Tuyển Việt Nam và những chu kỳ thắng - thua
- Phan Ngọc
- Gửi cho BBC từ TP.HCM
Bên cạnh những mổ xẻ về các điểm yếu của đội tuyển tại AFF Cup 2020, một góc nhìn cũng được bàn tán nhiều là những cái dớp hay còn gọi là "chu kỳ" tồn tại ở nền bóng đá Việt Nam kể từ khi hội nhập trở lại.
Chu kỳ được nhắc đến nhiều nhất là cứ 10 năm Việt Nam mới lại lọt vào trận chung kết AFF Cup (trước đây là Tiger Cup) vào các năm 1998, 2008 và 2018 bất chấp việc đã có tới 11 lần giành quyền vào bán kết.
Một chu kỳ khác được xem là hệ quả từ chu kỳ trên là cứ sau mỗi kỳ AFF Cup giành quyền vào chung kết thì bóng đá Việt Nam lại rơi vào những cuộc khủng hoảng với thành tích đi xuống, thậm chí có lúc chạm đáy thất vọng như giai đoạn 2010 - 2013.
Và một chu kỳ nữa cũng đáng chú ý là suốt các thời HLV Việt Nam bất kể nội hay ngoại, họ cũng chỉ có thể duy trì thành công trong một khoảng thời gian nhất định, để rồi chỉ từ một cột mốc thất bại nào đó sẽ kéo theo chuỗi domino mà mọi nỗ lực xoay chuyển đều vô ích.
Dễ thấy, khi nhớ lại những chu kỳ trên, người hâm mộ mang tâm trạng lo lắng rằng Việt Nam của HLV Park có thể sẽ bước vào vết xe đổ của thế hệ trước.
Kết thúc một chu kỳ
Hãy khoan bàn đến những chu kỳ kia, trước mắt phải khẳng định thất bại tại AFF Cup vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho một chu kỳ thành công của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam kéo dài suốt 4 năm qua.
HLV Park đã mang đến cho bóng đá Việt Nam một cuộc cách mạng kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10.2017, từ lối chơi hiện đại, chặt chẽ cho đến tinh thần thi đấu quả cảm, không bao giờ lùi bước.
Bộ sậu người Hàn Quốc của ông Park đã giúp bóng đá Việt Nam đạt được những thành công rực rỡ, xác lập nhiều cột mốc lịch sử, mở màn bằng thành tích á quân giải U23 châu Á 2018 cho đến xác lập vị thế thống trị khu vực với chức vô địch AFF Cup 2018 và huy chương vàng SEA Games 2019, vươn tầm châu lục khi lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 cùng tấm vé đi tiếp vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Thế nhưng, một đội bóng dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể thành công mãi với chỉ một công thức, huống chi nội lực bóng đá Việt Nam có hạn cộng với việc HLV Park dưới áp lực duy trì thành công dần bộc lộ những hạn chế, và may mắn cũng như vận son cũng không còn đồng hành cùng chiến lược gia này.
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn với Việt Nam của HLV Park khi bước vào vòng loại thứ 3, nơi Quang Hải cùng đồng đội phải đối đầu với những đội tuyển hàng đầu châu lục, phải thừa nhận chênh lệch về đẳng cấp và chuyên môn là nguyên nhân chính khiến Việt Nam đang toàn thua, nhưng những điểm yếu từ bên trong đội tuyển cũng lộ rõ, đó là lối chơi đã trở nên cũ kĩ, bị động và dễ bắt bài.
Đến với AFF Cup 2020, HLV Park mang theo kỳ vọng về một diện mạo mới cho đội tuyển, đáng tiếc rằng tất cả những gì chúng ta làm được chỉ là chiến thắng thuyết phục trước Malaysia và 90 phút lượt về máu lửa với Thái Lan, ngoài ra vẫn là bộ mặt bế tắc, buồn tẻ quen thuộc.
Nhìn về hành trình AFF Cup vừa qua, người ta nói rất nhiều về nỗi ám ảnh Thái Lan, về khoảng thời gian dài đằng đẵng 25 năm chưa thắng được Indonesia, nhưng hơn hết, AFF Cup 2020 là cột mốc khép lại một trong những chu kỳ thành công bậc nhất lịch sử Việt Nam được viết nên bởi HLV Park cùng thế hệ học trò tài năng của mình.
Những hy vọng mới
HLV Park Hang-seo vừa ký gia hạn hợp đồng một năm với VFF và với những dấu ấn đã để lại, ông vẫn xứng đáng được trao cơ hội ở thời điểm hiện tại.
Một chu kỳ thành công đã khép lại không có nghĩa trước mắt HLV người Hàn Quốc là thất bại, hay nói cách khác, mọi thứ phụ thuộc vào cách ông Park nhìn nhận và phản ứng với hạn chế của đội tuyển, và xa hơn là chứng minh tồn tại các chu kỳ kia bởi đơn giản là bóng đá Việt Nam tại những thời điểm ấy chọn cách lặp lại sai lầm trong quá khứ mà thôi.
So với trước đây, bóng đá Việt Nam giờ đã có được một nền tảng vững chắc hơn nhiều: đào tạo trẻ được chú trọng, V-League ngày càng chuyên nghiệp và chất lượng chuyên môn tốt dần theo thời gian.
Quan trọng hơn cả là lứa cầu thủ nòng cốt ở tuyển hiện tại phần lớn đều thuộc thế hệ 1995 đổ lại, tức là chỉ mới bước vào độ chín của sự nghiệp và có thể cống hiến cho đội tuyển thêm nhiều năm nếu được khai thác đúng mức cũng như tạo điều kiện phát triển hợp lý.
Màn trình diễn trước Thái Lan ở lượt về cho thấy nếu như HLV Park chịu thay đổi, cải thiện và làm mới lối chơi theo hướng chủ động hơn, Việt Nam vẫn là một tập thể giàu tiềm năng phát triển hơn nữa.
Tất nhiên, HLV Park không thể thay đổi mọi thứ một mình được, không nói đâu xa, việc HLV Park thời gian qua nhận phải nhiều chỉ trích cho rằng ông bảo thủ, ngại thay đổi cũng một phần do áp lực thành tích đè nặng từ cấp trên.
Thất bại của Việt Nam tại AFF Cup 2020 với một lực lượng sứt mẻ nghiêm trọng vì phải cày ải quá nhiều là bài học đắt giá để những người đứng đầu nền bóng đá điều chỉnh chiến lược, cụ thể chúng ta không nên giải nào cũng buộc các đội tuyển phải đạt thành tích cao, phải giành cho bằng được chiến thắng hay chức vô địch, từ đó tạo điều kiện cho việc dàn trải lực lượng một cách hợp lý, đơn cử như cầu thủ nào còn trẻ mà đã là trụ cột đội tuyển thì nên được miễn nhiệm vụ ở lứa U, như vậy vừa giúp cầu thủ trụ cột nghỉ ngơi, vừa giúp cầu thủ trẻ khác được trao cơ hội mà cũng là cách trau dồi lứa kế cận.
Trong câu chuyện này, chính người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng cần thay đổi văn hóa cổ vũ, chúng ta không nên nâng đội tuyển lên "chín tầng mây" khi họ thành công rồi lại vùi dập, chỉ trích họ khi thất bại, hãy làm sao để HLV Park có thể thay đổi quan điểm rằng người Việt Nam không chỉ thích "bóng đá thắng".
Nhận xét
Đăng nhận xét