Điện hạt nhân: Canada có thể trở thành 'siêu cường' tiếp theo

 Hoạt động của công ty NexGen tại Lưu vực Athabasca ở Canada

Nguồn hình ảnh,NexGen

Chụp lại hình ảnh,Hoạt động của công ty NexGen tại Lưu vực Athabasca ở Canada
  • Tác giả,Nadine Yousif
  • Vai trò,BBC News

Uranium đang được chú ý trở lại trong bối cảnh năng lượng hạt nhân được chú trọng như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Canada - đất nước có các mỏ khoáng chất chất lượng cao dồi dào - có thể trở thành một "siêu cường" hạt nhân. Nhưng liệu tiềm năng của Canada có thể được hiện thực hóa?

Vào thời điểm nhận thấy một sự thay đổi đáng kinh ngạc, Leigh Curyer đã làm việc trong ngành khai thác uranium gần hai thập kỷ.

Năm 2011, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản đã làm tổn hại nghiêm trọng đến quan điểm của thế giới về năng lượng hạt nhân, và giá kim loại nặng - một thành phần quan trọng cho nhiên liệu hạt nhân - đã giảm mạnh.

Nhưng năm năm qua đã chứng kiến ​​sự đảo chiều khi giá uranium toàn cầu tăng hơn 200%, trở thành một trong các loại hàng hóa có lợi nhuận hàng đầu năm 2024.

Ông Curyer, một doanh nhân sinh ra ở Úc, cho rằng điều này là do thái độ thay đổi ngay sau khi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates ca ngợi năng lượng hạt nhân là "lựa chọn lý tưởng để đối phó với biến đổi khí hậu" vào năm 2018.

Bốn năm sau, Thủ tướng Anh khi ấy là Boris Johnson đã thúc đẩy một chính sách nhằm tạo ra ít nhất 25% năng lượng của đất nước từ hạt nhân.

Ngay sau đó, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu tuyên bố rằng năng lượng hạt nhân thân thiện với khí hậu.

Những sự kiện này là "chất xúc tác" cho ngành công nghiệp uranium và là một bước ngoặt đối với công ty NexGen của ông Curyer, công ty đứng sau mỏ uranium đang phát triển lớn nhất ở Canada.

Điện thoại của ông bắt đầu đổ chuông do các cuộc gọi từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới - điều "chưa từng xảy ra trong 17 năm trước đó trong ngành", ông nói.

Chủ tịch NexGen Leigh Curyer

Nguồn hình ảnh,NexGen

Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch NexGen Leigh Curyer

NexGen, với dự án đặt tại Lưu vực Athabasca giàu uranium và hẻo lánh ở phía bắc tỉnh Saskatchewan, Canada, hiện có trị giá gần 4 tỷ USD, mặc dù thực tế là mỏ sẽ không hoạt động thương mại cho đến ít nhất năm 2028.

Nếu được cơ quan quản lý phê duyệt đầy đủ, riêng dự án của NexGen có thể đưa Canada trở thành nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới, vượt qua Kazakhstan - quốc gia đang đứng đầu hiện nay.

Các công ty khác cũng đã đổ xô đến Saskatchewan để tận dụng sự bùng nổ này, bắt đầu các dự án thăm dò của riêng họ trong khu vực, trong khi các nhà khai thác hiện tại mở lại các mỏ vốn đã ngừng hoạt động.

Với nguồn tài nguyên phong phú, các công ty khai thác mỏ của Canada cho rằng nước này sẽ đóng một vai trò lớn trong tương lai của năng lượng hạt nhân, đáp ứng nhu cầu về uranium dự kiến ​​sẽ tăng lên sau khi hơn 20 quốc gia cam kết tại hội nghị khí hậu COP28 sẽ tăng gấp ba sản lượng năng lượng hạt nhân của họ vào năm 2050.

Năng lượng hạt nhân thường được ca ngợi vì lượng khí thải carbon thấp so với các nguồn khác như khí đốt tự nhiên hoặc than đá.

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ước tính rằng 10% điện năng được sản xuất trên toàn cầu đến từ các nguồn hạt nhân, trong khi hơn 50% vẫn được sản xuất từ ​​khí đốt hoặc than đá.

Tại COP29 năm nay, trọng tâm là tăng cường vốn cho các dự án hạt nhân sau khi báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy các chính sách và khoản đầu tư hiện tại chưa đủ để làm chậm sự nóng lên toàn cầu.

Vai trò của Canada trong việc cung cấp mặt hàng này trở nên cấp thiết hơn do cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt đối với Mỹ - vốn phụ thuộc rất nhiều vào uranium làm giàu do Nga cung cấp để khởi động các lò phản ứng hạt nhân thương mại của mình.

Ông Curyer tin rằng mỏ của ông có thể đóng vai trò "tối quan trọng" đối với tương lai năng lượng hạt nhân của Mỹ, vì Mỹ hiện đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho Nga, bao gồm cả việc tăng cường thăm dò trên chính lãnh thổ của mình.

Uranium có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, đặc biệt nhiều ở Canada, Úc và Kazakhstan.

Nhưng điều làm cho vùng Athabasca của Canada trở nên độc đáo là uranium của nó có hàm lượng đặc biệt cao, theo Markus Piro, giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại học McMaster (Canada).

Giáo sư Piro nói rằng Canada đã đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với việc bán uranium cho các quốc gia khác và yêu cầu nó chỉ được sử dụng để sản xuất năng lượng hạt nhân.

Nước này cũng được gọi là "quốc gia hạt nhân cấp cao nhất", theo lời giáo sư, nhờ khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân bao trùm từ khâu khai thác đến khâu chế biến, sản xuất.

Sau khi được khai thác, uranium được nghiền thành bột để tạo ra thứ gọi là bánh vàng nung. Sau đó, nếu cần, nó có thể được làm giàu tại các cơ sở ở nước ngoài để tạo ra nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

“Chúng tôi có một cửa hàng một điểm đến (cung cấp tất cả dịch vụ chỉ tại một địa điểm) ngay ở Canada, không phải quốc gia nào cũng được như vậy,” Giáo sư Piro nhận định.

Kazakhstan là nước sản xuất nhiều uranium nhất từ khai thác mỏ

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Kazakhstan là nước sản xuất nhiều uranium nhất từ khai thác mỏ

Hiện tại, Canada là nhà sản xuất uranium lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng toàn cầu, theo số liệu của chính phủ nước này. NexGen dự đoán rằng khi mỏ của họ hoạt động, con số này sẽ tăng lên 25%.

Trong khi đó, Cameco, công ty đã khai thác uranium ở Saskatchewan từ năm 1988 cung cấp cho 30 lò phản ứng hạt nhân trên toàn thế giới, đã mở lại hai mỏ của mình vào cuối năm 2022 để tăng sản lượng.

Giám đốc điều hành Cameco Tim Gitzel nói với BBC rằng ông tin rằng "Canada có thể trở thành một siêu cường hạt nhân trên toàn thế giới".

Nhưng sự bùng nổ năng lượng hạt nhân không phải không có người chỉ trích.

Một số nhóm hoạt động môi trường lo ngại các dự án hạt nhân quá tốn kém và có thời gian biểu không đáp ứng được sự cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Dữ liệu từ Hiệp hội Hạt nhân Thế giới có trụ sở tại Vương quốc Anh cho thấy 65 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng tại 16 quốc gia, chủ yếu là ở Trung Quốc, và thêm 90 lò đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Một số dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong năm nay - những lò khác sẽ không sẵn sàng cho đến ít nhất là cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, hơn 100 nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa trong hai thập kỷ qua trên toàn thế giới, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân duy nhất gần thành phố New York, đã ngừng hoạt động vào năm 2021 do chi phí vận hành cao và mối lo ngại về môi trường, sự an toàn.

Các nhà máy cũng đã bị đóng cửa ở các bang Massachusetts, Pennsylvania (Mỹ) và ở tỉnh Quebec, Canada.

Và không phải tất cả người Canada đều ủng hộ ngành công nghiệp uranium của đất nước.

Tỉnh British Columbia (Canada) có mỏ uranium nhưng không cho phép bất kỳ nhà máy điện hạt nhân hay mỏ uranium nào hoạt động trong tỉnh kể từ năm 1980.

Giới chỉ trích cũng bày tỏ lo ngại về chất thải phóng xạ mà các lò phản ứng hạt nhân để lại cho các thế hệ tương lai.

Những người khác lo sợ một thảm họa quy mô như vụ ở Fukushima - nơi một cơn sóng thần làm hỏng ba lò phản ứng, gây ra sự giải phóng vật liệu phóng xạ cao, dẫn đến sự di tản hàng loạt.

"Rủi ro không phải là bằng không, đó điều là chắc chắn" mặc dù rủi ro có thể được giảm thiểu, theo Giáo sư Piro.

"Mặc dù trong công chúng nói chung có những cảm xúc trái chiều về nó, nhưng thực tế là nó đã sản xuất ra điện rất an toàn, rất đáng tin cậy và giá cả phải chăng trên toàn thế giới."

Ngành công nghiệp hạt nhân khẳng định công nghệ này vừa đầy hứa hẹn vừa khả thi.

Ông Gitzel của Cameco cho biết ngành công nghiệp này đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm về an toàn trong quá khứ.

"Và công chúng đang tin tưởng. Tôi có thể nói rằng chúng tôi có sự ủng hộ lớn của công chúng ở Canada đối với năng lượng hạt nhân."

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Ipsos năm 2023 cho thấy 55% người Canada ủng hộ năng lượng hạt nhân.

Thành phố Uranium từng là nơi sinh sống của 2.500 người dân. Ảnh chụp năm 1975

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Thành phố Uranium từng là nơi sinh sống của 2.500 người dân. Ảnh chụp năm 1975.

Tuy nhiên, những cơn sốt uranium trước đây ở Canada đã biến thành những cú sụp đổ thảm hại.

Nằm phía bắc mỏ dự kiến của NexGen là Thành phố Uranium - từng là nơi sinh sống của 2.500 cư dân vào thời kỳ hoàng kim giữa thế kỷ 20. Năm 1982, một công ty khai thác mỏ địa phương lớn đã ngưng hoạt động do chi phí cao và thị trường yếu.

Giờ đây, dân số của Thành phố Uranium còn 91 người.

Nhưng các nhà đầu tư cho rằng có một nhu cầu thực sự đang tăng lên trên toàn cầu đối với mặt hàng này, tạo cơ hội vàng cho Canada.

NexGen dự đoán rằng việc xây dựng mỏ của họ - đang chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý hạt nhân liên bang Canada - sẽ bắt đầu vào đầu năm tới.

Ông Gitzel nói rằng khoảng 100 công ty khác hiện đang tích cực khám phá Saskatchewan để tìm kiếm mỏ.

Thời điểm uranium ở đây được đưa ra thị trường vẫn chưa rõ ràng

Ông Gitzel cảnh báo rằng một số công ty đã thăm dò trong quá khứ nhưng chưa bao giờ tiến đến giai đoạn sản xuất. Thời gian để phê duyệt các dự án khai thác ở Canada cũng có thể kéo dài.

“Xây dựng một mỏ sẽ mất từ ​​5-10 năm, và cho đến nay, chỉ có mỏ của chúng tôi đang hoạt động, vì vậy chúng tôi sẽ chờ xem tình hình thế nào,” ông nói.

Đối với ông Curyer, điều quan trọng là dự án của ông và các dự án khác được thực hiện trong bốn năm tới, cả đối với Canada và thế giới.

“Nếu không, sẽ có tình trạng thiếu hụt uranium và điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá điện,” ông nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?