Venezuela và những món nợ đáng tởm
RFA
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-01-29
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-01-29
Khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân rồi con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không? Đấy là cách đặt vấn đề sau khi chúng ta hiểu ra bối cảnh của chuyện Venezuela….
Khủng hoảng tại Venezuela
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ đầu năm 2014, xứ Venezuela tại Nam Mỹ lâm vào một vụ khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự đoán năm ngoái là lạm phát lên tới 10 triệu phần trăm và người dân đói ăn phải moi thùng rác tìm lương thực khi bạo lực và tham nhũng hoành hành khắp nơi. Nhưng từ mươi ngày qua, cuộc khủng hoảng lên tới chính trị, khi Chủ tịch Hạ viện được bầu lên từ đầu năm 2015 đã căn cứ trên Hiến pháp mà tuyên bố là tạm xử lý trách nhiệm của tổng thống, trong khi ông Nicolás Maduro vẫn giữ vai trò Tổng thống sau một cuộc bầu cử được đa số cho là có gian lận. Lập tức, vào tuần trước, Chính quyền Hoa Kỳ cùng nhiều nước dân chủ đã công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là Quyền Tổng Thống, trong khi Liên bang Nga và Trung Quốc và vài xứ khác vẫn cố bênh vực chế độ Maduro. Ngày Thứ Hai 28 vừa qua, Chính quyền Mỹ tăng áp lực và phong tỏa nguồn giao dịch của tập đoàn dầu khí quốc doanh có tên tắt là PDVSA và chi nhánh Mỹ của doanh nghiệp này là công ty Citgo tại Houston. Tình hình Venezuela có thể biến chuyển nhưng câu hỏi được người ta nêu lên là sau này ai sẽ thanh toán các món nợ của chế độ độc tài Venezuela?
Chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không?
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về bối cảnh thì Venezuela có lắm tài nguyên tại Mỹ Châu La Tinh, với trữ lượng dầu hỏa cao nhất thế giới, chiếm tới 95% số xuất khẩu, đa số là bán vào thị trường Mỹ. Nhưng xứ này chưa có cơ chế dân chủ trừ 40 năm ngắn ngủi từ 1959 tới 1999. Từ năm đó, sau khi ông Hugo Chavez nắm quyền và tiến hành cách mạng cộng sản thì Venezuela tụt hậu và sau khi Chavez mắc bệnh và tạ thế năm 2013 thì xứ này tụt dốc. Ngày nay, tổng sản lượng toàn năm của hơn 30 triệu dân chưa tới 100 tỷ đô la, lợi tức bình quân một người sụt hai phần ba, chỉ còn chừng ba ngàn đô la và 87% dân chúng sống dưới mức bần cùng, đói ăn thiếu thuốc và thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian.
- Chúng ta không có thời lượng để nói về nguyên nhân của thảm kịch, trừ sự kiện là chế độ Hugo Chavez rồi Nicolás Maduro đã lấy tài nguyên trời cho để chia cho tay chân, kể cả bộ máy an ninh và quân đội sau khi quốc hữu hóa ngành dầu khí. Ngày nay, Venezuela đang mắc nợ có thể hơn 150 tỷ đô la và khó dùng dầu khí trả nợ cho các xứ độc tài đã bảo vệ mình, như Nga và Trung Quốc.
Những món nợ đáng tởm
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đi ngay vào các món nợ đó mà người dân xứ này sẽ phải thanh toán trong tương lai, thí dụ như dưới dạng dầu khí hay bằng cách nào khác. Chế độ độc tài đã tàn phá kinh tế và xã hội, thưa ông, khi nền dân chủ tái xuất hiện sau này, thì ai sẽ thanh toán những món nợ đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta lại phải trở về một bối cảnh còn xa xưa hơn nữa và nói đến “những món nợ đáng tởm”.
- Lần đầu tiên mà vấn đề được đặt ra rồi trở thành án lệ là tiền lệ pháp lý làm cơ sở cho các phán quyết về sau, do giáo sư luật khoa Alexander Nahum Sack tại Paris vào năm 1927, cách nay hơn 90 năm. Là Tổng trưởng của chế độ Sa hoàng Nga, ông Sack lưu vong tại Pháp sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, và trở thành giáo sư. Khi chính quyền Xô Viết thẳng tay phủ nhận mọi khoản nợ của chế độ Sa hoàng, ông nghiên cứu chuyện nợ nần sau mỗi lần thay đổi chế độ và thấy nhiều khoản nợ chính đáng mà chế độ sau không thể xoá bỏ và thoái thác. Nhưng cũng có những khoản nợ không chính đáng mà chế độ mới có thể nhân danh quyền lợi người dân để chối bỏ. Từ "dettes odieuses" do Alexander Sack đặt ra là tiếng Pháp, sau này mới được dịch qua Anh ngữ là "odious debts".
- Chuyện này sở dĩ trở thành án lệ vì xảy ra nhiều lần tại Âu Châu và nơi khác sau khi chế độ thực dân cáo chung, nhiều quốc gia giành lại độc lập rồi gặp nạn độc tài quân phiệt, phát xít, cộng sản, và chuyển sang dân chủ. Khi có thay đổi chế độ trên một lãnh thổ thì phải xử lý thế nào về khoản nợ cũ để khỏi gây khủng hoảng dây chuyền trong luồng giao dịch quốc tế với nhau? Về nguyên tắc, chế độ mới phải tôn trọng các cam kết vay mượn của chế độ cũ thì mới có thể nói chuyện giao dịch bình thường. Trong thực tế, giáo sư Sack cho rằng các khoản nợ không thật sự phục vụ người dân thì phải được coi là bất chính và đáng tởm.
Nguyên Lam: Ông nói tới chuyện xa xưa, liệu ngày nay còn xứ nào công nhận chuyện ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra giáo sư luật khoa gốc Nga này không phát minh ra lý luận đó mà chỉ áp dụng những trường hợp xảy ra từ trước, vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Mỹ và đầu thế kỷ 20 tại Âu Châu, chủ yếu là do tác động của Hoa Kỳ rồi các nước khác.
- Số là sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Tây Ban Nha, thuộc địa Cuba của Tây Ban Nha được giải phóng. Nhân danh quyền lợi của dân Cuba, Hoa Kỳ vận động việc chối bỏ các khoản nợ mà Hoàng đế Maximilan của Tây Ban Nha đã vay các nước Anh, Pháp, Bỉ để củng cố chính quyền tại Cuba và tài trợ nhu cầu chiến tranh của Tây Ban Nha. Vì vậy, sau Hòa ước Paris năm 1898, Tây Ban Nha đành xác nhận rằng trước năm 1860 đã lấy tài nguyên của Cuba để yểm trợ chiến tranh ở Âu Châu và từ 1861 đến 1880 thì chính quyền của họ tại Cuba đã đi vay để bành trướng ảnh hưởng qua Mexico và nơi khác. Sau năm 1880 lại còn vay thêm để trả nợ cũ và để bảo vệ quyền lực của họ tại Cuba. Vì vậy, Hoa Kỳ và Cuba chẳng trả một đồng dù các chủ nợ tại Âu Châu có phàn nàn và phản đối!
Nguyên Lam: Câu chuyện này thật ly kỳ vì dẫn ta về xứ Cuba, một xứ cộng sản đang cố bảo vệ chế độ Maduro của Venezuela. Xin đề nghị ông giải thích tiếp!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phải nói là án lệ tại Cuba từ sau cuộc chiến Hoa Kỳ với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 còn tái diễn tại Âu Châu sau Thế chiến I: Thỏa ước Versailles kết thúc Đại chiến năm 1919 có khoản quy định là Ba Lan không phải trả các khoản nợ do Đức-Phổ vay mượn để chiếm đóng xứ này!
- Sau đó, trong vai trò tài phán cuộc tranh tụng về món nợ của chế độ độc tài Frederico Tinoco tại Costa Rica với ngân hàng Royal Bank of Canada, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (cũng là cựu Tổng thống Mỹ), Howard Taft cũng ra phán quyết tương tự: ngân hàng chủ nợ đã biết mục tiêu đi vay của chính quyền Tinoco là bất chính nên chế độ mới có quyền phủ nhận món nợ này. Bối cảnh ấy cho thấy các "món nợ đáng tởm" đã được quốc tế chú ý từ lâu, và trở thành một nền tảng của công pháp quốc tế trong quan hệ tài chánh giữa các quốc gia.
Nguyên Lam: Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, thưa ông, trong thế kỷ 20, người ta có những vụ kiện nào về các khoản nợ không chính đáng đó không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong Thế kỷ 20, các nước đã có ba chục vụ kiện liên quan đến các khoản nợ đó, nổi tiếng và gần gũi nhất là vụ Hoa Kỳ tranh cãi cho chính quyền mới tại Iraq để phủ nhận mấy trăm tỷ đô la mà chế độ Saddam Hussein đã vay các nước khác, kể cả các nước Âu Châu, để bảo vệ quyền lực và đàn áp người dân!
Giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Đáng nói hơn thế, trên chính trường và trong doanh trường của các nước, cả hai xu hướng thiên tả và bảo thủ đều có lúc ủng hộ việc vận động ấy. Mục tiêu thật ra rất đa dạng: nhằm xoá nợ cho các nước nghèo - như quan điểm của Giáo hội Vatican với“chương trình “Jubilee 2000” – hoặc hỗ trợ các chế độ dân chủ mới thành hình, ngăn cản hiện tượng vay tiền để tài trợ khủng bố, giải trừ nạn tham ô của các tổ chức quốc tế khi nhắm mắt trước các nghiệp vụ tài trợ bất chính, v.v... Mỗi xu hướng lại quan tâm đến một khía cạnh và hiểu ra sự nhạy cảm của họ là tìm ra cách vận động hữu hiệu trong một hệ thống luật lệ phức tạp.
Bài học cho Việt Nam
Nguyên Lam: Chúng ta trở lại chuyện Venezuela, thưa ông, trong tương lai thì tình hình của các khoản nợ này sẽ xoay chuyển ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Venezuela học kinh nghiệm thất bại của họ từ những năm 2002 là phân tán, thiếu phối hợp và không xuống tới quần chúng nên lần này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với dân chúng từ dưới cơ sở và vận động quốc tế khiến cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm năm có thể sẽ có kết quả. Khi để mất lòng dân, chế độ Maduro biến chất ra ách độc tài và bị lân bang kết án nên sẽ khó tồn tại, nhất là khi binh lính trong quân đội cũng là nạn nhân của tình trạng đói khổ. Từ những bài học đó, những người lãnh đạo Venezuela sau này cũng nghĩ đến gánh nợ sẽ phải trả cho chế độ tiền nhiệm.
- Tôi nghĩ hoạt động quốc tế vận của họ sẽ giải thích và thương thảo rằng việc trừng phạt của các nước cần nhắm vào tay chân của chế độ cũ chứ không thể làm người dân là nạn nhân của việc phong tỏa kinh tế. Sau đó là nêu câu hỏi then chốt, rằng khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không?
Nguyên Lam: Nhưng chủ nợ của Venezuela là các cường quốc độc tài hay các ngân hàng quốc tế có dễ gì xóa nợ hay bị mất vốn hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới đã nghiên cứu và nâng trình độ pháp lý tinh vi để khai triển thành một học thuyết có cơ sở khai thông các vấn đề tài chánh khi một chế độ độc tài chuyển sang một chế độ dân chủ. Chuyện quan trọng ở đây gồm có ba điều kiện đã được quốc tế công nhận. Thứ nhất khoản nợ xuất phát từ một chế độ độc tài đã cam kết bí mật, ngoài sự hiểu biết của người dân. Thứ hai, khoản vay mượn không đem lợi ích cho người dân mà chỉ tập trung vào tay chân của chế độ. Thứ ba, các chủ nợ đều có biết khi thương thuyết mà vẫn cho chế độ vay tiền. Rất nhiều khoản nợ của Venezuela đã hội đủ ba điều kiện ấy nên trong một tương lai không xa, giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Nhận xét
Đăng nhận xét