Tin khắp nơi – 30/08/2016

Tin khắp nơi – 30/08/2016

Bắc Hàn đang xây tàu ngầm trang bị phi đạn đạn đạo

Bắc Hàn nay mai có thể phát triển một tàu ngầm mới tận dụng những tiến bộ về phi đạn đạn đạo mới đạt được, và tăng cường khả năng quân sự để có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân từ ngoài biển.
Từ Seoul, biên tập viên Youmi Kim của Đài VOA tường thuật rằng vụ phóng từ tàu ngầm (SLBM) thành công gần đây của Bình nhưỡng đã phóng thử một phi đạn đạn đạo bay được 500 km trước khi rơi xuống biển bên trong khu nhận dạng phòng không của Nhật Bản.
Việc này đã làm dấy lên những quan ngại rằng miền Bắc cũng đang ra sức chế tạo một tàu ngầm mới có thể bắn nhiều phi đạn đạn đạo.
Ông Park Hwee-rhak, một Giáo sư môn Chính trị tại đại học Kookmin, nói:
“Sự kiện Bắc Hàn phóng phi đạn đạn đạo từ tàu ngầm có nghĩa là họ cũng chế tạo một tàu ngầm có thể triển khai SLBM, tôi tin rằng họ có khả năng cải biến tàu ngầm thành một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.”
Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cho phép tàu ở dưới nước lâu hơn, và thực hiện các cuộc hành trình dài hơn với vận tốc cao hơn trong khi không thể bị phát hiện.
Ông Moon Keun-sik, một nhà phân tích quốc phòng tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Triều Tiên, nói ông tin rằng Bắc Hàn sẽ đóng một tàu ngầm có trọng tải 3.000 tấn với 3 ống để phóng SLBM.
Các hình ảnh vệ tinh mới đây chụp căn cứ hải quân Bắc Hàn gần Sinpo cho thấy một bãi phóng và một khu xây dựng lớn tại một vịnh an toàn cho tàu, mà giới phân tích tin có thể được dùng để đóng tàu và phóng phi đạn đạn đạo từ tàu ngầm.
Bất chấp những tiến bộ gần đây của Bắc Hàn, Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins nói rằng một tàu ngầm có khả năng phóng phi đạn đạn đạo khó có thể đi vào hoạt động trước năm 2020.

Chuyến bay thương mại đầu tiên từ Mỹ

sang Cuba trong 50 năm

Cuba đang chuẩn bị đón chuyến bay thương mại đầu tiên của Mỹ trong hơn 50 năm, sắp hạ cánh xuống quốc gia cộng sản này, bước cuối cùng trong việc bình thường hoá quan hệ bang giao giữa hai nước.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 8 khi chiếc máy bay của công ty Jet Blue bay từ Fort Lauderdale, bang Florida tới thành phố Santa Clara ở trung bộ Cuba.
Cuba đã chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực du lịch từ tháng 12/2014 sau khi Hoa Kỳ loan báo sẽ bình thường hoá các quan hệ ngoại giao với Cuba và dồn nỗ lực để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Khoảng 300.000 người Cuba đang sinh sống tại Hoa Kỳ vẫn trở về quê cũ hàng năm.
Một công dân Cuba tên Evailyn Fernandez nói:
“Đây là một diễn biến tích cực đối với chúng tôi vì tại Hoa Kỳ có rất nhiều người còn gia đình ở Cuba này, và giờ họ được mua vé với giá rẻ hơn. Như vậy họ sẽ về thăm gia đình thường xuyên hơn.”
Luật pháp Mỹ vẫn nghiêm cấm phần lớn các chuyến du lịch tới Cuba. Tuy nhiên Tổng thống Barack Obama đã nới lỏng một số quy định và cho phép một số trường hợp ngoại lệ cho các cuộc du hành có mục đích khác như thăm viếng gia đình, làm ăn, nhà báo tác nghiệp và các tour du lịch có tính cách giáo dục.
Một số hãng hàng không khác đang lập kế hoạch để mở đường bay tới Cuba gồm có American Airlines, Frontier Airlines, Silver Airways, Southwest Airlines và Sun Country Airlines.

Mỹ: 600 ngàn máy bay không người lái thương mại

sắp được đưa vào sử dụng

Chính phủ Mỹ cho biết trong vòng một năm tới đây sẽ cho phép 600 ngàn máy bay không người lái phục vụ thương mại được đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, Anthony Foxx, ngày 29/8 mở đường cho việc sử dụng rộng rãi các máy bay điều khiển từ xa giữa lúc các luật lệ an toàn mới bắt đầu có hiệu lực. Ông cho biết Mỹ ‘bị quyến rũ bởi những khả năng vô hạn mà các máy bay không người lái có thể mang lại.’
Các quy định mới cho phép các doanh nghiệp vận hành máy bay không người lái có trọng lượng lên đến 25kg với cao độ 122m trong khu vực thưa dân cư mỗi ngày từ rạng đông tới khi mặt trời vừa khuất dạng. Ngoài ra, người điều khiển phải giữ các máy bay này trong tầm ngắm và tốc độ không quá 160km/h.
Ông Foxx cho hay Mỹ đang phát triển các sáng kiến khác liên quan đến vận tải, bao gồm hệ thống phanh tự động cho xe lửa và xe hơi, xe tải tự hành.
Ông nói ‘Cũng như chúng ta đang thấy công nghệ tiên tiến chuyển hóa đường bộ, đường biển, và các hải cảng; máy bay không người lái đang mở ra một con đường thám hiểm mới tiếp tục cách mạng hóa không phận của chúng ta.’
Ngành công nghiệp máy bay điều khiển từ xa dự kiến việc gia tăng sử dụng các máy bay này sẽ giúp tạo ra 100.000 việc làm và 82 tỷ đôla trong hoạt động kinh tế từ nay đến năm 2025.
Mỹ đã cho phép 76 ngoại lệ đối với các quy định mới, chủ yếu dành cho các công ty muốn vận hành máy bay không người lái vào ban đêm.
Một số máy bay không người lái phục vụ thương mại đã được sử dụng để giám sát mùa màng, kiểm tra cầu đường và các đường truyền thông tin liên lạc, hỗ trợ nhân viên cứu hỏa và cảnh sát, quay phim điện ảnh và làm video đám cưới.

Hệ thống đăng ký cử tri

tại hai bang Hoa Kỳ bị tấn công tin tặc

Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) tìm thấy bằng chứng hai cơ sở dữ liệu bầu cử cấp tiểu bang gần đây bị tấn công bởi những thành phần được cho là tin tặc nước ngoài. Cơ quan thực thi pháp luật này đã thúc giục các quan chức bầu cử cấp bang tăng cường hệ thống bảo mật máy tính.
Bộ phận phụ trách mạng trong FBI ngày 18/8 đưa ra cố vấn mật, nhưng không xác định hai tiểu bang nào đã bị nhắm mục tiêu. Yahoo News, trang đưa tin này đầu tiên hôm 29/8, dẫn nguồn tin cho hay hệ thống đăng ký cử tri ở Arizona và Illinois bị tin tặc tấn công.
Hành vi xâm nhập mạng nghiêm trọng hơn được báo cáo xảy ra tại bang Illinois, nơi một giới chức trong ban bầu cử tiểu bang cho biết tháng trước hệ thống đăng ký cử tri bị đóng cửa trong 10 ngày sau khi các tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 200.000 cử tri.
Vụ xâm nhập mạng ở bang Arizona liên quan đến việc xuất hiện phần mềm độc hại trong hệ thống đăng ký cử tri. Một quan chức Arizona cho biết không có dữ liệu nào của cử tri bị xóa bỏ.

Giải mật báo cáo của CIA trình Tổng thống từ thập niên 70

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA vừa công bố 2.500 báo cáo thường nhật về hoạt động tình báo nước ngoài trình cho Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford trong thập niên 70 vốn được bảo mật trước đây. Động thái này làm sáng tỏ về một kỷ nguyên quan trọng của thời Chiến tranh Lạnh cùng các biến cố Đệ tam thế giới.
Trong số 28.000 trang tài liệu là những tin tức quý giá hấp dẫn về những vấn đề thế giới, trong đó có cuộc chiến Việt Nam gây nhiều tranh cãi đã khiến hơn 58.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Các báo cáo này được đệ trình lên Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford trong 8 năm hai ông ngụ tại Tòa Bạch Ốc bắt đầu từ ngày 20 tháng 1 năm 1969. Các tài liệu này cho thấy rõ nội dung các sự kiện như chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc và Liên Xô, và chuyện ông Nixon bị thất sủng đưa đến việc từ chức.
Các báo cáo trong thời gian ông Ford làm Tổng thống nêu lên chi tiết các diễn tiến lịch sử như kết thúc chiến tranh Việt Nam và cái chết của Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Khi Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh ngày 21 tháng 2 năm 1972, báo cáo ghi chép tỉ mỉ các giới chức Trung Quốc nào tham dự các sự kiện nào, một nỗ lực để hiểu rõ hơn hoạt động của Bộ Chính trị Trung Quốc mà cho đến nay vẫn còn được quan sát chặt chẽ.
Các báo cáo vừa kể, dài khoảng 10 trang, cho thấy CIA biết rất ít về Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới vừa bắt đầu tái lập sự hiện diện trên thế giới sau hơn hai thập niên cô lập.
Báo cáo của CIA sau đó thông báo cho Tổng thống Nixon rằng chuyến thăm của ông tới Trung Quốc gây rúng động Liên Xô và Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy các nước châu Âu giao tiếp với Trung Quốc. Phúc trình ghi nhận là Trung Quốc ‘nhìn chung hài lòng’ về chuyến công du của Tổng thống Nixon.
Vào ngày 10 tháng 8 năm 1974, một ngày sau khi Tổng thống Nixon từ chức, báo cáo trình cho Tổng thống Ford vừa lên tuyên thệ nhậm chức cung cấp những chi tiết về phản ứng của thế giới đối với việc Tổng thống Nixon rời khỏi nhiệm sở.
Báo cáo nói ‘những nhân vật có khả năng gây chuyện lùm xùm không một ai đưa ra một lời bàn tán nào.’
Trong một báo cáo cách đó một năm rưỡi, Tổng thống Ford được thông báo về cái chết của Mao Trạch Đông, người được mô tả là một ‘thế lực chế ngự chính trị Trung Quốc.’
Qua các báo cáo cao cấp của CIA công bố hôm thứ Tư tuần rồi, không thấy được mức độ ảnh hưởng của chúng ra sao đến những quyết định của Tổng thống Nixon, vì ông Nixon có khuynh hướng tách biệt và biệt lập. Tổng thống Nixon không trực tiếp nghe các giới chức CIA thuyết trình, mà thay vào đó, nhận báo cáo từ cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Một câu chuyện về CIA cũng được công bố hôm thứ Tư cho thấy các giới chức CIA nản lòng vì không được tiếp cận với Tổng thống Nixon, người có ác cảm với cơ quan tình báo này trong thất bại trước Tổng thống John F. Kennedy ở cuộc bầu cử năm 1960. Ông Nixon cho là CIA đã không bất tín hóa ông Kennedy trong quyết đoán sai lầm của ông Kennedy rằng Mỹ đã để mất vị trí lãnh đạo về công nghệ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa vào tay Liên Xô.
Trong một bản báo cáo năm 1973, ông Nixon được thuyết trình về cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 26 tháng 5 của những nhà lãnh đạo Tổ chức Đoàn kết châu Phi. Phúc trình cho biết sự hiện diện của Israel tại châu Phi sẽ là một vấn đề chính của hội nghị, thúc đẩy bởi đòi hỏi từ Tổng thống Libya, Moammar Gadhafi, rằng “Các quốc gia châu Phi phải cắt đứt các mối quan hệ với Israel hoặc phải đối mặt với việc Libya cắt viện trợ dành cho các nước này cùng những tổ chức giải phóng châu Phi.”
Tại Chilê, một quốc gia Nam Mỹ, việc ông Salvador Allende đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1970 khiến Tổng thống Nixon lo ngại vì ông cho rằng Chile có thể trở thành một nước Cuba thứ hai, một nước cộng sản ở Tây Bán cầu.
Trong 3 năm kế tiếp, Tổng thống Nixon và ông Kissinger dùng CIA để bí mật ủng hộ cho các đối thủ của ông Allende với ý định đẩy ông ra khỏi chức vụ hay kích động đảo chính. Ông Allende bị giết trong cuộc đảo chính tháng 9 năm 1973 do tư lệnh quân đội Augusto Pinochet thực hiện. Việc này đã gây ra các cuộc tranh cãi nhiều thập niên về vai trò của CIA trong cuộc đảo chính. Các bản báo cáo vừa công bố không xác nhận là CIA trực tiếp ủng hộ việc lật đổ chính phủ Chilê.
Các báo cáo chú trọng nhiều đến những diễn tiến tại Đông Dương, nơi Hoa Kỳ có ý muốn rút khỏi cuộc chiến Việt Nam và ủng hộ các chính phủ yếu kém ở hai nước lân cận là Lào và Campuchia.
Không phải tất cả các thông tin của CIA đều chính xác. Lúc cuộc chiến Việt Nam đến gần hồi kết, một bản phân tích trình cho Tổng thống Ford vào ngày 28 tháng 3 năm 1975 dự đoán là quân đội miền Nam Việt Nam do Mỹ huấn luyện sẽ có thể duy trì ổn định cho đến “đầu năm 1976.” Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, quân đội cộng sản Bắc Việt đã chiếm được Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam.
Tổng thống Ford tiếp nhận các báo cáo thường nhật của CIA khác với cách của Tổng thống Nixon. Ông Ford là tổng thống đầu tiên yêu cầu một giới chức CIA hằng ngày thuyết trình các báo cáo này.
Việc công bố các bản báo cáo này nằm trong khuôn khổ nỗ lực tiếp tục công khai hóa các phúc trình tình báo cho Tổng thống Mỹ. Các tài liệu mới nhất này do Giám đốc CIA John Brennan và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper công bố tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, bang California.

Đánh bom tại toà đại sứ Trung Quốc ở Kyrgyzstan,

3 người bị thương

Một kẻ đánh bom tự sát đã lái xe đâm vào đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô của Kyrgyzstan hôm 30/8 trong một cuộc tấn công làm bị thương 3 người.
Thủ tướng Kyrgyzstan Zhenish Razakov nói vụ nổ ở Bishkek chỉ giết chết kẻ đánh bom mà thôi, và những người bị thương là các nhân viên người Kyrgyzstan tại địa điểm cuộc tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Kyrgyzstan miêu tả đây là một cuộc tấn công khủng bố.
Vụ nổ làm bốc lên một cột khói đen từ khuôn viên sứ quán, các hình ảnh tải lên mạng xã hội cho thấy những mảnh vỡ rơi vương vãi trên mặt đất.
Trung Quốc đã lên án vụ tấn công và mô tả đây là một “hành động bạo lực và cực đoan.” Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nói với các nhà báo rằng chính phủ Trung Quốc kêu gọi chính quyền Kyrgyzstan hãy tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm.
Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Kyrgyzstan thường xuyên bắt bớ người trong khuôn khổ một chiến dịch mà nhà chức trách nước này gọi là các “nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động của Nhà nước Hồi gi

TT Pháp:

hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể leo thang xung đột

Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ trích hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria, nói rằng “những sự can thiệp liên tiếp, mâu thuẫn nhau” tại đây có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa làm leo thang xung đột.
Ông Hollande hôm 30/8 còn nhấn mạnh nhu cầu cần phải ngưng giao tranh ở Syria và trở lại bàn đàm phán.
Lời phát biểu của tổng thống Pháp được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy tập trung vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo thay vì nhắm vào các lực lượng Kurd liên minh với Hoa Kỳ cũng đang ra sức chiến đấu chống nhóm khủng bố ở Syria.
Chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ trong phe nổi dậy ở Syria đã kéo dài một tuần nhằm đẩy bật ra khỏi thị trấn Jarablus của Syria và các vùng phụ cận các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và các thành viên của tổ chức YPG của người Kurd – là một thành phần của SDF – tức Các lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn.
Phát biểu tại Ngũ Giác Đài hôm 29/8, ông Carter nói Hoa Kỳ rất ủng hộ các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ chống Nhà nước Hồi giáo và những gì mà Ankara làm để bảo vệ khu vực giữa biên giới và thị trấn Jarablus, và hướng về miền Tây, nhưng không tán thành các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực phía Nam Jarablus.
Các lực lượng Kurd gần đây đã giúp đẩy lùi các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Manbij của Syria, cách Jarablus 40 km về hướng Nam, và 30 km về hướng Tây Sông Euphrates.
Mỹ nói các lực lượng YPG của người Kurd đã bảo đảm rằng họ sẽ trở về mạn đông dòng sông này, một khi Manbij đã sạch bóng quân Nhà nước Hồi giáo.

Ấn-Mỹ ký thỏa thuận về hậu cần

Carla Babb
NGŨ GIÁC ĐÀI —
Hoa Kỳ và Ấn Độ ký một thỏa thuận quan trọng về hậu cần cho phép các lực lượng Mỹ và Ấn sử dụng căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung các trang thiết bị.
Phát biểu tại Ngũ Giác Đài hôm 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho báo giới biết là ông và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã chính thức ký Bản Ghi nhớ về Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) trước đây trong ngày. Hai nhà lãnh đạo quốc phòng đã nhất trí “trên nguyên tắc” về bản ghi nhớ này khi gặp nhau tại Ấn Độ vào tháng 4 năm nay.
Bộ trưởng Carter nói thỏa thuận “hoàn toàn có tính cách hỗ tương” và giúp cho những hoạt động hỗn hợp dễ dàng và hiệu quả hơn.
Cả hai nhà lãnh đạo quốc phòng đều nhấn mạnh là thỏa thuận không cho phép nước này đặt căn cứ trên nước kia, mà chỉ sử dụng căn cứ và trang thiết bị để hoạt động cùng nhau khi cần.
Bộ trưởng Parrikar nói thêm “Thỏa thuận này không có việc thiết lập những căn cứ, căn bản là chỉ hỗ trợ hậu cần mà thôi.”
Trong chuyến thăm Ngũ Giác Đài của ông Parrikar, hai nhà lãnh đạo quốc phòng đã thảo luận về việc Ấn Độ vừa được chỉ định là một đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ.
Việc này vừa mới được loan báo trong chuyến viếng thăm Washington của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6 năm nay, và ông Carter nói điều đó cho phép quân đội Mỹ cộng tác với quân đội Ấn Độ “theo một đường lối mà chúng ta chỉ thực hiện với đồng minh thân cận và lâu dài nhất của chúng ta.”
Những cuộc thảo luận ngày hôm nay tại Ngũ Giác Đài là cuộc họp lần thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo quốc phòng, diễn ra trước cuộc tập trận hàng năm tại Ấn giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Trung tướng Stephen Lanza, chỉ huy trưởng Quân đoàn I vùng bờ biển Thái Bình Dương nói với Đài VOA là cuộc tập trận chung có tên Yudh Abhyas sẽ diễn ra tại vùng núi phía bắc Ấn Độ vào tháng tới.
Nói với Đài VOA tại Căn cứ Hỗn hợp Lewis-McChord, tướng Lanza cho biết quân đội hai nước sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ khác nhau, từ những hoạt động gìn giữ hòa bình cho đến phối hợp điều động quân đội và huấn luyện chiến thuật. Quân đội hai nước cũng sẽ chuyển hoán binh sĩ trong đội hình.
Tướng Lanza nói với Đài VOA “Chúng tôi không chỉ huấn luyện với nhau, mà chúng tôi còn hoàn toàn hội nhập bằng việc quân đội đôi bên cùng hoạt động với nhau ở cấp trung đội.”

Somali ngăn người tị nạn trở về

vì lý do không đủ hỗ trợ nhân đạo

Giới hữu trách miền nam Somali loan báo ngăn chặn những người tị nạn Somali từ Kenya trở về vì người tị nạn không có đủ hỗ trợ nhân đạo cần thiết một khi tới các thành phố lớn. Thỏa thuận Ba bên ký kết giữa cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc và hai chính phủ Kenya, Somali vào tháng 11 năm 2013 đã vạch ra khung pháp lý và những sự hỗ trợ khác cho người tị nạn Somali tại Kenya muốn trở về nhà.
Tuy nhiên nhà cầm quyền Jubbaland, một bang thuộc liên bang Somali nói rằng thỏa thuận này không hỗ trợ những người tị nạn một khi họ trở về.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA, Tướng Mohamed Warsmae Darwish, bộ trưởng nội vụ và an ninh Jubbaland, cho hay các lực lượng an ninh đã ngăn những người trở về không được ra khỏi trung tâm chuyển tiếp tại thị trấn Dobley.
Ông nói thêm là nhiều người trở về đã nản lòng và hối tiếc là đã rời khỏi Dadaab.
Ông cho biết là theo Thỏa thuận Ba bên, nhà cầm quyền phải chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho người trở về nhưng không được các bên ký kết hỗ trợ thì chính quyền khu vực không thể xoay sở với số người tị nạn đông đảo như thế.
Tại các nơi khác trong vùng, có 6 người thiệt mạng và 10 người bị thương trong hai ngày nổ bom và xung đột tại Beled-hawo.
Bạo động bùng phát vào ngày Chủ nhật khi các lực lượng thân chính phủ đụng độ với dân quân địa phương chống lại kế hoạch cải cách chính quyền thị trấn.
Vào ngày Chủ nhật, hai vụ nổ riêng rẽ với bom tự chế đã làm 2 thường dân thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Người tị nạn Syria thứ 10 ngàn tới Mỹ

Mỹ ngày 29/8 đạt được chỉ tiêu của Tổng thống Barack Obama về việc tái định cư 10.000 người tị nạn Syria tại Hoa Kỳ trong năm tài chính này trước thời hạn một tháng.
‘Thay mặt Tổng thống và chính quyền của ông, tôi dành sự chào đón nồng nhiệt nhất tới từng người tị nạn Syria đặt chân đến Mỹ, cũng như nhiều người tị nạn khác tái định cư trong năm nay từ khắp nơi trên thế giới’, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice tuyên bố.
Chương trình tái định cư của ông Obama đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố người Syria là một mối đe dọa an ninh tiềm ẩn đối với Hoa Kỳ và đề xuất một lệnh cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ. Thống đốc của hơn 30 tiểu bang tại Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chặn những người tị nạn này đến định cư trong tiểu bang của họ mặc dù, theo các chuyên gia pháp lý, họ không có quyền làm như vậy.
Gần 5 triệu người Syria đã tháo chạy khỏi cuộc nội chiến trong năm năm qua. Hầu hết phải đối mặt với điều kiện sinh sống khắc nghiệt tại các nước lân cận như Jordan, nơi có gần 660.000 người tị nạn Syria tạm cư.
Mỹ trong năm nay sẽ nhận tổng cộng ít nhất 85.000 người tị nạn từ các nước khác ngoài Syria, bao gồm Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, El Salvador, Iraq, Somalia và Ukraine.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về thành phố New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 tới đây, Tổng thống Obama sẽ dẫn đầu một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng người tị nạn toàn cầu, với hy vọng thúc đẩy viện trợ nhân đạo và tăng gấp đôi cơ hội tái định cư cho người tị nạn.

Mỹ cảnh báo nguy cơ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo công dân Mỹ về mối đe dọa gia tăng từ các nhóm khủng bố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một văn bản cố vấn du lịch ban hành hôm 29/8, Bộ Ngoại giao cũng thúc giục người Mỹ tránh du hành tới khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khu vực gần biên giới Syria.
Bộ Ngoại giao cho biết đã mở rộng quy chế ‘tự nguyện rời đi’ dành cho thân nhân các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara và Tổng lãnh sự quán ở Istanbul cho đến ngày 23/9. Với quy chế này, thân nhân của các nhân viên muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ có thể được bay ra khỏi nước này miễn phí.
Bộ Ngoại giao Mỹ mở quy chế này sau cuộc đảo chính ngày 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ và sau các quyết định tiếp theo của chính phủ sở tại ban hành tình trạng khẩn cấp.
Các giới chức Bộ Ngoại giao cho biết du khách nước ngoài và khách du lịch Mỹ rõ ràng bị nhắm mục tiêu bởi các nhóm khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tổ chức khủng bố quốc tế.

TPP gặp trở ngại từ Thượng Viện Hoa Kỳ

Tại Thượng Đỉnh Đông Á sẽ diễn ra tại thủ đô Vientaine của Lào vào tuần tới, tin từ Washington cho hay Tổng Thống Obama sẽ dùng thượng đỉnh để trình bày với các nước tham gia Hiệp Định Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương TPP rằng ông vẫn tin tưởng Hiệp Định sẽ được phê chuẩn nội trong năm nay, trước ngày ông rời Nhà Trắng.
Hôm qua, khi tiếp xúc với báo chí, các giới chức Nhà Trắng nói rằng Hiệp Định TPP phải được Thượng Viện phê chuẩn, vì tầm quan trọng của Hiệp Định đối với quyền lợi của Hoa Kỳ về nhiều mặt, từ kinh tế cho tới ngoại giao, thúc đầy các nước tham gia phải tôn trọng quyền lợi của người lao động và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hôm thứ Năm vừa rồi, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, Chủ Tịch Khối Đa Số Thượng Viện cho hay trong năm nay Thượng Viện sẽ không thảo luận về bản hiệp định này.
Ngoài ra, cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống là ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa lẫn bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đều lên tiếng nói không ủng hộ hiệp định, cho rằng nếu hiệp định được thi hành, sẽ có nhiều công nhân Mỹ bị mất việc.
Trước khi đến Lào dự Thượng Đỉnh Đông Á, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có mặt tại Hàng Châu trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Chín, để dự Thượng Đỉnh G-20, quy tụ 20 nước có nền kinh tế quan trọng nhất thế giới.
Bên lề thượng đỉnh cũng là những cuộc gặp gỡ giữa thống thống Hoa Kỳ và lãnh đạo các nước, trong đó được chú ý đến nhiều nhất là cuộc gặp với Tổng Thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo nước chủ nhà là ông Chủ Tịch Tập Cận Bình.
Riêng tại Hoa Kỳ, sáu vị thượng nghị sĩ đã ký tên trong lá thư gửi cho Tổng Thống Obama, yêu cầu ông đặt vấn đề tin tặc tấn công hệ thống điện toán của các ngân hàng nhà nước lẫn tư nhân.
Lá thư nhắc lại chuyện xảy ra hồi gần đây khi tin tặc bị nghi là từ Trung Quốc tấn công Ngân Hàng Nhà Nước Bangladesh, đánh cắp 81 triệu dollars.
Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc vừa nêu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, các nước trong nhóm G-20 đã cam kết cùng nhau chống bọn tin tặc và chống đánh cắp tài liệu mật về thương mại, mà một số nước đang thực hiện để làm lợi riêng.

EU ‘tuyên chiến’ với Apple, Mỹ và Ireland

Làm thế nào để đánh thuế những tập đoàn công nghệ khổng lồ, là những công ty có khả năng chuyển tiền, hoạt động và hàng hóa dưới dạng kỹ thuật số qua biên giới một cách rất dễ dàng?
Đây cũng là tâm điểm trong phán quyết của liên minh châu Âu đưa ra vào hôm nay.
Ủy ban châu Âu cho rằng đã đến lúc cần phải có hành động triệt để bắt buộc các công ty đa quốc gia đóng thêm thuế và ngăn chặn chính phủ các nước cạnh tranh nhau bằng cách cho những công ty này chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhưng đây không phải là điều dễ thực hiện, với thách thức đến từ nhiều phía.
Trước tiên, đối với những quốc gia như Ireland, Luxembourg và Hà Lan, điều này có nghĩa những nước này mất đi lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ các nước đó sẽ có phản ứng giận dữ vì cho rằng đang bị can thiệp vào quyền được tự áp dụng mức thuế. Kể cả lợi ích từ việc thu thêm được nhiều thuế cũng không làm chính phủ Ireland hài lòng.
Tiếp theo đó, Apple là một tập đoàn có thế lực với đội ngũ luật sư và những người vận động hành lang hùng hậu. Hãng công nghệ khổng lồ tỏ ra khá tự tin và cho rằng Ủy ban châu Âu đang cư xử vượt khỏi khuôn khổ luật lệ do chính họ đặt ra trong việc diễn giải những thỏa thuận về thuế dưới dạng gói hỗ trợ chính phủ bất hợp pháp- điều mà Apple luôn phủ nhận.
Apple hướng báo giới đến một bài báo gần đây, viết bởi một chuyên gia về luật, nói rằng Ủy ban châu Âu đề cập đến khoản hỗ trợ chính phủ như một phương tiện để tiến hành cải cách về thuế là “có nguy cơ làm tổn hại đến nền tảng của pháp luật”.
Bên cạnh đó còn là chính phủ Mỹ, mới tuần trước đưa ra lời cảnh báo rằng EU đang tìm cách trở thành tổ chức quản lý về thuế của thế giới và có sự phân biệt đối xử với những công ty của Mỹ.
Hiện tại, chính phủ Mỹ cũng đồng ý rằng Apple nên trả thêm thuế- nhưng chỉ là trả cho Mỹ.
Quy mô sản xuất toàn cầu của Apple và giá trị công ty lên đến 215 tỉ đôla (164 tỉ bảng Anh) đã trở thành vấn đề trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
Vì vậy, Ủy ban châu Âu đang phải đối diện với những đối thủ đầy thế lực và có thể sẽ rơi vào tranh chấp pháp lý và căng thẳng về ngoại giao trong nhiều năm tới đây. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tin rằng họ có một sự chống lưng cũng có thế lực không kém- đó chính là người tiêu dùng từ khối cộng đồng chung châu Âu.
Vào thời điểm khi toàn cầu hóa và những tập đoàn đa quốc gia cao ngạo không còn được ngưỡng mộ, và các chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách thắt lưng buộc bụng, Ủy ban châu Âu tin rằng việc tuyên chiến với Apple sẽ nhận được nhiều lời khen hơn là sự chê bai từ những người dân thường, là những người cũng phải đóng thuế.

Khi phi hành đoàn ‘nói lóng’ trên máy bay

Beth Blair
Bạn đã bao giờ nghe thấy các thành viên phi hành đoàn nói chuyện với nhau trong chuyến bay nhưng không hiểu họ nói gì?
Họ bảo nhau “cross-check” là ý gì? Lúc họ hô “all-call” là sao? Khi họ nói họ sẽ “jump seats” trong điều kiện thời tiết xấu nghĩa là thế nào – có phải là họ định đeo dù vào người rồi nhảy ra khỏi máy bay không?
Ngành hàng không có đầy những từ ngữ, thuật ngữ riêng, và nếu để ý thì bạn, một hành khách, sẽ có thể phát hiện ra được một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ.
BBC Autos sẽ ‘bật mí’ với các bạn một số thuật ngữ thường nghe thấy trước và trong chuyến bay.
“Prepare doors for departure/arrival” (‘Chuẩn bị cửa để khởi hành / tới nơi’)
Trong trường hợp khẩn cấp, các tấm trượt thoát hiểm – vốn được xếp gọn dưới đáy sàn tại mỗi cửa máy bay – được thiết kế để tự bung ra bằng một cú phụt khí nén carbone dioxide và nitrogen chỉ trong sáu giây.
Nhưng chúng sẽ không hoạt động nếu như chưa có một thành viên phi hành đoàn “kích hoạt” (‘armed’) cánh cửa: tức là phải kéo cần gạt ở cửa, là bộ phận được nối với tấm trượt xếp gọn đó.
Các cánh cửa cần phải sẵn sàng, mà trong ngôn ngữ hàng không gọi là ‘armed’, trước khi chiếc máy bay khởi hành, và phải được ‘disarmed’, tức là được đưa ngược về trạng thái ban đầu, khi tới nơi.
Tuỳ thuộc vào từng loại, từng đời máy bay mà động tác này có thể là việc hạ hoặc nâng cần gạt bằng một tay, hoặc bẻ sang một bên và dùng then gài để chốt lại cho an toàn.
Một số máy bay đời cổ đòi phải dùng dây cài ngang qua cửa sổ trên cánh cửa cabin, nhìn vào đó thì nhân viên đứng đón từ cầu thang máy bay sẽ biết liệu tấm trượt đã được đặt vào chế độ sẵn sàng hay chưa.
Độ an toàn của cánh cửa chỉ mang tính tương đối: những người đứng đón ở bên ngoài cửa nếu không để ý là có thể tình cờ mở một cánh cửa đã được kích hoạt, khiến cho tấm trượt bung ra trúng người họ.
“Cross-check” (‘kiểm tra chéo’) và “cross-check complete” (‘đã kiểm tra chéo xong’)
Sau khi các thành viên phi hành đoàn chuẩn bị sẵn sàng cho việc đáp xuống hoặc khởi hành, các cánh cửa phi cơ cần phải được kiểm tra chéo – đây là cách nói trong ngành hàng không nhằm để chỉ việc cần có một người trong phi hành đoàn kiểm tra lại công việc mà một thành viên khác đã thực hiện.
Đôi khi ta sẽ nghe thấy câu “Doors are armed and cross-check complete” (“các cửa đã sẵn sàng, đã kiểm tra chéo xong”) – có nghĩa là các cửa máy bay đã sẵn sàng cho việc triển khai hoạt động sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
“All-call” (‘nói chuyện toàn phi hành đoàn’)
Các hãng hàng không khác nhau sẽ có những trình tự thủ tục khác nhau để tiếp viên xác nhận họ đã kiểm tra chéo (cross-check).
Có lúc việc này được báo thông qua hệ thống loa công cộng, đôi khi bằng yêu cầu riêng.
Có lúc họ nói những cụm từ như “standby for all-call” (‘chuẩn bị nói chuyện giữa toàn phi hành đoàn với nhau’), và điều này có nghĩa là họ sẽ nói chuyện với nhau bằng hệ thống điện thoại intercom, mỗi người đứng từ đúng vị trí của mình.
“Jump seat” (‘ra khỏi ghế’)
Thuật ngữ này được dùng để chỉ những ghế ngồi cỡ nhỏ mà các tiếp viên dùng trong quá trình cất cánh, hạ cánh hoặc khi máy bay đi qua vùng thời tiết xấu. Khi tiếp viên đứng dậy, chiếc ghế sẽ tự động đóng lên – ‘jump’.
“Bulkhead” (‘vách ngăn’)
‘Bulkhead’ là bức tường chia cắt các khu vực trong khoang máy bay, thường có ở hàng ghế trên cùng. Nó ngăn khu vực chỗ ngồi trong cabin khỏi phần để khoang để đồ phục vụ trong chuyến bay hoặc nhà vệ sinh. Một số hành khách thích ngồi sát vách ngăn bởi hàng ghế đó sẽ có chỗ duỗi chân rộng rãi hơn.
“Extender” (‘dây an toàn nới rộng’)
Hành khách phải thắt dây an toàn trước khi phi cơ lăn bánh khởi hành. Thế nhưng nếu với những hành khách to lớn không thể gài dây an toàn vào thì sao? Họ sẽ được đưa cho một đai an toàn nới rộng – gọi tắt là ‘dây nơi rộng’ – nối vào đai an toàn trên ghế để rộng thêm khoảng 25 inches (khoảng hơn 63cm).
“Spinner” (‘khách chưa có ghế ngồi’)
Những hành khách tới vào phút chót và không được xếp chỗ ngồi theo số ghế cụ thể đôi khi sẽ được nhân viên ở cổng vào nói hãy lên máy bay và tự tìm một ghế trống. Vậy là ta sẽ thấy một vị hành khách loay hoay đứng ở giữa lối đi xoay xoả tìm ghế.
Khi đó, bạn có thể sẽ nghe thấy một tiếp viên gọi đồng nghiệp thông qua hệ thống intercom, hoặc thông báo trên hệ thống loa công cộng với một tiếp viên khác là, “Có một ‘spinner’ ở giữa cabin. Còn chỗ trống nào ở cuối máy bay không?”
“Demo” (‘hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn trong chuyến bay’)
Thường thì từ ‘demo’ là viết tắt cho chữ ‘demonstration’ tức làm động tác mẫu cho người khác xem, nhưng tiếp viên dùng chữ này để nói về phần giới thiệu, chỉ dẫn hành khách cách sử dụng các thiết bị an toàn trước chuyến bay.
Thông tin thú vị: Các tiếp viên dùng dây an toàn nới rộng để chỉ dẫn cho hành khách cách cài và tháo dây.
“Deadhead” (‘thành viên đội bay ngồi ở vị trí hành khách’)
Các fan của Jerry Garcia không cần phải háo hức khi nghe thấy từ này. ‘Deadhead’ là thuật ngữ để nói về một thành viên phi hành đoàn đang làm nhiệm vụ, nhưng ngồi trên chuyến bay như một hành khách. Người này có thể là đang trở về nhà sau một chuyến bay, hoặc bay tới một sân bay nào đó để lên một chuyến bay khác.
Nếu một thành viên phi hành đoàn bị ốm bệnh thì hệ thống xếp lịch, điều động nhân viên của hãng hàng không đó sẽ ‘deadhead’ một phi công hoặc một tiếp viên tới để làm nhiệm vụ thay cho người bị ốm bệnh.
“Redeye” (‘mắt đỏ’)
Thuật ngữ nghe không mấy dễ chịu này dùng để nói về chuyến bay qua đêm. Với các thành viên phi hành đoàn, đây là kíp làm đêm.
Tuy thức thâu đêm có thể là điều buồn tẻ đối với các tiếp viên mới vào nghề, nhưng những hành trình ban đêm cũng có nghĩa là công việc phục vụ sẽ nhẹ nhàng hơn và các tiếp viên sẽ có nhiều thời gian hơn để buôn chuyện, bởi đây là lúc hầu hết các hành khách đều ngủ.
“Equipment” (‘thiết bị’)
Không hiểu vì lý do gì mà một chiếc máy bay lại được gọi trong ngành công nghiệp hàng không là equipment (thiết bị).
‘Thiết bị trông ổn’ có nghĩa là chiếc phi cơ không có vấn đề gì, không trục trặc gì. Nhưng nếu là, “Chúng tôi bị hoãn bởi cần đổi thiết bị’ thì sẽ phiền toái hơn, hay bị cằn nhằn hơn nhiều.
“Runners” (‘người chạy’)
“Chúng tôi đang chờ ‘runners’” có nghĩa là “chúng tôi đang chờ các hành khách đi trên chuyến bay khác nối chuyến sang, nhưng chuyến bay đó bị trễ.”
Hoặc hiểu một cách đơn giản hơn là những hành khách đó đang phải chạy hối hả để nối chuyến khi xuống khỏi chiếc máy bay bị trễ. Nếu tiếp viên dùng từ này để nói với nhau thì điều đó có nghĩa là họ cần xếp gọn hành lý cho khách và mọi người cần phải ngồi đúng vị trí càng nhanh càng tốt, để chuyến bay có thể khởi hành đúng giờ.
Lưu ý: Một số hãng sẽ chờ các hành khách bị muộn do chuyến bay trước tới trễ. Nhưng nhiều hãng thì không.
Thêm một số thông tin thú vị:
Những tiếng ‘ting ting’ trên máy bay
Hành khách có thể thử đoán ý nghĩa của những tiếng ting ting khác nhau mà ta nghe thấy trong chuyến bay, nhưng chúng tôi phải cảnh báo quý vị là số lần các tiếng ting phát ra khác nhau lại mang những ý nghĩa khác nhau, và ý nghĩa của chúng còn tuỳ thuộc vào từng hãng bay khác nhau nữa.
Đôi khi những âm thanh này có nghĩa là chiếc phi cơ đang bay ở độ cao trên hoặc dưới 10 ngàn bộ. Hoặc cũng có thể nó nhằm cảnh báo là máy bay sắp đi vào vùng thời tiết xấu.
Nút gọi tiếp viên
Những âm thanh đó cũng có thể vang lên khi có ai đó nhấn nút gọi tiếp viên. Một số tiếp viên gọi đây là nút nhấn quấy rầy, đặc biệt là khi có hành khách lạm dụng nút này, cứ như thể họ là người duy nhất có mặt trên phi cơ vậy.
Việc sử dụng nút gọi tiếp viên là hoàn toàn chấp nhận được khi hành khách thực sự có nhu cầu, chẳng hạn như khi bị đổ đồ uống, hay khi cảm thấy nôn nao, cần được hỗ trợ.
Nguyên tắc ứng xử khi hành khách nhấn nút gọi tiếp viên là người nhấn nút cần phải chờ đợi cho tới khi tất cả những người khác đều đã được phục vụ trước khi họ nhấn nút lần hai.
Lưu ý: Các vị phụ huynh đi với trẻ nhỏ rất dễ bị liếc xéo khó chịu nếu họ để con cái biến nút gọi tiếp viên thành thứ đồ chơi phát ra âm thanh.
Hệ thống điện thoại bí hiểm của tiếp viên
Để chuyện trò bí mật với nhau, các tiếp viên có hệ thống intercom với phi công và với nhau. Họ có thể buôn chuyện về đủ thứ, từ cà phê cho tới việc buồng tắm bị hỏng, hay xe đẩy, hay các lần trễ chuyến, rồi nhiệt độ trên khoang, hay thời tiết, v.v… Đôi khi họ còn nói cả về tỷ số các trận thi đấu thể thao, là những thông tin có thể chia sẻ cho cả các hành khách không có dịch vụ wifi.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Autos.

Bộ trưởng thương mại Pháp đề nghị ngưng đàm phán TTIP

Brussels, Bỉ. (Reuters) - Bộ trưởng thương mại của Pháp hôm nay nói rằng các cuộc đàm phán về thỏa ước thương mại xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP nên được dừng lại.
Lời kêu gọi này góp thêm tiếng nói vào quan điểm của Đức đòi chấm dứt các cuộc đàm phán. Ông Matthias Fekl cho biết ông sẽ yêu cầu để ngưng lại các cuộc đàm phán TTIP tại cuộc họp vào tháng tới của các bộ trưởng thương mại của Liên Âu ở Bratislava. Ông Fekl đã đưa ra các phát biểu tại một cuộc phỏng vấn của đài truyền thanh RMC. Ông nói việc chấm dứt nhằm để các bên có thể có một khởi đầu mới trở lại dựa trên các căn bản tốt hơn.
Hôm chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói đàm phán TTIP đã thất bại vì châu Âu không chịu nhượng bộ trước một số yêu cầu của Hoa Kỳ.  Phát biểu của 2 vị bộ trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất của Liên Âu đã mâu thuẫn với quan điểm chính thức từ Ủy ban châu Âu, cơ quan lập pháp của khối và của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman. Hôm qua phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, Margaritis Schinas còn nói rằng các cuộc đàm phán TTIP vẫn tiến triển và 2 bên đã có một khung sườn cho thỏa ước.
Tòa Bạch Ốc cũng lập lại trong tuần này là Hoa Kỳ nhắm tới việc đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. (Lê Hoàng)

Mỹ nhức đầu vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Ngày 24/08/2016, chiến xa và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, bắt đầu tiến vào nước láng giềng Syria, với mục tiêu « diệt khủng bố ». Trên chiến trường quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào hai địch thủ : quân thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, và các lực lượng người Kurdistan tại Syria. Chính việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm diệt đối tượng thứ hai này đang làm cho Washington nhức đầu vì trong số đó có lực lượng YPG được Mỹ trợ giúp để chống lại Daech.
Thổ Nhĩ Kỳ không hề che giấu mục tiêu của mình là tiêu diệt các nhóm du kích người Kurdistan tại Syria, bị Ankara liệt vào diện « khủng bố ». Ngày hôm qua, 29/08, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói rõ trong một thông cáo rằng chiến dịch « Lá Chắn Euphrate sẽ tiếp diễn cho đến khi không còn mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Đảng Lao Động Kurdistan PKK và lực lượng chiến binh người Kurdistan YPG. »
Vấn đề đặt ra là lực lượng YPG của người Kurdistan tại Syria cũng như một nhóm khác là PYD, trong thời gian gần đây, lại được Washington hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria và Irak. Các chiến binh Kurdistan gần đây đã giành được nhiều thành công trong việc lấy lại những khu vực bị rơi vào tay Daech.
Trước sự kiện những người đồng minh chống Daech của mình lại bị một đồng minh khác tấn công, Hoa Kỳ không tránh khỏi lúng túng vì bị bất ngờ, và đã phải lên tiếng phản ứng.
Vào hôm qua, ngày 29/08, đặc sứ của tổng thống Mỹ bên cạnh Liên minh quốc tế chống thánh chiến, Brett McGurk, đã tỏ ý rất tức giận trước việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào người Kurdistan, xem đấy là điều « không thể chấp nhận được », và kêu gọi các bên « ngưng » chạm súng.
Tuyên bố của ông McGurk lại có phần mâu thuẫn với một phát biểu của phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ghé Ankara vào tuần trước, ông Biden đã « nói rất rõ ràng » là lực lượng Kurdistan phải « băng qua trở lại » sông Euphrate về phía đông nếu không thì sẽ mất hậu thuẫn của Mỹ, một tuyên bố có phần đi theo đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Matt Bryza, một cựu thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ thời tổng thống George W. Bush, những dấu hiệu trái ngược nhau này của Mỹ có nguy cơ làm mất đi cơ hội tranh thủ quyết tâm mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tấn công tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Đối với ông Matt Bryza, Washington không nên làm cho Ankara phật ý khi ủng hộ lực lượng Kurdistan, vì Mỹ đã phải mất hai năm mới yêu cầu được Thổ Nhĩ Kỳ có một thái độ cứng rắn hơn đối với Daech.
Ngược lại « đảm bảo là các đơn vị người Kurdistan của YPG trở lại phía đông sông Euphrate, như một viên chức Mỹ đã nêu lên, là một chiến lược tốt mà Washington nên theo. »
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chính thái độ chần chừ của Ankara trước đây trong cuộc chiến chống Daech đã thúc đẩy Mỹ phải tìm đến trợ thủ khác là lực lượng Kurdistan.
Ông John Hannah, một cựu cố vấn của cựu phó tổng thống Dick Cheney ghi nhận : « Lực lượng YGP không phải là chọn lựa đầu tiên của Mỹ để trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo trên thực địa, mà đó là vì không còn ai khác. ».
Ông John Hannah cũng cảnh báo : « Nếu xảy ra một cuộc đối đầu to lớn giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay lực lượng mà họ hỗ trợ, với chiến binh Kurdistan YPG, mà không thấy dấu hiệu gì là Thổ Nhĩ Kỳ dấn thân mạnh hơn vào cuộc chiến chống Daech, thì chắc chắn sẽ có căng thẳng thật sự giữa Washington và Ankara ».
Trước mắt, quan hệ giữa Ankara và Washington vốn đã căng thẳng do vụ đảo chánh hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã lại căng thẳng thêm lên với chiến dịch đánh vào người Kurdistan ở Syria.
Đây sẽ là hai hồ sơ nóng bỏng nhân cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Erdogan tại Trung Quốc bên lề Hội Nghị G20 tại Trung Quốc vào đầu tháng 9 sắp tới.

Bình Nhưỡng xử tử 2 quan chức cao cấp

bằng súng phòng không?

Bắc Triều Tiên đã hành quyết công khai hai quan chức vào đầu tháng Tám, vì bất tuân phục lãnh đạo Kim Jong Un. Reuters dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc hôm nay 30/08/2016 cho biết như trên.
Nhật báo Joong Ang Ilbo trích một nguồn tin ẩn danh thông thạo tin tức miền Bắc, nói rằng cựu bộ trưởng Nông nghiệp Hwang Min và một quan chức cao cấp của bộ Giáo dục là Ri Yong Jin, đã bị hành quyết bằng súng phòng không tại một học viện quân sự ở Bình Nhưỡng.
Theo tờ báo Hàn Quốc, ông Hwang bị xử tử vì các đề nghị về chính sách của ông bị coi là thách thức Kim Jong Un. Còn trường hợp ông Ri do bị bắt gặp đang ngủ gục trong một cuộc họp với Kim Jong Un, và sau đó bị điều tra vì tham nhũng và có thái độ bất kính với lãnh tụ.
Nếu thông tin này là sự thật, thì đây là sự kiện mới nhất tiếp theo một loạt vụ thanh trừng của chế độ Bình Nhưỡng. Từ khi lên nối ngôi cha là Kim Jong Il vào năm 2012, Kim Jong Un không ngừng ra tay củng cố quyền lực bằng mọi cách, kể cả việc hành quyết các quan chức cao cấp.
Reuters không thể xác minh tin trên, và bộ Thống nhất của Hàn Quốc phụ trách các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, hiện chưa đưa ra lời bình luận. Một số thông tin tương tự trước đây đã bị phát hiện là sai lạc.
Tin tức về vụ hành quyết này được đưa ra sau khi Seoul loan báo nhân vật số hai của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn đã đào thoát sang Hàn Quốc cùng với gia đình, gây bối rối cho Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên hiếm khi loan báo các vụ thanh trừng và hành quyết, dù báo chí Bình Nhưỡng nhìn nhận việc xử tử chú dượng của Kim Jong Un là ông Jang Song Thaek năm 2012 vì tội phe phái và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Một cựu bộ trưởng Quốc phòng là Hyun Yong Chol cũng được cho là đã bị hành quyết vào năm ngoái vì tội phản quốc.

Trung Quốc cải tiến hệ thống tên lửa địa đối không

Trang mạng bộ Quốc Phòng hôm qua 29/08/2016 thông báo hệ thống tên lửa địa đối không đã được nâng cấp, sẵn sàng chiến đấu và có thể nhắm đến những mục tiêu xa hơn so với các hệ thống tên lửa khác.
Trong một thông cáo được tờ South China Morning Post hôm nay trích dẫn, phát ngôn viên lực lượng không quân Thân Tiến Khoa (Shen Jinke) cho biết là quân đội nước này đã hoàn thiện công tác đại tu hệ thống phòng thủ tên lửa địa đối không do Trung Quốc chế tạo. Giàn tên lửa này giờ có thể đánh chặn các loại hỏa tiễn từ tầm ngắn đến tầm xa và các mục tiêu từ thấp đến cao.
Đại diện lực lượng không quân Trung Quốc cho rằng : “ Hệ thống phòng không và chống tên lửa là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng tác chiến của không quân ” và “ lực lượng không quân đang thiết kế một hệ thống phòng thủ phòng không và không gian hợp nhất ” và đang chuyển đổi từ lực lượng phòng thủ không phận lãnh thổ thành một lực lượng có khả năng thực hiện cả phòng thủ lẫn tấn công.
Trong quá trình đại tu, không quân đã sử dụng các công nghệ nước ngoài và cải tiến các loại tên lửa do Trung Quốc chế tạo, bao gồm các hệ thống HQ-9, HQ-6 và HA-12.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) nhận định dường như có một sự thay đổi lớn đối với các loại tên lửa, do các mối đe dọa trong tương lai từ trên không sẽ không còn chỉ là những chiến đấu cơ nữa. Theo ông Tống, “ với việc tập trung chống tên lửa, không lực Trung Quốc giờ đã hoàn thiện một hệ thống có khả năng đánh chặn ở tầm trung và xa ”.
Sự việc cũng cho thấy là “ Quân đội Giải phóng Nhân dân đang tỏ ra minh bạch hơn về chương trình phát triển vũ khí, và chứng tỏ sự tự tin về khả năng chiến đấu ”.
Theo South China Morning Post, thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh phản đối việc Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn