Bản tin ngày 29-1-2019

Tin Biển Đông

VOA dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Úc: Bắc Kinh gây lo lắng ở Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Fullerton ở Singapore ngày 28/1/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Christopher Pyne nói rằng “Bắc Kinh nên sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để tạo dựng niềm tin và sự tự tin trong khu vực”.

Ông Pyne nói thêm: “Ví dụ, việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã không làm tăng niềm tin của khu vực đối với các ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Ngược lại, nó gây lo lắng”.
Thủ tướng Việt Nam lặp lại không vì quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc, RFA đưa tin. Phát biểu bên lề cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa diễn ra tại Davos về vấn đề chủ quyền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Việt Nam “sẽ bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chủ quyền của đất nước ngay cả khi tăng trưởng quan hệ kinh tế”.
Tuy nhiên, “thực tế cho thấy chính phủ Hà Nội hô hào cải cách mạnh mẽ; thế nhưng hiệu quả chưa được là bao”. Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, “phần thâm thủng vẫn nghiêng về phía Việt Nam. Còn tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục lấn lướt”.
Việt Nam đưa mỏ Cá Tầm vào hoạt động, theo RFA. Theo đó, Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro “đã chính thức bắt đầu khai thác dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi miền Nam Việt Nam”. Tuy nhiên, “mới hồi đầu tháng này, PVN đã tuyên bố rằng vấn đề căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác ngoài khơi trong năm nay”.
Mời đọc thêm: Úc nhắc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm ở Biển Đông (TN). – Australia lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (DT). – Được Mỹ hậu thuẫn, Úc không còn ngại Trung Quốc ở Biển Đông (MTG). – Hai tàu chiến Mỹ “trêu ngươi” Trung Quốc ở eo biển Đài Loan (Infonet).
Vụ xử hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an
Báo Thanh Niên dẫn lời cựu thượng tá tình báo Vũ ‘nhôm’: Tổng cục Tình báo chỉ giao bị cáo nhiệm vụ duy nhất là làm kinh tế. Sáng 28/1/2019, sau phần công bố cáo trạng, HĐXX TAND TP Hà Nội bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án về các lãnh đạo ở Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, bảo kê Vũ “nhôm” chiếm đất công sản.
Vũ “nhôm” khai: “Tổng cục Tình báo chỉ giao cho bị cáo nhiệm vụ duy nhất là làm kinh tế. Bị cáo muốn làm gì, đi đứng di chuyển như thế nào đều phải báo cáo”. Nếu lời Vũ “nhôm” khai là đúng, thì Tổng cục Tình báo đã theo dõi, kiểm soát và chỉ đạo chặt chẽ quá trình Vũ “nhôm” lũng đoạn tài sản nhà nước nhiều năm qua ra sao.
Bên cạnh đó, cựu điệp viên Vũ “nhôm” khai quá trình hoạt động tại Tổng cục tình báo Bộ Công an, báo Dân Trí đưa tin. Vũ “nhôm” kể, “năm 2009, Vũ được tuyển chọn vào ngành tình báo cho đến năm 2017 thì Vũ bị ra khỏi ngành. Trong thời gian 8 năm làm điệp viên, Vũ thành lập 2 công ty bình phong” là Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79. “Nhiệm vụ chính và duy nhất của Vũ là kinh doanh để mang lại nguồn kinh tế cho Tổng cục 5”, đúng như nhiều thông tin mật được tiết lộ trên mạng xã hội một thời gian, trước khi Vũ bị bắt.
VnExpress dẫn lời Vũ ‘Nhôm’ nói lý do không trả 7 dự án đất vàng giá 2.500 tỷ đồng. Vũ “nhôm” khẳng định: “Tiền mua các dự án nhà, đất là tiền của bị cáo. Việc xác định bị cáo lợi dụng các yếu tố của Bộ Công an để được nhận các dự án này là không chính xác. Bị cáo thấy mình không sai, làm đúng điều pháp luật cho phép, do vậy làm đơn xin rút lại đơn xin nộp lại 7 tài sản”.
Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Xét xử sơ thẩm Vũ “nhôm” và các cựu tướng công an

VnExpress có đồ họa: Thủ đoạn biến đất công thành tài sản riêng của Vũ ‘Nhôm’ 

Tuy nhiên, trái với lời khai của Vũ, cựu thứ trưởng Công an Trần Việt Tân chối trách nhiệm khi Vũ ‘Nhôm’ thao túng đất vàng, theo VnExpress. Ông Tân khẳng định, “không ký văn bản nào xin mua, thuê các dự án mà chỉ ký một số văn bản mang tính thúc đẩy thủ tục. Việc Vũ chuyển nhượng các dự án ngay sau khi được cấp, ông không biết. Ông nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi không nắm được vấn đề”.
Báo Dân Việt bàn về đề nghị bất ngờ của cựu Thứ trưởng Công an Trần Việt Tân trước tòa. Ông Tân nói: “Tôi đề nghị chủ tọa phiên tòa xem những câu hỏi nào liên quan trực tiếp đến vụ án thì tiếp tục còn những vấn đề liên quan đến tổ chức, mạng lưới, quy chế hoạt động… là bí mật”. HĐXX lập tức đồng ý với đề nghị của ông cựu Thứ trưởng Công an!
Ông Tân đề nghị như vậy với lý do Tổng cục V vẫn là cơ quan nắm giữ nhiều bí mật liên quan tới an ninh quốc gia. Vì lý do đó, ông Tân gần như có quyền ra lệnh cho HĐXX không hỏi đụng chạm trong một vụ sai phạm lũng đoạn tài sản nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Đức hỏi: Xử tướng là thế này hả? Trong phiên xử hôm qua, TAND TP Hà Nội đã ưu ái cho hai bị cáo là hai “tướng” công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, “thoải mái trò chuyện khi Tòa đang xử, khiến dư luận băn khoăn. Bởi quy định pháp đình rất tôn nghiêm, bị cáo và những người dự tòa phải tuân thủ. Chưa nói về nội dung cáo trạng, việc hai ông ‘tướng’ được trò chuyện ngay trong khi tòa xử cho thấy hai ông được Tòa ưu ái“.

Hai bị cáo là tướng công an chụm đầu trò chuyện tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Đức
Trong khi ông Tân khẳng định không biết việc Vũ “nhôm” làm, thì cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành nhận tội, báo Người Lao Động đưa tin. Ông Thành nói: “Bị cáo thừa nhận tội danh theo cáo trạng đã truy tố với bị cáo. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, một số chi tiết nêu trong cáo trạng”.  
Zing có clip: Cựu thứ trưởng công an Bùi Văn Thành nói về sai phạm của Vũ ‘nhôm’.
Báo Pháp Luật TP HCM lưu ý chi tiết “lạ” trong phiên xử vụ Vũ ‘nhôm’: Phòng phóng viên liên tục mất tín hiệu. Trong phiên xử hôm qua,các phóng viên được bố trí ngồi tác nghiệp tại phòng riêng, có màn hình tivi. Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, lúc này tín hiệu mất liên tục, không có âm thanh… Sau đó, chủ toạ phiên toà công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo”.
Đây là tình tiết “lạ” mà quen, thường xuất hiện trong các phiên tòa xử án chính trị ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng an ninh và tòa án làm vậy để các bị cáo không “vô tình” tiết lộ thêm thông tin mật, gây ảnh hưởng đến chế độ.
Mời đọc thêm: Đang xét xử 2 cựu thứ trưởng vì giúp Vũ ‘nhôm’ thâu tóm đất công (TT). – Xét xử hai cựu Thứ trưởng công an giúp sức Vũ ‘nhôm’ (TP). – Xét xử 3 cựu tướng công an tiếp tay cho Vũ “nhôm” gây thiệt hại 1.159 tỷ đồng (NNVN). – Cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành thừa nhận tội danh, mong xem xét nguyên nhân, bối cảnh (TN). – Cựu Thứ trưởng Công an thừa nhận tội danh như truy tố (VOV).
Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an khai gì ở tòa? (LĐ). – 2 cựu Thứ trưởng Công an khai gì về các dự án của Vũ “nhôm”? (Infonet). – Hai cựu thứ trưởng công an nói không biết Vũ ‘nhôm’ chuyển nhượng đất (Zing). – Vụ Vũ ‘nhôm’: Hai cựu thứ trưởng công an nói ‘không thao túng đất vàng’ (BBC). – Ngồi sau Vũ “nhôm”, 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an ghé tai nhau trao đổi (NLĐ).
CSVN không còn giấu diếm ‘Vũ nhôm’ là tình báo viên công an (NV).Vũ nhôm vào ngành công an từ 2009, không có nghiệp vụ gì ngoài làm kinh tế (GT). – Vũ “nhôm” mua 200 xe mô tô tặng công an TPHCM và Đà Nẵng? (DT). – Vũ nhôm “kể công” hỗ trợ trăm tỷ cho Đà Nẵng, TP.HCM (GT). – Vũ ‘nhôm’ khoe thành tích, khẳng định trong đời 10 phần đúng 8 (TP).
Vũ Nhôm thâu tóm những lô đất nào ở Đà Nẵng, TP.HCM (VNN). Vũ “nhôm” khai thâu tóm đất “vàng” tại TP HCM, Đà Nẵng để làm gì? (NLĐ). Xét xử 2 cựu Thứ trưởng Công an: Vì sao Vũ ‘nhôm’ viết đơn xin không giao nộp 7 khu đất? (VTC). – An ninh thắt chặt trong phiên xử hai cựu Thứ trưởng Công an (VOV).  
Luật riêng dành cho công an
Lãnh đạo công an tỉnh Đắk Nông vừa quyết định điều chuyển trung tá công an lái xe tông chết người, theo báo Tiền Phong. Bài báo cho biết: Hồi tháng 10 và 11/2018, “phóng viên Tiền Phong đã đặt câu hỏi với đại diện Công an tỉnh Đắk Nông về kết quả điều tra và xử lý hành vi trung tá Hoàng Anh Tuấn điều khiển xe tông chết người”. Tuy nhiên, Công an tỉnh Đắk Nông không đưa ra bất cứ câu trả lời nào.
Gần đây, thượng tá Nguyễn Tường Vũ, Trưởng Công an huyện Đắk R’Lấp xác nhận: Trung tá Hoàng Anh Tuấn, người điều khiển xe ô tô tông chết một phụ nữ hồi tháng 6/2018, vừa “được điều lên Công an huyện theo lệnh điều động của Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông”. Ông Vũ nói thêm: “Đây là công tác nội bộ của ngành Công an chúng tôi, nên không trả lời được. Vì không thuộc thẩm quyền trả lời và công tác bí mật của nhà nước”.
Mời đọc thêm: Điều chuyển trung tá công an lái ô tô tông chết người (VNN). – Trung tá công an lái xe tông chết người: Được điều giữ chức cao hơn? (VNM). – CSGT cần công khai nội dung khi xử lý vi phạm (PLTP).
“Đồng chí” bắn “đồng chí”
Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu V vừa khởi tố nghi can bắn chết nữ Phó chủ tịch HĐND phường, VietNamNet đưa tin. Bị can Bùi Chí Hiếu, cựu Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai bị khởi tố về tội “Chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và “Giết người”. Hiếu bị tạm giam từ ngày 24/1/2019 “tại Trại tạm giam Quân sự Quân khu V để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử”.
Ngày 3/12/2018, Bùi Chí Hiếu cầm súng xông vào trụ sở UBND phường Đoàn Kết để khống chế cô Kpăh H’Ven, Phó chủ tịch HĐND phường. “Khi lực lượng Công an tiếp cận hiện trường, Hiếu đã bắn chết nạn nhân và dùng súng tự sát nhưng được cứu sống”.
Mời đọc thêm: Khởi tố bị can bắn chết phó chủ tịch HĐND phường ở Gia Lai (Zing). – Khởi tố, tạm giam Phó chỉ huy quân sự bắn chết Phó chủ tịch HĐND phường (Infonet). – Khởi tố nghi can bắn chết Phó Chủ tịch HĐND phường ở Gia Lai (VTC). – Nghi can bắn chết nữ phó Chủ tịch HĐND phường đã tỉnh táo (PLTP).
Thủ Thiêm: Một phó phòng tự tử
Các cơ quan chức năng quận 1, TP HCM đang điều tra vụ Phó phòng Ban Quản lý Thủ Thiêm tử vong sau tòa nhà trụ sở, trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin. Khoảng 10 giờ sáng ngày 28/1/2019, “nhiều người làm việc tại tòa nhà Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm nghe tiếng động mạnh nên chạy ra xem”, thì thấy ông Nguyễn Minh Long, Phó phòng Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm “nằm bất động và đã tử vong”.
Sai phạm Thủ Thiêm đang là một trong các chủ đề nóng nhất, xung quanh chiến dịch “đốt lò”, bởi các lãnh đạo cầm trịch sai phạm này như Hai Nhựt, Ba Đua, Sáu Cang… và nhiều cựu quan chức cấp cao ở thành Hồ vẫn chưa bị xử lý thích đáng. Cho nên, rất nhiều người nghi ngờ vụ “nhảy lầu” này là một “cái chết đúng quy trình”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi, vụ Phó trưởng phòng thuộc Ban Quản lý khu Thủ Thiêm tử vong: Tự vẫn vì trầm cảm? Theo thông tin từ Ban Quản lý khu Thủ Thiêm, khoảng giữa tháng 12/2018, ông Long đột nhiên nộp đơn xin từ chức vì lý do “không đảm bảo được áp lực công việc được giao và khả năng lãnh đạo chưa trọn vẹn, chưa hoàn thành công việc”. Cơ quan này đã nhanh chóng kết luận: ông Long “tự vẫn vì bị trầm cảm trong thời gian dài”.
Hầu hết các báo “lề đảng” đưa tin vụ này rất nhỏ giọt và chỉ cung cấp thông tin một chiều từ phía Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các phóng viên báo chí “lề đảng” không có khả năng thực hiện cuộc điều tra độc lập nào, để tìm ra sự thật.
VOA có bài: Phó phòng Ban quản lý Thủ Thiêm tử vong tại trụ sở trong thời gian nghỉ phép. Bài viết lưu ý các “giả thuyết về khả năng ông Long bị ‘bịt miệng’ giữa bối cảnh cuộc đấu pháp lý giữa người dân và chính quyền, cũng như các cuộc thanh tra nhà nước về những sai phạm nghiêm trọng về đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa có hồi kết”.
Mời đọc thêm: Rơi từ tầng 9, nhân viên Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm tử vong (TN). – Đang điều tra vụ một Phó trưởng phòng quản lý quy hoạch ngã lầu tử vong (NĐT). – Nhân viên Ban quản lý KĐT Thủ Thiêm rơi từ tầng 9 tử vong (MTG). – Ban quản lý Thủ Thiêm thông tin vụ người rơi lầu tại trụ sở (PLTP). – Lò ở thành Hồ: lại đốt củi mục (RFA). – ‘Nghiêm’ nên tham nhũng 13 tỉ mới… cảnh cáo! (Blog VOA/TD).  
Tin nhân quyền
VOA có bài: Tết lưu vong của các nhà tranh đấu Việt Nam. Các nhà hoạt động nhân quyền chia sẻ với VOA, “dẫu biết rằng đường về cố quốc quá mù mịt và tăm tối, nhưng họ vẫn dốc hết tâm huyết để tiếp tục dấn thân và không ngừng khát khao cho tự do, một sự đổi thay ở quê nhà, mong một ngày đoàn viên”.
Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua Báo cáo sơ bộ về kết quả rà soát UPR của Việt Nam, RFA đưa tin. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung tiếp tục hứa hẹn rằng “Việt Nam sẽ nghiên cứu các khuyến nghị để quyết định việc chấp thuận hoặc ghi nhận đối với các khuyến nghị nhận được”. Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam sẽ được xem xét phê duyệt chính thức tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền LHQ dự kiến tổ chức vào tháng 6/2019.
Mời đọc thêm: Các chuyên gia: ‘EVFTA vẫn cực kỳ quan trọng với VN’ (VOA). – Nhóm biểu tình trước tòa London phản đối vụ ‘nô lệ hiện đại’ (BBC). – Còn lại gì sau chiến tranh?Nhật Bản phải ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam (VNTB). – Vĩnh Phúc: Bi hài người dân mua nhà sau gần 10 năm vẫn không được ở (NĐT).
Tài xế vs BOT
Tài xế phản đối trạm BOT bị tấn công, RFA đưa tin. Sáng 28/1/2019, ông Hà Văn Nam, tài xế ở Thái Bình đã tham gia phản đối nhiều trạm thu phí BOT bất hợp lý, bị an ninh bắt khi đang phát video clip trực tiếp trên Facebook cá nhân từ Hà Nội. “Ông được thả ra vài tiếng sau đó trong tình trạng bầm dập người vì bị đánh”.
Tài xế Hà Văn Nam có clip, cho thấy tình trạng chấn thương của ông sau khi bị an ninh hành hung tại Hà Nội. Ông Nam bị đánh đến nội thương vùng ngực và gãy 2 xương sườn.


Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Bọn nó đánh Nam bằng những cú đánh nghiệp vụ và đe: ‘Mày không được vào BOT An Sương’. Đánh xong chúng đạp anh xuống đường. Tôi hỏi Nam: ‘Nam có sợ chết không?’ Nam nói, chết ai cũng sợ. Nhưng chống lại cái xấu mà chết thì không sợ”.
Đối với những nhà báo “lề đảng” vẫn đang bảo vệ BOT, ông Hữu Danh bình luận: “Cảm thấy nhục nhã khi đồng nghiệp của tôi đứng về BOT. Dưới ngòi bút của họ, Nam, tôi, là những kẻ gây rối. Còn BOT là thần tài, với những hợp đồng truyền thông”.
RFA đặt câu hỏi về BOT An Sương: không qua cầu cũng thu phí, tài xế nói gì? Một tài xế tham gia phản đối BOT An Sương cho biết: “Sử dụng dịch vụ của họ thì phải trả tiền phí, nhưng thật ra mình không có nhu cầu đi lên cầu nên mình đi xuống dưới và vì vậy không thể buộc mình trả tiền”.
Vụ an ninh, công an quận Bình Tân, TP HCM tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay với nhà báo Hữu Danh và các đồng sự, tài xế trên bình luận: “Với chúng tôi thì những vấn đề đó là trò hù con nít thôi, theo tôi biết thì 3 người đó đang làm đơn kiện cơ quan chức năng về việc giam giữ người trái pháp luật và lợi dụng chức vụ quyền hạn để đe dọa người dân”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi vụ nhiều tài xế cản trở thu phí trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài: Ông Trịnh Đình Dũng chỉ đạo gì? Trước đề nghị của Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 về chuyện “ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng gây rối, kích động, cản trở việc thu phí” tại BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, Phó thủ tướng “yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng tình hình xảy ra tại trạm thu phí này”.
Trước đó, nhiều tài xế phản đối và yêu cầu di chuyển trạm BOT này về tuyến đường tránh ở TP Vĩnh Yên “do người dân không sử dụng đường tránh nhưng vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ là không đúng”. Bất chấp các hình thức đàn áp ngày càng nặng tay, các tài xế công khai phản đối BOT xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Mời đọc thêm: Cả nước hãy hướng về Hà Văn Nam (FB Hùng Nguyễn). – Khi Chính phủ nước ngoài thương Dân Việt (VNTB). – Nhà cầm quyền ở Sài Gòn quyết không khoan nhượng vụ BOT An Sương-An Lạc (NV). Báo “lề đảng”: BOT An Sương – An Lạc thu phí quá hạn: Sở GTVT TPHCM nói gì? (LĐ). – Quận Bình Tân: Ùn tắc ở BOT An Sương – An Lạc do gây rối (PLTP). – 3 hôm nữa sẽ “quyết” ngày thu phí BOT Cai Lậy? (TBKTSG). – Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn chính thức đi vào khai thác từ 1/2/2019 (PLN).
Khủng hoảng chính trị ở Venezuela
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy đặt câu hỏi: Việt Nam có trung lập trước biến cố ở Venezuela không? Bài viết cho rằng, phải “căn cứ vào tuyên bố của nhà nước VN”. Theo đó, khi trả lời câu hỏi về chính biến ở Venezuela, người phát ngôn Bộ ngoại giao VN nói: “Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi, và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định”.
Với tuyên bố này, “nhiều người cho rằng VN giữ lập trường trung lập”. Tuy nhiên, “nếu phân tích kỹ phát ngôn của Bộ ngoại giao thì thái độ của VN không phải thế. Mong muốn hòa bình ổn định, điều đó có nghĩa là VN không muốn xảy ra biến động chính trị ở Venezuela mà muốn ổn định chế độ độc tài Maduro”, mọi lãnh đạo CS đều chỉ muốn duy trì chế độ toàn trị của họ và các “đồng chí”, bất chấp cuộc sống đói khổ của người dân.
Mời đọc thêm: Đảng CSVN đã làm gì để hỗ trợ ‘đồng chí Maduro’?Đường cùng tất biến! (VNTB). – Vì sao Việt Nam ‘đi hàng hai’ trong vụ Venezuela?Đức Giáo hoàng lo “máu đổ” tại Venezuela (VOA). – Hoa Kỳ cảnh cáo Maduro ‘không được đụng tới Guaido’Về hội chứng chống Hoa Kỳ ở Venezuela và các nước Nam Mỹ (BBC). – Lãnh tụ đối lập Venezuela kêu gọi London không trao vàng lại cho Maduro (NV). – Đói – cuộc khủng hoảng cấp bách nhất với người dân Venezuela (VNE).
***
Thêm một số tin: Vì sao Ngân hàng nhà nước phóng vọt tỷ giá trung tâm trái quy luật? (VNTB). – Bộ chính trị CSVN ngày càng dẫm chân lên chính phủ, quốc hội (NV). – Ông Đinh La Thăng liên quan thế nào đến dự án Ethanol Phú Thọ? (TN). – Trưởng ban bị đồn ‘ôm’ 200 tỉ bỏ trốn: Agribank lên tiếng, Thanh tra NHNN chi nhánh Nam Định kiểm tra đột xuất (NĐT). – Thực hư thông tin thu hồi đất trái luật tại Phú Quốc (Bnews). – Bé 3 tuổi tử vong bất thường ở trường mầm non (ANTĐ).
https://baotiengdan.com/2019/01/29/ban-tin-ngay-29-1-2019/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?