Giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải qua đời - VNExpress
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Thứ tư, 29/12/2021, 09:15 (GMT+7
PHÁPGiáo sư Trần Quang Hải - 77 tuổi, chồng danh ca Bạch Yến, con nhà nghiên cứu Trần Văn Khê - mất rạng sáng 30/12 vì ung thư máu.
Thông qua một số đồng nghiệp thân thiết, danh ca Bạch Yến cho biết chồng bà qua đời tại Limeil-Brévannes. Tang lễ miễn phúng điếu, sẽ được cử hành vào chiều 4/1/2022, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng.
Trước đó, kiến trúc sư Trần Quang Minh - ở TP HCM, em trai ông Trần Quang Hải - cho biết được gia đình ở Pháp báo tin anh trai ông qua đời vào rạng sáng 29/12. Ông Quang Minh nói: "Em gái chúng tôi là Thủy Ngọc báo tin anh trai tôi lúc tối đi ngủ, và ngủ luôn không dậy nữa. Bạch Yến nhờ Thủy Ngọc nói lại cho toàn thể gia đình". Sau khi ông Quang Minh thông báo tin buồn cho bạn hữu, khán giả, chiều 29/12, danh ca Bạch Yến, 79 tuổi, cho biết chồng bà chưa qua đời, chỉ đang bệnh nặng.
Nhà báo Thế Thanh - đại diện quỹ học bổng Trần Văn Khê - cho biết những năm gần đây, Trần Quang Hải âm thầm điều trị bệnh. Ông phát hiện bị ung thư máu năm 2017 và tích cực điều trị. Năm 2019, bệnh ông từng trở nặng, phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ còn chẩn đoán ông bị sưng phổi, suy thận, tiểu đường.
Trước đó, ngày 23/12, giáo sư Trần Quang Hải còn gửi đến ban tổ chức Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại TP HCM một video ông nói về tâm nguyện lập quỹ học bổng của cha mình. Bà Thế Thanh nói: "Dù ở xa, theo dõi qua các bài viết, tôi biết ông vẫn ấp ủ nhiều tâm nguyện với âm nhạc truyền thống dân tộc. Ông có thể được xem là truyền nhân của giáo sư Trần Văn Khê".
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - môn sinh của giáo sư Trần Văn Khê - bàng hoàng khi hay tin buồn. Bà Mỹ Duyên nói: "Tôi được biết anh Trần Quang Hải qua đời khi đang đọc bản thảo quyển sách của cha anh. Tôi thấy như ai đang bóp trái tim mình. Cảm giác này đã có và đau nhiều hơn lần trước đây tôi đến bệnh viện Gia Định thăm bác Khê những ngày cuối đời. Dù tôi chỉ có ba lần gặp anh nhưng ấn tượng về một giáo sư uyên bác mà bình dị, thân thiện và tràn đầy nhiệt huyết... Nó trở thành kỷ niệm đẹp đẽ đi cùng tôi trên hành trình hoạt động âm nhạc cho đến bây giờ...".
Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại TP HCM, là hậu duệ đời thứ năm của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ. Bố ông là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê. Chịu ảnh hưởng gia đình, ông sớm theo đuổi âm nhạc, tốt nghiệp khoa violin trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, sau đó tiếp tục sang Pháp học nâng cao về nhạc cụ này. Ở Pháp, ông chuyển hướng nghiên cứu các loại nhạc cụ dân tộc, sau đó lấy bằng tiến sĩ. Ông từng làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris.
Nhạc sĩ có nhiều nghiên cứu về hát đồng song thanh, phát triển kỹ thuật gõ muỗng, biểu diễn đàn môi. Ông gắn bó với muỗng, được đặt danh hiệu "vua muỗng" sau khi chiến thắng một cuộc thi gõ trong khuôn khổ Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge (Anh) năm 1967. Ông từng biểu diễn gõ muỗng trong hơn 1.000 chương trình. Năm 2012, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người trình diễn đàn môi tại nhiều quốc gia nhất thế giới.
Nối nghiệp cha, ông dành tâm huyết cho tình yêu âm nhạc dân tộc. Năm 2017, ông trao tặng sách, băng đĩa tư liệu nghiên cứu âm nhạc của mình cho Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Năm 2019, ông xuất bản hai quyển sách gồm 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam và Hát đồng song thanh tại Mỹ.
Ông kết hôn với danh ca Bạch Yến ở Pháp năm 1978. Cùng vợ, ông thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Ông bà chung sống 43 năm, không có con chung. Ông có một con gái riêng tên Minh Tâm, cũng từng học nhạc.
Năm 2009, khi về nước biểu diễn, Bạch Yến cho biết bà vốn ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhưng đam mê nhạc dân tộc nhờ tác động từ chồng. Những năm cuối đời, vợ luôn đồng hành Trần Quang Hải chống lại bệnh tật. Dịp kỷ niệm 40 năm ngày cưới năm 2018, ông từng viết thơ tặng vợ:
"Bốn mươi năm hạnh phúc bên nhau
Kỷ niệm hôm nay lắm ngọt ngào
Chồng vợ ngày ngày chung cuộc sống
Tình yêu gìn giữ suốt đời sau!".
Nhật Thu
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét