Điểm báo Pháp – 27/09/2016

CHÂU Á Bắc Triều Tiên :

Bắc Triều Tiên : Mặt trái vẻ hào nhoáng của Bình Nhưỡng

mediaSân vận động Rungnado ở Bình Nhưỡng về đêm.wikipedia

Le Monde số đề ngày hôm nay 27/09/2016 có bài viết mang tựa đề « Bắc Triều Tiên, sự ‘‘thịnh vượng’’ đáng phẫn nộ của Bình Nhưỡng » : sự hào nhoáng ở thủ đô tương phản hẳn với tình trạng nghèo khó ở các vùng nông thôn Bắc Triều Tiên.
Dân khốn khổ vì nạn lụt, Nhà nước lo phóng hỏa tiễn
Tờ báo viết, thông điệp rất rõ ràng. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se hôm thứ Sáu 23/9 trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã nói thẳng, sẽ không viện trợ cho Bắc Triều Tiên để giúp nạn nhân của trận lụt đã tàn phá tỉnh Hamgyong nghèo nàn hồi đầu tháng. Thiên tai này đã làm cho 538 người chết và phá hủy hàng mấy chục ngàn căn nhà. Ông Yun nhấn mạnh : « Bình Nhưỡng đã chi ra 200 triệu đô la trong năm nay cho việc thử nguyên tử và bắn hỏa tiễn. Số tiền này đủ để giúp đỡ cho những vùng bị nạn lụt ».
Chương trình Lương thực Thế giới đã cung cấp thực phẩm cho 140.000 người tại chỗ. Chính quyền Bắc Triều Tiên khẳng định đã làm mọi cách để giúp đỡ các nạn nhân. Ri Ki Song, nhà kinh tế của Viện Khoa học Xã hội nói : « Nhà nước đã vào cuộc, mục tiêu là xây dựng lại nhà cửa, đường sá, đường xe lửa trước khi mùa đông đến ».
Trong khi tại Liên Hiệp Quốc vấn đề trừng phạt kinh tế bổ sung được đặt ra sau vụ thử nguyên tử lần thứ năm hôm 9/9, thủ đô Bình Nhưỡng vẫn sôi động. Xe hơi vẫn nườm nượp : trước nhà ga trung tâm chen chúc những chiếc taxi của năm hãng, trong đó có màu xanh của hãng hàng không Air Koryo. Dân cư thủ đô Bắc Triều Tiên, đa số có điện thoại di động, vẫn ra vào các nhà hàng pizza, bia Đức, siêu thị…nhất là siêu thị Kwangbok khai trương đầu năm 2012, có bán cả rượu vang Ý và nhiều loại trang phục. Ở ban-công các tòa nhà nở rộ những tấm pin mặt trời, để đối phó với tình trạng cúp điện.
Một người dân cho biết, ngày càng có nhiều sản phẩm Triều Tiên thay chỗ hàng Trung Quốc, chẳng hạn như sô-cô-la nhãn hiệu Kumkup, nhưng người này quên rằng nhiều công ty có vốn đầu tư từ Hoa lục. Ở mỗi góc đường, những tấm áp-phích nhắc nhở đất nước đang lao vào « cuộc chiến 200 ngày » kể từ Đại hội VII đảng Lao Động hồi tháng Năm.
Làm việc không có ngày nghỉ cho mục tiêu Đại hội Đảng
Đó là thực hiện mục tiêu của năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm do Đại hội đề ra, nhằm tạo nên một « người khổng lồ kinh tế xã hội chủ nghĩa », « sản xuất và đáp ứng một cách tự chủ các nhu cầu quốc phòng, kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ». Đường lối này khẳng định « byungjin noson », « con đường song song » mà Kim Il Sung đưa ra năm 1962, vừa phát triển kinh tế vừa tăng cường quốc phòng.
Cụ thể, « cuộc chiến đấu » này được diễn dịch qua việc hủy bỏ ngày Chủ nhật và những ngày nghỉ khác, đặc biệt đối với quân đội vốn đang thực hiện những công trình lớn. Hôm 15/9, trong ngày giỗ tổ truyền thống Chuseok, hàng trăm người lính trông rõ là rất mệt mỏi, vẫn phải làm việc tại công trường ở đại lộ Ryomyong, trong đó có một tòa nhà 70 tầng « cao nhất nước ».
Khu dân cư này lẽ ra phải xây xong vào tháng 10, dành riêng cho các nhà khoa học. Tòa nhà có dạng một quả bom nguyên tử, như nhắc nhở rằng Bình Nhưỡng đã tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân năm 2013 và nhất quyết giữ vị trí này. Khắp nơi, du khách được mời gọi khen ngợi những sáng tạo, như « các hạt giống mới trồng theo kỹ thuật mới đã khiến năng suất tăng 20% » tại hợp tác xã nông nghiệp Jangchong.
Nhưng sự « thịnh vượng » này của Bình Nhưỡng tương phản hẳn với sự nghèo khổ ở nông thôn. Đường sá gập ghềnh, và phương tiện di chuyển chủ yếu là xe bò.
Ảnh hưởng của trừng phạt của quốc tế đã giảm nhẹ nhờ sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc : thương mại với Bắc Kinh chiếm đến 90%, và Trung Quốc cũng không hăng hái áp dụng những biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc. Tháng 8/2016, Bắc Kinh còn tăng nhập khẩu than đá từ Bắc Triều Tiên đến 27,5%, sau khi Mỹ loan báo bố trí hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Tuy vậy theo Ngân hàng Hàn Quốc, tổng sản phẩm nội địa của Bắc Triều Tiên năm 2015 đã giảm 1,1% ; chủ yếu do mặt hàng xuất khẩu chính là than giá bị sụt giá, và tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.
Triển lãm hàng không : Bắc Triều Tiên chứng tỏ qua mặt được cấm vận
Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, La Croix nhận định Bình Nhưỡng đã gởi thông điệp cho Washington, qua cuộc triển lãm hàng không Wonsan vào cuối tuần qua. Mặc cho hàng loạt nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên vẫn muốn tỏ cho thấy phải tôn trọng chế độ khép kín của họ, và mở đối thoại với Hoa Kỳ.
Một sự kiện như thế sẽ là bình thường tại những quốc gia khác, nhưng Wonsan International Friendship Air Festival (Liên hoan hàng không quốc tế hữu nghị Wonsan) được mở rộng cho công chúng Bắc Triều Tiên lẫn nước ngoài. Truyền thông quốc tế, như hãng tin Pháp AFP vừa mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, cũng được đưa tin. Và khi Bắc Triều Tiên công khai, có nghĩa là họ muốn nhắn gởi điều gì đó.
Theo La Croix, Bình Nhưỡng muốn cho thấy dù Hội đồng Bảo an đã ra đến sáu nghị quyết trừng phạt kể từ 2006, chế độ vẫn tránh né được lệnh cấm vận. Trực thăng Mỹ Hughes MD-500 vẫn mua được từ nước thứ ba, phi cơ tiêm kích MIG của Nga và các bản sao của Trung Quốc… được trình diễn, cộng thêm các vụ thử hỏa tiễn đạn đạo trước đây cho thấy tổng thống sắp tới của Mỹ không thể bỏ qua một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Ấn Độ : Cachemire tê liệt vì giới nghiêm đã hai tháng rưỡi

Vẫn tại châu Á, thông tín viên của La Croix tại New Delhi cho biết « Tâm trạng thù địch đối với Ấn Độ đang lan rộng ở Cachemire ». Cư dân vùng này là những nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột âm ỉ trong khu vực Himalaya, làm trầm trọng thêm quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Aseem Mohiudddin, tổng biên tập tờ The Legitimate ở thành phố Srinagar kể lại : « Lệnh giới nghiêm làm tê liệt đời sống từ 77 ngày qua. Các cuộc đình công và biểu tình đã làm 88 thường dân bị chết do lực lượng vũ trang bắn vào, trên 300 bị mù vì đạn chì và hàng ngàn người khác bị thương. Không có dấu hiệu cải thiện nào ».
Căng thẳng xảy ra từ sau vụ tấn công vào căn cứ quân sự Uri của Ấn Độ hôm 18/9, nằm trên đường ranh chia đôi Cachemire giữa Ấn Độ và Pakistan, khiến 18 lính Ấn tử thương. New Delhi tố cáo thủ phạm là nhóm thánh chiến Jaish E Mohammed ở Pakistan, chiến đấu đòi «giải phóng » vùng Cachemire thuộc Ấn. Từ khi giành độc lập đến nay, New Delhi chưa hề nhượng bộ trên hồ sơ này, tăng cường thống trị và trấn áp những cuộc nổi dậy.
Quả bom nổ chậm tại Ấn : Việc làm cho giới trẻ
Cũng tại nước Ấn nhưng trên lãnh vực kinh tế xã hội, Les Echos nhận định « Việc làm cho thanh niên, quả bom nổ chậm đang đe dọa Ấn Độ », khi mỗi năm có thêm đến 10 triệu người gia nhập thị trường lao động. Một trong những thách thức hàng đầu là sự lệch pha giữa nhu cầu của giới chủ và lượng lao động tay nghề yếu.
Từ nay đến năm 2020, Ấn Độ sẽ là quốc gia trẻ nhất thế giới, và ngay từ bây giờ, mỗi tháng phải kiếm được việc làm cho gần một triệu người đến tuổi lao động. Dù chính phủ đã đề ra một loạt chương trình như « Smart Cities », « Make in India », « Skill India », nhưng theo Les Echos, thử thách này có vẻ quá sức. Giới trẻ muốn làm việc và tiêu thụ, nhưng khác với các thế hệ trước, họ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi.

Aleppo, thành phố tử đạo

Về chính trị nước Pháp, trang nhất của Le Monde nói về cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu, khi cựu tổng thống Nicolas Sarkozy vượt lên rút ngắn khoảng cách với Alain Juppé trong những cuộc thăm dò, trong khi cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron làm rối trận đấu truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu.
Về tài chính, La Croix đặt câu hỏi « Vì sao cánh hữu bỏ quên quy định thâm hụt ngân sách không quá 3% ? ». Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết dự luật đang được thảo luận ở Hạ viện gây lo ngại cho những người đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ. Trên lãnh vực xã hội, Le Figaro quan tâm đến tình trạng nhân viên y tế bị những kẻ cực đoan, chủ yếu là người Hồi giáo, tấn công hoặc sỉ nhục tại bệnh viện.
Hồ sơ Syria được nhiều tờ báo đề cập đến, riêng Libération đăng trên trang bìa ảnh thành phố Aleppo đổ nát, phẫn nộ chạy hàng tựa lớn: « Aleppo : Nhục nhã, bất lực, trơ trẽn ! ». Thành phố bị vây hãm này từ hôm thứ Năm tuần trước đến nay đã bị chế độ Damas và Nga oanh kích dữ dội chưa từng thấy, và không có gì cho thấy những trận bom sẽ ngưng dội xuống Aleppo.
Libération dành năm trang báo khổ lớn để nói về « Aleppo, tử đạo khôn nguôi ». Hiện có 250.000 đến 300.000 người Syria đang bị kẹt trong vòng vây ở phía đông thành phố. Họ là nạn nhân của nhà độc tài Bachar Al Assad được Matxcơva bảo trợ, phải chịu đựng những trận bom khủng khiếp suốt bốn năm qua.
Một người dân khu phố Bustan Al Qars ở phía đông Aleppo kể lại : « Tôi chằng còn biết phải làm gì trước những trận mưa bom trong những ngày gần đây. Trong khi đã ba năm qua tôi học được cách đối phó với những trận không kích, những tay súng bắn tỉa và nạn thiếu lương thực, mỗi lần tôi đều biết làm thế nào bảo vệ cho bốn đứa con và cha mẹ già, bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Nhưng từ năm ngày qua, tôi quanh quẩn như một người không có não. 
Chúng tôi đã dự trữ gạo, đường, đậu trong tuần lễ ngưng bắn, nhưng nay phải ra ngoài, ít nhất để tìm nước uống và gas nấu ăn. Con trai lớn 14 tuổi đi theo tôi, và mỗi lần ra khỏi nhà chúng tôi đều phải nói lời vĩnh biệt trước với mọi người trong gia đình ».

Syria : Nga lại phải ngồi vào hàng ghế bị cáo

« Nga quay lại hàng ghế bị cáo », đó là tựa đề bài phân tích trên Le Figaro. Tờ báo dẫn phát biểu thẳng thừng của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power : « Những gì Nga đã hỗ trợ và thực hiện tại Aleppo, không phải là đấu tranh chống khủng bố, mà là hành động dã man vô nhân đạo ».
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson bồi thêm, « Nga là thủ phạm kéo dài cuộc chiến và làm cho chiến tranh ngày càng kinh khiếp », còn ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi phải hành động nếu không sẽ là « đồng phạm với các tội ác chiến tranh ở Aleppo ». Chưa bao giờ giọng điệu giữa các bên gay gắt đến thế kể từ sau chiến tranh lạnh. Khó thể tin rằng mới cách đây vài năm, tổng thống Mỹ Barack Obama hứa hẹn « tái khởi động » quan hệ với Nga.
Ý định hòa giải và hợp tác với Matxcơva nay đã tan thành mây khói, bởi việc tấn công vào Ukraina và sự can thiệp vào Syria để cứu chế độ Damas. Nay thì phương Tây tố cáo Nga lợi dụng thương lượng hòa bình để câu giờ và giúp quân của Assad giành được lợi thế trên trận địa. Đây là lần thứ hai trong năm, Kremli đã đi ngược lại tiến trình hòa bình khi không kích vào quân nổi dậy ở Aleppo.

Tranh luận bầu cử Mỹ :

Trump sụp bẫy Clinton vì vẫn là Trump

Về sự kiện mà tất cả mọi người đều chú ý là cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump tối qua, do lệch giờ – khoảng ba giờ sáng Paris, trên báo giấy chưa có nhiều nhưng trên mạng, đã có ngay vô số bài viết, tất cả đều nhận xét là ứng viên đảng Dân Chủ đã chiến thắng trận đầu.
Huffington Post nhận định « Donald Trump đã rơi vào bẫy của bà Hillary Clinton trong tranh luận ». Sau khi lên võ đài tối thứ Hai 26/9, nhân vật rất có khả năng trở thành tổng thống Hoa Kỳ đã làm điều mà bà Clinton mong muốn : Trump đã xử sự như Trump ! Ứng cử viên Dân Chủ lo sợ nhất là phải đối mặt với một Donald Trump mới – chừng mực hơn, chín chắn hơn, một người có khả năng cáng đáng chức vụ cao nhất. Nhưng người đó không xuất hiện tối qua, đơn giản là không hiện hữu.
Tờ 20 minutes chú ý đến « Năm câu nói sẽ không bao giờ nghe được tại Pháp ». Sự khác biệt văn hóa thấy rõ, khi ở Pháp các chính khách luôn tìm cách giảm nhẹ về tài sản của mình, thì nhà tỉ phú Mỹ khoe « thu nhập của tôi năm ngoái lên đến 694 triệu đô la, nhưng chẳng đáng là bao so với gia tài của tôi ».
Cũng khó tưởng tượng được một ứng viên điện Elysée khoe tài né thuế. Khi bị tố cáo là thủ lợi nhiều nhờ đầu cơ trong khủng hoảng tài chính, Trump nói : « Đó là business ». Tại Pháp, tuyên bố như thế là nhận ngay thẻ đỏ. Điểm thứ tư, tấn công vào cá nhân địch thủ rất hiếm khi xảy ra ở Pháp. Cuối cùng, bà Clinton thân mật gọi đối thủ bằng tên Donald chứ không gọi họ, còn ở Pháp, từ đây đến lúc ông François Hollande gọi Nico (Nicolas Sarkozy), Alain (Alain Juppé) hay Marine (Marine Le Pen) trong cuộc tranh luận, có cả một Đại Tây Dương cần phải vượt qua.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Gần 92% dân số toàn cầu sống trong ô nhiễm. Mỗi năm có gần 3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Đây là kết quả của bản báo cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới hợp tác với Đại học Bath của Anh, được công bố ngày 27/09/2019. Trung Quốc là quốc gia có mức ô nhiễm không khí ngoài trời nguy hiểm nhất trên thế giới. Báo cáo nêu rõ các vùng có mức độ ô nhiễm « đặc biệt cao » nằm tập trung ở Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
(AFP) – Ấn Độ yêu cầu Pakistan « từ bỏ giấc mơ » kiểm soát vùng Kashmir. Hôm qua, 26/09/2016, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Ấn Độ lại cáo buộc Pakistan tiến hành khủng bố và tái khẳng định là New Delhi sẽ không nhượng quyền kiểm soát Cachemire, vùng đất đang có tranh chấp với Islamabad. Trước đó, thứ Tư ngày 21/09, thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã cáo buộc New Delhi cản trở tiến trình hòa bình trong khu vực.
(AFP) – Quân đội Syria tái chiếm một khu phố do quân nổi dậy nắm giữ. Tại thành phố Aleppo, sau nhiều ngày giao tranh dữ dội dưới sự yểm trợ của không quân Syria và Nga, quân đội Damas đã lấy lại được khu Farafira, bị quân nổi dậy đánh chiếm vào năm 2012. Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ đã cực lực phản đối chiến dịch oanh tạc vào Aleppo trong những ngày qua, mà theo Đài quan sát nhân quyền Syria, đã khiến hơn 150 người thiệt mạng, đa số là thường dân.
(AFP) – Ice land phản đối oanh tạc cơ Nga áp sát máy bay dân dụng. Theo bộ Ngoại Giao Iceland, chiếc máy bay dân sự cất cánh từ phi trường Reykjavik bay về hướng Thụy Điển thì bị ba chiếc oanh tạc cơ Turpulev-160 bay lòn bên dưới mà không thông báo độ cao và vận tốc. Iceland đã nhiều lần phản đối Nga về tình trạng máy bay quân sự Nga áp sát, không thông báo danh tính, có thể gây nguy hiểm cho hành khách máy bay dân dụng. Về phần mình, đại sứ quán Nga tại Reykjavik cho đây là thái độ « phóng đại » của Iceland mà mục tiêu là để cho Mỹ mở lại một căn cứ không quân Keflavik.
(AP) – Tăng trưởng kinh tế châu Á ổn định ở mức 5,7%. Đây là dự báo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cho hai năm 2016 và năm 2017, nhờ khả năng phục hồi của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo dự phóng mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6,4% và Ấn Độ là 7,8% trong năm 2017. Năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á được dự báo ở mức 4,8% trong năm 2016, với sự phát triển mạnh trong sáu tháng đầu năm 2016 tại Philippines và Thái Lan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?