Tuyên bố mới nhất của Tổng thống đắc cử Donald Trump về xung đột tại Ukraine
Kinhtedothi - Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự định thúc đẩy Kiev tạm dừng tham vọng gia nhập NATO.
Ngày 14/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ nỗ lực hết sức để chấm dứt xung đột Ukraine.
“Chúng tôi sẽ giải quyết tình hình ở Trung Đông và chúng tôi sẽ làm việc rất chăm chỉ với Nga và Ukraine. Cuộc xung đột tại Ukraine phải chấm dứt. Tôi đã xem các báo cáo, hàng ngàn người đã thiệt mạng trong những ngày gần đây, họ là những người lính, và cả người dân. Chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề này” - Tổng thống đắc cử Trump phát biểu tại dạ tiệc của của Viện Chính sách nước Mỹ trên hết tại Mar-a-Lago, Florida vào ngày 14/11.
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đã làm gia tăng lo ngại cho Ukraine về tương lai của viện trợ quân sự từ phương Tây trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Trump đã tuyên bố ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm ở Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ông không nói rõ về kế hoạch thực hiện điều này như thế nào giữa bối cảnh cả Moscow và Kiev dường như đều có những điều kiện không thể dung hòa cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Kế hoạch hòa bình cho Ukraine được thảo luận giữa các quan chức trong đội ngũ của ông Trump là Kiev cam kết sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm, trong khi Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công mới của Nga, tờ Wall Street Journal dẫn lời 3 nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử Trump cho hay vào tháng trước.
Ngoài ra, cuộc xung đột cũng sẽ bị đóng băng với việc Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và một khu phi quân sự (DMZ) kéo dài 1.200km sẽ đánh dấu phạm vi kiểm soát của Kiev và Moscow. Theo tờ báo trên, DMZ Ukraine có thể sẽ được các lực lượng của châu Âu giám sát, thay vì các lực lượng của Mỹ hoặc các tổ chức như Liên hợp quốc.
Hiện vẫn chưa rõ DMZ sẽ ở đâu mặc dù Phó Tổng thống đắc cử JD Vance nói rằng một "thỏa thuận hòa bình" có thể đồng nghĩa với việc "tiền tuyến phân chia hiện tại giữa Nga và Ukraine trở thành khu vực phi quân sự".
Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong đó bao gồm 4 khu vực: Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye mà nước này đã sáp nhập hồi cuối năm 2022.
Bryan Lanza, người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận định với đài BBC cuối tuần trước rằng chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1/2025 sẽ yêu cầu "một tầm nhìn thực tế cho hòa bình" từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, ông Dan Rice - cựu cố vấn cho Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói rằng Kiev không thể chấp nhận một lệnh ngừng bắn ngắn hạn, nhưng cần có các lực lượng của châu Âu dọc biên giới Nga với Ukraine để ngăn chặn Moscow chiếm thêm các vùng lãnh thổ.
Moscow nêu điều kiện đàm phán hòa bình
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine theo đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhưng phải dựa trên thực tế về những bước tiến của Moscow.
"Ông Trump cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ sau một đêm. Vậy hãy để ông ấy thử. Nhưng chúng tôi là những người thực tế, tất nhiên chúng tôi hiểu rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng nếu ông ấy bắt đầu hoặc gợi ý để khởi động tiến trình chính trị thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận", ông Gennady Gatilov - Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva, tuyên bố ngày 14/11.
Ông Gatilov nói thêm, bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy cần phải dựa trên cái gọi là "thực tế trên thực địa". Theo quan chức ngoại giao Nga, Kiev đang ở thế yếu trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua với Moscow. Trong khi đó, Nga đã tiến quân với tốc độ nhanh nhất gần như kể từ đầu xung đột. Moscow hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Ông Gatilov nhấn mạnh, việc ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ có thể mở ra khả năng mới thúc đẩy đối thoại Nga-Mỹ, song khả năng thiết lập lại quan hệ sâu rộng hơn vẫn cần phải xem xét.
"Bất chấp những thay đổi chính trị trong nước, giới tinh hoa chính trị Mỹ luôn theo đuổi lập trường kiềm chế Moscow và điều đó đã ăn sâu bén rễ. Việc thay đổi chính quyền khó có thể giúp lay chuyển lập trường này” - ông Gatilov nói thêm.
Đóng băng xung đột là kịch bản mà cả Nga và Ukraine đều không ủng hộ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định rằng hòa bình không thể thiết lập cho đến khi tất cả các lực lượng Nga bị đẩy lùi và tất cả các lãnh thổ bị Moscow chiếm giữ, trong đó có cả Crimea, được trả lại cho Ukraine.
Về phần mình, Nga tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng bác bỏ việc đóng băng xung đột, khẳng định rằng các mục tiêu của chiến dịch quân sự – bao gồm sự trung lập, phi quân sự hóa, và phi phát xít hóa Ukraine – phải được thực hiện.
Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ rằng Nga sẵn sàng ngay lập tức tuyên bố ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình nếu Kiev rút quân khỏi các khu vực: Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye – những nơi đã bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga vào mùa thu năm 2022. Moscow cũng loại trừ khả năng đàm phán với Kiev chừng nào lực lượng Ukraine còn chiếm giữ một phần khu vực biên giới Kursk.
Nhận xét
Đăng nhận xét