VN chỉ trích bản đồ mới của TQ
Bắc Kinh vừa công bố bản đồ chính thức mới, khiến Việt Nam lo
ngại về tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Thông Tấn Xã Việt Nam cáo buộc bản đồ này “trắng trợn ‘nuốt chửng’ gần như
toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông của Việt Nam”.Trong đó, “Bản đồ Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc thể hiện vùng biển đảo theo tỷ lệ tương đương với các khu vực đại lục, thay vì thể hiện thành một ô vuông góc phía dưới bên phải trên bản đồ ngang như trước đây.
Các bản đồ trước đây của Trung Quốc cũng xác định phần họ coi là chủ quyền trên Biển Đông, nhưng chỉ xuất hiện dưới dạng hộp chỉ dẫn nhỏ phía góc bản đồ.
“Các đảo Nam Hải trên bản đồ trước kia xuất hiện ở hộp chỉ dẫn, khiến người xem không thể nhận thức đầy đủ và trực tiếp bản đồ hoàn chỉnh của Trung Quốc,” Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên website.
Bản đồ cũ khiến ‘các đảo Nam Hải’ trông giống phần phụ lục hơn là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, tờ báo này giải thích thêm, cho rằng bản đồ mới khẳng định chủ quyền “một cách rõ ràng chỉ bằng một cái liếc mắt”.
“Bản đồ khổ dọc này có ý nghĩa quan trọng để nâng cao hiểu biết của người dân trong việc đảm bảo quyền lợi biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc,” một quan chức giấu tên từ nhà xuất bản nói với Nhân dân Nhật báo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an rằng dư luận không nên phân tích quá kỹ về bản đồ mới.
“Mục đích là phục vụ công chúng Trung Quốc. Về ý đồ của nó, tôi nghĩ không cần phải nói nhiều về sự liên hệ nào cả,” bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
“Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải là thống nhất và hết sức rõ ràng. Chúng tôi không thay đổi gì cả.”
Nói với BBC, ông Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu về Biển Đông đang sống tại Anh, cho rằng việc Trung Quốc ban hành bản đồ chính thức mới chứng tỏ Bắc Kinh không thay đổi gì về lập trường.
"Họ vẫn đòi tất cả các đảo, họ vẫn đòi phần lớn Biển Đông, và họ vẫn còn mập mờ về ý nghĩa của đường chữ U."
Dương Danh Huy
"Chiến lược của họ cho việc chiếm đoạt phần lớn Biển Đông cũng không hay đổi: đó là thực hiện việc chiếm đoạt bằng từng bước một. Việc ban hành bản đồ này là một trong những bước đó. Về đối nội, nó nhằm hun đúc thêm tham vọng của người dân Trung Quốc về Biển Đông. Về đối ngoại, nó nhằm làm cho thế giới dần dần thấy đường chữ U là bình thường."
Ông Huy nói thêm: "Việt Nam cũng nên đối trọng bằng cách thêm ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vào bản đồ chính thức của mình."
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% diện tích biển Đông, nhưng Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần của vùng biển được cho là giàu năng lượng này.
Căng thẳng gia tăng ở khu vực trong những tháng gần đây, đặc biệt là giữa Trung Quốc - Việt Nam, và Trung Quốc – Philippines.
Bắc Kinh đã mang một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đầu tháng trước, dẫn đến những vụ đụng độ trên biển của hai bên và làm bùng phát các vụ bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét