Xuất khẩu lao động của Việt Nam trong 10 tháng vượt mục tiêu cả năm
15/11/2024
Chỉ trong 10 tháng đầu năm, tổng sổ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài đã lên đến 130.640 người, vượt xa mục tiêu đưa 125.000 người đi lao động nước ngoài trong cả năm 2024 của Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được báo chí trong nước trích dẫn, chỉ trong 10 tháng của năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 130.640 lao động, trong đó có 41.039 lao động nữ, đạt 104% kế hoạch của năm 2024.
Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc. Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với hơn 62.700 người, kế đó là Đài Loan với hơn 48.500 người, Hàn Quốc nhận hơn 10.800 người, Trung Quốc 1.920 người, Singapore hơn 1.770 người, Romania hơn 820 người và số còn lại ở các thị trường khác, theo Kinh Tế Đô Thị và ĐCSVN.
Số người Việt Nam trên đi làm việc ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, bao gồm cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc gia đình...
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 650.000 người lao động đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Những người làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.600 - 2.000 USD, kế đó là Nhật Bản với 1.200 - 1.500 USD, Đài Loan từ 800 - 1.200 USD. Thị trường Trung Đông và Malaysia có mức lương thấp hơn, với 600 - 1.000 USD cho lao động có tay nghề và 400 - 600 USD đối với lao động phổ thông.
Trước nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ngày càng cao, nhiều người lao động Việt Nam trong thời gian qua đã bị lừa đảo tiền bạc hoặc bị bán vào các đường dây buôn người. Hôm 13/11, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, đã phát đi cảnh báo khẩn về tình trạng lừa đảo nhằm vào người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Cục này cho biết những kẻ lừa đảo đã sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với các doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép, và sử dụng các tài khoản nhận tiền có tên trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp thật, tạo niềm tin giả cho người lao động.
Cục này khuyến cáo người lao động nên trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp dịch vụ đã được cấp phép hoặc cơ quan lao động tại địa phương để được tư vấn.
Nhận xét
Đăng nhận xét