Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc công du Nam Mỹ, có 'thành công tốt đẹp'?
Chủ tịch nước Lương Cường vừa kết thúc chuyến đi dài một tuần tới Nam Mỹ, bao gồm thăm chính thức Chile, Peru và tham dự Thượng đỉnh APEC. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của vị đại tướng quân đội trên cương vị chủ tịch nước.
Ông Lương Cường đã có chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9 – 12/11.
Sau đó ông thăm chính thức Peru và dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại nước này từ ngày 12 đến ngày 16/11.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có đánh giá tổng kết chuyến đi của Chủ tịch nước Lương Cường, được báo chí trong nước đồng loạt đăng tải.
Ông Bùi Thanh Sơn nói rằng việc tăng cường hợp tác với Chile và Peru sẽ giúp tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh khác.
Ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường ở APEC đã “thành công chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chuyến đi Nam Mỹ của ông Lương Cường còn gây ồn ào khi có một sĩ quan an ninh trong đoàn bị bắt giữ tại Chile với cáo buộc lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, vụ việc này đã không được phía chính phủ Việt Nam nhắc tới và báo chí do nhà nước quản lý cũng hoàn toàn im lặng.
'Không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách'
Ngày 14/11 tại thủ đô Lima của Peru, trong khuôn khổ Thượng đỉnh APEC, Chủ tịch nước Lương Cường đã có bài phát biểu, trong đó ông nhấn mạnh cần loại bỏ tư duy "nhất bên thắng, nhất bên thua".
"Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới hàng trăm năm qua, không ai có thể phủ nhận được là, chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối, người dân được tham gia và thụ hưởng thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng; và ngược lại, đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói.
“Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy 'nhất bên thắng, nhất bên thua', không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách."
Không chỉ ông Cường, mà nhiều lãnh đạo các quốc gia khác cũng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương tại Thượng đỉnh APEC.
Đây là một bối cảnh đáng lo ngại với nhiều quốc gia khi mà Tổng thống đắc cử Donald Trump được đánh giá là người theo chủ nghĩa cô lập. Nhiều người cũng lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng chỉ trích Việt Nam lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
Các nhà phân tích đánh giá rằng với việc Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như hiện tại, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tinh thần tự bảo vệ mình trước một lệnh trừng phạt thương mại tiềm tàng từ ông Trump.
Ngoài bài phát biểu nói trên, ông Lương Cường cũng đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo các nước, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Lương Cường bao gồm những giao thiệp thường xuyên thấy giữa hai quốc gia, bao gồm khẳng định coi nhau là lựa chọn ưu tiên, chiến lược hàng đầu trong quan hệ đối ngoại, trao đổi về những tiến triển trong quan hệ hai nước, hai đảng trong thời gian qua…
Báo chí Việt Nam đưa tin rằng ông Tập đã mời ông Lương Cường qua thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra, xét tới việc ông Tô Lâm vừa có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc khi còn giữ chức chủ tịch nước vào cuối tháng Tám. Báo chí cũng không nói rõ về việc ông Lương Cường có nhận lời mời của ông Tập hay không, khác với cách đưa tin thường thấy.
Khi trao đổi với ông Joe Biden, ông Lương Cường cho biết ông đánh giá cao vai trò lãnh đạo và những đóng góp của Tổng thống Biden cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ trong những năm vừa qua.
Ông Joe Biden được đánh giá là động lực chính trong việc tạo ra những chính sách của Mỹ liên quan tới việc cải thiện quan hệ với Việt Nam.
Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng diễn ra dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Một số lãnh đạo nước ngoài khác Chủ tịch nước Lương Cường có gặp mặt và trao đổi là Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeo, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba….
Nhận huân chương ở Peru
Ngày 12/11, ông Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Peru. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một chủ tịch nước Việt Nam tới Peru, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (14/11/1994 – 14/11/2024).
Vào ngày 13/11, ông Lương Cường đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte
Trong cuộc hội đàm, hai lãnh đạo thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ song phương, kêu gọi tăng cường đầu tư, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại…
Năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru tại Đông Nam Á và là đối tác lớn thứ năm của Peru ở châu Á. Trong khi đó, Peru là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam và điểm đến đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Tổng thống Peru cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm mở đại sứ quán tại thủ đô Lima. Hiện nay, tại khu vực Nam Mỹ, Việt Nam chỉ có bốn đại sứ quán, ở Argentina, Brazil, Chile và Venezuela.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Peru đã trao cho ông Lương Cường Huân chương Mặt trời Peru cấp Đại thập tự của Nhà nước Peru.
Theo thông cáo chính thức, Huân chương Mặt trời Peru cấp Đại thập tự của Nhà nước Peru là nhằm ghi nhận những đóng góp của Chủ tịch nước Lương Cường vào việc thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Peru, đồng thời thể hiện tình cảm của Nhà nước Peru đối với Việt Nam.
Cũng vào ngày 13/11, ông Lương Cường đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Peru Eduardo Sanjuana. Kết thúc cuộc hội kiến, ông Lương Cường được trao Huân chương danh dự cấp Đại thập tự của Quốc hội Peru. Cùng ngày, ông Lương Cường đã hội kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Peru Gustavo Adrian Adrianzén.
Tới ngày 14/11, ông Lương Cường được trao tặng Chìa khóa danh dự Thành phố Lima và công nhận Khách mời Danh dự của Lima. Thị trưởng thành phố này phát biểu rằng ông Lương Cường đã trở thành một người bạn gần gũi, người anh em hữu nghị của Lima và Peru.
Cáo buộc lạm dụng tình dục
Chile là điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Lương Cường trên cương vị chủ tịch nước. Chuyến thăm của ông tại đây kéo dài từ ngày 9 đến ngày 12/11.
Vào ngày 11/11, ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Chile Gabriel Boric Font. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chile giữa hai bộ trưởng ngoại giao, bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa bộ quốc phòng hai nước và các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xúc tiến thương mại.
Hiện tại, Chile là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Tính đến tháng 9/2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,57 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Chile đạt 1,2 tỷ USD.
Mức quan hệ giữa Việt Nam và Chile hiện là Đối tác toàn diện.
Bên cạnh những nội dung chính thức của chuyến thăm, tin tức được chú ý hơn cả là vụ một cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục trong chuyến thăm Chile.
Người đàn ông này, được xác định tên là Lai Dac Tuan (tiếng Việt không dấu, theo báo chí Chile), đã bị bắt vào đêm 10/11, ngay trước khi ông Lương Cường có cuộc hội đàm với tổng thống Chile, theo thông cáo đăng ngày 11/11 của Bộ Ngoại giao Chile.
Viên sĩ quan an ninh cấp tá này đã phải ra tòa tại thủ đô Santiago của Chile vào ngày 11/11, bị buộc phải rời khỏi Chile, không được trở lại nước này trong hai năm và không được tiếp xúc, liên lạc với nạn nhân.
Hiện tại, đã một tuần trôi qua, báo chí Việt Nam vẫn chưa hề đưa tin về vụ việc và chính quyền Việt Nam cũng không có lời giải thích, dù theo đánh giá của nhiều người thì đây là vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới "thể diện quốc gia".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không phải hồi thư điện tử đề nghị bình luận từ BBC News Tiếng Việt.
Tin tức về vụ bê bối lạm dụng tình dục này chỉ được đăng tải trên BBC News Tiếng Việt, một số báo tiếng Việt ở hải ngoại và trên mạng xã hội như Facebook.
Tuy nhiên, việc đăng tải bài viết liên quan đến vụ việc này lên mạng xã hội dường như cũng gặp khó khăn.
Trên trang cá nhân của mình, Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ việc bài viết về người cận vệ bị bắt nói trên đã bị chặn lại, không cho hiển thị ở Việt Nam.
Sự im lặng này tương phản hoàn toàn với một số vụ tương tự trong quá khứ, chẳng hạn vụ việc năm 2022 khi hai nam nghệ sĩ ở Hà Nội vướng vào cáo buộc "tấn công tình dục" một nữ du khách 17 tuổi trong một khách sạn ở Majorca, Tây Ban Nha.
Lúc bấy giờ, dù chỉ mới là những lời cáo buộc và một số báo tiếng Tây Ban Nha chỉ đưa tin chung chung là “hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam”, truyền thông Việt Nam đã lập tức đăng tải rầm rộ và nêu đích danh họ, thậm chí có nhiều báo còn đưa tin về người thân của họ.
Đơn cử, báo Tuổi Trẻ Online đã tạo một trang "sự kiện" có tên 2 nghệ sĩ Việt bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha, trong đó có 10 bài viết về vụ này.
Một số bạn đọc đặt câu hỏi: Phải chăng báo chí tiêu chuẩn kép, chỉ phản ánh những chuyện mà họ cảm thấy an toàn, còn đụng tới chính trị thì im lặng?
Nhận xét
Đăng nhận xét