Hậu quả đại dịch COVID-19 năm 2021 kéo ra, đâu là lối ra cho nền kinh tế?
Cao Nguyên
2021.12.30
Dịch COVID tại Việt Nam trong năm 2021, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư quét qua các tỉnh thành phía Nam, đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Dịch bệnh đã khiến gần 1,6 triệu ca nhiễm, 31.000 người tử vong. Hàng triệu người mất việc làm, rơi vào tình cảnh đói khổ. Nền kinh tế bị đình trệ…
Từ đầu năm 2021 cho đến cuối tháng tư, chiến lược dập dịch “truyền thống” của Việt Nam là sử dụng các biện pháp cách ly tập trung, phong toả diện rộng và xét nghiệm, truy vết người nhiễm COVID đã phát huy được hiệu quả, Việt Nam duy trì được số ca nhiễm với ở mức vài chục ca mỗi ngày.
Bốn tháng phong toả
Tuy nhiên, đến cuối tháng tư, hàng loạt các sự kiện tập trung đông người gồm bầu cử Quốc hội, lễ 30/4 - 1/5, làm căn cước công dân, cộng với tốc độ lây lan nhanh của biển thể Delta, đã làm bùng phát làm sóng COVID lần thứ tư ở Việt Nam. Đợt này đặc biệt mạnh ở TPHCM và các tỉnh lân cận có nền công nghiệp đứng đầu cả nước, như Bình Dương, Đồng Nai…
Một luật sư trong nước yêu cầu không nêu danh tính nói rằng Việt Nam dường như đã quá chủ quan vì các “thành tích” dập dịch trong ba đợt bùng phát dịch COVID từ hồi năm 2020. Nhưng với đợt dịch thứ tư, Việt Nam trở tay không kịp trước tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng mới. Các biện pháp chống dịch trước đó không còn hiệu quả, cả hệ thống lãnh đạo lúng túng, từ đó đưa ra các quy định, quyết sách rối rắm, sai lầm:
“Ở giai đoạn đầu, Việt Nam đã có sự chủ động, nói chung so với thế giới Việt Nam đã có những thành tựu nhất định, tức là đã giảm được những ca nhiễm và trong một thời gian Việt Nam gần như đã ngăn chặn được các ca nhiễm COVID để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, sau đó thì dường như họ quá chủ quan, dẫn đến những chính sách chống dịch dập dịch của họ quá máy móc, khiến cho người dân bị ảnh hưởng khá nhiều.
Những các chỉ thị trước đây của Thủ tướng Chính phủ thì đều trái luật và trái Hiến pháp. Theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có luật mới có quyền hạn chế các quyền của người dân mà thôi. Các chỉ thị 16, 15… đều không tuân thủ quy định của pháp luật.
Và dường như ở Việt Nam thì không có cái gọi là “kiểm soát quyền lực”, cho nên Chính phủ mới dễ dàng đưa ra được những chỉ thị này để ngăn cấm và hạn chế quyền tự do của con người quyền tự do của công dân.
Bây giờ mình có thể thấy được rằng là khi mà Chính phủ xác định là sẽ sống chung với dịch thì nó phù hợp hơn với tình hình dịch bệnh vào thời điểm bây giờ. Nếu trước đây Chính phủ Việt Nam nhìn nhận những cách chống dịch của các nước phương Tây thì có khả năng là họ sẽ ít bị thiệt hại về kinh tế hơn và cả người dân Việt Nam cũng vậy.”
Từ ngày 31/5, TPHCM và một số tỉnh kể trên bắt đầu bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, lần lượt theo các chỉ thị 15, 16, rồi chỉ thị 16 tăng cường của Chính phủ.
Lúc này, Việt Nam theo đuổi chiến lược “Zero - COVID”, các tỉnh thành có dịch tiến hành phong toả toàn thành phố, chạy đua làm xét nghiệm để tìm F0 trong cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để đưa hàng loạt F0, F1 đi cách ly, điều trị tập trung. Điều này dẫn đến tình trạng hệ thống y tế quả tải, hàng loạt bệnh viện báo động với Bộ Y tế và Chính phủ vì không đủ nhân lực cũng như y cụ để chữa trị.
Xe khách và tất cả các phương tiện chở khách đều phải dừng hoạt động dẫn đến việc dứt gãy chuỗi cung ứng, TPHCM thiếu thực phẩm trầm trọng.
Tất cả chợ truyền thống, hàng quán đều không được buôn bán. Người dân không được ra khỏi nhà nếu không có phiếu đi đường. Có thời điểm, người dân hoàn toàn không được ra ngoài, tất cả nhu yếu phẩm sẽ do bộ đội mua giúp.
Khắp các con đường trong thành phố mọc lên các chốt kiểm tra y tế, hàng rào kẽm gai giăng đầy các ngả đường để ngăn chặn người dân đi lại. Cảnh sát giao thông cùng với cán bộ công quyền thường xuyên kiểm tra, xử phạt hành chính những người ra đường “không cần thiết”.
Các doanh nghiệp muốn hoạt động phải áp dụng “ba tại chỗ”, nghĩa là hoạt động sản xuất, cách ly và ăn ở ngay tại công ty. Đây là phương án mà Chính phủ Việt Nam cho rằng sẽ đảm bảo được mục tiêu kép là “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đến tháng tám, hàng loạt các doanh nghiệp kêu cứu vì để duy trì phương án “ba tại chỗ” thì phải gánh thêm quá nhiều chi phí, nếu có người nhiễm bệnh thì sẽ trở thành ổ dịch lớn.
Sau khoảng bốn tháng áp dụng các biện pháp chống dịch được ban hành theo mức độ tăng dần, ngày càng siết chặt hơn, nhưng số ca nhiễm vẫn tăng mạnh. Từ 211 ca vào ngày 31/5, đến khi mở cửa trở lại vào ngày 30/9, số ca nhiễm là hơn 7.900 ca/ngày. Trong đó, đỉnh điểm trong giai đoạn phong toả là ngày 3/9 với 14.800 ca được ghi nhận trên cả nước, đứng đầu là TPHCM.
Bí thư Thành Uỷ Nguyễn Văn Nên đã nói hôm 17/9 rằng “Thành phố không thể không mở cửa lúc này”. Theo ông Nên, các chuyên gia nêu quan điểm là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Do đó, Chính phủ buộc phải mở cửa trở lại, chuyển chiến lược phòng chống dịch từ “Zero - COVID” sang “sống chung với dịch”.
Hàng triệu lao động mất việc, tháo chạy về quê
Trong bốn tháng phong toả, đã có khoảng 1,4 triệu lao động bị mất việc làm. Thông tin này do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) cho biết hôm 12/8. Trong đó, người nghèo, lao động tự do, công nhân… là tầng lớp chịu ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần phát biểu rằng sẽ “không để dân thiếu đói”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “chăm lo chu đáo cho đời sống của người dân”…
Nhưng thực tế mỗi ngày có hàng ngàn lời kêu cứu đói từ những con hẻm, những xóm trọ và các hộ gia đình nghèo không có thu nhập trong những ngày phong toả, được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
Không được làm việc, không có tiền, đã có hàng triệu người lao động đã quyết tháo chạy ra khỏi các tỉnh thành phố lớn ở phía Nam, mặc kệ lời hứa hẹn về các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Từ cuối tháng bảy, trước thông tin TPHCM sẽ phong toả hoàn toàn thêm một tháng, hàng ngàn người dân đã chất đồ đạc lên xe máy, chạy về quê nhưng bị chặn lại tại các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ thành phố và bị yêu cầu phải quay đầu về lại thành phố.
Trên các phương tiện truyền thông Nhà nước, lãnh đạo các nhiều tỉnh thành cảnh báo người dân không nên “tự ý về quê” và cảnh giác trước những lời kêu gọi về quê tự phát.
Đầu tháng mười, khi Chính phủ quyết định mở cửa trở lại, cũng là lúc mà dòng người nhập cư ùn ùn đổ về tứ phía để được về nhà. Trong dòng người tháo chạy, có người còn đi bằng xe máy, người đạp xe đạp… Thậm chí còn có nhiều gia đình quyết đi bộ vượt hàng trăm cây số, ăn ngủ vật vạ bên đường để được về quê.
Một thạc sỹ Chính sách công trong nước yêu cầu không nêu danh tính vì lo ngại an ninh từng nói với RFA rằng việc hàng triệu người dân lũ lượt kéo nhau rời bỏ các thành phố lớn, trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước cho thấy sự yếu kém của Chính phủ về các chính sách an sinh xã hội. Nếu Chính quyền làm tốt thì đã không có những cảnh người dân ồ ạt bỏ về quê, cũng sẽ không có hiện tượng người dân kêu cứu, thiếu ăn, thiếu thuốc men như giai đoạn vừa rồi.
Khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến dịch COVID
Khi áp đặt lệnh phong toả, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đã khởi tố hơn trăm vụ án hình sự liên quan đến dịch COVID-19.
Bất kỳ người dân nào nếu không tuân lệnh hoặc có hành động phản kháng đều có thể bị truy tố và bỏ tù theo nhiều tội danh khác nhau, như là “Gây rối trật tự công cộng”, “Chống người thi hành công vụ”, hay “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”…
Vị luật sư giấu tên cho biết ông hoàn toàn phản đối hành vi khởi tố hàng loạt này. Tất cả các hành vi của người dân mà bị cho là phạm tội đều xuất phát từ chính quyền:
“Người dân Việt Nam hiện nay đã bị khởi tố oan và có những vụ việc mà người ta khởi tố, xét xử chỉ với mục đích răn đe, thị uy đối với dân chúng mà thôi. Nó khiến cho dân chúng sợ hãi trước những quy định của Nhà nước.
Nhưng những quy định của các tỉnh thành lại khác nhau, và bây giờ mỗi tỉnh thành có một quy định khác nhau. Người dân nhiều khi đi qua hai hay ba tỉnh thành khác nhau lại có quy định khác nhau thì họ đâu biết đường nào mà tuân thủ.”
Các gói hỗ trợ người dân
Cách ly, phong toả một cách cực đoan khiến nhiều người lâm vào tình cảnh thiếu đói, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ giá trị 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng chi thêm ba gói hỗ trợ riêng dành cho những cư dân thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Gói thứ nhất trị giá 886 tỷ đồng dành cho những người lao động tự do bị mất việc, mỗi người nhận được 1,5 triệu đồng.
Gói hỗ trợ thứ hai với 900 tỷ đồng được thông qua hồi đầu tháng tám. Với gói hỗ trợ này, ngoài những người lao động tự do bị mất việc, thành phố còn hỗ trợ thêm cho các gia đình nghèo và cận nghèo. Mỗi hộ được nhận 1,2 triệu đồng tiền mặt và phần quà nhu yếu phẩm 300 ngàn đồng.
Từ ngày 1/10, TPHCM chi tiền theo gói hỗ trợ đợt ba cho những “người có hoàn cảnh thật sự khó khăn”. Mỗi người nhận một triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở LĐ - TB & XH thành phố HCM, đến ngày 20/12, đợt một đã chi hơn 581 tỉ đồng, đạt 98.75%. Đợt hai đã chi 1.817 tỉ đồng, đạt 97,59%. Gói hỗ trợ lần thứ ba đã trao tiền cho khoảng 6,2 triệu người, vẫn còn 1,5 triệu người chưa nhận được tiền.
Tuy nhiên, nhiều người dân từng phản ánh với Đài Á châu Tự do, cũng như đăng tải trên mạng xã hội rằng họ không nhận được tiền từ các gói hỗ trợ nêu trên, mặc dù đã nhiều lần liên hệ với tổ trưởng khu phố và chính quyền địa phương nhưng cũng không được giải quyết.
Còn có hàng loạt vụ người dân biểu tình vì không nhận được tiền hỗ trợ. Điển hình như hàng chục người dân ở phường Tân Thuận Đông, quận Bảy kéo đến trụ sở khu phố đòi tiền cứu trợ; Người dân ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân đến văn phòng khu phố 11 truy hỏi vì sao có người nhận tiền nhiều lần, người không được đồng nào.
Đặc biệt, ngày 15/10, công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang ra quyết định khởi tố ba người theo tội “Gây rối trật tự công cộng” vì ba người này đã cùng với khoảng 70 người khác giăng băng rôn, tuần hành đến UBND xã đòi tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng do COVID.
Ngoài ra, quy mô của các gói hỗ trợ này được đánh giá là quá nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trong suốt bốn tháng bị “giam lỏng”.
Mạng báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời thạc sỹ Nguyễn Minh Thu từ Viện Lao động và Xã hội phát biểu hôm 5/11 rằng tổng các gói an sinh được ban hành trong năm 2021 chỉ chiếm chưa đến 1% GDP cả nước. Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước.
Nỗ lực đưa nền kinh tế Việt Nam quay trở lại
Nền kinh tế Việt Nam sau nửa năm chịu tác động mạnh bởi COVID cũng đã tăng trưởng 2,58%, thấp nhất trong 10 năm qua. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12. Quý ba năm 2021 chứng kiến số lao động mất việc tăng cao kỷ lục với hơn 1,7 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục thống kê, đến hết tháng 11/2021, trung bình mỗi tháng có 9.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, rời khỏi thị trường.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm qua, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng do những phương pháp chống dịch nghiêm ngặt. Dù Chính phủ đã mở cửa trở lại trong quý bốn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể hoàn toàn trở lại như trước:
“Nói chung những chính sách phòng vệ về COVID ảnh hưởng rất lớn. Những chính sách Nhà nước làm có một phần đã đi quá sức chịu đựng của một số lĩnh vực kinh tế. Sau đó Chính phủ cũng có sự điều chỉnh cho nhưng phát triển kinh tế cũng bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.”
Về các chính sách để giúp phục hồi nền kinh tế, ông Bùi Kiến Thành nói Nhà nước trong năm tới phải nghiên cứu hỗ trợ để ổn định đời sống của người lao động, nhất là những ai bị mất việc trong năm 2021:
“Hiện nay chúng ta chưa thấy được sự can thiệp một cách hiệu quả đối với lại người mất việc. Chúng ta phải nên nghiên cứu để ổn định đời sống của người động lao động mất việc và nhanh chóng tổ chức cho họ trở lại với việc làm. Trong khi chưa thể trở lại với việc làm thì phải hỗ trợ tài chính để cuộc sống của người ta khỏi bị xáo trộn.
Nên nhớ rằng số tiền chi ra thì không phải nó chạy đi đâu mất mà nó trở lại ngay trong nền kinh tế bằng sự tiêu dùng của những đồng bào người ta nhận được số tiền đó, người ta sẽ mua sắm đồ ăn thức uống để sinh sống, thì số tiền đó sẽ quay lại trở vào nền kinh tế.
Đó là việc mà chúng ta cần phải làm, một mặt là để giúp cho các đồng bào ổn định cuộc sống và mặt khác cũng là phương tiện để cho nền kinh tế tiến triển, không bị gián đoạn về vấn đề tiêu thụ.”
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến về chủ đề "Cảm nhận và trải nghiệm của người dân với các biện pháp ứng phó với đại dịch COVI-19 của các cấp chính quyền”, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nêu ra ba chính sách mà Chính phủ cần phải thực hiện trong năm tương lai.
Một là phải cải thiện mạnh mẽ về cách lắng nghe người dân, để từ đó có thể hiểu biết được nhu cầu của dân.
Thứ hai là phải cải thiện ngay trong bộ máy Chính quyền. Trên thực tế, cái chuyện “đứt gãy” không chỉ xảy ra ở chuỗi cung ứng, mà nó còn do xử lý khác nhau giữa Chính quyền ở các địa phương khác nhau. Nó gây thêm không biết bao nhiêu khó khăn cho người dân khi tiếp cận với sự hỗ trợ của Nhà nước, và cũng nên có sự xử lý thẳng thắn đối với với những người cố tình gây thêm khó khăn cho người dân như đã được phản ánh rất nhiều trên báo chí trong thời gian vừa qua.
Điều thứ ba là các gói hỗ trợ cần phải thiết kế lớn hơn. Nó phải đủ lớn để hỗ trợ cho người dân, chứ gói hỗ trợ hiện giờ rất là khiêm tốn. Nên cần mạnh dạn có gói hỗ trợ đủ lớn, đủ tác dụng cho người dân, chứ nó ít quá thì cũng không thực sự giúp cho họ vượt qua khó khăn để khôi phục đời sống được.
Đừng lo là gói hỗ trợ đó sẽ làm gánh nặng cho ngân sách, là gánh nặng cho nền kinh tế. Bởi vì khi người dân tăng thêm được tiêu dùng thì nó làm cho thị trường ở trong nước nảy nở được, mà như vậy nó giúp cho những người sản xuất và cho người lao động tham gia vào sản xuất có cơ hội kiếm thêm được việc làm, tăng thêm thu nhập, từ đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế.
Cũng cần phải hiểu rằng cung cấp cho người dân vào lúc này cũng là trả lại cho những đóng góp của họ trong nhiều năm trước đó. Chính phủ phải quyết đoán hơn trong việc này chứ đừng nên ngại là cho nhầm. Cái tỷ lệ cho nhầm có thể có, nhưng nó cũng chỉ là rất thấp chứ không thể so được với những người đang cần được hỗ trợ như ở nước ta hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét