Vì sao Elon Musk trở thành 'ngôi sao đang lên' của Donald Trump?
- Aleks Phillips
- BBC News
Tỷ phú Elon Musk vừa được giao nhiệm vụ lãnh đạo một cơ quan mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump - Bộ Chính phủ Hiệu quả (Doge).
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, ông Trump nói rằng Musk - cùng với cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy - sẽ "giải thể bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định không cần thiết, cắt giảm các chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang".
Đó là một vai trò mà doanh nhân công nghệ này được cho là đã chuẩn bị từ lâu thông qua khả năng lãnh đạo doanh nghiệp của mình và đã nỗ lực vận động trong nhiều tháng.
Nhưng đó cũng là một vai trò được kỳ vọng là sẽ mang lại cho ông sức ảnh hưởng trong các quyêt sách của chính phủ và môi trường pháp lý mà các doanh nghiệp của ông đang đối mặt.
Ông Musk phát biểu trong một cuộc vận động của Trump vào tháng 10 rằng ông tin ngân sách của chính phủ Mỹ có thể cắt giảm "ít nhất" 2.000 tỷ đô la từ 6.500 tỷ USD. Ông cũng thường xuyên đề nghị rằng con số nhân viên chính phủ có thể giảm đáng kể.
Trong khi đó, ông Ramaswamy đề xuất các kế hoạch loại bỏ một số cơ quan liên bang bao gồm Bộ Giáo dục, Ủy ban Quản lý Hạt nhân, Cơ quan Thuế vụ Liên bang (IRS) và Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Lên án gay gắt các quy định
Musk đã mô tả các kế hoạch tối ưu hóa hiệu quả của chính phủ bằng những thuật ngữ hùng hồn, nói về hi vọng của ông một ngày nào đó sẽ biến Sao Hỏa thành thuộc địa, đồng thời nói rằng kỳ tích đó chỉ có thể đạt được "nếu nó không bị bóp nghẹt bởi bộ máy quan liêu của chính phủ".
Vào thời điểm đó, ông đã nói rằng tạo ra bộ Doge mới là "con đường duy nhất để mở rộng sự sống ra ngoài Trái Đất".
Bất cứ việc cắt giảm lớn nào đối với các cơ quan chính phủ cũng có thể có những tác động đáng kể đến lợi ích kinh doanh của ông, vốn gắn chặt với chính phủ.
Riêng công ty tên lửa SpaceX đã có một hợp đồng trị giá hơn 8 tỷ USD với chính phủ Mỹ và có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa từ các mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính phủ.
Trong khi đó, công ty xe điện Tesla của Musk đang đối mặt với các cuộc điều tra từ hàng loạt các cơ quan chính phủ liên quan đến các vấn đề như mức độ an toàn của xe tự lái. Mong muốn cắt giảm các quy định của Musk có thể ảnh hưởng tới các cuộc điều tra như vậy.
Vào tháng Chín, ông đã đe dọa kiện Cục Hàng không Liên bang về kế hoạch phạt công ty SpaceX của ông 633.000 USD với cáo buộc vi phạm giấy phép liên quan đến một trong số các vụ phóng tên lửa từ Cape Canaveral ở Florida. Ông cáo buộc cục này "lạm quyền trong quản lý".
Musk "sẽ được hưởng lợi cá nhân từ rất lớn từ các quy định bị bãi bỏ mà ông ta rao giảng," Christopher Phelps, giáo sư về lịch sử chính trị hiện đại Mỹ, nói.
"Tôi cho rằng việc đưa một người là tỷ phú đang điều hành các doanh nghiệp lớn vào vị trí quản lý một dự án về bãi bỏ các quy định liên bang đương nhiên là đầy rẫy các xung đột lợi ích."
Một số người khác nói rằng ông Musk, vốn từ lâu đã nhận mình có khuynh hướng tự do, tỏ ra là một người thực sự tin vào các lợi ích của một chính phủ tinh gọn hơn.
Phần thưởng cho lòng trung thành
Trong nhiều năm, Musk không đóng vai trò lớn trong chính trị, mặc dù ông có khối tài sản lớn, hiện trị giá hơn 300 tỷ đô la, theo ước tính của Forbes.
Nhưng ông đã lên tiếng phản đối lệnh phong tỏa thời đại dịch năm 2020. Ông chỉ trích chính quyền Biden nhiều hơn sau khi Nhà Trắng không mời Tesla đến hội nghị thượng đỉnh về xe điện năm 2021.
Năm nay, ông đã chính thức ủng hộ Trump sau một vụ ám sát hụt, tài trợ 200 triệu đô la cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của Trump và xuất hiện tại nhiều cuộc mít tinh.
Giáo sư Phelps mô tả mối quan hệ của Musk với Trump là "giao dịch", đồng thời nói thêm rằng vai trò mới "mang lại cho ông rất nhiều ảnh hưởng mang tính biểu tượng - và có thể là ảnh hưởng để hoàn thành những việc quan trọng nhất đối với ông".
Vì tỷ phú sinh ra ở Nam Phi này không phải là công dân Hoa Kỳ khi sinh ra nên Musk không thể trở thành tổng thống - một quy định đã khiến những người nổi tiếng khác từng tham gia chính trường trong quá khứ thất vọng.
Nhưng ông có thể ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ và Trump sẽ có một cố vấn đồng cảm để nhờ cậy.
"Trump đang tìm cách tập hợp xung quanh mình những người trung thành trong chính quyền mới và không ai trung thành hơn Musk kể từ khi ông tuyên bố ủng hộ Trump," Thomas Gift, giáo sư khoa học chính trị và giám đốc Trung tâm Chính trị Hoa Kỳ tại University College London, đánh giá.
"Musk không chỉ 'dốc toàn lực' ủng hộ Trump về mặt cá nhân và tài chính trong suốt chiến dịch, mà ông còn trở thành cố vấn đáng tin cậy về các chủ đề đa dạng như chính sách công nghệ cho đến cuộc chiến ở Ukraine."
Trong một dấu hiệu ban đầu về ảnh hưởng mà tỷ phú công nghệ này có thể được ban thưởng nhờ lòng trung thành, Musk đã tham gia cuộc gọi giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau cuộc bầu cử. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ là mối quan ngại chính trong các chính sách đối ngoại khi Trump nhậm chức.
"Điều này thực sự rất đặc biệt," giáo sư Waddan nói. "Thông thường, ngay cả nhà tài trợ lớn nhất cũng không được tham gia vào các sự kiện như vậy."
Bộ Chính phủ Hiệu quả là cái gì?
Musk thoạt tiên nêu lên ý tưởng về một nỗ lực cắt giảm chi phí khi trò chuyện với Trump trên nền tảng mạng xã hội X vào mùa hè vừa qua.
Cái tên chính thức của dự án này liên quan đến một hình ảnh hài hước về chú chó Shabi Inu trên mạng xã hội mà Musk lấy để đặt tên cho đồng tiền điện tử yêu thích của ông, Dogecoin.
Giá trị của đồng tiền điện tử này đã tăng vọt kể từ cuộc bầu cử.
Giáo sư Phelps nói rằng cái tên ấy là "một cái gật đầu đồng ý rằng việc bãi bỏ các quy định về tiền điện tử sẽ là một phần của những việc họ sẽ làm".
Nhưng hiện chưa rõ các kế hoạch như Musk nói về cắt giảm sẽ thực hiện được đến mức nào.
Một điều là, bộ mới sẽ không có một vai trò chính thức, nhưng sẽ đưa ra "những lời khuyên và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ", theo thông báo.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm với quy mô như đã được bàn có thể gây ra xáo trộn nghiêm trọng - và vấp phải sự phản đối của Quốc hội - tùy vào việc chúng sẽ được thực hiện nhanh đến mức nào.
Bản thân Musk cũng thừa nhận các rủi ro, nói rằng người Mỹ nên sẵn sàng chấp nhận khó khăn tạm thời vì các lợi ích lâu dài.
Cách ông vận hành các công ty của mình có thể tiết lộ phần nào điều mà người Mỹ có thể trông đợi ở ông.
Sau khi Musk tiếp quản Twitter - mà sau này ông đổi tên thành X - vào tháng 10/2022 - ông đã đề xuất những thay đổi triệt để, bao gồm việc giảm nhân viên X từ 8.000 xuống còn 1.500 trong vòng chỉ vài tuần.
"Ý tưởng của ông ấy về sự hiệu quả là để cho nhiều người ra đi," Alex Waddan, giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Leicester, nói.
Musk cũng nới lỏng việc kiểm duyệt nội dung, ngưng xác minh tài khoản và cho phép các tài khoản từng bị cấm do vi phạm các tiêu chuẩn - về ngôn ngữ thù địch và thông tin sai lệch - quay trở lại.
Trong số các tài khoản mà ông phục hồi có Trump, người từng bị cấm sau vụ bạo động ở Điện Capitol vào tháng 1/2021 - vốn bùng nổ sau khi ông Trump tiếp tục khẳng định rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị dàn xếp để gây bất lợi cho ông.
Giới chỉ trích cho rằng những thay đổi mà Musk thực hiện đã tạo điều kiện cho ngôn ngữ thù địch và tin giả nở rộ - dù Musk khẳng định X trung lập về chính trị.
Cuộc cải tổ cũng thúc đẩy một cuộc di cư của các nhà quảng cáo, cách kiếm tiền chính của X. Dù Musk đề xuất những cách thức mới để tăng doanh thu, ví dụ như đăng ký trả phí, công ty này hiện có trị giá thấp hơn nhiều số tiền 44 tỷ đô la mà Musk đã trả để mua nó hai năm trước.
Các thành tích của Musk ở hai công ty chính khác của ông - Tesla và SpaceX - thuyết phục hơn.
"Là một doanh nhân nổi tiếng, Musk không ngừng nỗ lực để cải thiện hiện quả vận hành tại các công ty của mình," giáo sư Gift nói.
Ông nói thêm thằng dù vai trò cơ bản của Musk sẽ là "bãi bỏ các thủ tục hành chính quan liêu trong chính phủ liên bang Mỹ," vai trò của Musk sẽ mang lại cho ông ấy sức ảnh hưởng trong chính quyền mới.
"Dù vai trò của Musk tại Bộ Chính phủ Hiệu quả sẽ là một vai trò không chính thức, chắc chắn ông ấy sẽ được Trump ủng hộ - ít nhất là trong thời điểm hiện tại."
Nhận xét
Đăng nhận xét