Đau quá Sài Gòn ơi!

Đau quá Sài Gòn ơi!

Sài Gòn trước 1975 được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông (la perle de l’Extrême-Orient) với lối sống văn minh, hiện đại, cuộc sống phồn hoa, nhộn nhịp. Năm 1967, Lý Quang Diệu lần đầu tiên viếng thăm Sài Gòn đã cảm thán thốt lên: “Tôi chỉ ước sau 20 năm nữa Singapore sẽ kế tiếp Sài Gòn!”
Và người Sài Gòn thời ấy chắc không thể nào quên được những biểu tượng nổi tiếng gắn liền với ký ức tươi đẹp của mình như: tượng đài Trần Hưng Đạo, tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, tượng đài An Dương Vương hay tượng đài Trần Nguyên Hãn… những địa điểm quen thuộc của người dân Sài Gòn. Không chỉ đơn thuần là những biểu tượng của thành phố, mà gắn liền với mỗi tượng đài xưa cũ này đều là những câu chuyện thú vị không phải ai cũng biết.
Năm 1966, đương kim thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựng biểu tượng ở một vườn hoa công cộng trong đô thành Sài Gòn thì binh chủng Hải quân chọn bến Bạch Đằng để dựng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người được xem là thánh tổ hải quân và điêu khắc gia Phạm Thông lãnh nhiệm vụ đó. Tượng đài hoàn tất năm 1967.
Được dựng từ năm 1966, tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa đứng trên một bệ đá cao tại vòng xoay trước chợ Bến Thành đã trở thành hình ảnh khó quên với người dân sống ở Sài Gòn suốt nhiều thập niên. Nhưng câu chuyện về bức tượng lại chính là một câu chuyện buồn. Từ 4 năm trước, nhằm phục vụ việc thi công nhà ga metro Bến Thành – Suối Tiên, tượng đã được di dời khỏi vị trí trước chợ Bến Thành và đưa vào bảo quản tại công viên Phú Lâm, Quận 6.
Ngày nay, khi ghé thăm công viên Phú Lâm, người ta cũng không còn nhìn thấy bức tượng, vì công trình cũng bị phủ một lớp bạt để che chắn, bảo quản và nằm lặng lẽ trong một góc khuôn viên. Theo lời người chăm sóc cây cảnh của công viên, bức tượng ngày trước được làm bằng xi măng, dù đã được trùng tu một vài lần nhưng vẫn gặp phải tình trạng xuống cấp do vật liệu làm tượng có tuổi thọ và độ bền không cao.
Ở Quận 1, ngoài tượng Trần Hưng Đạo, còn có một bức tượng vô cùng nổi tiếng khác là tượng Phù Đổng Thiên Vương nằm tại ngã sáu đầu đường Võ Tánh cũ (nay là Nguyễn Trãi). Tượng nổi tiếng đến mức tên tượng trở thành tên của cả một giao lộ, bùng binh, người dân thường gọi là “ngã sáu Phù Đổng”.
Tượng Thánh Gióng được dựng năm 1966, tức là đã tồn tại hơn 50 năm qua cùng với đời sống của người Sài Gòn. Bên cạnh đó, bức tượng còn có một chi tiết mà nếu không phải cư dân sống ở khu vực này sẽ ít khi để ý: Thánh Gióng cầm cây tre, ngồi trên lưng ngựa sắt vẫn còn là một chú bé, khác với truyện Phù Đổng Thiên Vương được truyền miệng trong dân gian, với Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, khi sứ giả mang ngựa sắt, giáp sắt… đến thì chú bé vươn vai đứng dậy trở thành một tráng sĩ cao lớn để đi đánh giặc ngoại xâm. Nhưng chính nhờ sự khác này mà bức tượng Phù Đổng Thiên Vương ở Sài Gòn đã trở nên đặc biệt, đồng thời với việc nhấn mạnh truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước trước quân xâm lược, dù chỉ là một đứa trẻ cũng có thể vì quê hương mà đánh giặc.
Số phận tượng Trần Nguyên Hãn kể như đã xong. Giờ giữa trung tâm Sài Gòn chỉ còn mỗi hai tượng đài của Hưng Đạo Vương và Thánh Gióng. Ấy vậy mà người ta cũng tìm cớ để thủ tiêu bằng những mỹ từ: tu sửa và tôn tạo. Mà hễ cái gì gắn bó với tu sửa và tôn tạo của thờ buổi này thì hầu như là đập đi xây mới! Ví dụ rõ ràng nhứt là những bậc cầu thang đá hoa cương trong Thương xá Tax sau khi bị cộng đồng phản đối mạnh mẽ, “họ” hứa sẽ giữ lại, nhưng rồi cũng đập tanh banh.
Gần đây, họ cũng lấy cớ tu sửa mà muôn đập bỏ dinh Gia Long, sau khi bị những nhà chuyên môn, những người yêu mến Sài Gòn và cộng đồng mạng phải đối dữ dội, “người ta” mới tuyên bố tạm giữ nguyên trạng!
Sáng nay Ad vô cùng bất ngờ khi đọc bài báo trên Tuổi Trẻ Online: “Tu sửa hai tượng đài quen thuộc với người Sài Gòn: Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo”, đăng lúc 17:09 ngày 15/01/2019 với nội dung trích như sau:
“Hai tượng đài này được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM kiến nghị UBND TP tu sửa, tôn tạo và đã được chấp thuận.
“Hai tượng đài hiện chưa được xếp hạng di tích và không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP. Cả hai công trình đều có quá trình lịch sử hình thành gắn với người dân TP, hiện đã xuống cấp, do đó việc tu sửa, tôn tạo là cần thiết để đảm bảo an toàn và cảnh quan trung tâm TP.”
Lại lý do là “chưa được xếp hạng di tích và không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hoá” thì số phận hai tượng đài này có lẽ đã được định đoạt! Dinh Gia Long cũng xém bị đập bỏ cũng vì lý do này!
Dường như đang có một âm mưu phá huỷ toàn bộ dấu tích của Sài Gòn xưa, để những người Sài Gòn ít oi còn lại sẽ không còn gì để bấu víu, thương tưởng về một Sài Gòn hoa lệ đầy yêu dấu.
Sài Gòn đã mất tên, giờ đây chẳng lẽ mất luôn những dấu tích hiếm hoi còn lại?
Đau quá Sài Gòn ơi!
Sài Gòn, 17/01/2019
HUỲNH BÁ TUỆ DƯƠNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?