Quan hệ Nga-Trung và hồ sơ Biển Đông



Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp 14/05/2014) - REUTERS

Theo RFI
Đức Tâm
Thứ hai 23/6/2014

Vào lúc tình hình Biển Đông căng thẳng do việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình, Mỹ, Nhật và một số nước đều lên tiếng bày tỏ lập trường. Tuy nhiên cho tới nay, Nga vẫn kín tiếng.
Câu hỏi đặt ra là lập trường của Nga trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ra sao ? Vào lúc Nga và Trung tăng cường quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thì Liệu Matxcơva có ủng hộ Bắc Kinh hay không ?
Bài viết « Vì sao Nga không ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông », đăng trên tạp chí The Diplomat, đã giúp giải đáp phần nào các câu hỏi trên. Điều đáng chú ý, tác giả bài báo là nhà báo Trung Quốc Mục Xuân San (Mu Chunshan), làm việc tại Bắc Kinh.
Yếu tố đầu tiên lý giải sự im lặng của Nga, đó là vì Matxcơva và Bắc Kinh không phải là đồng minh, cho dù hai bên có quan hệ đối tác chiến lược. Nền tảng cơ bản của mối quan hệ song phương này là hai bên cùng có lợi và do vậy, không tác động nhiều đến chính sách của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Yếu tố thứ hai là Nga có quan hệ tốt với các nước trong khu vực Đông Nam Á và không muốn làm mất lòng các nước này để có được quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam và Philippines là hai nước lớn tiếng chỉ trích thái độ hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Nga có quan hệ hữu hảo với hai quốc gia này. Kế thừa mối quan hệ đặc biệt từ thời Liên Xô cũ, nước Nga hiện nay là đối tác chủ chốt của Việt Nam trong lĩnh vực quân sự.
Mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng Philippines cũng có bang giao hữu hảo với Nga. Cách nay hai năm, ba tàu chiến Nga đã tới thăm Philippines.
Khu vực Đông Nam Á không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ; mối quan tâm hàng đầu của Matxcơva là Châu Âu. Trong khi đó, Washington rất chú ý đến vùng Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm tự do lưu thông hàng hải vì đó là lợi ích của Hoa Kỳ. Do vậy, Nga không có lợi ích gì khi đối đầu với Mỹ, chỉ vì ủng hộ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, còn có yếu tố cạnh tranh, canh chừng nhau giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Tại Nga, vẫn có nhiều người lo ngại về tham vọng lãnh thổ, tài nguyên của Trung Quốc. Mặc dù Matxcơva tuyên bố lạc quan về tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước trong việc khai thác vùng viễn đông Nga, nhưng Nga vẫn luôn luôn cảnh giác trước ý đồ bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Dường như để trấn an công luận Trung Quốc, tác giả Mục Xuân San giải thích là bề ngoài, Nga và Trung Quốc đều có thái độ mập mờ trong các hồ sơ quốc tế, nhưng hai bên vẫn ủng hộ nhau.
Ví dụ, trong hồ sơ Crimée, Bắc Kinh không công khai lên án Matxcơva và vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc chống Nga. Theo cùng lô gích, trong hồ sơ Biển Đông, sự im lặng của Nga không có nghĩa là Matxcơva không ủng hộ Bắc Kinh và Nga có cách riêng ủng hộ Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc tập trận chung giữa hai nước ở biển Hoa Đông trong thời gian qua.
Trong những ngày gần đây, báo chí Nga đưa tin là Việt Nam có thể ưu tiên để Nga sử dụng cảng Cam Ranh. Nếu thông tin này được khẳng định thì đây là một tính toán của Hà Nội : Matxcơva là đối tác toàn diện của Bắc Kinh và giữ thái độ trung lập trong hồ sơ Biển Đông, thì việc để cho Nga vào Cam Ranh, trên nguyên tắc, sẽ không gây ra phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Vạn sự khởi đầu nan. Nga hiện diện tại Cam Ranh rồi thì tại sao lại không có các nước khác ? Năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng tuyên bố Việt Nam tự xây dựng lại cảng Cam Ranh, mở cửa làm dịch vụ cho tất cả tàu bè nước ngoài. Có nghĩa là cảng Cam Ranh có thể đón tàu bè của Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?