong cuộc tranh cử nghị viện, qua cuộc bỏ phiếu trực tiếp, chứ không phải do thương thuyết giữa các chính phủ.
Khẳng định ông Juncker là « một người (lãnh đạo) Châu Âu có kinh nghiệm, một người nhiệt huyết với việc công, một người lao động miệt mài, một người biết nhiều ngôn ngữ, người nắm vững nghệ thuật thỏa hiệp – rất cần thiết đối với công việc nội bộ của Châu Âu, có óc khôi hài cũng như khả năng trực giác », tuy nhiên Le Monde lo ngại là, ứng cử viên « Thủ tướng » Châu Âu không có tố chất của một người cải cách, điều này có thể làm gia tăng sự đối kháng với Châu Âu ở cử tri, đặc biệt cử tri Anh Quốc. Vẫn theo Le Monde, nếu đắc cử tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 16/07 tới, một trong các nhiệm vụ hàng đầu của tân Chủ tịch Ủy ban sẽ là « khắc phục quan hệ với Luân Đôn ».
Ra khỏi Châu Âu : Lợi ít, hại rất nhiều
Bài viết « Anh có thể giã từ Liên Hiệp Châu Âu ? » của Le Figaro dự báo những lợi hại của quyết định tách Anh Quốc khỏi EU.
Theo giám đốc viện tư vấn Open Europe, xác suất hiện nay cho khả năng này là 15%. Nếu tái đắc cử Thủ tướng Anh, ông David Cameron hứa sẽ đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý cử tri trước cuối 2017. Từ đây tới đó, Thủ tướng Anh có tham vọng « thương thuyết lại » quan hệ giữa Luân Đôn và Bruxelles. Ý muốn chung của lãnh đạo Anh là giảm các quy định, can thiệp vào công việc nội bộ từ phía Liên Âu, cũng như các hợp tác, điều cơ bản mà Thủ tướng Anh muốn là Châu Âu là « một thị trường thống nhất ». Sức ép của đảng dân tộc chủ nghĩa Ukip, về đầu trong cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu tại Anh, và ảnh hưởng của một bộ phận lớn truyền thông Anh có thể làm gia tăng thêm tình cảm đối kháng với EU tại nước này.
Theo Le Figaro, nếu ra khỏi Liên Hiệp, trước hết Anh Quốc sẽ tiết kiệm được 10 tỷ euro đóng góp hàng năm, tương đương 0,5% GDP. Những người ủng hộ giải pháp ra khỏi Châu Âu cho rằng, giải phóng khỏi các luật lệ do Bruxelles áp đặt, Anh Quốc sẽ được cởi bỏ rất nhiều rào cản giới hạn tăng trưởng và tự do kinh doanh. Bằng cách kiểm soát chặt các luồng nhập cư qua biên giới, Anh Quốc có thể thoát khỏi một Châu Âu già nua, với khu vực đồng euro đang trì trệ, để mở rộng quan hệ với các cường quốc đang nổi lên (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…), các đối tác truyền thống trong khối Thịnh vượng chung hay Hoa Kỳ. Theo một báo cáo được trao tặng giải thưởng chính thức « Brexit » của Viện Institute of Economic Affairs, nếu việc giã từ EU được quản lý tốt, tăng trưởng của Anh có thể tăng thêm 1,1%. Ngược lại, nếu quản lý tồi, có thể gây thiệt hại 2,6%.
Thiệt hại đến 9,5% GDP và mất ghế Hội đồng Bảo an
Theo Le Figaro, nguy cơ lớn nhất của việc rời EU đối với Anh là ngoại thương giảm sút và giảm sức hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài. Hiện nay hơn một nửa xuất khẩu của Anh là sang Liên Âu, tương đương 15% GDP. Rời EU, Anh sẽ mất ngay lối vào thị trường lớn này, cũng như các lợi ích do nhiều thỏa thuận thương mại giữa EU với các vùng hay các nước khác. Theo một tính toán của London School of Economics, Luân Đôn sẽ bị thiệt từ 1,1% đến 3,1% GDP. Cộng với việc năng lực sản xuất sụt giảm, thiệt hại tổng cộng có thể lên đến 9,5% GDP. 3,3 triệu chỗ làm tại Anh có khả năng bị mất.
Một nguy cơ khác là vị trí thủ đô tài chính Châu Âu của Luân Đôn, chiếm 74% hoán đổi ngoại tệ của Châu Âu, 40% các thanh khoản bằng euro, bị đe dọa nghiêm trọng. Đa số các lãnh đạo ngân hàng nước ngoài có cơ sở tại Anh phản đối giải pháp « Brexit ».
Với việc ra hẳn Châu Âu, Anh Quốc cũng có thể xem xét lại, để có các quan hệ đặc biệt với Châu Âu, như kiểu Na Uy, Thụy Sĩ, hay Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, theo Le Figaro, không có giải pháp nào là lý tưởng trong trường hợp này, vì bất luận thế nào, Luân Đôn cũng buộc phải xây dựng lại toàn bộ các quan hệ với các nước hay các vùng có hiệp định với Châu Âu.
Một vấn đề cuối cùng là, ra khỏi EU, Anh sẽ bị suy yếu về chính trị. Cùng với nguy cơ xứ Scotland tuyên bố độc lập, việc cắt rễ với Châu Âu có thể đẩy nhanh quá trình phân rã của vương quốc Anh, và có thể đe dọa chính chiếc ghế của Luân Đôn tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ukraine : Khả năng hòa dịu còn xa vời
Liên quan đến Châu Âu, khủng hoảng Ukraina là một tít lớn khác của báo Pháp. Le Monde có bài « Khủng hoảng Ukraina, khả năng ''hòa dịu'' vẫn còn xa vời ».
Việc Ukraina, cùng hai quốc gia Liên Xô cũ, Gruzia và Moldavia, ký hiệp định liên kết với Châu Âu, được đánh giá là một « thời điểm lịch sử ». Tổng thống Ukraina nhấn mạnh đến cái giá vô cùng lớn lao mà người Ukraina đã phải trả để đi đến được mục tiêu này. Nguyên thủ Ukraina nhắc đến hành động không chấp nhận ký hiệp định của cựu Tổng thống Viktor Yanoukovitch cuối năm ngoái, đã dẫn đến cuộc « cách mạng Maidan », khiến ông Yanoukovitch bị lật đổ.
Về vấn đề này, Le Monde ghi nhận một thái độ hoàn toàn ngược lại từ phía Nga. Cùng lúc với việc ba nước Liên Xô cũ ký kết hiệp định, Matxcơva liên tục đưa ra các đe dọa. Tổng thống Nga đổ cho EU là các thủ phạm của cuộc khủng hoảng vừa qua. Một cố vấn của Tổng thống Putin thì khẳng định Tổng thống Ukraina là « phát xít » và cuộc bầu cử vừa qua là bất hợp pháp.
Theo Le Monde, « cuộc tranh luận về không gian Châu Âu hậu xô viết, tưởng như khép lại với việc sụp đổ bức tường Berlin, kể từ này lại tiếp tục mở ra ». Cũng trong hồ sơ này, Le Monde chú ý đến việc ngoại trưởng 28 nước Châu Âu nhất trí chấp nhận để Albani trở thành ứng viên vào Liên Hiệp Châu Âu.
Về hồ sơ này, Le Figaro có bài « Ukraina : các thương thuyết hòa bình còn xa », nhấn mạnh đến việc Tổng thống Nga kêu gọi nguyên thủ Ukraina triển hạn ngừng bắn, chấm dứt vào ngày hôm nay. Theo Le Figaro, tuyệt đại đa số các nước Châu Âu đã sẵn sàng cho đợt trừng phạt thứ ba nhắm vào Nga.
Về các đàm phán giữa Ukraina với phe nổi dậy, việc hai lãnh đạo thân Nga (Alexander Borodai, « Thủ tướng » nước Cộng hòa tự phong Donetsk và Viktor Medvedtchouk, lãnh đạo phong trào chính trị « Sự lựa chọn Ukraina ») được chấp nhận vào bàn đàm phán được Matxcơva đánh giá tích cực. Tất cả dường như cho thấy các đối thoại thực sự đang được chuẩn bị, để thực thi kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraina. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, các nhân vật này chỉ là những con rối trong cuộc tranh chấp thực sự giữa Kiev và Matxcơva. Nếu đàm phán không đạt kết quả, đọ sức quân sự sẽ lại tiếp tục. Trên thực tế, chiến sự vẫn tiếp diễn tại miền Đông, kể từ 24 giờ nay, thêm 24 quân nhân chính phủ là nạn nhân trong các đụng độ, trong đó có 5 người tử vong do bị thương quá nặng.
Vụ ngân hàng BNP Paribas : « Đồng đô la, bạo chúa không thể bị lật đổ »
Nhân sự kiện ngân hàng BNP Paribas bị tư pháp Hoa Kỳ phạt gần 9 tỷ đô la, phụ trương kinh tế Le Monde có bài « Đồng đô la, bạo chúa không thể bị lật đổ trên trường quốc tế ».
Bị kết tội vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ với Iran, Sudan và Cuba, ngân hàng lớn của nước Pháp đã phải chấp nhận trả khoản tiền phạt khổng lồ này, cao nhất đối với một ngân hàng ngoại quốc, sau nhiều thương lượng.
Le Monde nhận định, vụ án này cho thấy : chiếm 81% thị trường tài chính toàn cầu, đồng đô la Mỹ thực sự là một « con ngựa thành Troa » của chú Sam, một vũ khí hết sức lợi hại. Thống đốc ngân hàng Pháp/Banque de France, Christian Noyer, nhận định, sau vụ này, các doanh nghiệp sẽ phải rút kinh nghiệm và tìm cách « sử dụng các ngoại tệ khác nhiều nhất có thể ». Tuy nhiên, vẫn theo tờ báo, các ngoại tệ hạng thứ như đồng euro, đồng yen, đồng yuan, còn xa mới át được đô la.
Hồng Kông : « Tôi cảm thấy bị Trung Quốc phản bội »
Nhìn sang Châu Á, Le Figaro có chùm bài về phong trào dân chủ Hồng Kông. Sau thành công của cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về quyền bỏ phiếu chọn lãnh đạo vùng đất nhỏ bé này, với 800.000 người tham gia, dân Hồng Kông sẽ tiếp tục biểu tình ngày mai để bày tỏ thái độ. Cuộc biểu tình để biểu dương lực lượng ngày mai hy vọng sẽ có hơn 500.000 người tham gia.
Phóng sự do đặc phái viên tại chỗ gửi về cho biết « các chỉ trích vụng về » của Bắc Kinh và bài xã luận tờ báo chính thức Hoàn Cầu thời báo, chỉ khiến người Hồng Kông thêm kiên quyết. Một người Hồng Kông khẳng định, kể từ khi khu vực này được giao trả lại cho Trung Quốc, các quyền tự do bị thu hẹp một cách hết sức nhanh chóng và đặc biệt là ngự trị « một hình thức tự kiểm duyệt » trong giới tinh hoa, đặc biệt là giới doanh nghiệp và giới truyền thông. Điều chủ yếu là các doanh nghiệp Hồng Kông vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc làm ăn với Hoa lục, và báo chí thì không muốn mất hợp đồng quảng cáo.
Mới đây bốn văn phòng tư vấn lớn của Hồng Kông (Ernst & Young, KPMG, Deloitte Kwan Wong Tan & Fong và Pricewaterhouse Coopers) ra thông cáo chung, kêu gọi các lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ « giải quyết mâu thuẫn với Bắc Kinh bằng đối thoại ».
Về mặt nguyên tắc, mô hình « một đất nước, hai chế độ » liên quan đến Hồng Kông được bảo đảm đến năm 2047. Mặt khác, không muốn mất đi thị trường tài chính số một Châu Á này, chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, một giáo sư luật đại học Hồng Kông rất nghi ngờ : « Kể từ khi nắm quyền, (…) Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ có một ám ảnh duy nhất là củng cố quyền lực và áp đặt sự thống trị của Đảng lên toàn xã hội ».
Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro có bài phỏng vấn rất đáng chú ý với cựu lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, với tựa đề « Anson Chan : Tôi cảm thấy bị Trung Quốc phản bội ». Từng là người ủng hộ nhiệt thành việc Hồng Kông trở về đại lục, 17 năm sau, ông cảm thấy hối hận, vì cảm thấy mình bị phản bội, vì các nỗ lực của Trung Quốc tăng cường kiểm soát đặc khu. Sách Trắng mới đây của chính quyền Bắc Kinh cho rằng người Hồng Kông hiểu sai về « luật cơ bản », theo ông, đó là một « lời nhục mạ không thể chấp nhận ». Bên cạnh đó, cựu lãnh đạo Hồng Kông Anson Chan tỏ ra thất vọng trước thái độ của Thủ tướng Anh, cũng như một số lãnh đạo phương Tây khác, để mặc Bắc Kinh mặc sức « viết lại » các hiệp ước quốc tế đã ký kết.
Trang nhất các báo Pháp
Châu Âu là chủ đề thu hút chú ý của báo chí Pháp ra ngày hôm nay. « Hồi ức tan tác của Đại chiến thứ nhất » là tựa đề chính trang nhất Le Monde, ghi nhận khoảng cách rất lớn trong thái độ của các nước Châu Âu khi nhìn lại vụ ám sát, làm bùng nổ cuộc Thế chiến cách nay 100 năm.
« Matteo Renzi, ảnh hưởng lan rộng tại Châu Âu », Le Figaro nhấn mạnh đến tân Thủ tướng Ý, với tài ăn nói, đang muốn định hướng lại chính sách của Châu Âu, trong nhiệm kỳ Ý làm chủ tịch. Hồ sơ « Khi các thẩm phán xem xét các luật » của La Croix chú ý đến quyết định mới của Tòa án Nhân quyền Châu Âu bác bỏ phán quyết của Tòa án Pháp, buộc Pháp phải công nhận những đứa trẻ của những người mang thai hộ ở nước ngoài.
« Hamon (Bộ trưởng Giáo dục) : Có thể làm tốt hơn ! », Libération liệt kê hai biện pháp của người tiền nhiệm mà tân Bộ trưởng Giáo dục phải chấp nhận lùi lại, do bị phản đối : cải cách lịch học và chương trình giảng dạy ABCD về bình đẳng giới. Cũng về thời sự Pháp, « BNP Paribas, khoản tiền phạt lịch sử » là hàng tựa trang nhất Les Echos, đề cập đến phán quyết của tư pháp Mỹ vừa được đưa ra tối qua, phạt ngân hàng Pháp 9 tỷ đô la
Nhận xét
Đăng nhận xét