“Dây thòng lọng” nguy hơn xe ứ đọng ở biên giới
Hơn năm ngàn xe cam nhông chở hoa quả còn ứ đọng trên biên giới Việt – Trung trong mấy tháng qua đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD. Nhưng thiệt hại ấy chưa thấm vào đâu, so với việc nếu như Hà Nội lại nghe theo “nghiêm dụ” của ông Tập xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh” với Bắc Kinh để bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới.
Bài bình luận của Trần Cẩm Tú
2021.12.28
“Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”
Chính sách ngoại giao kinh tế “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, cũng như các biện pháp Trung Quốc phong tỏa Việt Nam, dù mới chỉ trên biên giới đất liền, chủ yếu là để là để "dằn mặt" Việt Nam. Lý do “dằn mặt” có thể có nhiều. Về kinh tế, Trung Quốc muốn chấm dứt các trao đổi tiểu ngạch. Việc kiểm soát đường biên nhằm chống buôn lậu, nhập cư và gần đây là để ngăn dịch COVID lây lan còn khiến Trung Quốc từ cuối 2018 cho xây hàng trăm km rào cao, kiên cố ngăn lối trên bộ với Việt Nam ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trên biên giới Việt – Trung hiện nay đang còn hơn năm nghìn container hàng VN bị chặn, hàng vạn tài xế vật vã gần cả tháng. Tham tán thương mại Hồ Tỏa Cẩm của TQ giải thích COVID-19 là nguyên nhân chính, nhưng ông cũng giục Việt Nam cần đẩy nhanh đàm phán Nghị định thư hiện đang bị đình trệ về xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hàm ý của ông Tham tán là các cuộc đàm phán bị đình trệ một phần do phía VN. [1].
Theo VietNamNet, đã có 50 cuộc hội đàm ở các cấp với phía Trung Quốc song tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao. Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nguyên nhân khách quan của tình trạng ùn ứ trên là do thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn. Về chủ quan, Thứ trưởng Khánh chỉ rõ những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta thời gian qua. Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc… Chuyện này “xưa như diễm”! [2].
Điều kỳ lạ là mặc dù, các bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều kỳ lạ hơn, Tuổi trẻ Online trích lời ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12, nói rằng, ông không thể báo trước dịp nghỉ Tết tới các cảng TQ sẽ nghỉ 15 hay 60 ngày. Thông tin trên khiến tình hình ách tắc hàng từ VN sang có vẻ còn thêm u ám khi bước vào năm mới 2022.
Đài báo Trung Quốc không nói gì nhiều về chuyện hàng VN bị ách tắc bên phía Việt Nam. Nhưng truyền thông Trung Quốc lại đưa tin vui về việc thông tuyến tàu liên vận mới. Tân Hoa Xã cho biết, ngày 9/12, chuyến tàu liên vận đường bộ và đường sắt Trung - Việt lần đầu tiên xuất phát từ thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, TQ chở 1.200 tấn sản phẩm hóa chất của Công ty hoá chất TQ xuất sang Việt Nam, bằng đường sắt Quảng Tây, sau đó chuyển đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị vào VN. Hoá ra chỉ tắc một chiều từ VN sang TQ, phía ngược lại vẫn “trống dong cờ mở”. [3].
Đòn chính trị buộc VN vào cỗ xe TQ
VN vừa ăn mừng thắng lợi đối ngoại sau một năm hoạt động năng nổ. Các mũi tiên công ngoại giao, theo cách nói trong nước, đã có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu. Riêng với Trung Quốc, mọi chuyện dường như vẫn bao phủ một bức màn bí ẩn. Giới phân tích đã sớm ngửi thấy mùi “khét” trong bang giao ” [https://www.voatiengviet.com/a/bang-giao-viet-trung-im-lang-truoc-con-bao/6341130.html]. Nhưng “dây thòng lọng” ĐCSTQ treo trên đầu ĐCSVN chính là mấy dòng oan nghiệt khi Tân Hoa Xã dẫn lại tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc cho rằng, hai đảng, hai nước tăng cường hợp tác để thực hiện hai “mục tiêu 100 năm” thành lập đảng và thành lập nước.
Theo đó, ĐCSTQ Trung Quốc sẵn sàng có những nỗ lực tích cực với Việt Nam, để xây dựng hai nước thành một “cộng đồng chung vận mệnh” mang ý nghĩa chiến lược. Trung Quốc “khoe” không chỉ đã ký Kế hoạch hành động “cộng đồng chung vận mệnh”, mà còn khởi động phương án để thực hiện kế hoạch ấy với Lào. Đề nghị cũng được ông Tập tái khẳng định trong cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 24/05/2021.
Tuy nhiên, những giá trị truyền thống bao lâu nay được những người cộng sản VN thần phục Trung Quốc tụng niệm, giờ đây hầu như không còn mấy tác dụng. Nào là “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông”. Nào là, hai nước “chung một Biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”... Kể cả phương châm “16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” viễn vông cũng không mấy khi được nhắc lại tại các văn kiện chính thức. [4].
Thử hình dung, nếu giờ này ĐCSVN phát động một chiến dịch trong cả đảng viên lẫn quần chúng, về việc hai đảng, hai nước xây dựng nhận thức về tư tưởng. Theo đó, hãy vượt qua mọi trở ngại trên thực tế, đặc biệt là phải xử lý ổn thoả các vấn đề trên biển (công nhận tất cả đảo chìm đảo nổi trên Biển Đông là thuộc về chủ quyền Trung Quốc từ xa xưa), nâng cấp quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” lên thành “cộng đồng chung vận mệnh” Trung – Việt.
Một cuộc vận động đầy tính hoang tưởng như vậy, cứ cho là sẽ có cả dùi cui, còng số tám lẫn nhà tù đi kèm, chắc chắn không giành được bất cứ một sự hưởng ứng nào, dù nhỏ nhất, từ người dân. Trừ một số ít đảng viên và những kẻ hoạt đầu cộm cán mà tiền của ngầm và quyền lực ngầm của họ gắn chặt với Trung Nam Hải, chẳng một người Việt nào chịu bập vào cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” nói trên.
Điều thú vị mà cũng là lạ lẫm, Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung trong chính sách đối ngoại mỗi nước cũng như đánh giá cao những thành tựu, kết quả đạt được trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian gần đây. [5]. Tuy nhiên, Chủ tịch Phúc đã không đề cập gì đến cái “nghiêm dụ” của ông Tập.
Cũng theo Tân Hoa Xã, khi được ông Tập gởi lời thăm hỏi, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chúc mừng ĐCSTQ 100 tuổi với các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Nhưng đến như ông Trọng mà còn khẳng định, Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lãnh vực… nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì tới việc VN có chui vào “dây thòng lọng” nói trên hay không.
Phải chăng, đây là một trong những “cục xương” khó nuốt nhất của ĐCSVN hiện nay. Trong các chuyến thăm trước đây, ĐCSVN từng dè chừng với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) và cũng không tỏ ra mấy mặn mà, thậm chí khá thận trọng đối với Dự án kết nối Trung Quốc với ASEAN. Nay lại thêm các “khúc xương” khác: cuộc thương lượng mang tính chất áp đặt về COC năm 2022 và “nghiêm dụ” bao lâu nay đối với cái gọi là xây đắp “vận mệnh chung Trung – Việt” để bải vệ chủ nghĩa xã hội thế giới.
_____________
Tham khảo:
1. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59754698
2. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/hon-5-000-container-tac-o-bien-gioi-va-50-cuoc-hoi-dam-voi-phia-trung-quoc-804376.html
3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59754698
4. https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210525-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-vi%E1%BB%87t-nam
5. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chu-tich-nuoc-Nguyen-Xuan-Phuc-dien-dam-voi-Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Trung-Quoc-Tap-Can-Binh/432260.vgp
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét