Tên lửa bắn MH17 ‘được chuyển đến từ Nga’

Tên lửa bắn MH17 ‘được chuyển đến từ Nga’
Nhóm các công tố viên quốc tế hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói trái hỏa tiễn bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia hồi năm 2014 “được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine”.

Nhóm điều tra cũng thu hẹp khu vực máy bay bị bắn là thuộc vùng do phiến quân được Nga ủng hộ tại miền Đông Ukraine kiểm soát.

Báo cáo mới nhất được công bố loại trừ khả năng MH17 bị bắn từ một phi cơ như một số gợi ý ban đầu.

Chuyến bay MH17 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi trong lúc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly thân thân Nga dâng cao.

Toàn bộ 298 người trên khoang tử nạn khi chiếc phi cơ vỡ tung trên không trung.

Nga nói các kết luận điều tra “cực kỳ nặng tính chính trị” và các hỏa tiễn Buk của họ “không bao giờ bắn hạ” chiếc phi cơ.

“Dựa trên cuộc điều tra hình sự, chúng tôi đi đến kết luận là chuyến bay MH17 đã bị bắn rơi bởi một hỏa tiễn Buk thuộc series 9M83, được chuyển từ lãnh thổ Liên bang Nga tới,” người đứng đầu nhóm điều tra của cảnh sát Hà Lan, Wilbert Paulissen nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.

Giàn phóng hỏa tiễn sau đó đã được đưa trở lại Nga, ông nói.

Một cuộc điều tra do Cơ quan An toàn Hà Lan thực hiện hồi năm ngoái cũng kết luận rằng hỏa tiễn Buk do Nga sản xuất đã bắn trúng chiếc phi cơ, tuy nhiên không nói hỏa tiễn được phóng ra từ đâu.

Nhưng Nga bác bỏ kết luận trên và nói nó “cực kỳ nặng tính chính trị”.

“Đây hẳn nhiên là một tuyên bố khiêu khích… không liên quan gì tới cuộc điều tra về thảm kịch cướp đi sinh mạng của chừng đó người,” Leonid Stutsky, người đứng đầu ủy ba quốc hội Cộng đồng Các quốc gia Độc lập nói.

“Những kết luận này chỉ nhằm đạt một mục đích duy nhất – nhằm làm cách ly thêm nữa hình ảnh Nga trong chính trị toàn cầu,” ông nói thêm.

Ai ra lệnh?

Các công tố khoanh vùng địa điểm phóng hỏa tiễn lại là ở một cánh đồng gần làng Pervomaiskyi, nơi do các phiến quân kiểm soát.

Họ xác định được danh tính của khoảng 100 người “liên quan tới vụ tai nạn hoặc việc vận chuyển hỏa tiễn Buk”, nhưng vẫn chưa xác định ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cần phải xác định được ai là người ra lệnh đưa hỏa giàn phóng hỏa tiễn vào đông Ukraine, và lệnh phóng hỏa tiễn được đưa ra từ đâu, các nhà điều tra nói.

Nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu gồm các công tố viên từ Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine hợp tác tham gia.

Nhiều nhân chứng

Các công tố viên trong buổi họp báo đã cho chạy những đoạn băng ghi lén các cuộc gọi điện thoại.

Họ nói các nhân chức cho biết đã thấy giàn phóng hỏa tiễn được chuyển từ Nga vào Ukraine, và đã trình các hình ảnh, video.

Địa điểm phóng hỏa tiễn cũng được “nhiều nhân chứng” xác định, các công tố viên nói.

Thân nhân những người thiệt mạng trong chuyến MH17 đã được nghe trình bày trước khi nhóm điều tra công bố các kết quả tìm kiếm sơ bộ.

Có ba nạn nhân quốc tịch Hà Lan gốc Việt tử nạn trong vụ MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine tháng 7/2014.

Bà Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1977 và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997), Đặng Quốc Huy (sinh 2001) bị tử nạn trên chuyến bay từ Hà Lan về qua Kuala Lumpur, Malaysia, để tới Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.

Tổng cộng có 298 người trên chiếc phi cơ, đa số mang quốc tịch Hà Lan, bị thiệt mạng.

Hồi tháng 5/2016, tin tức cho hay gia đình các nạn nhân của chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã kiện Nga và Tổng thống Vladimir Putin lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Các nước Phương Tây và Ukraine nói những người nổi dậy phải chịu trách nhiệm về vụ phi cơ Malaysia trúng hỏa tiễn, nhưng Nga buộc tội lực lượng Ukraine.

Việc khởi kiện của các gia đình nạn nhân dựa trên sự vi phạm về quyền sống của hành khách, theo trang News.com.au.

Cáo buộc này đòi 10 triệu đô-la Úc (7,2 triệu đô-la Mỹ) cho từng nạn nhân, vụ kiện đưa ra tên bị đơn là chính quyền và Tổng thống Nga. – BBC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?