Tin Việt Nam – 26/01/2018

Tin Việt Nam – 26/01/2018

Cưỡng chế đất tại xã Nghi Kim, Nghệ An

Công An thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an vào sáng ngày 26 tháng giêng đưa lực lượng đến để cưỡng chế đất đối với 54 hộ gia đình người dân xóm 3 xã Nghi Kim, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Phía người dân phản đối biện pháp cưỡng chế với lý do bồi thường không thỏa đáng so với một số dự án khác cũng trên cùng địa bàn; cụ thể mức được đưa ra là 170 triệu cho 500m2 đất thuộc dự án phòng cháy chữa cháy của Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Dự án này được Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh ra quyết định thu hồi đất vào tháng 9 năm 2016 và vào ngày 10 tháng 1 năm 2017, UBND thành phố Vinh ra quyết định cưỡng chế.
Đến ngày 9/10/2017 UBND thành phố Vinh tiếp tục có quyết định cưỡng chế số 6430. Từ ngày 25–27/ 11/2017, UBND thành phố huy động một lực lượng công an tỉnh lẫn địa phương xuống yêu cầu người dân nhận tiền nhưng bất thành.
Vào ngày 24/1/2018, UBND thành phố mời nhân dân về tại hội trường Ủy Ban Nhân Dân xã Nghi Phú để đối thoại. Cuộc đối thoại không đi đến kết quả vì người dân cho là cơ quan chức năng không thực hiện theo luật đất đai và luật dân sự.
Bà Liệu, một người dân có đất bị cưỡng chế chia sẻ:
“Đất của nhà bà là thời cha ông để lại nhưng mà hôm nay cơ quan phòng cháy chữa cháy lấy, mà cái giá cả gia đình 54 hộ là chưa đồng ý và nhất trí nhưng mà họ vẫn cưỡng chế mấy lần rồi, nhưng mà bà vẫn cương quyết giữ đến cùng.”
Một người dân tại hiện trường cưỡng chế cũng chia sẻ:
“Tỉnh và thành phố định thu hồi đất của chúng tôi mà không đền bù cho chúng tôi, chúng tôi chưa nhận được tiền nào cả, chưa được nhận đền bù gì mà lại cưỡng chế chúng tôi. Vì chính quyền không theo pháp luật và muốn ăn cướp của chúng tôi nên tập trung để cưỡng chế chúng tôi.”
Trang mạng Thành phố Vinh vào ngày 26 tháng giêng cũng loan tin về cuộc cưỡng chế tại xã Nghi Kim như người dân vừa cho biết. Theo đó cũng thừa nhận chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng hầu hết người dân trong diện bị cưỡng chế đất không đồng thuận, chỉ có 3 gia đình chịu nhận tiền bồi thường theo mức được đưa ra.
Thành phố Vinh nói dù thế lực lượng cưỡng chế vào ngày 26 tháng giêng tiến hành phong tỏa hiện trường, công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành san lấp mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Tin chúng tôi ghi nhận được không có xô xát xảy ra do người dân chưa đồng thuận với quyết định bị cho là áp đặt từ phía chính quyền.

Vinashin: Ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC), để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra cũng thi hành lệnh khám xét nhà ông Sự để phục vụ công tác điều tra.
Ông Sự bị bắt trong quá trình C46 điều tra giai đoạn hai vụ đại án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Cơ quan điều tra xác định ông Sự đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Vinashin gửi vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất, theo truyền thông Việt Nam.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có, theo website Bộ Công an Việt Nam.
Năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Sự, khi đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều động giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam năm 2012.
Tháng 8/2017, ông Sự nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn này.
Ngoài vụ án tại Vinashin, cơ quan tố tụng đã khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), theo báo Thanh Niên.
Trong vụ đại án OceanBank, hồi tháng 9/2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tuyên án Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác.
Theo đó, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình với ba tội danh: tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Những bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, cũng nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank bị kết án 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay , tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù.
Bà Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hàng chục cán bộ quản lý ngành ngân hàng trong nhiều vụ đại án ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các lãnh đạo tham nhũng cũng phải bị truy tố trước pháp luật.
Vụ OceanBank là một trong sáu “đại án” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý”.

Dân Đồng Tâm

muốn Trung ương dứt điểm vụ việc sau Tết

Hòa Ái, phóng viên RFA
Người dân Đồng Tâm vừa gửi thư khiếu nại lên Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội với đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.
Đề nghị Trung ương giải quyết
Vào tối ngày 25 tháng Giêng, cụ Lê Đình Kình cho RFA biết người dân Đồng Tâm vừa hoàn tất việc gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc Hội vào chiều ngày 24 tháng Giêng. Cụ Kình nói:
“Hai cái gửi đi rồi. Gửi lên các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thanh tra Chính phủ. Thử ngỏ gửi đi trình bày ý nguyện của dân là đề nghị sau khi Tết xong thì Trung ương giải quyết vụ việc tranh chấp đất ở Đồng Tâm.”
Cụ Kình cho biết dân chúng Đồng Tâm quyết định đề nghị Trung ương nhanh chóng giải quyết vụ tranh chấp đất sau Tết Âm lịch là vì vụ việc đã kéo dài quá lâu và họ khẳng định vụ tranh chấp đất ở đồng Sênh là do “giặc nội xâm” gây nên; do đó Trung ương cần xử lý dứt điểm để tránh tình trạng tham nhũng và lãng phí cho quốc gia, đồng thời để người dân Đồng Tâm được yên tâm với cuộc sống lao động, sản xuất thường nhật của họ.
Dư luận trong và ngoài nước biết đến vụ việc tranh chấp đất giữa chính quyền huyện Mỹ Đức, với dân chúng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm qua sự kiện chấn động nổ ra hồi trung tuần tháng 4 năm ngoái khi người dân địa phương bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố Hà Nội về sự bức xúc của họ trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân.
Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả
-Ông Lê Đình Kình
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đích thân đến thôn Hoành và ký một bản cam kết rằng sẽ thanh tra vụ việc trong 45 ngày cùng với lời hứa không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Dân chúng Đồng Tâm một lần nữa tỏ ra vô cùng phẫn nộ với kết quả thanh tra được công bố là khu đất đồng Sênh tranh chấp thuộc đất quốc phòng; đồng thời Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “bắt giữ người trái luật và hủy hoại công sản” đối với người dân Đồng Tâm, cũng như gửi giấy triệu tập kêu họ ra đầu thú.
Trong thư ngỏ và đơn khiếu nại gửi lên Trung ương, người dân Đồng Tâm nêu rõ diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, theo thống kê có diện tích tổng cộng là 800 héc-ta. Trong hơn 60 năm qua, người dân Đồng Tâm đã cống hiến và bàn giao cho Nhà nước 400, 25 héc-ta, tương đương 50% diện tích để phục vụ xây dựng quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế địa phương. Người dân Đồng Tâm nhấn mạnh hiện tại với 10 ngàn nhân khẩu canh tác trên 400 héc-ta đất nông nghiệp còn lại là quá ít ỏi vì bình quân mỗi nhân khẩu chỉ có hơn 1 sào đất nông nghiệp. Và các hộ dân đã canh tác qua nhiều thế hệ trên cánh đồng Sênh mà chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Do đó, người dân Đồng Tâm kiên trì đấu tranh giữ bằng được 59 héc-ta đất nông nghiệp ở đồng Sênh. Đại diện cho người dân xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình tuyên bố:
“Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả.”
Nhà nước cần làm gì trong vụ Đồng Tâm?
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, trong bài phát biểu tại buổi công bố Dự thảo Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm hồi đầu tháng 7 năm ngoái, đã dùng từ “khủng hỏang Đồng Tâm”. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng Chính quyền thành phố Hà Nội có đồng quan điểm với dân chúng xã Đồng Tâm khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc, qua từ ngữ Tướng Chung gọi là “khủng hoảng” và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng điều đó cho thấy ở tầm cỡ “an ninh quốc gia”.
Liên quan đến vụ Đồng Tâm, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng lên tiếng rằng:
Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong Hiến pháp, Điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả-
Luật sư Hà Huy Sơn
“Chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải chỉ là một bài học tiêu cực mà góp phần không lập lại những việc tương tự như thế nữa.”
Trước sự phản đối dữ dội của dân chúng Đồng Tâm đối với kết quả thanh tra cũng như quyết định khởi tố người dân Đồng Tâm, dư luận cho rằng Chủ tịch thành phố Hà Nội đã bội ước lời cam kết của ông khi cơ quan hành pháp và tư pháp không đồng nhất với nhau. Luật sư Hà Huy Sơn nêu lên quan điểm về giải pháp cho tình trạng “khủng hoảng Đồng Tâm”:
“Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong Hiến pháp, Điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả.”
Qua diễn tiến mới nhất, người dân Đồng Tâm gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại lên Trung ương đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc Đồng Tâm, một số chuyên gia và nhà quan sát ở trong nước mà RFA tiếp xúc đều có cùng ý kiến không những Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện theo nguyện vọng của người dân Đồng Tâm mà còn xem xét lại chính sách đất đai, là căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột tràn lan khắp nơi và hậu quả người dân bị buộc dồn vào đường cùng phải đối đầu để giữ lại từng tấc đất vốn dĩ thuộc về họ.

Người Việt có còn mong Tết?

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp về. Thông thường không khí trước dịp Tết đến thật nhộn nhịp. Tuy nhiên đối với nhiều người hiện nay, nhất là dân thành phố, Tết không còn là dịp mà họ háo hức đón chờ. Điều này được ghi nhận trong phóng sự mà chúng tôi thực hiện tại Sài Gòn vào thời điểm đầu tháng 12 Âm lịch năm Đinh Dậu 2017.
Một số người mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng tuổi đã lớn không còn mong Tết như xưa nữa.
Bà Mai Thị Tuyết Nga, một người nội trợ cho chúng tôi biết, có Tết hay không Tết không phải là chuyện quá quan trọng khiến bà háo hức nữa.
Già rồi háo hức gì con. Hưởng 66 năm rồi.
Cô cũng không chuẩn bị gì hết á. Nói ra nhà cô nghèo nên cũng không chuẩn bị gì hết. Thí dụ có gì thì ăn cái đó thôi chứ không chuẩn bị gì hết. Cũng đi chợ bình thường vậy thôi.
Chú Nguyễn Văn Huệ, một người bán nước dạo cũng cùng tâm trạng.
Không, chú lớn rồi đâu mong tết. Tết đủ thứ tiền hết á con. Kinh tế khó khăn đủ thứ tiền hết.
Năm nay chú thấy nó không có được xôn xao như mọi năm. Không biết khúc cuối cuối còn 20 mấy ngày, 10 mấy ngày nữa sao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm nhuận Đinh Dậu 2017, việc kinh doanh của một số người buôn bán nhỏ lẻ không được thuận lợi cho lắm. Nguyên nhân theo họ là mọi người có xu hướng mua đồ trong siêu thị nhiều hơn, việc bán buôn bị ảnh hưởng do chiến dịch làm sạch vỉa hè. Ngoài ra, yếu tố khách quan năm nhuận khiến tiêu thụ hàng chậm cũng được nhắc tới.
Chú Huệ chia sẻ về tình hình buôn bán của gia đình từ tết năm ngoái cho đến năm nay.
Trước chú bán tới 11, 12 giờ đêm. Giờ con biết không, khoảng 7 giơ tối là đóng cửa rồi đó. Kỳ cục vậy không biết nữa. Mấy năm trước bán được lắm á. Năm nhuần đa số là vậy á. Nguyên một năm là vắng vẻ. Ai cũng than trời than đất chứ không phải mình chú đâu.
Riêng với quán tạp hóa nhỏ của cô Dung trong hẻm, cô cho biết, năm nay có phần buôn bán khó khăn hơn do chiến dịch “làm sạch vỉa hè”, cũng như sự phát triển của các siêu thị.
Dọn lòng lề đường thì mình cũng chấp hành dẹp vô, có điều nhiều khi ngõ hẻm khuất quá mình đưa ra tí xíu. Khách vãng lai đi ngang qua nhiều khi người ta đi ngang qua biết mình nhưng không thấy. Nên ló ra chút xíu cho buôn bán thuận lợi tí. Có điều mình không xâm chiếm vỉa hè thôi.
Mấy năm sau thì 30 Tết bán chậm lại, tại người ta đi siêu thị này kia người ta mua rồi. Ba cái mì gói rồi này kia đôi khi người ta làm biếng ra, người ta ra mua vậy. Mấy năm nay thì bán chậm, không có bán được như mọi lần. Mặt hàng giờ cũng nhiều lắm, phong phú, rồi siêu thị cũng bán nhiều. Sẵn gia đình người ta đi siêu thị rồi cũng mua sắm này kia.
Với thu nhập vừa đủ chi tiêu, những người buôn bán nhỏ lẻ có cách đón Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Những món chuẩn bị cho ngày Tết cũng chỉ là vài ba ký thịt, củ kiệu. Ăn uống không khác ngày thường là bao.
Đơn giản như gia đình chú Huệ, món ăn ngày Tết cũng chỉ dân dã với thịt, củ kiệu để tranh thủ về quê nhanh khói cho ba mẹ, sau đó lại trở lại với cuộc sống buôn bán từ ngay mùng 3 Tết.
Thì chú ăn cũng bình thường à. Năm nào cũng ký, 2 ký thịt vậy thôi. Không làm khách khứa đâu nhiều con. Chừng ký, 2 ký thịt, củ kiệu này kia xong. Năm nào chú cũng vậy à, cũng mua ít thịt mua củ kiệu này kia. Mùng 1 về quê rồi, mùng 2 ở nhà chơi mùng 3 khách lên rồi xong. Mùng 3 làm việc bình thường. Năm nào chú cũng vậy con ơi. Không có xôn xao như người ta. Giàu nghèo gì cũng vậy.
Còn cô Dung, Tết cũng chẳng mấy cầu kỳ. Với cô, Tết có nhiêu xài nhiêu, chủ yếu đừng để dư thừa. Người nhà thì thay phiên nhau đảm đương những công chuyện ngày tết để phù hợp với việc bán buôn.
Tết có ít thì mình xài ít còn nhiều mình xài nhiều vậy thôi.  Năm nào cũng vậy, đều đều, ăn uống hạn chế, không dư thừa như mọi năm. Cái gì cũng vậy, ít ít thôi. Rồi giờ nhiều khi mắc bận thì người ta chuẩn bị mứt, củ kiệu này kia người nhà chuẩn bị. Thiếu gì thì mua thêm vô.
Tết với mỗi người có một giá trị tinh thần riêng. Với nhiều người thì đây là dịp để gia đình sum họp, vui vầy bên nhau và mang ý nghĩa rất lớn. Nhưng với một số người thì Tết nay không còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt khiến người ta háo hức, chộn rộn khi nghĩ về những ngày đầu năm được cho là ‘thiêng liêng’ nữa.

Uỷ ban Kiểm tra TW kỷ luật một số cán bộ

Cũng trong ngày 26 tháng giêng, trang thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, thông báo chính thức về việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với các ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, phó Bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, và ông Huỳnh Khánh Toàn, UB ban thường vụ tỉnh uỷ, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Nam.
Quyết định trên được đưa tại kỳ họp 21 và 22 của Uỷ ban Kiểm tra trung ương nhóm họp trong tháng Giêng vừa qua tại Hà Nội.
Cũng trong kỳ họp này, UB kiểm tra TW cũng đưa ra những xem xét kết quả giám sát đối với Ban cán sự đảng của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ I, các bộ Công thương, khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, tài chính và xây dựng liên quan đến vi phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí PetroVietnam và sự cố môi trường biển xảy ra tại dự án Formosa Hà Tình…
Ngoài ra, UB kiểm tra TW cũng xem xét thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo tỉnh Nghệ an, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số cá nhân khác.

Linh mục Phan Văn Lợi: ‘Những cuộc biểu tình lớn

của quần chúng là nỗi sợ cho nhà cầm quyền’

Sau hơn 1 tuần soạn thảo và chấp bút, Linh mục Phan Văn Lợi gửi ra bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng ký tên phản đối tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng bị đàn áp khốc liệt bởi Đảng Cộng sản.
Tối ngày 25/1, Linh mục Phan Văn Lợi giành cho RFA cuộc phỏng vấn.
RFA: Xin kính chào Linh mục Phan Văn Lợi. Xin linh mục cho biết mục đích, ý nghĩa sự ra đời của bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018?
Linh mục Phan Văn Lợi: Trong thời gian vừa rồi, tình hình ở Việt Nam tồi tệ về mọi mặt, và song song đó là việc đàn áp của nhà cầm quyền đối với người dân, các nhà đấu tranh hay các blogger đã rất mạnh mẽ, vì có lẽ họ muốn dẹp yên tiếng nói phản kháng ngày càng cất cao của người dân Việt Nam trước những tệ nạn mà họ đang gây ra cho đất nước.
RFA: Khi nào bản tuyên bố này sẽ hoàn thành và dự tính sẽ gửi đến cơ quan tổ chức nào?
Linh mục Phan Văn Lợi: Chúng tôi đang cố gắng lấy thật nhiều chữ ký của các tổ chức và cá nhân. Cho đến hôm qua cũng trên 40 tổ chức, cá nhân. Như vậy là vẫn còn ít cho nên chúng tôi chưa định là sẽ chấm dứt lúc nào. Chúng tôi cũng định nhờ các trang mạng giới thiệu giùm.
RFA: Vì sao Linh mục nghĩ rằng bản tuyên bố này cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam và tác động thế nào đến chính quyền Việt Nam?
Linh mục Phan Văn Lợi: Trước hết chúng tôi nhắm tới người dân Việt Nam. Chúng tôi muốn cho mọi người ý thức, nhất là bày tỏ chính kiến, thái độ của mình đối với những gì nhà cầm quyền gây ra cho đất nước. Còn cái chuyện có hy vọng tác động lên nhà cầm quyền thì chúng tôi nghĩ cũng khó và cũng ít. Vì thật sự là nhà cầm quyền này họ chỉ sợ những tác động từ những cuộc biểu tình của quần chúng mà thôi. Còn các bản văn này nọ cho dù có ký nhiều mà không có sự tác động của các cuộc biểu tình như đã xảy ra như ở các nước cộng sản trước đây và bên Trung Đông thì khó mà nhà cầm quyền nghe lắm.
RFA: Bên cạnh các hình thức phổ biến từ trước đến nay như lên tiếng, đưa ra các tuyên bố thì theo linh mục còn có những cách nào khác để tác động đến thứ 1 là chính quyền Việt Nam, thứ 2 là ý thức của người dân Việt Nam nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo không ạ?
Linh mục Phan Văn Lợi: Có lẽ ý thức của người dân thì càng ngày càng nhiều rồi, bởi vì chính cái cuộc sống với những cái bế tắc, bất ổn, suy sụp làm cho họ thấy rằng chế độ này rõ ràng không là gì cả. Nhưng vấn đề là họ có can đảm đứng lên hay không? Theo như tôi nghĩ, bắt chước kinh nghiệm của các nước Cộng sản Đông Âu vào thập niên 90, 80 thế kỷ trước cũng như là thập niên gần đây bên Trung Đông thì chỉ có những cuộc biểu tình của quần chúng đông đảo, rộng khắp thì mới có thể làm cho chính quyền chuộng tay và có thể dồn nhà cầm quyền vào góc tường để bắt buộc họ chấp nhận những đòi hỏi chính đáng của người dân.
Nhưng vấn đề ở Việt Nam lúc này, điều đó là khó thực hiện và chúng tôi  luôn luôn cố gắng thúc đẩy những người có khả năng triệu tập quần chúng, chúng tôi đã có nhiều lời nhắc nhở hoặc là nói nặng nói nhẹ, đặc biệt là với các lãnh đạo tinh thần, tức là nói tôn giáo đó, họ có những người dưới quyền của mình, những tín đồ đó, những tín đồ đó có thể là dễ vâng lời, nhất là trong đạo Công giáo, phải tổ chức chặt chẽ, những hàng lãnh đạo có huấn luyện đầy đủ, và tín đồ có tinh thần kỷ luật và vâng phục.
Trong năm qua, cuộc biểu tình thành công nhất, đông đảo nhất là tại giáp phận Vinh và các giáo xứ. Khi đó họ đã biểu tình 10, 15 ngàn người cho nên khó bị đàn áp lắm. Thậm chí họ đến công quyền để nói ý kiến của họ. Nếu tấm gương này được nhân ra cả nước, tất cả mọi tôn giáo đều bắt chước cái đó, hàng trí thức, dân sự, giáo sư cũng làm những cuộc biểu tình như thế như bên Đông Âu và bên Trung Đông thì lúc đó chúng tôi nghĩ rằng mới xoay chuyển được tình thế.
RFA: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được áp dụng ngày 1/1/2018. Luật này sẽ tác động như thế nào đến tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam?
Linh mục Phan Văn Lợi: Cái luật đó là 1 hình thức cũng cố cơ chế xin cho đối với các tôn giáo, nghĩa là tất cả hoạt động của các tôn giáo dù lớn dù nhỏ đều phải xin phép, chờ sự cho phép hay không của nhà cầm quyền. Đây là 1 hình thức ràng buộc tôn giáo càng chặt chẽ, ghê gớm hơn các văn bản trước đây pháp lệnh tôn giáo 2004, pháp lệnh 297. Cho nên Hội đồng giám mục Việt Nam đã có những nhận định xác đáng về văn kiện này và cho rằng nó không cổ vũ cho nhân quyền, không tôn trọng tự do tín ngưỡng. Hội đồng liên tôn Việt Nam hoàn toàn bác bỏ vì chúng tôi thấy đây chỉ là 1 công cụ ràng buộc giáo hội hoặc bắt giáo hội phải im lặng.
RFA: Xin cảm ơn Linh mục Phan Văn Lợi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù