Ngưỡng nghèo khó : Tiêu chí 2 đô la/ngày đã là đủ ?




Ngưỡng nghèo khó : Tiêu chí 2 đô la/ngày đã là đủ ?













Ngưỡng nghèo khó : Tiêu chí 2 đô la/ngày đã là đủ ?
Mất đất, một con 
đường dẫn đến nghèo đói. Trong ảnh, vùng hồ Boeung Kak, gần thủ đô Phnom Penh, bị trưng thu để bán cho nhà đầu tư Trung Quốc, 31/08/2011.Reuters/Samrang Pring

Theo Ngân Hàng Thế Giới, vào lúc dân số trên hành tinh không ngừng tăng thì chưa bao giờ số lượng người nghèo khổ trên toàn thế giới lại xuống thấp đến như thế : khoảng 700 triệu, tức là một phần mười tổng dân số toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Ngân Hàng Thế Giới đề ra mục tiêu là đến năm 2030, xóa bỏ được hoàn toàn nạn đói nghèo trên thế giới. Câu hỏi đặt ra : Các số liệu thống kê đầy hứng khởi nói trên cũng như các kết quả của những cam kết có phản ánh đúng thực tế hay không ?

Tiền tệ : Thước đo ngưỡng nghèo ?
Cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ nạn nghèo cùng cực trên thế giới đã huy động được sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, giới chuyên gia, giới hoạt động thiện nguyện… Thoạt nhìn, sự tham gia đông đảo này mang lại các kết quả khả quan.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng tại châu Âu, chiến tranh, xung đột quân sự tại Irak, Syria, Sudan… đang làm hàng triệu người phải bỏ cửa bỏ nhà chạy lánh nạn, ngay cả các nước đang trỗi dậy cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và xã hội. Vậy có thể coi nạn đói nghèo đã được đẩy lùi hay không trên phạm vi toàn cầu ?
Trước tiên là cần phải định nghĩa thế nào là đói nghèo và liệu có một định nghĩa phổ quát cho tình trạng này tại các nước hay không ? Trả lời phỏng vấn chuyên mục kinh tế của đài RFI (*), bà Anne Sophie Robillard, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển IRI Pháp cho biết :
« Có nhiều cách định nghĩa về nạn nghèo đói. Tuy nhiên, có một sự đồng thuận chung về định nghĩa này. Đó là dùng thước đo tiền tệ. Công cụ này cho phép theo dõi, tính toán. Một công cụ thống kê theo dõi tình trạng đói nghèo, do Ngân Hàng Thế Giới đưa ra vào những năm 1990. Định chế này đã nỗ lực đưa ra được một chỉ số theo dõi tình trạng đói nghèo trên thế giới, so sánh giữa các nước cũng như diễn tiến của tình trạng đói nghèo tại các nước đó ».
Về điểm này, ông Gilles Dufrénot, giáo sư kinh tế ở đại học Aix –Marseille, có cách giải thích khác rõ hơn :
« Người ta rơi vào tình trạng đói nghèo khi ăn không đủ no. Ngân Hàng Thế Giới đã có nỗ lực xác định các sản phẩm thiết yếu, cơ bản mà người dân cần để sống, tồn tại và cuối cùng thì giới chuyên gia đưa ra một chỉ số gây nhiều tranh luận : Một người được coi là ở trong tình trạng đói nghèo nếu có thu nhập dưới mức 1,25 đô la/ngày. 
Gần đây, Ngân Hàng Thế Giới nâng ngưỡng này lên thành 1,92 đô la hoặc xấp xỉ 2 đô la. Con số này có tính đến lạm phát, mức sinh hoạt tại các nước, bởi vì trong 10 năm qua, giá lương thực, thực phẩm tăng. Có một thực tế là trong thời gian qua, số người nghèo khó có giảm, nhưng việc tăng ngưỡng lên thành 2 đô la đã làm tăng số người trong tình trạng đói nghèo. Đây chính là điều mâu thuẫn và gây nhiều tranh luận ».
Vào năm 1990, Ngân Hàng Thế Giới đề ra ngưỡng nghèo khó là 1 đô la/ngày. Vào đầu tháng 10/2015, trước thềm cuộc họp thường niên giữa Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tại Lima, Peru, ông Kaushik Basu, kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế Giới cho biết, là định chế này đã quyết định chỉnh lại ngưỡng nghèo khó 1,25 đô la được đưa ra từ năm 2005. Bởi vì vào năm 2011, với 1,25 đô la, người ta không thể mua được những sản phẩm như năm 2005.
Ngưỡng nghèo : Một tiêu chí khó xác định
Theo báo Anh The Financial Times, do ngưỡng nghèo khó được xác định là 1,92 đô la, trên toàn thế giới có thêm 148 triệu người rơi vào diện này. Cao nhất là tại Đông Nam Á, từ 157 triệu lên thành 293 triệu. Châu Mỹ La tinh có thêm 8 triệu người bị coi là rất nghèo.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những khó khăn kỹ thuật, tính tương đối của công cụ tiền tệ này. Bởi vì sức mua của 2 đô la tại các nước cũng khác nhau. Hơn nữa, điều gì sẽ xẩy ra nếu những người có thu nhập trên mức 2 đô la/ngày, ví dụ 2,10 đô la. Bà Anne Sophie Robillard nhận định :
« Đương nhiên, đây chỉ là ngưỡng và được sử dụng như vậy. Nhưng cần chú ý đến các chỉ số khác cho phép xác định mức nghèo khó khác nhau. Trên thực tế, giới chuyên gia dùng nhiều công cụ, nhưng tất cả đều tập trung vào một ý : Đó là số lượng các sản phẩm tối thiểu mà người tiêu dùng cần đến ».
Nhưng theo chuyên gia Gilles Dufrénot, cũng nên bổ sung thêm một số tiêu chí khác :
« Ngưỡng 2 đô la là mức để xác định, ranh giới của hoàn cảnh nghèo cùng cực. Tức là nếu một người có mức thu nhập hàng ngày dưới ngưỡng này, thì họ phải đối mặt với nguy cơ sống còn. Hiện nay, giới chuyên gia còn sử dụng một số ngưỡng khác. Ví dụ, đối với Liên Hiệp Quốc, một người có việc làm nhưng bị coi là trong hoàn cảnh đói nghèo nếu thu nhập của họ dưới ngưỡng 3,9 đô la/ngày. 
Hoặc người ta nói đến chỉ số thu nhập trung bình tính theo đầu người mỗi năm : bị coi là nghèo khó nếu mức thu nhập này dưới 975 đô la. Còn nhiều chỉ số khác nữa, nhưng tất cả đều nhằm chứng minh rằng dưới một ngưỡng nào đó thì bị coi là nghèo, người dân thiếu các sản phẩm thiết yếu để tồn tại ».
Điểm đáng chú ý là trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo, một số nước định ra ngưỡng nghèo khó khá cao. Ví dụ tại Mali, nơi có tới 47% dân số sống dưới ngưỡng 2 đô la/ngày, nhưng chính phủ nước này đề ra mức 9 đô la, tức là những người có thu nhập dưới ngưỡng này thì được xếp vào loại nghèo. Về điểm này, bà Anne Sophie Robillard có giải thích như sau:
« Có những khía cạnh, chiều kích khác nhau. Có vấn đề so sánh ngay trong một quốc gia giữa các tầng lớp và phương tiện sinh sống. Các gia đình có nguồn thu nhập khác nhau, khả năng tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng cũng khác nhau. Ví dụ, nông dân thì tiêu thụ một phần các sản phẩm do họ làm ra.
Mặt khác, mục tiêu theo dõi nạn đói nghèo cũng khác nhau ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Vấn đề này còn có ý nghĩa chính trị. Mỗi quốc gia có toàn quyền đề ra ngưỡng nghèo khó có thể chấp nhận được, phù hợp với hoàn cảnh của nước đó. Về trường hợp Mali, nước này đề ra ngưỡng cao, 9 đô la. Có thể nhằm mục tiêu chính trị, có liên quan đến viện trợ quốc tế ».
Về phần mình, ông Gilles Dufrénot lưu ý là có nhiều cách tiếp cận vấn đề. Cho đến nay, khi nói đến ngưỡng 2 đô la mỗi ngày là nhìn dưới góc độ thu nhập. Hoàn toàn có thể xem xét ngưỡng nghèo khó dưới góc độ chi và cần phân biệt giữa nghèo và rất nghèo. Đối với chính quyền Mali, một người không thể chi quá 9 đô mỗi ngày thì thuộc diện nghèo. Họ không chết, nhưng nằm trong nhóm người nghèo.
Năm 2030, không còn đói nghèo : Một nhiệm vụ khả thi?
Cuộc tranh luận về việc định ra ngưỡng 2 đô la cho thấy là chỉ số này không hẳn phản ánh hoàn toàn thực tế. Vậy việc đề ra mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nạn đói nghèo trên thế giới vào năm 2030 có khả thi hay không? Về điểm này, giới chuyên gia và các nhà hoạt động nhân đạo đều cho rằng, đói nghèo không phải là định mệnh. Với những tiến bộ đạt được trong ba thập niên qua và nếu xu hướng này được tiếp tục trong tương lai thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nói trên vào năm 2030.
Vả lại, có đề ra mục tiêu tham vọng như vậy thì mới có thể tạo sức ép trong việc huy động phương tiện và buộc các chính phủ phải tỏ rõ quyết tâm chính trị.
Theo tổ chức phi chính phủ ONE, do ca sĩ Bono sáng lập, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thì trong năm 2015, cộng đồng quốc tế đã huy động được 131 tỷ đô la dưới dạng viện trợ phát triển. Mức viện trợ như vậy là thấp, chưa đủ, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng đói nghèo, như biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang.
Tình hình cũng tương tự đối với viện trợ nhân đạo. Liên Hiệp Quốc thẩm định cần 40 tỉ đô la trong năm 2016. Nhưng cho đến tháng Sáu vừa qua, quốc tế mới chỉ huy động được một phần ba số tiền nói trên. Chuyên gia Gilles Dufrénot nhận định :
« Mục tiêu xóa bỏ nạn đói nghèo vào năm 2030 là thực tế, thậm chí cần khẩn cấp thực hiện mục tiêu này. Không thể đề ra một thời hạn quá lâu bởi vì hàng ngày trên thế giới, vẫn có nhiều người chết vì đói, nghèo. Mặt khác, khi đói nghèo thì lại phải đối mặt với nhiều vấn đề. Ngoài lương thực, thực phẩm, còn có vấn đề y tế, tiếp cận điện, nước sạch. 
Việc định ra thời hạn 2030 là cách tốt nhất để tạo áp lực vì tình hình trở nên khẩn cấp… Trên phạm vi vĩ mô và địa chính trị, tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng đói nghèo trên thế giới. Tôi đưa ra một ví dụ và giải Nobel Kinh tế Angus Deaton cũng ủng hộ ý tưởng này. 
Tại một số quốc gia, tăng trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Họ xuất khẩu thẳng tài nguyên khai thác được. Xuất khẩu nguyên liệu cũng tốt thôi, nhưng không hề có thêm giá trị gia tăng. Đây là điều giải thích sự khác biệt giữa các nước châu Á và các nước châu Phi. 
Vậy phải chăng nên suy nghĩ đến việc thành lập một cơ chế thay vì khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu thì tạo điều kiện cho họ chế biến, cho dù là sơ chế, nhờ vậy sản phẩm xuất khẩu của họ có giá trị gia tăng cao hơn. Tôi không nghĩ rằng tất cả các nước châu Phi đều thử làm theo hướng này.
Một ví dụ khác, tất cả các nước đều tiêu thụ chocolat. Vậy lý tưởng nhất là nước sản xuất cacao xuất khẩu chocolat. Thế nhưng, các nước này không làm vì sẽ làm mất thị trường của một số công ty, một số tập đoàn đa quốc gia. Như vậy, vấn đề về lợi ích kinh tế và địa chính trị làm cho mọi việc không dễ dàng ».
Không chỉ có các biện pháp kinh tế giúp thực hiện xóa đói giảm nghèo. Giới chuyên gia nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo, coi đây là yếu tố cơ bản bảo đảm tương lai cho lớp trẻ, nhất là tại châu Phi. Tại những quốc gia có nạn nghèo khó nghiêm trọng, lĩnh vực giáo dục, đào tạo không được đầu tư đúng mức.
Lãnh đạo các nước nói nhiều, nhưng trên thực tế giáo dục, đào tạo vẫn bị coi nhẹ. Theo tổ chức phi chính phủ ONE, 15% tổng viện trợ cho pháp triển của Pháp được dành cho giáo dục, đào tạo. Thế nhưng, 70% số tiền này lại chi cho các hoạt động tại Pháp, chỉ có 30% được chuyển tới các nước đang phát triển.
Giáo sư Gilles Dufrénot nhấn mạnh : « Giáo dục rất quan trọng bởi vì yếu tố này quyết định chất lượng, năng suất lao động. Những người nghèo, ngay cả khi họ có việc làm, thì do không có trình độ, tay nghề, họ bị rơi vào tình trạng bấp bênh, với hậu quả là lương không cao. Như vậy, giáo dục, đào tạo cho phép nâng cao năng suất lao động, công việc ổn định hơn và thu nhập sẽ ổn định hơn ».
Đương nhiên, sự phát triển kinh tế cho phép giảm đáng kể số lượng người đói nghèo. Tăng trưởng kinh tế cao liên tục của Trung Quốc trong nhiều thập niên phần nào đã cho phép cộng đồng quốc tế thực hiện được mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2010, tức là trước 5 năm, vì số người thoát nghèo ở Trung Quốc rất lớn.
Thế nhưng, kinh tế chỉ là một biện pháp để thoát nghèo. Theo chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim, ngoài khía cạnh kinh tế, cần phải có những đầu tư vững chắc tại các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội để ngăn chặn những người nghèo hoặc vừa thoát nghèo lại rơi vào tình cảnh nghèo khó.
(*) Trong chương trình ECO D’ICI, ECO D’AILLEURS, do phóng viên Jean-Pierre Boris phụ trách.
, một con đường dẫn đến nghèo đói. Trong ảnh, vùng hồ Boeung Kak, gần thủ đô Phnom Penh, bị trưng thu để bán cho nhà đầu tư Trung Quốc, 31/08/2011.Reuters/Samrang Pring


    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Xứ Sở Hận Thù

    Tin Việt Nam - Google VN

    Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?