Con đường Việt Nam hãy cứ là phong trào, đừng là tổ chức!
Chính trị - xã hội
KD
Bác KD gửi bài viết này tới Dân Luận dưới dạng một blog entry, nhưng có vẻ nó không được mọi người biết đến nên tôi chuyển thành một bài viết. Mong bác KD thông cảm :D
Mấy ngày qua, theo dõi đã nhiều, tài liệu và những bài viết trên trang blog CĐVN cũng đã đọc. Sau đây là một vài nhận xét riêng của tôi về PT CĐVN:
Về tài liệu thì thư phát động, cương lĩnh, mục tiêu, tôn chỉ, phương hướng, và những bài viết trên CĐVN blog có tính chất nhân bản, dân chủ, không hận thù, đầy tinh thần dân tộc chứng tỏ tác giả phải là người có tâm và có tầm. Hơn nữa, lá thư của bác Trần văn Huỳnh đã đánh tan mọi nghi vấn ban đầu về người chủ xướng. Tuy có phần nhập nhằng giữa phong trào và tổ chức cần phải làm rõ, tôi vẫn thấy nó được viết rất đầy đủ và có giá trị riêng khi tách rời khỏi người viết.
Về mục tiêu, PT CĐVN đã đi đúng với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền của phong trào Duy Tân đáng lẽ đã phải được bắt đầu từ lâu để đất nước hưng thịnh (nhưng rất tiếc ĐCSVN lại vùi chôn nó để xây dựng XHCN). Người Việt đã từng cậy nhờ vào ngoại bang. Kểt quả ra sao? Giờ đây chẳng lẽ lại trông chờ vào ngoại bang? Ai lại muốn giúp đỡ và tôn trọng một người không muốn tự tranh đấu cho bản thân mình nếu không có chủ đích lợi dụng phía sau? Theo tôi, PT CĐVN còn thiết thực hơn phong trào tranh đấu vì Dân Chủ cho VN (PT DCVN) vì nó không bắt đầu từ những khái niệm mơ hồ đối với người Việt hiện nay như xã hội Dân Chủ, quyền bày tỏ bất đồng chính kiến, quyền lập đảng phái chính trị. Thay vào đó, PT CĐVN bắt đầu từ quyền được sống trong một xã hội công bằng, quyền được đại diện và xét xử công minh trước những tranh chấp pháp lý, quyền làm người để được tôn trọng, không bị đánh đập và bóc lột để làm giàu cho kẻ khác. Nó bắt đầu bằng cách đánh động sức mạnh của một quốc gia: người dân và nung núc lòng tự tin của họ (qua sự đoàn kết của phong trào).
Về hình thức hoạt động, gọi đó là một phong trào không theo phương hướng chính trị là một hành động đúng vì phong trào khác với tổ chức, nó không cần lãnh tụ (lãnh tụ = lãnh án tù), nó không cần cấp bậc ngôi vị chặt chẽ như đảng phái chính trị nên không cần ai phải nghe lệnh ai, chỉ cần hưởng ứng nếu thấy phương thức thích hợp để cùng tiến đến mục tiêu chung của phong trào. Tôi cho rằng mọi nghi vấn bắt đầu ở việc thư mời kêu gọi tham gia thay vì kêu gọi hưởng ứng. Với lời kêu gọi “hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên" của phong trào, tôi đồng tình với người sáng lập, và thành viên.. nhưng tôi nghĩ ở thời điểm bắt đầu, không cần thiết phải có quản trị và điều hành. Khi cả đảng phái chính trị muốn hưởng ứng phong trào, theo đuổi mục tiêu chung bằng phương pháp riêng (miễn không trái ngược với quy chế) làm sao có thể quản trị và điều hành họ? Trong lúc này, bắt đầu bằng cách sử dụng phong trào như một kim chỉ nam có tốt hơn không? Những người có khả năng và có nhiều đóng góp, mức uy tín của họ sẽ gia tăng và ý kiến của họ sẽ được hưởng ứng mạnh thêm thôi.
Về quá trình hình thành, tôi tin đây là một bước đi đã được dự định trước của ba anh Thức-Định-Long. Nếu phải đoán bừa, tôi đoán 3 anh đã không nghĩ mình lại phải vào tù trước khi phát động phong trào này. Việc anh Lê Thăng Long nhận tội, tôi thà võ đoán anh sử dụng khổ nhục kế nhận tội để được ra tù nhằm mục đích phát động phong trào còn hơn nghi ngờ việc khác. Tuy anh Long đã đích thân phát động phong trào, có người vẫn nghi ngờ về sự tham dự của 2 anh Thức và Định, nếu người phát động không phải 1 trong 3 anh, thì sao nữa? Theo tôi đoán thì anh Long rồi cũng sẽ trở lại vào tù. Anh Thức và Định thì đã bị định tội rồi và đang thọ án, chính quyền khó có thể lôi họ ra và gán thêm vài năm lên bản án nữa. Tôi nghĩ nếu 3 anh phát động phong trào trước khi bị kêu án thì bản án sẽ còn nặng hơn. Dù bước đi này có được tính trước hay không, cũng xin được “ngây thơ” tin các anh có tài mưu lược. Các anh còn có lòng can đảm hy sinh, dùng bản thân để vạch một con đường cho dân tộc theo tinh thần của hai cụ Phan.
Về danh sách mời và cách thức mời tham gia (phải chi gọi là hưởng ứng nhỉ), tôi thấy rằng một phong trào không thiên về đường lối chính trị thì chen lẫn thành phần Đảng viên ĐCS cũng là lẽ thường tình. Nếu không thì trước sau bất nhất. CĐVN nào phải con đường mới lạ gì, “gia tăng hiểu biết để tự tin làm giàu cuộc sống” nào phải là chuyện mới lạ gì? Có lạ chăng thì lạ ở chỗ nó trở thành một phong trào, người người không ngại nói ra mình đang theo đuổi mục đích đó, không ngại giúp đỡ người khác cùng theo đuổi. Tôi cho rằng âm thầm mời riêng mới là hạ sách, làm sao có thể gia tăng lòng tự tin của dân tộc, nâng cao dân trí bằng cách âm thầm làm, nhất là khi chuyện mình làm có trái pháp luật, trái đạo đâu. Huống chi trước cường quyền, chuyện gì không công khai chuyện đó sẽ dễ bề đâm thọc để gây chia rẽ. Chuyện “công khai, bán công khai” này xin nhường cho bác Đinh Tấn Lực viết. Tôi cũng có vài thắc mắc về những người không có mặt trong danh sách đó, nhưng nghĩ lại, việc bác Long nhớ tới ai, biết ai, mời ai, là chuyện của bác ấy. Đối với tôi không quan trọng mấy.
Về phía chính quyền, tôi đoán rằng họ đang án binh bất động vì hai khả năng: (1) Họ không biết về nước cờ phát động phong trào này và đang bất ngờ chưa biết ứng xử. Hơn nữa, còn phải chờ mấy khách mời “bự” trong danh sách lên tiếng trước đã. (2) Họ biết và lợi dụng nó với lý do (2a) tiêu diệt trọn ổ các mối họa; (2b) làm thước đo để quyết định cải cách nhân quyền toàn diện hay tiếp tục đàn áp bạo trị (2c) gây tranh cãi, hạ uy tín trí thức và các tổ chức tranh đấu.
Tôi tin vào khả năng (1) hơn nhưng không thể không nghĩ đến (2). (2a) là một nước cờ xấu, người nào nguy hiểm, chính quyền đã biết và cho nằm trong sổ bìa đen rồi, còn cuốn sổ nào đen hơn nữa? Vu khống và ám toán ư? Xin tìm đọc còm của bạn Hùng Quân trong bài Chuyện Lạ Thứ Ba của tác giả Huỳnh Ngọc Chênh. (2b) là một chuyện có khả năng xảy ra rất ít, nếu được thì quý hóa quá, tôi không đặt hy vọng mấy vào khả năng này. (2c) Nếu phải là 2, khả năng 2c là cao nhất. Là 2c hay không là 2c thì kết quả mấy ngày qua vẫn vậy. Trừ trường hợp (2a) báo hiệu sự giẫy chết quyết liệt của chế độ bạo quyền. Người trong nước có quyền nghĩ đến và nhẹ nhàng từ chối vịn theo lời mời “tham gia” vì nó khác với “hưởng ứng”, chính quyền có thể dựa vào các chức vị trong đó mà gọi nó là tổ chức rồi gán hai chữ phản động vào như thường lệ (2a), (2b) hay (2c) đều không ảnh hưởng nặng đến người ở hải ngoại. Với (2b) và (2c) riêng mà nói thì biện pháp đối phó phải là “ùn ùn hưởng ứng phong trào”.
Trên đây là những nhận xét cá nhân của tôi. Có thể đúng, có thể sai, có thể khác với nhiều người có kinh nghiệm với CS và tin rằng lịch sử vẫn có thể tái lập dễ dàng. Tôi cho rằng lịch sử có tái diễn hay không sẽ không định đoạt được bằng khả năng lẫn tránh, mà bằng khả năng đối phó. Xin miễn tranh cãi vì không muốn rơi vào bẫy 2c, nếu có. Trong trường hợp chẳng ai giăng bẫy mà tình nguyện nhảy vào thì càng quờ quạng hơn nữa.
Xin bày tỏ lòng kính phục với ba anh Định-Thức-Long và bác Trần Văn Huỳnh. Rất ngưỡng mộ tinh thần, khả năng, sự can đảm và hy sinh của các vị. Khi những người chủ xướng phát động phong trào mãn hạn tù hết, cục diện sẽ có thay đổi rồi. Phong trào này chỉ có thể thất bại nếu mọi người không dám công nhận rằng mình cũng đang theo đuổi các mục tiêu trong đó, quyết định lặng im như nó chưa hề xảy ra.
Nếu muốn có được đông đảo người hưởng ứng, những người khởi xướng hiện nay cần phải rõ ràng hơn một chút giữa phong trào và tổ chức. Con Đường Việt Nam hãy cứ là phong trào. Đừng là tổ chức. Trong phong trào, mọi người ngang nhau, phiếu bầu có giá trị bằng nhau. Như một bạn đọc đã góp ý đâu đó "phong trào sẽ tự sinh lãnh tụ". Việc những kẻ mưu toan, vì lợi ích riêng, gian xảo có chỗ đứng hai không trong phong trào, thì còn tùy vào việc những người hưởng ứng phong trào có đi sát mục tiêu đã đặt ra, có đặt uy tín trên quyền lực và lợi ích cá nhân, đảng phái của mình hay không.
Những nhận xét này viết trước khi và post sau khi đọc bài Chọn Đường của nhà văn Phạm Thị Hoài. Ai đọc xong bài này cũng nên sang đọc bài Chọn Đường được viết rất hay với những băn khoăn rất đúng tình lý. Một cách khước từ rất nhã nhặn. Hy vọng những băn khoăn trong bài này sẽ được trả lời rõ ràng sớm.
Riêng tôi thì tôi không nghi ngờ, mà tin rằng những kẻ vụ lợi trong hàng ngũ chính quyền rồi sẽ muốn PT CĐVN trở thành "bể chứa" họ sau sự tan rã của XHCN CSVN. Nhưng đồng thời cũng nghĩ rằng, chứa hay không chứa là tùy vào động thái của họ sau khi "té nước theo mưa" và sự phản ứng của phong trào đối với họ. Theo tôi thì phong trào chỉ có chỗ cho họ chuộc lại lỗi lầm (đã nhúng tay hoặc đã làm ngơ cho đồng bọn đàn áp nhân quyền) mà thôi, chứ không thừa chỗ cho họ lấy lại đủ mức uy tín để tiếp tục độc quyền lãnh đạo hay tái dựng một XHCN đổi màu. Lý do là vì ĐCSVN đã và đang chà đạp thậm tệ lên nhân quyền, đồng thời cũng đi trái với phương châm khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh sau mấy mươi năm cầm quyền. Dung túng họ thái hóa trong phong trào ở chức vị lãnh đạo sẽ làm mất đi ý nghĩa của Con Đường Việt Nam này.
19/6/12
KD
Nhận xét
Đăng nhận xét