Tin Việt Nam – 27/08/2016
Chuyện quốc tịch VN, quốc tịch nước ngoài
Việc hàng ngàn người thôi quốc tịch Việt Nam trong năm ngoái là “vấn đề quyền con người, rất bình thường”, một luật sư nói với BBC Tiếng Việt.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy trong năm 2015 có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu chính thức thôi quốc tịch Việt Nam là 4.474 người.
Đây là “số liệu chính thức được quản lý tại Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực”, báo Dân Trí dẫn nguồn Bộ Tư pháp.
Hôm 27/8, luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC: “Theo tôi, con số 4.474 người thôi quốc tịch Việt Nam trong năm 2015 cũng là bình thường.”
“Việc ai đó quyết định thôi quốc tịch là quyền con người, quyền sống tự do.”
Hồi đầu năm 2014, báo Gia đình dẫn nguồn Bộ Tư pháp nói bố có 2.055 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam, tuy không nêu rõ đây là các trường hợp nộp đơn trong khoảng thời gian nào.
Vấn đề song tịch, đa tịch
“Thực tế là có hàng triệu người Việt đang định cư ở nước ngoài vẫn chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam,” luật sư Trần Quốc Thuận nói.
“Luật Quốc tịch Việt Nam hiện tại thừa nhận chuyện song tịch, tuy nhiên có thể một số quốc gia mà người Việt nhập tịch đòi hỏi phải bỏ quốc tịch cũ.”
Theo ông Thuận, có nhiều nguyên do khiến “những người Việt có điều kiện” tìm đường đi định cư nước ngoài.
“Một đồng nghiệp luật sư của tôi gần đây lên tiếng rằng do cuộc sống tại Việt Nam bây giờ không an toàn từ nhà ra ngoài đường, vì nỗi lo thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường… nên những người có điều kiện kinh tế khá giả tìm đường ra đi.”
“Tôi chỉ mong rằng những người Việt ra nước ngoài làm ăn, sinh sống, đến một lúc nào đó sẽ quay về đóng góp cho quê hương,” ông Thuận nói với BBC.
Image copyright other Image caption Bà Nguyệt Hường bị tước tư cách đại biểu quốc hội do ‘phạm luật’
Truyền thông Việt Nam gần đây đưa tin về trường hợp một đại biểu quốc hội có thêm quốc tịch nước ngoài.
Hồi tháng Bảy 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị phát hiện là có quốc tịch thứ hai, và đã nhanh chóng bị tước tư cách dân biểu do “phạm luật”.
Khi đó, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận với báo giới, bà Nguyệt Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.
Trong khi ông Phúc nói nguyên nhân tước tư cách đối với đại biểu Hường là vì người ta “không trung thực trong kê khai hồ sơ” và “nói dối” thì ông cũng nói rằng: “Tôi không chắc chị Nguyệt Hường biết mình đăng ký quốc tịch thứ hai là vi phạm pháp luật hay không.”
Tuy nhiên, ông Phúc nói thêm rằng Luật Quốc tịch đã quy định “công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch” và rằng “muốn có quốc tịch thứ hai thì phải xin thôi quốc tịch của mình”.
“Trường hợp một người Việt Nam ra định cư ở nước ngoài, nếu quốc gia sở tại cho phép công dân có nhiều quốc tịch thì đương nhiên người đó có từ hai quốc tịch trở lên.”
“Vấn đề ở chỗ, cho dù một người có hai quốc tịch thì khi về Việt Nam chỉ được sử dụng một quốc tịch, chứ không thể cùng lúc hai quốc tịch.”
Công an không xác nhận có bắt trẻ em,
người nhà không nhận bé về
Lối hành xử bất tuân luật pháp của toán công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) hiện nay đang gây bất bình cho dư luận trong cả nước.
Related news:
Như SBTN đã đưa tin, chỉ vì ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ngụ xã Tân Hải, thị xã Lagi, Bình Thuận) có dính đến một vụ án làm giả con dấu, giấy tờ giả của cơ quan, nên đã bị công an quận Hai Bà Trưng từ Hà Nội vào Lagi bắt đi, như những tên bắt cóc trong phim hình sự. Toán công an này còn bắt cóc luôn bé Lê Ngọc Diệp, sinh tháng 1/2014. Toán công an còn lấy luôn chiếc xe hơi 4 chỗ của ông Phong, chạy từ Lagi về đến quận 7, Sài Gòn điều tra. Trong suốt thời gian đó, đứa bé dù vô tội vẫn phải chịu cảnh bị bắt cóc, thiếu sự chăm sóc của gia đình.
Liên quan đến vụ án công an bắt cóc người, thiếu tướng công an CSVN Nguyễn Phi Hùng-phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ công an cho báo chí biết rằng, hoàn toàn không có chuyện công an không chịu trao trả em bé như lời người thân trong gia đình nói. Theo ông Hùng, ngay trong đêm 26/8, công an đã mời gia đình đến để trao trả em bé, nhưng người thân trong gia đình đã từ chối. Người nhà em bé yêu cầu công an phải lập biên bản, trong đó xác nhận việc công an bắt cóc trẻ em thì mới chịu nhận em bé.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thùy Hương (44 tuổi, chị ông Phong) cung cấp cho báo chí những tin tức hoàn toàn ngược lại. Bà Hương cho biết, gia đình không hề yêu cầu công an phải lập biên bản “bắt cóc” bé Diệp, mà chỉ yêu cầu công an xác nhận có bắt em bé. Vì đó sẽ là căn cứ để người nhà đòi công bằng về sau. Thực tế là toán công an Hà Nội đã bắt bé Diệp, chạy từ Lagi đến quận 7, Sài Gòn.
Cho tới 8h30 tối, gia đình vẫn chưa nhận lại bé Diệp, vì phía công an không chịu xác nhận đã bắt em.
Khi được hỏi về quy trình bắt người của toán công an Hà Nội, thiếu tướng công an CSVN Nguyễn Phi Hùng đã bao che, nói rằng do làm việc chung nên nôn nóng mà làm sai.
Ngọc Quân/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/cong-khong-xac-nhan-co-bat-tre-em-nguoi-nha-khong-nhan-be-ve.html
Quanh co ngụy biện Bộ Y Tế: còn lâu mới ăn được cá!
Ngay sau màn trình diễn công bố báo cáo về “làm sạch biển” và lại tắm biển, ăn hải sản của giới quan chức Bộ Tài Nguyên Môi Trường cùng những bộ ngành liên quan, khá nhiều tờ báo nhà nước đã không kìm được phẫn nộ qua nhiều bài viết đặt lại dấu hỏi về “gần năm tháng đã qua kể từ khi cá bắt đầu chết ở miền Trung, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời được câu hỏi “ăn cá được hay chưa”, “Tại sao các ngành chức năng không phối hợp làm rõ cá vùng nào ăn được, vùng nào chưa, kể cả cá đánh bắt ngoài vùng 20 hải lý cho rõ ràng, để ngư dân và người dân không bị thiệt hại?”…
Một bằng chứng phản bác hoàn toàn thái độ lấp liếm của các bộ ngành, là hiện ở tình Quảng Bình vẫn tồn kho đến 2,000 tấn cá mà không có người mua. Rất nhiều gia đình ngư dân từ lâu đã không còn đi biển và không biết sinh sống bằng gì. Nhiều người đã phải tính đến một đợt di cư vào Nam hay ra Bắc để tìm đường thoát thân. Cái được gọi là “hỗ trợ ngư dân” của chính quyền vẫn cực kỳ nhỏ giọt, như thể chính quyền chỉ muốn ngư dân bị tận diệt càng nhanh càng tốt…
Trong khi đó, giới quan chức Bộ Y tế – cơ quan từng tuyên bố “cá an toàn” vào tháng 4/2016, một lần nữa đọc báo cáo: “Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung (tháng 4-5 vừa qua), chúng tôi lấy trên 430 mẫu hải sản tươi ở các cảng cá, chợ cá với các mẫu là tất cả các loại cá đánh bắt được ở vùng biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế để kiểm tra thì tỉ lệ mẫu nhiễm kim loại nặng cao. Giờ phút này thì số mẫu nhiễm kim loại nặng đã giảm nhiều, như tháng 7 còn 7/27 mẫu, tỉ lệ là 25,9%, tháng 8 tính đến nay có 1/18 mẫu có dư lượng cadimi cao vượt ngưỡng…”.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tháng 4-5, khi tỉ lệ mẫu có dư lượng kim loại nặng trong hải sản đánh bắt được cao như vậy mà cục không công bố? Trong khi đó, đây là vấn đề rất nghiêm trọng và người dân không thể phân biệt được đâu là cá đánh bắt ở bốn tỉnh có cá chết và ô nhiễm kim loại nặng, đâu là “cá an toàn”?
Từ tháng 6-2016 đã có những tranh cãi về chuẩn chất cấm trong cá, trong khi Bộ Y tế cho rằng có thể cho phép dùng cá có dư lượng phenol trong ngưỡng, còn Sở Y tế Quảng Trị lại lo ngại chất cấm này khi phát hiện một kho lạnh chứa 30 tấn cá có dư lượng phenol. Nhưng cho tới giờ Bộ Y tế vẫn không thể, hoặc không muốn làm rõ chất nào là chất cấm và số phận lô cá có phenol ấy hiện ra sao.
Bằng việc công bố báo cáo về “biển đã sạch”, một lần nữa, giới quan chức chính quyền và “các nhà khoa học hàng đầu” lại bày ra một thủ đoạn mị dân, chắc hẳn để đối phó tạm thời với phong trào biểu tình của giáo dân, ngư dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đang tăng vọt đến ít nhất năm chục ngàn người.
Sau 5 tháng kể từ ngày cá chết, vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào. Nhà cầm quyền đang đẩy ngư dân đến một cái chết chắc chắn!
Lê Dung / SBTN
Nhà cầm quyền Hà Nội
tiếp tục khủng bố, đe doạ các Soeurs Dòng Phao Lô
Vào chiều ngày 26 tháng 8 năm 2016, các Soeurs Dòng Thánh Phaolo ở Hà Nội đã tập trung tại Sở tài nguyên và môi trường để yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lời các vấn đề khiếu kiện tranh chấp đất đai của nhà Dòng mà chính quyền Hà Nội đang âm mưu cưỡng đoạt.
Các soeurs và bà con giáo dân mất rất nhiều thời gian để yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường họp và trả lời các chất vấn việc nhà cầm quyền muốn cưỡng đoạt đất đai của Nhà Dòng. Lúc đầu, họ chỉ đồng ý cho 10 người vào. Soeurs Quỳnh đã yêu cầu mở cửa khi làm việc. Tuy nhiên, nhân viên ở đây nhận lệnh mở một cánh cửa, còn đọc danh sách, rồi yêu cầu kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Vì yêu cầu này quá vô lý các soeur và bà con giáo dân không đồng ý. Một ông lãnh đạo thái độ rất hùng hổ đi ra khỏi phòng họp và tuyên bố: “không tiếp đón, không họp hành gì hết!”.
Đến lúc này, các Soeurs và bà con giáo dân bắt đầu đọc kinh cầu nguyện tại Sở Tài Nguyên – Môi Trường. Phía an ninh thì quay phim các soeurs và bà con giáo dân.
Mãi đến tối, lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi trường vẫn không chịu tiếp đón các Soeurs. Nhà cầm quyền Hà Nội còn huy động nhiều kẻ lạ mặt đến đe doạ, khủng bố tinh thần các Soeurs. Họ còn tắt điện, và cho người bế soeurs Quỳnh ra ngoài mặc dù Soeur đang bị gãy chân.
Hiện nay, các Soeurs đã ra về, nhưng sẽ còn tiếp tục đấu tranh để đòi lại mảnh đất của Dòng Phaolo.
Phóng viên Hà Vân có mặt tại Sở Tài Nguyên – Môi Trường cho biết: “… Mảnh đất số 5 Quang Trung thuộc quyền quản lý hợp pháp của Dòng Phaolo, nhưng đã bị nhà cầm quyền Hà Nội chiếm dụng bất hợp pháp. Sau rất nhiều lần gửi đơn thư yêu cầu, khiếu nại nhưng các cơ quan công quyền đá hết bên này đến bên kia. Được biết, Sở Tài Nguyên – Môi Trường là nơi tiếp nhận hồ sơ, hứa hẹn trả lời. Nhưng năm lần bảy lượt các Soeurs đến đều bị từ chối hoặc khất lần.”
Xin được nhắc lại, mảnh đất tại số 5 đường Quang Trung thuộc sở hữu của nhà dòng từ cuối thế kỷ 19. Quý soeurs có đầy đủ giấy tờ sở hữu mảnh đất này (bằng khoán điền thổ 494, quyển 3, tờ 94. Cấp năm 1948). Tuy nhiên, gần đây nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng mọi thủ đoạn để cưỡng đoạt mảnh đất trên, nhằm bán lại cho một doanh nghiệp không rõ danh tính làm dự án đầu tư. Hiện nay, họ đang xây dựng bất hợp pháp trên mảnh đất của quý soeurs. Các Soeurs đã nhiều lần kiến nghị, viết đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền, biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền tạm dừng thi công và giải quyết tranh chấp rõ ràng. Đến nay, nhà cầm quyền đã tạm dừng thi công, nhưng vẫn chưa trả lại mảnh đất trên cho nhà dòng.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Nhận xét
Đăng nhận xét