Tin khắp nơi – 29/08/2016
Bỉ bắt năm người sau vụ cháy nổ
Năm người bị bắt giữ sau vụ cháy nổ ở phòng thí nghiệm tội phạm ở Bỉ mà các quan chức nước này cho là nhằm phá hoại chứng cứ pháp y.
Phát ngôn viên công tố, bà Ine Van Wymersch nói một chiếc xe hơi đã đâm qua hàng rào vào lúc 02:00 (giờ địa phương) hôm 29/08.
Chiếc xe sau đó đâm vào tòa nhà nơi thực hiện các xét nghiệm pháp y, trước khi xảy ra hỏa hoạn. Cảnh sát chưa xác nhận liệu có phải đã có một trái bom phát nổ hay không.
Bà Van Wymersch nói mục tiêu chính có thể là nhằm hủy hoại “một số hồ sơ” bên trong.
Tòa nhà hiện vẫn chưa đủ an toàn để vào bên trong, theo phát ngôn viên, nên vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ thông tin nổ bom.
Không lâu sau khi xảy ra vụ việc, năm người đã bị bắt giữ gần đó, bà Van Wymersch nói trong cuộc họp báo.
“Không phải tình cờ mà địa điểm này được chọn,” bà nói. “Đây là khu vực quan trọng, chứa nhiều tài liệu nhạy cảm liên quan tới các vụ điều tra đang diễn ra.”
Khoảng 30 lính cứu hỏa đã tới dập lửa ở Viện Nghiên cứu Quốc gia về Tội phạm học (National Institute of Criminology), mà truyền thông địa phương mô tả là bị hư hại “nặng nề” nhưng không xảy ra thương vong.
Phân tích pháp y liên quan tới các vụ phạm tội được thực hiện ở tòa nhà này, nhưng kênh RTL đưa tin rằng đây không phải là phòng thí nghiệm duy nhất có liên quan tới cảnh sát.
Hình ảnh do RTL nhận được từ người dân xung quanh cho thấy lửa và khói dày đặc bốc lên trong đêm.
Viện nghiên cứu độc lập này có liên hệ với cơ quan tư pháp liên bang của Bỉ, nằm ở Neder-Over-Hembeek, ngoại ô phía bắc thành phố Brussels.
Bilal Hadfi, người đánh bom tự sát ở sân vận động Stade de France tháng 11/2015 trong cuộc tấn công Paris, từng sống ở khu vực này.
Mức độ báo động khủng bố của Bỉ vẫn ở mức cao kể từ khi xảy ra vụ tấn công bom ở sân bay Brussels và ở bến tàu điện ngầm của thành phố, do tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, khiến 32 người thiệt mạng hồi tháng 3/2016.
Đánh bom tự sát ở Yemen gây thương vong lớn
Chính quyền Yemen cho biết rằng một vụ đánh bom tự sát ở thành phố Aden ở miền nam đã làm ít nhất 45 người chết, và hàng chục người khác bị thương.
Theo các quan chức, hôm nay, 29/8, một kẻ đánh bom tự sát đã lái chiếc xe chở đầy thuốc nổ đâm vào tòa nhà được các binh sĩ thân chính phủ sử dụng.
Yemen đang lâm vào cuộc chiến giữa một bên là chính phủ của Tổng thống được quốc tế công nhận, ông Abdu Rabu Mansour Hadi cùng liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu, và một bên là phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Lực lượng này cho rằng họ đã bị chính phủ phân biệt đối xử suốt nhiều năm.
Liên Hiệp Quốc nói rằng hơn 6.000 người, ít nhất một nửa là thường dân, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Ngoài ra, chiến binh của các tổ chức khủng bố là al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công ở các khu vực bất ổn ở miền nam và đông nam Yemen.
Tuy nhiên, chưa có ai hay tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công hôm 28/8.
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật tăng sau Thế vận hội Rio
Một cuộc thăm dò do kênh truyền hình TV Tokyo thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông Nikkei thực hiện ở Nhật Bản từ ngày 26 tới 28/8 cho thấy rằng 62% người được hỏi cho biết hậu thuẫn chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, tức tăng 6 điểm so với hồi tháng Hai, dù các chính sách kinh tế của ông vẫn chưa được toàn dân đồng lòng ủng hộ.
Cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 40% người được hỏi ủng hộ Abenomics, chính sách kích thích tiền tệ và tài chính kèm theo cải cách cơ cấu kéo dài ba năm. Đương kim Thủ tướng Nhật Bản lên nắm quyền kể từ năm 2012.
Ông Jeff Kingston, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nói với Đài VOA rằng cho dù người dân không nghĩ rằng chính sách kinh tế đặt theo tên ông Abe thực sự hiệu quả, tỷ lệ ủng hộ cao dành cho ông Abe có thể do tâm trạng phấn chấn của dân chúng sau khi các vận động viên của Nhật giành được 41 huy chương các loại tại Thế vận hội Rio.
Ông Kingston nhận định rằng ông Abe có thể tại vị cho tới sau khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội 2020.
Nhưng theo nhà nghiên cứu này, để có thể làm vậy, ông Abe cần phải tổ chức các cuộc bầu cử bất thường trước khi nhiệm kỳ hiện thời của ông kết thúc vào năm 2018, đồng thời phải thay đổi luật lệ của đảng để ông có thể tiếp tục lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) sau hai nhiệm kỳ.
Ông Kingston nói thêm rằng việc ông Abe bổ nhiệm bà Tonomi Inada là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản là điều đáng chú ý.
Giáo sư nghiên cứu về châu Á này cho biết tiếp rằng hiện có các tin tức nói bà đang được “huấn luyện” để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật.
NKDB thu thập bằng chứng về những trại tù Bắc Triều Tiên
Brian Padden
Một tổ chức nhân quyền đang bắt đầu thu thập bằng chứng để cuối cùng truy tố lãnh tụ Kim Jong Un và những nhà lãnh đạo khác của Bắc Triều Tiên vì những tội ác chống nhân loại bằng cách ghi lại chi tiết những thông tin về hàng ngàn người bị đưa vào những trại tù chính trị.
Trung tâm Cơ sở Dữ liệu cho Nhân quyền Bắc Triều Tiên (NKDB) đã công bố một danh sách những người bị giam giữ trong những nhà tù chính trị, nhân viên và nạn nhân của những vụ cưỡng bức mất tích, bao gồm tên, thời điểm bị giam cầm, tội bị cáo buộc và địa điểm của những trại vẫn còn hoạt động.
Kim In-sung, một nhà nghiên cứu tại NKDB, cho biết:
“Bằng cách cung cấp thông tin cụ thể về từng thủ phạm, chúng tôi có thể cho họ thấy rằng họ chịu trách nhiệm về những hành động của mình trong trường hợp có sự khai mở ở Bắc Triều Tiên.”
Bằng chứng
Danh sách này dựa trên những cuộc khảo sát và phỏng vấn với hơn 1.000 người đào tị Bắc Triều Tiên. Mục đích của nó là cung cấp thêm bằng chứng để củng cố bản phúc trình năm 2014 của Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc ghi lại một mạng lưới những trại tù chính trị ở trong nước và những hành vi tàn bạo tràn lan, tương đương với những gì Đức Quốc xã đã làm trước và trong Thế chiến thứ Hai.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã biểu quyết đưa Bắc Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế về những cáo buộc tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên biện pháp này bị đình trệ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nơi mà hai đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của họ.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã biểu quyết đưa Bắc Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế về những cáo buộc tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên biện pháp này bị đình trệ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nơi mà hai đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của họ.
Bắc Triều Tiên đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của những trại tù ở trong nước.
Sau khi bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc được công bố, Kim Song, một quan chức của phái bộ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc gọi những cáo buộc về hành vi tàn bạo là “vô căn cứ,” và gọi những người đào tị khai chứng là “cặn bã loài người.”
Những địa điểm
NKDB liệt kê vị trí của bốn trại tù đang hoạt động tại Bắc Triều Tiên, nhưng nói rằng có thể có những trại khác mà họ không biết.
Trại 15 ở Yodeok và trại 14 ở Gaecheon nằm gần thủ đô Bình Nhưỡng. Trại 16 ở Hwaseong và trại 25 ở Cheongjin nằm gần Nga hơn ở vùng đông bắc Bắc Triều Tiên.
NKDB nói rằng sự tồn tại của những trại này, cũng như con số ước tính hơn 100.000 tù nhân chính trị đang bị giam cầm tại những địa điểm này, đã được hình ảnh vệ tinh xác nhận.
Tổ chức này cũng ghi nhận một số trại tù khác không còn hoạt động nữa.
Những tội phạm
Danh sách những tội mà những người bị cáo buộc phạm phải bao gồm chỉ trích nhà nước, hoạt động tôn giáo, tìm cách trốn sang Hàn Quốc, nghe đài phát thanh nước ngoài và tìm cách liên lạc với người Hàn Quốc.
Danh sách dài những tù nhân trong một số trường hợp có từ hàng chục năm trước.
Năm 1970, Kim Gang Cheol được cho là bị đưa vào trại 15 với cáo buộc phạm tội vì quan hệ gia đình liên quan tới người anh trai của ông ta. Người anh bị đưa vào một trại tù vì lên tiếng phàn nàn về chính phủ.
Nạn đói nghiêm trọng trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, giết chết hơn 3 triệu người Bắc Triều Tiên, đã chứng kiến sự gia tăng những vụ bắt giữ những gia đình tìm cách trốn thoát sang Hàn Quốc để tìm kiếm những nhu cầu cơ bản của con người.
Năm 2004, những người con của Kim Jae Hun bị đưa vào trại tù 16 vì họ tìm cách rời khỏi đất nước, theo NKDB.
Nhiều người Bắc Triều Tiên vẫn đang bị bắt giữ vì tìm cách đào thoát, nhưng NKDB nói giờ đây đa phần đang kiếm nhiều cơ hội kinh tế tốt hơn và tự do chính trị.
Lim Soon-hee, giám đốc hoạch định và quản lý của NKDB, nói:
“Gần đây, có những người trốn thoát vì họ không hài lòng với hệ thống chính trị, hoặc họ chống đối hệ thống chính trị, hoặc họ muốn có nhiều tự do hơn trong cuộc sống của họ.”
NKDB lưu ý rằng vào năm 2010, Kim Hui Seon bị bắt vì tìm cách vượt biên vào Trung Quốc với toàn bộ gia đình của mình.
Tình cảnh
NKDB nói việc quốc tế săm soi nhiều hơn tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên có thể đã khiến chính quyền Kim Jong Un đóng cửa một số trại tù trong những năm gần đây.
Nhưng những người vận động vì nhân quyền nói rằng tình cảnh bên trong những trại còn hoạt động vẫn chưa cải thiện.
Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc ghi lại sự ngược đãi có hệ thống tại những trại tù của Bắc Triều Tiên bao gồm những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, cưỡng bức mất tích, bắt giữ tùy tiện, đánh đập, cưỡng bức bỏ đói, tấn công tình dục, cưỡng bức lao động và tra tấn.
Những chỉ huy phiến quân Colombia
ra lệnh đình chiến vĩnh viễn
Những chỉ huy phiến quân FARC ở Colombia đã ra lệnh ngừng bắn cuối cùng vào đúng nửa đêm Chủ nhật theo một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với chính phủ.
Thủ lĩnh phiến quân mang tên Timoshenko nói: “Những người cha người mẹ sẽ không bao giờ chôn cất những đứa con trai và con gái của họ thiệt mạng trong cuộc chiến nữa. Mọi sự kình địch và hận thù sẽ nằm lại trong quá khứ.”
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trước đó loan báo rằng quân đội sẽ hạ vũ khí chống lại quân nổi dậy vào ngày thứ Hai.
Cả hai bên đã loan báo một thỏa thuận hòa bình vào tuần rồi tại Havana để cuối cùng chấm dứt 52 năm chiến sự giữa nhóm nổi dậy theo chủ nghĩa Marx và những chính quyền Colombia khác nhau.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng sau.
Một cuộc nổi dậy nhỏ của nông dân vào năm 1964 đã biến thành cuộc chiến dài nhất và đẫm máu nhất ở Châu Mỹ Latin, khiến hơn 220.000 người chết và hơn 5 triệu người rời bỏ nhà cửa.
Thủ tướng Đức chỉ trích
các nước EU không cho di dân Hồi giáo nhập cảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm Chủ nhật nói rằng việc một số nước thành viên Liên minh Châu Âu đóng cửa không cho người tị nạn nhập cảnh chỉ vì họ là người Hồi giáo là điều “không thể chấp nhận được.”
“Mọi người phải làm phận sự của mình,” bà nói với đài truyền hình ARD. “Điều mà tôi vẫn nghĩ là sai là việc một số người nói rằng, ‘Chúng tôi thường không muốn người Hồi giáo ở nước chúng tôi bất kể có nhu cầu nhân đạo hay không.’ Chúng ta sẽ phải tiếp tục bàn về điều đó.”
Giới hữu trách Đức nói rằng họ dự kiến cho phép tới 300.000 di dân nhập cảnh suốt nguyên năm 2016. Họ chủ yếu đến từ Afghanistan, Iraq và Syria, nơi mà tính mạng của họ gặp nguy vì chiến tranh và vì chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Bà Merkel muốn một hệ thống hạn ngạch cho 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu tiếp nhận những người sẽ trở thành người nhập cư.
Một số nước thành viên EU, đặc biệt là những nước ở phía đông với những nhà lãnh đạo chủ trương dân tộc, chống đối mọi kế hoạch nhận bất kỳ di dân nào từ vùng Trung Đông và Nam Á, trong khi những người khác chống đối hạn ngạch.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka tuần trước nói rằng ông không muốn có một cộng đồng người Hồi giáo lớn vì “những vấn đề mà chúng ta đang chứng kiến.” Ông nói rằng nên để từng quốc gia EU quyết định nhận bao nhiêu di dân.
Bà Merkel hôm Chủ nhật xuất hiện tại một sự kiện đón tiếp người dân và du khách tham quan Dinh Thủ tướng Đức. Bà bắt tay, chụp hình và tặng chữ ký cho người ủng hộ và người phản đối.
Bà nói với đám đông rằng giờ là “những thời điểm chính trị khó khăn,” nhưng an ninh ở nước ngoài là chìa khóa cho an ninh của Đức.
“Làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn những cuộc chiến tranh hiện thời ở Syria và những cuộc chiến tranh khác ở những nơi mà chúng ta đã nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp, tìm một giải pháp đôi khi rất, rất khó khăn … chúng ta ở Đức nên coi mình là hạnh phúc vì được sống với nhau trong hòa bình, bất chấp những vấn đề chúng ta đang có.”
Một cuộc thăm dò ý kiến mới cho thấy khoảng một nửa dân số Đức phản đối nhiệm kỳ thứ tư bà Merkel làm thủ tướng. Bà vẫn chưa quyết định liệu có tranh cử lần nữa vào năm sau hay không.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại kêu gọi khôi phục tử hình
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với tử hình, nói rằng việc khôi phục tử hình sẽ đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại một buổi tập hợp hôm Chủ nhật ở thành phố Gaziantep ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nói với hàng trăm người rằng phát biểu của ông cũng nhắm tới những thành viên của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
“Bây giờ tôi truyền đạt yêu cầu của quý vị lần nữa,” ông Erdogan nói về tử hình. “Họ nên đánh giá vấn đề này và đưa ra quyết định. Tôi sẽ chấp thuận quyết định đó.”
Ông Erdogan đến Gaziantep để gửi lời chia buồn đến gia đình của 54 người thiệt mạng vào cuối tuần trước tại một đám cưới của người Kurd. Ông đã hối thúc khôi phục tử hình sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng trước chống lại ông.
Lời kêu gọi của ông Erdogan khôi phục tử hình đã trở nên thường xuyên hơn kể từ cuộc đảo chính ngày 15 tháng 7 trong khi ông thực hiện một cuộc thanh trừng lớn nhắm vào những người bị tình nghi tham gia cuộc đảo chính.
Cuộc thanh trừng chủ yếu nhắm mục tiêu vào những thành viên của quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo, nhà báo, và học giả thuộc một phong trào bị cấm được dẫn dắt bởi giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ. Hàng chục ngàn người đã bị bắt giữ hoặc bị đình chỉ công tác.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi ông Erdogan kiềm chế trong khi ông thúc giục hợp pháp hóa những vụ hành quyết lần đầu tiên kể từ năm 2004. Tổ chức nhân quyền này cho biết họ “lo ngại” về những lời kêu gọi của ông Erdogan và coi đó là một gợi ý rõ ràng rằng tử hình sẽ được sử dụng để trừng phạt những người chịu trách nhiệm về âm mưu đảo chính.
Hơn 200 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành, một số người trong số họ là binh lính phản loạn bắn vào thường dân xuống đường ngăn chặn cuộc đảo chính.
TQ sẽ tự chế tạo động cơ máy bay
Trung Quốc ra mắt hãng chế tạo động cơ máy bay đầu tiên của riêng mình trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây.
Hãng chế tạo động cơ máy bay thuộc sở hữu nhà nước, Aero-Engine Group, được thành lập dựa trên sự hợp nhất của những công ty sản xuất động cơ máy bay có sẵn, truyền thông địa phương tường thuật.
Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá việc thành lập hãng Aero-Engine Group là một ‘bước tiến chiến lược’Tân Hoa Xã
Hãng mới thành lập có vốn đăng ký là 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương 7,5 tỷ đôla Mỹ, và sẽ phát triển động cơ cho cả máy bay quốc phòng lẫn máy bay dân sự.
Trung Quốc đã sản xuất được máy bay riêng, nhưng trong nhiều thập kỷ qua vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.
‘Bước tiến chiến lược’
Hiện Trung Quốc vẫn đang phải mua động cơ máy bay dân sự từ hãng General Electric và hãng Pratt & Whitney thuộc United Technologies. Trong khi đó các phi cơ quân sự của Trung Quốc thì sử dụng động cơ do Nga sản xuất.
Tân Hoa Xã đưa tin nói Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá việc thành lập hãng chế tạo động cơ máy bay của Trung Quốc là một ‘bước tiến chiến lược’ trong việc đưa tên tuổi của nước này trở thành một thế lực trong ngành hàng không của thế giới.
Chính phủ Trung Quốc cũng như Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn chế tạo máy bay dân sự Trung Quốc (Comac) là những nhà đầu tư, bỏ vốn vào hãng mới thành lập.
AVIC là tập đoàn chuyên sản xuất phi cơ và trực thăng quân sự, trong khi Comac là hãng sản xuất ra chiếc máy bay dân dụng lớn nhất của Trung Quốc, phi cơ C919.
Sơ tán người tại sân bay Los Angeles
Các tường thuật chưa được kiểm chứng về những tiếng súng nổ, mà về sau được cảnh sát nói chỉ là “những tiếng ồn lớn”, đã khiến sân bay Los Angeles phải tiến hành sơ tán người.
Đêm hôm Chủ Nhật, mọi người bỏ chạy khỏi sân bay khi nghe tin tức về vụ nổ súng, vứt bỏ lại hành lý.
Giao thông tới nhà ga đã bị ngưng trệ, không có chuyến bay nào được đáp xuống, nhưng nay các hoạt động đã được nối lại.
Cảnh sát Los Angeles đăng trên twitter là đã không có phát súng nào bắn ra, và không có ai bị thương vong. Hiện họ đang điều tra về những tiếng nổ.
Vụ việc xảy ra sau vụ gây hoảng loạn tại một sân bay khác của Hoa Kỳ, khi một số nơi của phi trường JFK tại New York phải đóng hồi hai tuần trước do có tin súng nổ, tuy tin này về sau được xác định là tin giả.
Người đàn ông trong trang phục ‘Zorro’
Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa đã triển khai nhiều nhóm đơn vị tại sân bay Los Angeles sau khi có tin về “tình hình an ninh” và có thể có “một tay súng đang hoạt động”.
Sân bay Los Angeles đăng trên twitter là một người mặc đồ “Zorro” đã bị bắt giữ.
Hình ảnh đăng trên mạng truyền thông xã hội cho thấy một người ngồi trên ghế chờ xe buýt ở bên ngoài sân bay bị cảnh sát có vũ trang bao vây.
Ông này đã xuống sàn đất theo yêu cầu của cảnh sát, giơ tay lên trước khi bị bắt giữ.
Hiện chưa rõ đây có phải là người liên quan tới những tiếng ồn lớn xảy ra trước đó hay không.
Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang hiện tạm ngưng một số chuyến bay tới Los Angeles.
Hành khách sau đó đã được phép trở lại nhà ga để lấy hành lý bị vứt bỏ trước đó.
Sân bay Quốc tế Los Angeles là sân bay tấp nập thứ bảy thế giới về lượng máy bay đi – đến.
Singapore xác nhận 41 ca nhiễm Zika
Hầu hết các ca nhiễm là công nhân xây dựng người nước ngoài, sống hoặc làm việc trong cùng khu vực ở nước này, Bộ Y tế Singapore cho biết.
Không có bệnh nhân nào được biết có đi đến các khu vực có bệnh Zika gần đây. 34 người đã hoàn toàn hồi phục, nhưng bảy bệnh nhân vẫn còn nằm viện.
Bệnh Zika tương đối có tác động nhẹ nhưng lại liên quan đến những ca làm thai nhi bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Người ta nghi ngờ căn bệnh này gây ra chứng bệnh nhỏ đầu (microcephaly), một biến dạng khiến các em bé sinh ra có đầu bị nhỏ.
Bệnh Zika lây truyền do muỗi và qua đường tình dục. Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố căn bệnh là vấn đề khẩn cấp về y tế cộng đồng toàn cầu.
Triệu chứng nhiễm virus Zika
Các ca chết vì căn bệnh này hiếm và chỉ có 1 trong 5 người nhiễm được cho là có triệu chứng phát triển bệnh.
Các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, đau mắt(mắt đỏ, cay), đau đầu, đau cơ hoặc phát ban.
Chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, triệu chứng Guillain-Barre, có thể gây tê liệt tạm thời, cũng có liên quan đến căn bệnh này.
Không có vac-xin ngừa hay thuốc điều trị, vì thế bệnh nhân được khuyên nên nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng.
Singapore tuyên bố ca nhiễm bệnh Zika đầu tiên từ nước ngoài vào hôm tháng 5/2016, là một người địa phương 48 tuổi đến Brazil, nơi dịch bùng phát.
Hôm thứ Bảy 27/8, nước này tuyên bố một phụ nữ Malaysia 37 tuổi đã bị nhiễm virus này tại địa phương. Cô là bệnh nhân nữ duy nhất nhiễm bệnh cho tới thời điểm này.
36 người trong 41 ca bệnh được công bố hôm Chủ Nhật 28/8 là công nhân nước ngoài làm việc tại cùng công trường xây dựng.
Công trường đã bị tạm dừng sau khi khu vực bị phát hiện “không đạt yêu cầu với môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản”.
Bộ Y tế Singapore ra thông cáo họ sẽ không “loại trừ sự lây nhiễm xa hơn trong cộng đồng, vì có nhiều người kiểm tra dương tính với bệnh cũng sống và làm việc ở nhiều nơi khác tại Singapre.”
“Chúng tôi trông đợi sẽ xác định thêm những ca dương tính mới,” thông cáo cho biết.
Nasa kết thúc dự án mô phỏng Sao Hỏa
Một nhóm sáu người đã hoàn thành chương trình mô phỏng Sao Hỏa tại Hawaii, nơi họ sống hoàn toàn trong tình trạng cô lập suốt một năm.
Từ 29/8/2015, nhóm đã sống trong một một khối cầu, không có nước sạch, thức ăn tươi và cũng không có không gian riêng tư.
Các chuyên gia ước tính một nhiệm vụ có con người đến Hành tinh Đỏ cũng sẽ kéo dài từ 1 -3 năm như vậy.
Nghiên cứu do Nasa tài trợ được thực hiện bởi Đại học Hawai là chương trình kéo dài nhất kể từ một nghiên cứu trước đây của Nga kéo dài 520 ngày.
Sống sót một năm trong tình trạng bị cô lập, các thành viên trong nhóm nói họ tự tin rằng một nhiệm vụ đến Sao Hỏa có thể thành công.
“Tôi có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình là một nhiệm vụ đến Sao Hỏa trong tương lai gần là thực tế,” Cyprien Verseux, một thành viên của đoàn đến từ Pháp, nói với các phóng viên. “Tôi nghĩ các khó khăn về tâm lý và công nghệ có thể vượt qua được.”
Tristan Bassingthwaighte, một tiến sĩ ngành kiến trúc từ Đại học Hawaii, ca ngợi nghiên cứu đã tìm hiểu về yếu tố con người trong du hành vũ trụ.
“Nghiên cứu tiến hành tại đây sẽ cực kỳ quan trọng khi chọn lựa phi hành đoàn, tìm hiểu ra cách con người thực sự làm việc ra sao trong những nhiệm vụ khác nhau, và các yếu tố con người trong du hành không gian, định cư, hay bất cứ gì mà bạn đang tìm kiếm,” ông nói.
Nhóm gồm có một nhà sinh học không gian người Pháp, một nhà vật lý học người Đức, và bốn người Mỹ, gồm một phi công, một kiến trúc sư, một phóng viên và một nhà nghiên cứu địa chất.
Thử nghiệm tiến hành để khám phá các nhân tố con người khi du hành khám phá.
Trong khi tiến hành nghiên cứu, nhóm sáu người phải sống trong tình trạng bị giới hạn nguồn lực, mặc áo phi hành gia khi đi ra ngoài khối cầu, và phải tìm cách tránh xung đột cá nhân.
Mỗi người có một chiếc võng ngủ nhỏ và bàn làm việc trong phòng. Thực phẩm gồm có phô mai bột và cá hồi đóng hộp.
Thông thường nhiệm vụ đến các Trạm không gian chỉ kéo dài sáu tháng.
Châu Âu: Đàm phán thương mại với Mỹ vẫn tiếp tục
Brussels, Bỉ. (Reuters) - Cơ quan hành pháp của Liên Âu cho biết hôm nay là họ đã được sự đồng ý của tất cả 28 thành viên của khối để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Tuyên bố của Ủy Ban Châu Âu đã đến một ngày sau khi Bộ trưởng kinh tế của Đức nói các cuộc đàm phán coi như đã thất bại. Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel của Đức cho biết hôm qua là các cuộc đàm phán về thỏa ước Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP đã thất bại bởi vì châu Âu không chấp nhận một số đòi hỏi của Hoa Kỳ. Khi được hỏi về phát biểu của ông Gabriel, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết các cuộc đàm phán TTIP vẫn còn tiếp tục.
Ông Margaritis Schinas nói với một cuộc họp báo là các cuộc đàm phán dù khó khăn nhưng 2 bên đã đạt được một số tiến triển quan trọng. Ông cho biết cuộc đàm phán đang bước vào một giai đoạn quan trọng và 2 bên đã có được một khung sườn cho thỏa thuận. Các cuộc đàm phán về TTIP đã kéo dài trong 3 năm qua. Tổng thống Obama đã từng hy vọng thỏa thuận có thể hoàn tất trước lúc ông rời khỏi chính quyền, nhưng nhiều phần điều này sẽ không xảy ra. (Lê Hoàng)
Syria :
Chiến dịch trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo dài hơn dự kiến
Đã có khoảng 35 thường dân thiệt mạng trong các vụ oanh kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria, nơi Ankara mở cuộc tấn công trên bố nhắm vào cả Daech lẫn người Kurdistan. Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria đã báo động như trên vào hôm qua, 28/08/2016. Ngoài ra, còn có 70 người khác bị thương.
Đây là số người chết cao nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch « Lá chắn Euphrate » mà Thổ Nhĩ Kỳ tung ra.
Theo thông tín viên RFI Alexandre Billette, chiến dịch của Ankara sẽ không suông sẻ như dự kiến.
« Với các thường dân đầu tiên bị chết vì bom đạn và người lính Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên tử trận hồi cuối tuần qua, chiến dịch can thiệp vào Syria của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bước vào một giai đoạn mới.
Việc tái chiếm Jarablous từ tay Daech đã diễn ra suôn sẻ, nhưng giờ đây, các cuộc tấn công tập trung vào khu vực ở phía nam, nhắm vào các ngôi làng chủ yếu dưới quyền kiểm soát của các lực lượng người Kurdistan, mà theo chính quyền Ankara, là các thành phần « khủng bố », tương tự như Daech.
Khi tung ra chiến dịch « Lá chắn Euphrate » vào thứ Tư tuần trước, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã nói đến một cuộc tấn công thần tốc. Tuy nhiên, sự kháng cự của lực lượng người Kurdistan trong 72 tiếng đồng hồ gần đây giờ có vẻ dữ dội hơn so với dự kiến, với một số hậu quả tiềm tàng : chiến dịch có thể kéo dài lâu hơn, số thương vong cũng nhiều hơn so với dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là chưa kể đến những hậu quả ngay trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những ngày gần đây, phong trào PKK của người Kurdistan đã gia tăng các cuộc tấn công, và có thể tăng tốc độ để trả đũa việc chính quyền Ankara tấn công người Kurdistan tại Syria. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160829-syria-chien-dich-tren-bo-cua-tho-nhi-ky-co-the-dai-lau-hon-du-kien
Iran triển khai tên lửa Nga S-300 để bảo vệ cơ sở hạt nhân
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Nga mới chuyển cho Iran đã được triển khai ở miền trung để bảo vệ cơ sở hạt nhân Fordo. Kênh truyền hình nhà nước Iran IRIB hôm nay 29/08/2016 đã loan báo như trên.
Tướng Farrzad Esmaili, tư lệnh lực lượng phòng không Iran, tuyên bố với kênh truyền hình Nhà nước Iran IRIB là bảo vệ các cơ sở hạt nhân là yêu cầu sống còn trong bối cảnh hiện nay và « vùng trời Iran là một trong các vùng trời an toàn nhất trong khu vực ».
Hãng tin AFP cho biết, các hình ảnh về hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 được phát đi vài giờ sau khi ông Ali Khamenei, người chỉ đạo tối cao công tác lắp đặt S-300, đã khẳng định trước tướng Esmaili và các quan chức cấp cao của lực lượng phòng không Iran là sức mạnh quân sự của không quân Iran chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là phòng thủ.
Ông Ali Khamenei cũng nói thêm : « Sự phản đối và quảng bá rùm beng không ngừng về hệ thống S-300 hay về cơ sở hạt nhân Fordo là những minh chứng cho sự hằn học của kẻ thù (…) Hệ thống S-300 là một hệ thống phòng thủ, chứ không phải hệ thống tấn công, nhưng người Mỹ đã cố làm mọi việc để Iran không có được hệ thống này ».
Ngày 21/08/2016, Iran lần đầu tiên cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa Bavar 373, do chính Iran sản xuất, và có thể so sánh với S-300 của Nga. Điều này thể hiện quyết tâm của Iran trong việc phát triển sức mạnh quân sự bất chấp sự lo ngại của phương Tây.
Đức nhận đến 300.000 người nhập cư trong năm 2016
Cơ quan đón nhận người nhập cư và tị nạn BAMF của Đức ngày 28/08/2016 thông báo, nội trong năm 2016 nước này sẽ phải đón nhận từ 250.000 đến 300.000 người nước ngoài xin định cư. Con số này chỉ bằng 1/3 so với lượng người ngoại quốc xin ở lại Đức vào năm ngoái.
Tuy nhiên theo lãnh đạo của cơ quan đón nhận người nhập cư và tị nạn tại Đức, BAMF hiện phải cứu xét đơn xin tị nạn của hơn 500.000 người đã đến Đức trong năm 2015 và muốn định cư tại quốc gia này. Với điều kiện hiện tại, cơ quan này không thể hoàn tất việc cứu xét tất cả các đơn xin tị nạn của hơn nửa triệu người nước ngoài từ nay đến cuối năm.
Trong năm 2015, đã có hơn một triệu người nhập cư nước ngoài đến Đức, một kỷ lục đối với một quốc gia hơn 80 triệu dân. Chính sách hào phóng đón nhận người nhập cư của thủ tướng Angela Merkel bị một phần công luận Đức chỉ trích mạnh mẽ và làm suy yếu vị thế của bà trên sân khấu chính trị quốc gia.
Từ đầu năm 2016 tới nay, cổng vào Châu Âu qua vùng Balkan đã bị chận, thêm vào đó, thỏa thuận đạt được giữa Bruxelles với Ankara hồi tháng 3/2016 cũng đã làm nản lòng một số người nhập cư muốn vào Châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Brazil :
Tổng thống Dilma Rousseff tự bào chữa trước Thượng Viện
Hôm nay 29/08/2016 là ngày bà Dilma Rousseff, tổng thống tạm thời bị truất quyền của Brazil, ra điều trần trong phiên luận tội cuối cùng ở Nghị Viện. Phiên xử này có thể đặt dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của bà và cho cả 13 năm lãnh đạo của cánh tả ở Brazil.
Tổng thống Rousseff bị cáo buộc đã sử dụng ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội và thay đổi các con số nhằm giảm bớt tỉ lệ thâm hụt ngân sách trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2014. Bà Dilma Roussef đã bác bỏ mọi cáo buộc lạm quyền.
Bà Dilma tố cáo tiến trình phế truất bà bắt đầu hồi tháng 12/2015 là một âm mưu chống lại Đảng Lao Động và các chính sách của đảng có lợi cho những người dân nghèo Braxil.
Lần bỏ phiếu cuối cùng của Thượng Viện sẽ diễn ra vào đêm 30 – rạng sáng 31/08/2016. Nếu bà Dilma Rousseff bị phế truất, phó tổng thống Michel Temer, 75 tuổi, đồng thời là quyền tổng thống từ giữa tháng 05/2016, sẽ chính thức nắm quyền tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ của bà Dilma Rousseff vào năm 2018.
Một phát ngôn viên của bà Dilma Rousseff cho hãng tin Reuters biết : « Bà ấy sẽ yêu cầu các thượng nghị sĩ còn đang do dự phải tôn trọng dân chủ và dừng vụ việc này lại. (…) Tinh thần bà ấy rất vững vàng ».
Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút, bà Dilma Rousseff phải tỏ rõ dấu ấn cá nhân trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, và đặc biệt là việc bà bị chế độ độc tài quân sự bắt giữ vào năm 1970 và việc bị tra tấn khi còn là thành viên của phong trào kháng chiến.
20 cựu bộ trưởng trong chính phủ của bà có mặt tại Nghị viện để ủng hộ, trong số này có ông Lula Da Silva, cố vấn của bà, đồng thời là người sáng lập ra Đảng Lao Động, cựu tổng thống Brazil. Tuy nhiên, có rất ít hy vọng là bà Rousseff thoát khỏi việc bị truất quyền. Trong khi đó, quyền tổng thống Temer hy vọng sẽ có 54 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ, để đủ điều kiện phiếu phế truất bà Rousseff.
Theo một cuộc thăm dò dư luận, hiện đã có 53 thượng nghị sĩ cho biết sẽ bỏ phiếu chống bà Rousseff. Chỉ có 18 thượng nghị sĩ ủng hộ bà so với con số cần thiết là 28 để giúp tránh khỏi nguy cơ bị phế truất. Còn 10 thượng nghị sĩ không đưa ra ý kiến.
Nhật Bản và châu Phi :
Trật tự trên biển phải dựa trên luật lệ quốc tế
Trong một tuyên bố chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Châu Phi vào hôm qua, 28/08/2016 tại Nairobi, thủ đô Kenya, các lãnh đạo Nhật Bản và châu Phi đã cam kết cùng nhau chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một trật tự trên biển dựa trên luật pháp. Nội dung liên quan đến an ninh hàng hải này được xem là một thành công của Nhật Bản đã đưa vấn đề vào tuyên bố chung.
Bản Tuyên Bố Nairobi được thông qua tại Hội Nghị Quốc Tế Tokyo về Phát Triển Châu Phi (tên tắt tiếng Anh là TICAD) – lần đầu tiên mở ra tại châu Phi – đã dành riêng một đoạn (3.3.4) để đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải với nội dung như sau :
« Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy các nỗ lực khu vực và quốc tế liên quan đến an ninh hàng hải, trong đó có việc chống hải tặc, chống đánh cá bất hợp pháp và các tội phạm hàng hải khác, duy trì một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). »
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, đoạn nói về vấn đề an ninh hàng hải được đưa ra vào lúc căng thẳng vẫn rất cao tại hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông do các động thái quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia đã liên tục kêu gọi tôn trọng các quy tắc của pháp luật và phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc biện pháp ép buộc trong việc duy trì an ninh hàng hải.
Tuyên bố dĩ nhiên cũng nhắc đến tầm quan trọng của vấn đề an ninh trên biển đối với châu Phi, nơi cướp biển vẫn hoành hành ngoài khơi Somalia : « Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố an ninh và an toàn hàng hải thông qua hợp tác quốc tế và khu vực, như đã được nêu lên trong bản Chiến Lược Biển Hợp Nhất của châu Phi 2050), trên cơ sở phù hợp với luật biển quốc tế. »
Ngoài nội dung liên quan đến an ninh hàng hải, các lãnh đạo Nhật Bản và châu Phi còn bày tỏ quyết tâm hợp tác chống khủng bổ, phát huy đầu tư vào hạ tầng cơ sở Châu Phi và những vđ kinh tế, thương mại, xã hội khác.
Theo các nhà quan sát, Hội Nghị Quốc Tế Tokyo về Phát Triển Châu Phi là một sáng kiến của Nhật Bản nhằm chiêu dụ châu Phi, một lục địa đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc. Khai mạc lần đầu tiên vào năm 1993, TICAD mở ra 5 năm một lần tại Nhật Bản.
Tuy nhiên năm 2016 này, lần đầu tiên diễn đàn kinh tế Nhật-Châu Phi được tổ chức tại lục địa « đen », và sắp tới đây, sẽ được tổ chức 3 năm một lần, luân phiên ở Nhật và ở một quốc gia châu Phi.
Trung Quốc
sợ Phương Tây phá hoại Thượng Đỉnh G20 Hàng Châu
Trung Quốc đang hy vọng củng cố vị thế cường quốc toàn cầu của mình khi tiếp đón lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất của thế giới trong hai ngày 04-05/09/2016. Thế nhưng Bắc Kinh đang nghi ngờ rằng phương Tây cùng các đồng minh sẽ cố phủ nhận chỗ đứng mà Bắc Kinh xem là quyền đương nhiên của họ trên sân khấu thế giới.
Đối với giới quan sát, vấn đề bảo đảm sao cho cho việc này không thể xẩy ra hiển nhiên sẽ là một trong những ưu tiên của ông Tập Cận Bình, và là chỉ dấu quan trọng giúp Trung Quốc đánh giá thành công của Hội nghị G20.
Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu để vạch ra một chiến lược tăng trưởng toàn cầu rộng lớn, nhưng các cuộc thảo luận kinh tế có nguy cơ bị nhiều cuộc tranh cãi khác che khuất, từ vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cho đến chính sách bảo hộ mậu dịch.
Một đặc phái cao cấp phương Tây nhận định : « Nhìn từ Trung Quốc, dường như là họ đang bị Hoa Kỳ cố bao vây ». Theo nhân vật này, tranh chấp Biển Đông và việc triển lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc như đã chi phối mọi cuộc trao đổi với phía Trung Quốc trước G20.
Gần đây, Trung Quốc cũng rất khó chịu trước phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh với các láng giềng. Philippines là nước đâm đơn kiện, nhưng Bắc Kinh lại đổ tội lên đầu Washington.
Vào lúc mà Trung Quốc muốn sự kiện quan trọng nhất mà họ tổ chức trong năm thành công mỹ mãn, thì ông Tập Cận Bình sẽ bị sức ép mạnh từ bên trong, muốn ông cứng rắn trước những thách thức đối với uy quyền của ông như vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc đã từng nói rõ là không muốn thấy những vấn đề như kể trên khuấy động hội nghị, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều lãnh đạo thế giới khác.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã bình luận rộng rãi về vai trò của Trung Quốc, Hội nghị G20 là dịp để Trung Quốc cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc uốn nắn các quy tắc điều hành thế giới, và củng cố đà tăng trưởng toàn cầu một cách bền vững. Tờ Nhân Dân Nhật Báo còn thấy đây sẽ là một trong những hội nghị G20 có hiệu quả nhất trong tất cả các hội nghị G20 từ trước đến nay. Trong bài xã luận vào tuần trước, tờ báo kêu gọi « hãy hợp tác cao hơn nữa».
Tuy nhiên vào giữa tháng 8/2016, tờ báo nhà nước Study Times lại viết là các nước phương Tây đã cố loại trừ một nước Trung Quốc đang vươn lên và phủ nhận tiếng nói của quốc gia này trên sân khấu thế giới với những với những mô hình như hiệp định TPP – Trans-Pacific Partnership – do Mỹ dẫn đầu.
Nói về G20, tờ báo có uy tín này còn bình luận : « Cố gắng để trở lại quyền điều hành chung, họ đang xây dựng một ‘liên minh thần thánh’ mới, áp đặt những quy luật mới… sẽ gạt Trung Quốc qua một bên ».
Anh và Úc làm Trung Quốc tức giận
Bắc Kinh hiện cũng đang rất tức giận trước những nghi vấn mà Anh và Úc nêu lên liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào hai quốc gia này. Bắc Kinh cho là Luân Đôn và Canberra có hơi hướm bảo vệ mậu dich và lo sợ vô căn cứ.
Úc đã ngăn chận một thượng vụ trị giá 10 tỷ đô la Úc – 7,7 tỷ đô la Mỹ, không bán cho Trung Quốc tập đoàn năng lượng lớn nhất của Úc, trong lúc Anh thì đình chỉ kế hoạch đầu tư 24 tỷ đô la của Trung Quốc vào một đề án điện hạt nhân.
Ngược lại thì các viên chức phương Tây cũng nêu lên mối quan ngại về khả năng các công ty của họ tiếp cận được thị trường Trung Quốc, và càng lúc càng không e ngại nêu lên vấn đề.
Joerg Wuttke, chủ tich Phòng Thương Mại Châu Âu ở Trung Quốc cho biết có một sự thay đổi giọng điệu nơi các quan chức Châu Âu, ngày càng nêu lên nỗi bất bình trước những vấn đề kinh tế Trung Quốc bị quả tải và khó khăn của các công ty Châu Âu trong việc thăm nhập thị trường Trung Quốc.
Joerg Wuttke giải thích với Reuters : « Đã tới mức mà không ai còn sợ lên tiếng nữa cả. Họ nghĩ là họ phải cứng rắn hơn ».
Một viên chức Châu Âu có liên can đến một số vấn đề thương mại đã rất bực tức thái độ bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc.
« Quý vị mà dám nói là muốn mua lại một trong những mạng lưới điện của Trung Quốc thì lập tức sẽ bị họ bị hạ gục ngay, nói một câu cũng không dứt được ».
Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy là không phải cái gì cũng thuận buồm xuôi gió ở Hội Nghị G20.
Một nhà ngoại giao phương Tây quen thuộc với hội nghị thượng đỉnh đánh giá là « Trung Quốc hiện đang giận hầu như tất cả mọi người. »
Một nhà ngoại giao khác cho là chắc chắn Trung Quốc sẽ muốn cho G20 diễn ra êm ả, vì « đấy là vấn đề thể diện quốc gia ». Nhưng cũng không phải là điều bất thường khi hội nghị G20 bị các chủ đề ngoài kinh tế chiếm đoạt. Cho nên đấy là « một bãi mìn đối với Trung Quốc».
Nhật bực bội
Rồi còn Nhật Bản, một nước mà Trung Quốc có tranh chấp hàng thập niên qua với quá khứ chiến tranh và chủ quyền biển đảo ở Biển Hoa Đông.
Tuần qua, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật có thái độ « xây dựng » ở hội nghị G20, với nỗi lo sợ ngày sâu hơn ở Bắc Kinh là Nhật dấn thân sâu vào tranh chấp Biển Đông theo khuyến dụ của đồng minh Hoa Kỳ.
Một chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc Tế, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc bảo trợ, đã viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo là càng gần đến G20 thì Nhật càng tìm cách gây rối : « Nhật gây rối ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, hỗ trợ Philippines và thúc giục Trung Quốc tôn trọng kết quả cái gọi là ‘thủ tục trọng tài ».
Theo nhân vật này, Nhật đang chơi lại những trò cũ, và khó có thể không nghĩ là Nhật đang cố làm mọi chuyện rối loạn lên.
Nhận xét
Đăng nhận xét