Có tìm được sự bình an riêng trong một ngôi nhà chung mục ruỗng?

Thứ Năm, 09/29/2016 - 17:48 — songchi

Song Chi. 
Chúng ta đã nói rất nhiều về sự sợ hãi, thói bàng quan, vô cảm của người Việt khi đụng tới những vấn đề chính trị. Mặc dù theo thời gian, nhờ sự phát triển của internet, sự tiếp xúc với những thông tin từ thế giới bên ngoài cũng như tình trạng yếu kém, tồi tệ trong quản lý điều hành đất nước của nhà cầm quyền càng bộc lộ rõ, khiến cho số người tỉnh ngộ, bức xúc, phẫn nộ với thực trạng xã hội, với nhà nước có tăng lên, nhưng nhìn chung đa số người Việt vẫn xem chính trị như là chuyện “nhạy cảm”, không nên bàn tới.
Và cứ như thế, chúng ta tiếp tục sống với một thái độ rất “khôn ngoan” rằng chỉ nên tập trung làm ăn kiếm sống, lo cho bản thân, gia đình, lúc có tiền thì lo hưởng thụ cuộc sống, còn những chuyện khác, mặc. Chúng ta tự biện hộ xã hội thối nát thì ai cũng biết rồi, nói ra có thay đổi được gì đâu, mà còn phải vạ vào thân. Nếu có tiền hơn nữa thì sẽ lo cho con cái đi du học, sẽ tìm cách có cơ sở làm ăn ở nước ngoài để lỡ có gì thì vù ra ngoài sinh sống, nhưng vẫn không đụng chạm đến nhà cầm quyền, để còn có cửa mà trở về thăm bà con, hưởng những dịch vụ giá rẻ trong nước.
Song, hơn 90 triệu người có được mấy triệu người có điều kiện để công khai đi ra nước ngoài dưới dạng kinh doanh làm ăn, đồng thời mang theo một số tài sản lớn, tiếp tục sống một cuộc đời sung sướng, hay đa phần là đảng viên quan chức cộng sản với tài sản có được chủ yếu là do tham nhũng, ăn cắp?
Còn lại mọi người vẫn phải sống và chịu đựng tất cả những cái tồi tệ do một chế độ độc tài đảng trị được điều hành bởi những kẻ dốt nát, tham lam, hèn với giặc ác với dân, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, phe nhóm và của bản thân lên trên lợi ích của đất nước và hạnh phúc của dân tộc. Và với một chế độ và một đảng cầm quyền như vậy thì liệu có ai trong chúng ta thực sự được bình yên?
Nếu sống ở Sài Gòn, Hà Nội, dù giàu hay nghèo, dù đi xe hơi hay xe gắn máy thì hàng ngày chúng ta vẫn phải chịu đựng cái cảnh cứ bước chân ra đường là giao thông hỗn loạn, thường xuyên kẹt xe tắc đường, hễ mưa lớn là ngập kéo dài hàng tiếng, môi trường bị ô nhiễm vì khói bụi, mùi hôi rác thải, mương rạch…Các thành phố khác có đỡ hơn đôi chút thì cũng vẫn tình trạng giao thông tùy tiện, ở thế kỷ XXI rồi mà VN vẫn chưa có nổi một mạng lưới giao thông công cộng an toàn, tiện lợi bao gồm xe bus, metro, xe điện…
Giao thông trên toàn quốc với đa số dân chúng còn nghèo thì máy bay vẫn là đắt đỏ, xe lửa thì vẫn xài hệ thống đường ray hẹp khổ 1m mà chả mấy quốc gia trên thế giới hiện nay còn dùng, rốt cuộc đường bộ vẫn được lựa chọn tối đa, với tình trạng không tuân thủ luật lệ và hệ thống đường xá chưa thật tốt, năm nào cũng 11-12.000 người chết vì tai nạn giao thông! Chúng ta liệu có dám đảm bảo cả đời mình và người thân sẽ an toàn?
Chẳng riêng gì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đủ thứ tai nạn trời ơi đất hỡi từ trên trời rơi xuống, do thói làm ăn cẩu thả, tắc trách gây nên, như đi ngoài đường bị cây xanh trốc gốc ngã đè trúng, bị tấm tôn hoặc các thứ vật liệu sắc bén được chở bởi những phương tiên thô sơ như xích lô, xe ba gác…cứa trúng cổ, sụp hố do sửa đường, sửa cống…không che chắn kỹ, bị điện giật do dây điện bị hở, trời mưa thòng xuống nước v.v…Có thể chúng ta sẽ bảo đó là do dân trí thấp, chứ đâu thể cái gì cũng đổ lỗi cho nhà nước. Dân trí, hay nói cho đúng, ý thức của người dân là do cái môi trường xã hội tạo nên. Nếu trong một xã hội mà luật pháp được tôn trọng tối đa, mọi sự vi phạm đều bị phạt nặng thì sẽ giảm thiểu số người coi thường tính mạng của người khác.
Vì công việc, chúng ta phải có lúc tiếp xúc với bộ máy hành chính quan liêu của cái nhà nước độc tài này, bị hạch sách, nhũng nhiễu hoặc buộc phải chi tiền nếu muốn mọi thứ được thông qua nhanh gọn lẹ. Chúng ta không thể tránh khỏi lúc ốm đau phải bước chân đến bịnh viện, có những lúc phải xùy tiền ra để được hưởng những dịch vụ tốt hơn, cách phục vụ tử tế hơn trong một xã hội mà cái gì cũng đồng tiền trên hết. Còn nếu không có tiền, mà lại ở tỉnh lẻ, nông thôn, vùng sâu vùng xa thì nếu bịnh nặng, hiểm nghèo coi như cầm chắc cái chết, khi mà hệ thống y tế ở VN còn có một khoảng cách rất xa về cơ sở vật chất, điều kiện chữa trị giữa các thành phố lớn với thành phố nhỏ, nông thôn…
Chúng ta không thể tránh khỏi bản thân hoặc con cháu phải chịu đựng cái nền giáo dục lạc hậu, bao nhiêu năm qua cứ loay hoay sửa đổi, cải cách, càng cải càng nát này. Có ai tính nổi bao nhiêu lần học sinh VN phải là vật thí nghiệm cho những lần cải cách giáo dục như vậy? Không phải vô cớ mà một trong những lý do ra đi nhiều nhất của người Việt trong những năm gần đây là đi học, hay nói cách khác, “tị nạn giáo dục”.
Chúng ta không thể tránh khỏi nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, không còn một thứ gì trong bữa ăn hàng ngày của người Việt hiện nay là an toàn được nữa; không thể tránh khỏi các tai họa do sự tàn phá môi trường gây nên, chẳng hạn, chỉ một vụ Formosa trước mắt đã ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng triệu con người và sẽ còn gấp nhiều lần nữa trong 70 năm tới. Chưa kể nạn phá rừng khiến lũ lụt mỗi năm mỗi trầm trọng, đồng bằng sông Cửu Long bị khô hạn và xâm nhập nước mặn do các đập thủy điện và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học của VN cũng như của các nước láng giềng, tai họa rình rập từ nhà máy khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, một dự án nhà máy thép “khủng” khác chuẩn bị triển khai tại Cà Ná-Ninh Thuận v.v…
Chúng ta né tránh chính trị, nhưng chính trị là tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, từ những thứ thiết thực nhất với người dân như giá cả sinh hoạt xăng dầu lên xuống, lương bổng, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…Khoan nói đến những thứ “cao siêu” mà người dân bình thường có khi không biết, không cảm thấy cần như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử ứng cử, đa đảng, bình đẳng, nhân quyền…
Nhưng khi phải đụng chuyện với công an thì chúng ta mới hiểu thế nào là một xã hội công an trị, khi công an luôn tự cho mình cái quyền hành xử ngang ngược, thậm chí côn đồ. Chúng ta có thể cho rằng câu chuyện về những người dân chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều, cự cãi với hàng xóm, hoặc một học sinh bị nghi lấy cấp hai triệu VNĐ của hàng xóm…bị đưa về đồn rồi bị công an bạo hành chết… chỉ là số ít, nhưng có ai dám đảm bảo cả đời mình và người thân thoát khỏi những chuyện tương tự? Khi công an ngang nhiên hành hung cả nhà báo của một tờ báo lớn ngay giữa ban ngày ban mặt và sau đó chỉ bị kiểm điểm, khiển trách còn bản thân nhà báo còn bị phạt hành chính vì “tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép” thì rõ ràng là giới công an chả còn sợ gì sất.
Bản thân các anh chị nhà báo qua câu chuyện này cũng thấm thía rằng khi có nhiều sự kiện trong xã hội xảy ra các anh không lên tiếng (vì không được phép!), thậm chí những lần đồng nghiệp bị đánh trước đây làng báo không lên tiếng mạnh mẽ, nên những câu chuyện tương tự mới xảy ra, với mức độ ngày càng tồi tệ hơn.
Đã cùng sống trong một mái nhà chung VN, thì mọi tai họa mọi người đều gánh. Ngay những người giàu có, những người đang hưởng lợi từ chế độ này hay quan chức cũng âm thầm cho con cái đi du học, âm thầm tẩu tán tài sản ra bên ngoài dọn chỗ sẵn. Cũng đừng tưởng là quan chức thì yên, với một chế độ ngoài mặt thì “ổn định chính trị” nhưng bên trong chia rẽ trầm trọng vì quyền lợi. Lịch sử đảng cộng sản VN cũng như các đảng cộng sản khác, là một lịch sử đẫm máu của những cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ, những cái chết bất đắc kỳ tử, bí ẩn từ thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cho tới bây giờ, không thể kể hết, bản thân những "nạn nhân" có lẽ đến khi bị cách chức, bị "xử"...mới ngộ ra sự bạc bẽo, phi nhân của cái chế độ mà mình từng là một phần của nó.
Ngay cả người tu hành cũng đâu được tha? Hình ảnh vị hòa thượng tuổi “thất thập cổ lai hy” Thích Không Tánh trở về chứng kiến cảnh hoang tàn của ngôi chùa Liên Trì bị nhà cầm quyền phá bỏ để lấy đất, hay hình ảnh linh mục Anton Đặng Hữu Nam và bà con giáo dân-ngư dân, dâng Thánh Lễ ngay trên nền Thánh đường cũ đổ nát của Giáo xứ Đông Yên đã bị nhà cầm quyền san bằng và buộc di dời, để nhường đất cho Đặc khu Vũng Áng-Formosa… lan truyền trên mạng facebook, là những bằng chứng mới nhất, nối tiếp cả một quá trình dài đàn áp tôn giáo, cướp đất chùa, nhà thờ…của nhà cầm quyền.
Thực tế quá rõ ràng, với một thể chế tồi tệ, một đảng cầm quyền tồi tệ như ở VN lâu nay thì không ai có thể sống bình an, hạnh phúc thực sự, cho dù có nhắm mắt làm lơ, chọn lựa thái độ im lặng, sống trong sợ hãi hoặc bàng quan, vô cảm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?