Khi Chính phủ nước ngoài thương Dân Việt

Nguồn: Việt Nam Thời Báo 
Tác giả: An Viên
29/01/2019

Từ trong sách lịch sử của những người Cộng sản, bọn tư bản là bọn “người bóc lột người”, nhưng sao giờ đây, càng ngày càng nhận ra tư bản văn minh và nhân bản hơn những người cộng sản. Ít nhất thuế phí họ minh bạch, ít nhất không đặt ra “hàng trăm thứ thuế phí vô lý”, và lợi quyền cộng đồng luôn được tôn trọng.


Các tàu múc cát gây sạc lỡ cho nhà cửa ven sông
Nhà báo, Facebooker Trương Châu Hữu Danh trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân cho biết, trước ngày anh và bạn bè có buổi làm việc với người của Đại sứ quán Úc về việc cát tặc lộng hành dưới cầu Mỹ Thuận, thì dưới chân cầu... sạch bóng tàu múc cát. Và anh, một công dân Việt Nam đã “cảm ơn nước Úc”, cái nước mà họ đã làm cầu “để dân mình đi” và giờ là bảo vệ cầu, trong khi chính quyền nước mình (cụ thể ở đây là chính quyền Vĩnh Long) đã làm ngơ cho cát tặc phá cầu.
Đây không phải là lần đầu tiên Úc bảo vệ lợi quyền cho cộng đồng người dân Việt Nam tại chính… Việt Nam. Cũng tại cây cầu Mỹ Thuận này, một trạm thu phí được mọc lên, và số tiền thu phương tiện đi lại lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Mọi chuyện êm đẹp cho đến khi, Úc lên tiếng phản đối việc thu phí do cây cầu này được xây từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước này.
BOT đã không mọc ở cầu Mỹ Thuận xuất phát từ sự thiện tâm và minh bạch của chính quyền Úc.
Câu chuyện tương tự diễn ra đối với trạm thu phí hầm vượt sông Thủ Thiêm, công trình đến từ vốn ODA (không hoàn lại) của Nhật, khi chính quyền Tp. HCM lập trạm thu thì ngay sau đó, phía Nhật đã lên tiếng phản ứng để rồi Tp. HCM ra quyết định “chưa thu phí hầm Thủ Thiêm”.
Từ trong sách lịch sử của những người Cộng sản, bọn tư bản là bọn “người bóc lột người”, nhưng sao giờ đây, càng ngày càng nhận ra tư bản văn minh và nhân bản hơn những người cộng sản. Ít nhất thuế phí họ minh bạch, ít nhất không đặt ra “hàng trăm thứ thuế phí vô lý”, và lợi quyền cộng đồng luôn được tôn trọng.
Bằng những câu chuyện rất nhỏ như trên, các nước tư bản đã tạo ra một mùa xuân trong suy nghĩ và tình cảm người Việt. Nếu “lý luận” như TBT, thì tư bản đang tạo sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
Trong những ngày cuối năm, BOT vẫn là một chủ đề nóng, BOT Tân Đệ (Thái Bình) đã chuyển về tuyến đường tránh, đúng cái vị trí theo luật của nó. Nhưng để có được cái ngày “tháo dỡ và di dời theo chỉ đạo của cơ quan chức năng” này, thì không ít anh chị em tài xế đã phải đổ mồ hôi, lẫn máu để đấu tranh liên tục trước đó. Và có lúc, sự đấu tranh vì lợi quyền cho cộng đồng này đã bị một bộ phận không nhỏ những quan điểm thiếu ý thức gán cho cái mác là “kẻ kích động, kẻ phản động”.


Trạm thu phí BOT An Sương gây phẩn nộ cho dân chúng tại Việt Nam
Tại phía nam, BOT An Sương cũng nóng lên, một cánh tài xế bị lực lượng vũ trang dưới sự chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường bởi một người có nhân dạng… giống ông Bí thư quận ủy Quận Bình Tân (Tp. HCM) bắt giữ, đánh đập (trong đó có một người tên Tuấn bị CA phường Tân Tạo vô cớ bắt người giam giữ gần 24 tiếng, sau khi đánh đập xong đuổi ra khỏi trụ sở CA mà không có bất kỳ biên bản nào, vi phạm nghiêm trọng luật pháp) và đe dọa, trong khi phương tiện (xe cộ) bị phá hoại. Báo chí nhà nước đã im lặng trước sự đấu tranh chống sai trái của BOT này (kéo dài hơn 2 tháng), nhưng khi vụ bắt giữ người và đánh đập người dân tại BOT (vốn mang yếu tố dân sự) nổi lên và thu hút dư luận, thì báo Tuổi Trẻ (cơ quan thành đoàn Tp. HCM) đã đăng tải bài: Xử phạt 3 người gây rối tại BOT An Sương – An Lạc.
BOT An Sương – An Lạc, cũng giống như BOT Cai Lậy đã bị “vũ trang hóa”, và cuộc chiến chống lại cái sự gian dối, sai trái (hay BOT bẩn) trở thành trách nhiệm và niềm tin theo đuổi của không ít người, nơi họ phải trả giá không ít trước sự vào cuộc của “cả bộ máy chính trị” ở một vài nơi, trong đó có quận Bình Tân.
Và điều kỳ lạ, chính quyền cấp thành phố (Tp. HCM) hoàn toàn im lặng trước sức nóng BOT An Sương – An Lạc.
Rời BOT, đến với EVFTA – câu chuyện Hiệp định thương mại tự do Việt – EU đã tạm hoãn thời gian ký về sau vì lý do kỹ thuật, và một trong số đó là vì “nhân quyền” chưa được đáp ứng. Năm 2018, Việt Nam đẩy mạnh việc trấn áp nhân quyền bằng phương pháp: sách nhiễu, bắt giữ, tống giam, trục xuất và kết án với mức tù nặng. Việt Nam sẵn sàng vận động hành lang giới doanh nghiệp để được ký hiệp định, trong khi nhân quyền lại trở nên khắt khe. Nếu chiếu theo góc nhìn “thương dân, vì dân”, thì việc tạm ngừng ký kết EVFTA (mang tính tạm thời) lần này cũng cho thấy, Chính phủ nước ngoài thương dân Việt và tôn trọng dân Việt hơn Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.
Nhũng nhiễu, lợi ích nhóm hay thậm chí cả lạm dụng quyền lực trong nước đã bào mòn niềm tin của người dân về mặt thể chế, biến họ từ những người dân từ việc nhẫn nhục và chịu đựng thành những người dám lên tiếng và đấu tranh.
Và chỉ qua câu chuyện cát tặc dưới cầu Mỹ Thuận, hay vũ trang hóa BOT An Sương đã xóa bỏ sạch sẽ niềm tin về một thể chế “của dân, do dân, vì dân”, mà ông TBT – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng kỳ vọng sẽ gây dựng lại được qua công cuộc “đốt lò” của mình. Có lẽ vì vậy mà khi mùa xuân tràn đến Venezuela, sự kiện này nhận được phản ứng tích cực của người Việt (thông qua cộng đồng sử dụng Facebook rộng lớn), phản ánh một trạng thái quá chán chường với thể chế hiện tại, một thể chế mà “rượu vang, bít-tếch ngoại hạng” dành cho nhóm ít người, còn “cơm không thịt” lại dành cho đại đa số nhân dân. Trong không khí bao trùm: Chính phủ nước ngoài thương Dân Việt.
---------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?