Diệt tham nhũng hay diệt lẫn nhau giữa các phe phái trong đảng CSVN?














BDLB VOA
Thiện Ý
26/09/2016



Vụ án các cán bộ đảng viên cấp cao ở tỉnh Yên Bái sát hại nhau chưa tìm ra thủ phạm thì lại xảy ra vụ đánh tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang bị hụt vì đối tượng đã trốn thoát mà vẫn chưa xác định được đang lẩn trốn ở đâu. Đến nay nhiều tuần đã trôi qua chỉ có đồn đoán là ông Trịnh Xuân Thanh đã đào thoát được ra nước ngoài và nghi rằng ông ta đang có mặt ở Đức hoặc Canada. Bộ Công an Việt Nam đã gửi lệnh truy nã đến khắp nơi trong nước và cho cả cảnh sát quốc tế Interpol nhờ hỗ trợ.
Trước thực tế trên, người ta tự hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đang phát động chiến dịch diệt trừ tham nhũng hay diệt trừ lẫn nhau giữa các phe phái trong đảng CSVN?
Theo nhận định của chúng tôi, câu trả lời tổng quát là "diệt tham nhũng là diện, diệt trừ nhau là điểm" hay nói cách khác bề ngoài là diệt tham nhũng, bên trong là diệt trừ nhau giữa các phe phái trong nội bộ đảng CSVN. Những phe phái này hình thành trên hai yếu tính là lợi ích và óc địa phương tạo ra mâu thuẫn đối kháng tiêu diệt lẫn nhau. Mâu thuẫn này đã có từ lâu ngay trong thời kỳ chiến tranh gọi là "Chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước"!
Trong chiến tranh, yếu tính lợi ích còn mờ nhạt vì đảng CSVN chưa nắm được chính quyền trên cả nước, nên lợi ích chính trị (quyền lực) và kinh tế (tiền đẻ ra từ quyền lực) cho các cán bộ đảng viên chưa nhiều. Mặc dù đã nắm được chính quyền trên Miền Bắc, song lúc đó "toàn đảng, toàn dân ta" đang dồn hết "sức người, sức của" cho cuộc chiến tranh cướp chính quyền ở Miền Nam, nhu cầu đoàn kết nội bộ được đưa lên hàng đầu… Vả lại tình trạng kinh tế nghèo nàn, lạc hậu lúc đó chỉ có hiện tượng tham nhũng ăn mảnh, cò con, chứ chưa có sự câu kết thành tham nhũng một cách có hệ thống và trên quy mô lớn như hiện nay.
Yếu tính địa phương cũng đã có trong chiến tranh, khi nhóm Bắc Kỳ và Trung Kỳ ở Miền Bắc chiếm ưu thế đối với những cán bộ đảng viên Miền Nam tập kết. Khi chúng tôi ở tù chung vì tội "phản động" với một số cán bộ đảng viên vì tham nhũng phải vào nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu (T.30) họ có xác định mâu thuẫn này là có thật trong chiến tranh, dù cố gắng tránh va chạm nhưng đã có lúc hai bên bộ đội Miền Bắc chi viện vào và quân chủ lực miền, dân quân du kích địa phương dàn quân đối đầu nhau, chỉ vì lúc nào "họ cũng chơi cha không hà". Sau này khi chiếm được Miền Nam, tính chất này dường như trở thành chủ trương không văn bản của đảng trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chính quyền các cấp các ngành ở Miền Nam. Đảng chia ra cán bộ A gốc Bắc Kỳ thường biên chế lãnh đạo cơ quan, còn cán bộ B gốc Miền Nam tập kết và cán bộ C lực lượng chiến đấu hay hoạt động nằm vùng tại chỗ thì thương ở vị trí thứ yếu khiến người dân có cảm tưởng như người Miền Bắc cai trị Miền Nam sau ngày thống nhất đất nước. Ví dụ, tại một trường phổ thông cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nơi tôi đăng ký dạy học sau ngày 30/4/1975, Hiệu trưởng là một nữ cán bộ đảng viên gốc A có chồng lúc đó (1977-1978) là Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng. Hiệu phó học tập là một nữ cán bộ gốc B, hai hiệu phó còn lại đều gốc C. Trước đó, trong khi mới "giải phóng" chưa kịp điều nhân sự từ Bắc vào thì cả Ban Giám hiệu mới đều là gốc C nhân sự tại chỗ.
Bây giờ, sau hơn 40 năm "giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước", các cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền các cấp vẫn tiếp tục cấu kết thành phe nhóm có chung lợi ích (chính trị và kinh tế) và tình đồng hương, cái sau có nhẹ hơn cái trước, nhưng vẫn còn là một trong hai yếu tính cơ bản cấu kết với nhau thành hệ thống bao che (tham nhũng) và bảo vệ lẫn nhau (giữ vững quyền và lợi). Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định trong kỳ Đại Hội XII rằng cần chọn tổng bí thư gốc người Bắc và ông đã toại nguyện. Giờ đây sau khi nắm quyền tổng bí thư trong tay lại được coi là người "trong sạch nhất" trong đảng (!) xứng đáng được giao cho trọng trách cầm trịch chống tham nhũng. Phải chăng nhân dịp này ông muốn lợi dụng chiến dịch đánh tham nhũng để diệt những người không cùng cánh Bắc với ông?
Nhưng vụ Phó Bí thư tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ đảng viên gốc Bắc Kỳ đang bị ông Tổng Trọng cho đánh về tội tham nhũng có phải là một trường hợp như thế không? Chúng tôi nghĩ là không. Vì Ông Thanh gốc Hà Nội là một trong những người được phe phái Bắc Kỳ của ông gài vào hệ thống chính quyền các cấp các ngành ở Miền Nam. Người mà hệ thống đảng do Tổng Bí thư Trọng lãnh đạo đã thuyên chuyển và đề bạt lên các chức vụ cao sau khi Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí làm ăn thua lỗ làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng mà ông Trịnh Xuân Thanh là Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng lúc đó (2012-2013) ông Thanh được cứu khi cuộc điều tra đã kết luận rằng thất thoát thua lỗ là do nguyên nhân khách quan do thời vận kinh tế suy thoái, nên ông Thanh thoát nạn. Sau đó ông Thanh được chuyển công tác sang bộ phận chính quyền, với nhiều bằng khen và còn được phong danh hiệu "Anh hùng lao động". Nay không lẽ Tổng Trọng hay người của ông lại móc lại một hồ sơ có dấu hiệu tham nhũng từ 3 năm trước đã "khép lại" để dùng ông Thanh như vật tế thần để mở đầu cho chiến dịch đánh tham nhũng theo kiểu "đả hổ, diệt ruồi" của ông Trung Quốc sao?
Đành rằng kinh nghiệm các cuộc thanh trừng đẫm máu nội bộ các đảng cộng sản cho thấy người cộng sản không coi trọng "tình đồng chí", vì lợi ích cá nhân hay bè phái họ có thể sát phạt, thủ tiêu nhau không thương tiếc. Nhưng trong trường hợp này chúng tôi cho rằng Tổng Trọng hoàn toàn bị động, có thể do người của phe phái chống ông đã đẩy ông vào thế chẳng đặng đừng phải hy sinh người của mình để chứng tỏ tính "bất vị thân" trong quyết tâm chống tham nhũng … đến cùng? Phải chăng vì tình nên ông Trọng và người của ông trong bộ máy chuyên chính công an đã cố tình không bắt giữ ngay, hay là bắt giữ không được vì chính những người thuộc phe phái chống ông ở Miền Nam đã che chở, tạo cơ hội cho ông Thanh có đủ thời gian và phương tiện đào thoát và công khai xin ra khỏi đảng trước khi có quyết định khai trừ, với lý do không còn tin vào sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hầu làm mất mặt và hạ uy tín của ông?
Nay thì ông Trịnh Xuân Thanh đã cao bay xa chạy và có tin đồn là ông đang ở nước ngoài. Theo chỉ thị của Tổng Bí thư Trọng cơ quan chức năng Bộ Công an đã phát lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh và xin cảnh sát hình sự quốc tế Interpol hỗ trợ là thật hay chỉ là động tác giả? Việc mới đây có quyết định chuyển sinh hoạt đảng cùng lúc tam trụ triều đình Trọng-Quang-Phúc về đảng ủy Bộ Công An có phải là dấu hiệu không còn tin tưởng lãnh đạo bộ này vì đã để Trịnh Xuân Thanh đào thoát được hay là để tập trung quyền lực vào công cụ chuyên chính hàng đầu là Bộ Công An để bảo vệ đảng (là các ông) và chế độ (cũng là các ông và phe nhóm) chuẩn bị đối phó với biến chuyển tình hình mới trong tương lai cần bạo lực để trấn áp?
Tình hình đó là gì, có phải là bạo loạn do các phe phái tranh dành quyền lực và quyền lợi tìm cách diệt trừ nhau dưới vỏ bọc chống và diệt tham nhũng để huy động sức mạnh quần chúng nhân dân đồng tình tạo ra "tình thế cách mạng chín muồi" để lật dổ Ông Trọng và phe cánh thân Trung Quốc, giành chính quyền và lãnh đạo chính quyền đi theo chiều hướng mới, phù hợp với ý nguyện của nhân dân, có lợi cho dân cho nước và cho chính quyền lợi thiết thân của phe cánh này? Đây chỉ là một dự kiến, tình hình thực tế diễn biến thế nào, kết cuộc ra sao, chúng ta hãy chờ xem.
Đọc thêm:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?