Ðiểm Báo Pháp – 28/12/21
RFI
2022 : Khủng hoảng Iran, Ukraina, Đài Loan đe dọa thế giới
Le Figaro dự báo « Iran, Ukraina, Đài Loan : Những cuộc khủng hoảng đang rình rập thế giới trong năm 2022 ». Nguy cơ nước Cộng hòa Hồi giáo chế tạo được bom nguyên tử, Nga tấn công Ukraina hay Trung Quốc xâm lược Đài Loan có thể khiến phương Tây bị dồn vào chân tường.
Iran, Ukraina, Đài Loan và nguy cơ chiến tranh
Trước tiên, hồ sơ nguyên tử Iran tuy không chiếm trang nhất các báo, nhưng là mối đe dọa thực sự ở Trung Đông. Tỷ lệ làm giàu uranium từ 20% đã tăng lên 60%, những máy ly tâm mới được chế tạo để tăng tỉ lệ làm giàu lên 90%, giai đoạn cuối cùng. Iran cũng lao vào sản xuất uranium kim loại để chế tạo vỏ quả bom. Một nhà ngoại giao nắm rõ hồ sơ nhận xét, Iran đã tiến lên một cách không thể đảo ngược về công nghệ làm giàu và kỹ năng. Các thanh tra Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) bị cấm cửa khiến cộng đồng quốc tế trở nên mù mờ. Song song với tiến bộ kỹ thuật, Teheran cũng cố tình câu giờ trong đàm phán.
Chỉ còn vài ngày hoặc vài tuần nữa, hiệp định JCPOA mà châu Âu đã cố sức đạt được, sẽ trở nên vô nghĩa. Hậu quả : Iran lại bị trừng phạt, hồ sơ quay lại Hội Đồng Bảo An, Israel có thể can thiệp quân sự và không ai biết liệu Hoa Kỳ, châu Âu có theo chân hay không. Hoặc xuất hiện một Iran cường quốc nguyên tử, dẫn đến Ả Rập Xê Út hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng mon men chế bom hạt nhân.
Cuộc khủng hoảng thứ hai đến từ Nga. Sau khi tập trung trên 100.000 quân ở biên giới, trực tiếp đe dọa Kiev, Matxcơva loan báo chấm dứt tập trận,nhưng lực lượng vẫn còn đó. Ukraina sau khi bị mất Crimée năm 2014 tiếp tục có nguy cơ bị xâm lược.
Đối với ông chủ điện Kremlin, đây là thời cơ : như hai người tiền nhiệm, Joe Biden tiếp tục lơ là với châu Âu và Trung Đông để tập trung cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vụ rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan được Putin coi là dấu hiệu yếu kém của Mỹ, việc bật đèn xanh cho Nord Stream 2 bị những người chống đối coi là đầu hàng. Tại châu Âu, Angela Merkel đã ra đi, Emmanuel Macron bận rộn với chiến dịch tranh cử.
Châu Âu sẽ nuối tiếc « chủ nghĩa can thiệp » Mỹ
Phía sau hai cuộc khủng hoảng này là sự khả tín của phương Tây : có quyết tâm bảo vệ đồng minh hay không, và củng cố quy định quốc tế - một nước không thể thay đổi biên giới với nước khác bằng vũ lực. Một thái độ trung lập của NATO và EU có nghĩa Ukraina sẽ rơi vào quỹ đạo của Matxcơva.
Thùng thuốc súng thứ ba là xung đột Trung Quốc-Đài Loan. Cũng như Matxcơva, Bắc Kinh không ngừng quan sát những phản ứng của Mỹ. Tuy các nước lớn của phương Tây cho thấy họ không sẵn sàng gởi quân ngăn cản Ukraina bị xâm lược, chủ quyền Đài Loan vẫn luôn được Washington coi là lằn ranh đỏ, dù là đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa.
Trong bài xã luận « Viễn cảnh rối loạn », Le Figaro nhận thấy đại cường số một thế giới là Hoa Kỳ từ một thập niên qua đã thu mình lại. Sau thời gian dài kêu rêu về chủ nghĩa can thiệp của Mỹ, chẳng bao lâu nữa châu Âu sẽ phải hối tiếc. Bởi vì châu lục chưa hề chuẩn bị cho thế cân bằng mới, bất lực trong việc trả đũa, hoặc chỉ đơn giản là bảo vệ lợi ích của mình. Trước viễn cảnh khủng hoảng, châu Âu liệu có thể đối chọi với một Iran nguyên tử, một nước Nga đầy đe dọa hay một Trung Quốc thống trị ?
Nhe nanh giương móng, Bắc Kinh chưa dám dùng vũ lực
« Con cọp Trung Quốc giương móng vuốt nhưng còn ngần ngại chưa sử dụng », theo Le Figaro. Tập Cận Bình đang siết chặt quan hệ với Nga trong cuộc chiến tranh lạnh với phương Tây.
Vladimir Putin gỡ thể diện cho Thế vận hội Bắc Kinh : tổng thống Nga loan báo sẽ đến thủ đô Trung Quốc vào tháng Hai, trong lúc Joe Biden tổ chức tẩy chay sự kiện này về ngoại giao và Anh, Úc, Canada, Litva đã theo chân. Đổi lại, Putin được vinh dự là nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên mặt đối mặt với người đứng đầu Trung Quốc kể từ khởi đầu đại dịch đến nay. Tập Cận Bình chỉ hội đàm trực tuyến với Biden cũng như trong thượng đỉnh G20 và COP26, núp sau vạn lý trường thành cách ly gần hai năm qua.
Ông Tập muốn dùng Thế vận hội làm sức bật cho giấc mơ dân tộc chủ nghĩa, trước một năm Dần quan trọng cho tương lai đất nước. Đại hội Đảng vào mùa thu là lúc Tập Cận Bình có hy vọng giành thêm một nhiệm kỳ thứ ba, đi ngược với truyền thống, trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế căng thẳng. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông nhận định, quan hệ với phương Tây sẽ còn xấu đi, vấn đề là điều này có làm Tập Cận Bình yếu thế đi trong nước hay không.
Tuy ông Tập đã giành được thắng lợi với nghị quyết về lịch sử trong Hội nghị trung ương vừa qua, nhưng phe chủ trương mở cửa kinh tế vẫn rình rập. Khủng hoảng năng lượng, nguy cơ phá sản của tập đoàn địa ốc Evergrande, các rủi ro tài chánh, tăng trưởng giảm sút vì biến thể Omicron làm Bắc Kinh đau đầu, trước nỗi ám ảnh ổn định xã hội. Tăng trưởng là « thách thức lớn nhất của năm 2022 », như tuyên bố của Dương Vĩ Dân (Yang Weimin), quan chức của Toàn quốc Chính Hiệp, có thể xuống khoảng 5%.
Sợ bị cô lập, nhưng chính Trung Quốc làm các nước xa lánh
Căng thẳng với Hoa Kỳ đe dọa công xưởng thế giới, vẫn luôn lệ thuộc vào xuất khẩu và một số công nghệ phương Tây. Một loạt trừng phạt nhắm vào các start-up Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo làm các công ty này khó lên sàn chứng khoán. Quan hệ với châu Âu, đối tác thương mại quan trọng, cũng xuống cấp : thượng đỉnh EU-Trung Quốc bị hoãn, hiệp định đầu tư sa lầy do đàn áp ở Tân Cương, Hồng Kông, đe dọa Đài Loan. Các nước láng giềng lo sợ, và Trung Quốc có thể trở nên cô đơn.
David Shambaugh, giáo sư đại học George Washington, nhận định, lãnh đạo họ Tập mang lại sức sống mới cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, nhưng khiến hình ảnh Trung Quốc xuống thấp nhất trên thế giới. Các thăm dò của Pew Research Institute cho thấy dư luận các nước phát triển trở nên ác cảm với Bắc Kinh từ sau đại dịch. Theo ông Cabestan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lợi dụng đại dịch để xây nên thành lũy bao quanh Hoa lục, tách biệt với thế giới trong một số lãnh vực. « Trung Quốc sợ bị cô lập, nhưng chính họ đã tạo điều kiện cho tình trạng này ».
Ông cho rằng Đại hội Đảng có thể là một nhân tố khiến Tập Cận Bình bớt hung hăng trong vấn đề Đài Loan để bảo đảm ổn định nội bộ. Các viên chức cao cấp Mỹ-Trung sẽ đối thoại vào đầu năm để bảo đảm kênh thông tin, tránh khủng hoảng xảy ra ở eo biển Đài Loan hay trên Biển Đông, nhưng về thương mại có thể không có bước tiến nào. Đối đầu với Mỹ với sự hỗ trợ của Nga và quyến rũ các nước phương Nam đang cần cơ sở hạ tầng và vac-xin là chiến lược lâu dài của Tập Cận Bình, vốn muốn giữ ghế đến 2030, trong khi đối thủ Joe Biden gặp bất lợi trong cuộc bầu cử giữa kỳ mùa thu tới.
Tự do thông tin : Trung Quốc, Miến Điện, Belarus bị tố cáo
Trên lãnh vực nhân quyền, xã luận của Le Monde kêu gọi « Bảo vệ quyền tự do thông tin đang bị vây hãm ». Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) và Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố vào tháng 12, số nhà báo bị bỏ tù đạt mức kỷ lục trong năm 2021 (293 người đối với CPJ, 488 người theo RSF). Điểm sáng le lói duy nhất là số nhà báo bị sát hại ít hơn (24 với CPJ vốn tính toán theo tiêu chí khắt khe, và 46 với RSF).
Cả hai bản báo cáo đều mạnh mẽ tố cáo các chế độ độc tài Trung Quốc, Miến Điện và Belarus. Việc Bắc Kinh trấn áp Hồng Kông dẫn đến những hậu quả bi kịch như Apple Daily bị khai tử. Cuộc đảo chính ở Miến Điện khiến báo chí bị thụt lùi sau những năm phần nào dân chủ. Tại Belarus, Alexandre Loukachenko tái đắc cử tổng thống với cáo buộc gian lận, không ngần ngại buộc phi cơ hạ cánh để bắt nhà báo đối lập Roman Protassevitch.
Bên cạnh đó, Le Monde cũng nhắc đến việc vi phạm quyền thông tin tại một số nước đang có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây như Ai Cập, Ả Rập Xê Út hay Việt Nam. Thế nên cần quan tâm đến ý nghĩa cảnh báo khi giải Nobel hòa bình được trao cho hai nhà báo Maria Ressa của Philippines và Dimitri Mouratov của Nga.
Biến thể Omicron thống lĩnh trang nhất tất cả báo Pháp
Mối đe dọa từ biến thể Omicron chiếm trang nhất của tất cả báo Pháp hôm nay 28/12/2021. Libération đăng ảnh tổng thống Emmanuel Macron với dòng tựa « Macron cân nhắc cách đối phó » : Les Echos nhận xét « Omicron : Chiến lược đáp trả chừng mực ». Tương tự với Le Monde « Omicron : Chính quyền tìm kiếm cách đối phó đúng đắn », « Chính phủ điều chỉnh cách đáp trả trước làn sóng Omicron » - tựa của Le Figaro. Từ chứng nhận tiêm chủng đến gia tăng làm việc từ nhà, cấm ăn uống trong các phương tiện giao thông công cộng, lại hạ chế số người trong các cuộc tập họp…chính quyền phải có quyết định để bảo vệ nền kinh tế và trường học.
Trong bài xã luận « Thử thách », Libération nhận xét, kể từ đợt phong tỏa đầu tiên, ông Emmanuel Macron có hai nỗi ám ảnh : duy trì nền kinh tế và để trường học mở cửa, nhằm tránh cho trẻ em không bị thụt lùi sức học, thậm chí bị bạo lực gia đình. Tình hình dịch bệnh bất định cho đến nỗi những gì đúng đắn hôm nay thì ngày mai không còn đúng nữa. Một số nguyên thủ can đảm gánh lấy rủi ro, trong đó có tổng thống Pháp, ông chấp nhận « ăn cả ngã về không » với giả thiết Omicron không làm hệ thống y tế sụp đổ. Hiện thời thì vẫn ổn. Nếu Emmanuel Macron thất bại, bệnh viện quá tải, kinh tế suy sụp, hy vọng tái đắc cử sẽ xa dần ; còn nếu ông chiến thắng, những đối thủ cạnh tranh khó thể tránh được đề tài này trong chiến dịch tranh cử.
La Croix chạy tựa « Mối đau đầu Omicron » và trong bài xã luận đã kêu gọi « Dù sao thì cũng nên tiêm chủng ». Từ khi virus corona xuất hiện ở Vũ Hán cách đây hai năm, các chính phủ đã quen bơi giữa giòng nước lạ, theo những đợt sóng của các biến thể và những tiến bộ của khoa học. Họ phải tính toán các nguy cơ dịch tễ, tâm lý, kinh tế và chính trị.
Những ngày gần đây, Omicron khiến nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo thêm phức tạp. Họ sợ gì nhất: bệnh viện thêm quá tải, bộ máy sản xuất bị ngưng trệ ? Không thể loại trừ khả năng tệ nhất là cả hai cùng xảy ra một lượt. Một số nước châu Âu đã siết lại việc di chuyển ngay trước Noel, Pháp thì để yên cho dân mừng lễ. Vac-xin hiện là thành lũy duy nhất chống Covid, và dù có những hạn chế trước biến thể mới, vẫn là vũ khí hiệu quả nhất.
2022 : Hãy mơ đến các vì sao !
Chuẩn bị bước sang năm mới, cây bút xã luận của Jean-Marc Vittori của Les Echos không quên điểm lại thời sự năm cũ. Theo tác giả, rốt cuộc năm 2021 hầu như yên tĩnh, ít rối loạn như năm 2020 với đại dịch và suy thoái lịch sử.
Có ba vấn đề đáng chú ý trong năm qua. Đó là tính bất định, khi con virus không ngừng biến đổi ; rồi đến làm việc từ xa, với những ưu và khuyết điểm của nó ; và cuối cùng là lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Nhưng khi đọc lại những bài viết cũ, tác giả ấn tượng nhất là lời thú nhận của Emmanuel Macron về việc vac-xin được chế tạo tại Hoa Kỳ chứ không phải châu Âu. Ông nói : « Có lẽ chúng ta ít mơ đến những ngôi sao hơn là một số người khác ». Bài viết kết luận, thế nên trong năm 2022, hãy mơ về những vì sao !
Nhận xét
Đăng nhận xét