VIỆT NAM ĐU DÂY VỚI AI ?
Mua Tầu Ngầm Nga – Hợp tác Với Mỹ
Phạm Trần
Hoa Thịnh Đốn.- Vào giữa thời điểm Quân đội Nhân dân của đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập thì trong cùng một ngày Việt Nam muốn đi dây cả với Mỹ và Nga để nghêng ngang với anh hàngh xóm Trung Hoa.
Chuyện thứ nhất xẩy ra ở Bộ Quốc phòng Mỹ gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 15 tháng 12 (2009) khi Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam là Phùng Quang Thanh cùng ăn trưa và thảo luận về hợp tác Quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Gates trong một tiếng đồng hồ.
Theo tin chính thức của Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đăng trên báo Quân đội Nhân dân ở Hà Nội thì : “Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề trong quan hệ quốc phòng song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, kết quả hợp tác trong thời gian qua cũng như những biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác đã và đang triển khai trong lĩnh vực quốc phòng lên một bước mới.”
Không ai biết “bước mới” này mang tầm mức quan trọng như thế nào giữa hai nước cựu thù nghịch, nhưng tin này viết thêm rằng : “ Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Hoa Kỳ luôn là đối tác lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực, việc tăng cường đoàn các cấp sang thăm Hoa Kỳ góp phần củng cố tình hữu nghị, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Về phần mình, phái đoàn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác tích cực và có hiệu quả của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), tìm kiếm và thống kê đến mức đầy đủ nhất các quân nhân Hoa Kỳ bị coi là mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây.”
Phiá Việt Nam cho biết :“Hai bên đã thực hiện 97 đợt tìm kiếm và khai quật hài cốt lính Mỹ bị mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây; trao trả 894 bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ; đợt gần đây nhất, ngày 2/12 vừa qua, Việt Nam đã trao trả Hoa Kỳ 4 bộ hài cốt và Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực đầy tính nhân đạo của Chính phủ và Quân đội Việt Nam.
Ngược lại, Hoa Kỳ cũng cung cấp thông tin giúp Việt Nam tìm được gần 1.000 trường hợp, tất nhiên con số đó còn rất khiêm tốn so với 300.000 bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.”
TTXVN còn cho biết : “ Hai bên cũng đồng ý tiếp tục hợp tác giải quyết những hậu quả của chiến tranh như tẩy rửa chất độc hóa học và xử lý bom mìn còn sót lại, hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển và cùng phối hợp công tác dự báo bão trên biển để chủ động sơ tán dân, giảm thiểu tác hại do bão gây ra.”
Việc Hoa Kỳ và Việt Nam “hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển và cùng phối hợp công tác dự báo bão trên biển để chủ động sơ tán dân, giảm thiểu tác hại do bão gây ra” là một thỏa hiệp mới, sau khi Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 6/2009 cho phép tầu Hải quân Hoa Kỳ tham gia công tác tìm kiếm nhân đạo chung ngoài khơi Việt Nam để tìm kiếm các máy bay và Phi Công Mỹ bị bắn rơi khi thực hiện các vụ oanh tạc trong chiến tranh ở Việt nam.
Trong một Thống cáo Báo chí ngày 12/6/2009 Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho biết “hàng trăm máy bay và phi công Mỹ vẫn thuộc diện mất tích ở các vùng biển duyên hải Việt Nam”
Tin của TTXVN còn cho biết : “ Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển…hai bên cũng nhất trí cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, độc lập và phát triển của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.”
Lời tuyên bố của Thanh có hàm ý mưu cầu hợp tác với Hoa Kỳ nhiều hơn và việc này đã được chứng minh trong Bản tin của Phòng Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ phổ biến sau cuộc gặp gỡ giữa Ông Gates và Bộ trường Quốc phòng Việt Nam, theo đó một phương án hợp tác giữa hai bên đã được đống ý.
Tin của Bộ Quốc phòng Mỹ viết : “In order to enhance military to military engagement, both General Thanh and Secretary Gates agreed to formalize the defense policy relationship by establishing a mechanism for the Ministry of Defense and the Office of the Secretary of Defense to discuss strategic and policy related issues of bilateral and regional concern at the ministerial level; both sides will conduct this dialogue in 2010.”
(Xin tạm dịch : “Để tăng cường mối giao hảo giữa quân đội với quân đội, cả Đại tướng Thanh và Bộ trưởng Gates đã đồng ý cụ thể hóa các liên lạc về quốc phòng bằng cách thiết lập một cơ chế để Bộ Quốc phòng (Việt Nam) và Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng (Mỹ) có thể thảo luận về chiến lược và chính sách liên quan đến các vấn đề quan tâm chung và khu vực trên cấp bậc Bộ trưởng; hai bên sẽ thực hiện kế họach này vào năm 2010.” )
Đây cũng là vấn đề hòan toàn mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Những liên lạc quân sự giữa đội bên, cho đến khi có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Bộ trường Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, tuy có ấm áp hơn trong vài năm trở lại đây nhưng chưa bao giờ có sự hợp tác mật thiết như giữa Hoa Kỳ và các nước khác ở Đông Nam Á.
Thỏa hiệp gữa Robert Gates và Phùng Quang Thanh về các cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng hàng năm cũng giống như thỏa hiệp giữa Mỹ với Trung Hoa và các nước khác ở Á Châu và Thái Bình Dương.
Nhưng tại sao Việt Nam và Hoa Kỳ đã xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực Quốc phòng vào lúc Trung Hoa tăng cường ngân sách Quốc phòng để canh tân hoá quân đội và vũ khí phòng thủ cùng lúc với việc gia tăng đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông là một dấu hỏi không ai có thể trả lời thay cho nhà nước CSVN.
Tuy nhiên, cùng lúc với chuyến đi Mỹ của Bộ trường Phùng Quang Thanh thì cũng có tin nói Việt Nam có ý muốn mua các loại Quân dụng không tác chiến, nhưng có hiệu qủa giúp phòng thủ như các dàn Radar hay máy thăm dò, theo dõi chính xác.
Song song với dự kiến này, Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ sằng sàng giúp huấn luyện quân đội Việt Nam về tiếng Anh, kỹ thuật cứu cấp hay sử dụng các hệ thống phòng thủ tối tân để hạn chế tổn thất về nhân mạng.
Một trong những chỉ dấu tích cực trong lĩnh vực này đã diễn ra ở Việt Nam từ 21 đến 24/7/2009 mà theo Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội thì các “ Quan chức cấp cao thuộc Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam và Không quân Hoa Kỳ” đã thực hiện các cuộc thảo luận để chia sẻ thông tin và chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Bản Thống cáo của Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội viết : “ Các cuộc thảo luận được quan chức thuộc Không đoàn 13 của Hoa Kỳ tổ chức cùng Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Hội đàm Không quân Song phương Khu vực Thái Bình Dương (Pacific Air Forces' Airman-to-Airman Talks). Trung tướng Chip Utterback, Tư lệnh Không đoàn 13, dẫn đầu phái đoàn phía Hoa Kỳ.
Tướng Utterback phát biểu: “Mối quan tâm của chúng tôi tại các cuộc thảo luận này là xây dựng các quan hệ có ích cho tương lai. Qua các cuộc gặp trực tiếp với các không quân trong khu vực và đối thoại với cùng một ngôn ngữ của không quân, chúng ta có thể tìm thấy nền tảng chung và các cơ hội hợp tác trong tương lai”.
Vẫn theo Bản tin này thì “Đại diện Không đoàn 13 đã giới thiệu cho các thành viên của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân Việt Nam tại Hà Nội về Không quân Hoa Kỳ và các chương trình đào tạo phi công không quân Mỹ.”
Cũng trong thời gian 2 năm qua, nhiều Sỹ quan và tầu của Hải quân Mỹ, kể cả Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã thăm Việt Nam.
NGA SÔ VÀ VIỆT NAM
Sự kiện thứ nhì cũng xẩy ra vào ngày 15/12 (2009), nhưng tại Mạc Tư Khoa, Thủ đô nước Nga, nước đồng minh cật ruột của CSVN.
Tại đây, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã cùng với Thủ tướng Nga Vladimir Putin chứng kiến lễ ký giao kèo mua 6 Tầu ngầm chạy dầu diesel và một số máy bay tối tân Sukhoi của Nga trị giá 2 tỷ Mỹ kim.
Theo thỏa hiệp này, phiá Nga sẽ giao cho Việt Nam mỗi năm 1 chiếc Tầu ngầm và thiết lập ở Việt Nam một cơ sở bảo trì cùng huấn luyện Thủy thủ đòan cho Việt Nam.
Trung Hoa cũng đã mua của Nga 12 Tầu ngầm thuộc loại này và tổng số Tầu ngầm của Tầu hiện nay vào lối 18 chiếc.
Bản tin chính thức của Báo Điện tử đảng CSVN ngày 16/12 92009) viết về tin này, nhưng không tiết lộ con số tầu ngầm cũng như máy bay chiến đấu : “ Việt Nam đã thoả thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga. Việt Nam chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (ở Ninh Thuận) với các điều kiện bảo đảm cần thiết. Thủ tướng Pu-tin đã cam kết đáp ứng các đề nghị của Việt Nam và đã giao cho các cơ quan liên quan của Nga bàn thảo với phía Việt Nam để hai bên khẩn trương hợp tác triển khai thực hiện các thoả thuận và các dự án rất quan trọng này.”
Hai bên cũng đã ký “Các thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Gazprom, giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn năng lượng Rosatom… Tập đoàn Inter RAO, giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam....Hai bên đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác; đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên. Giữa lãnh đạo hai nước đã thiết lập quan hệ làm việc hết sức chặt chẽ trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.”
Vẫn theo Bản tin của đảng CSVN thì liên hệ kinh tế đôi bên đã đạt tới 1.5 Tỷ dollars năm 2009, nhưng “Hai bên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, để sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong một vài năm tới.”
Riêng (Nguyễn Tấn Dũng còn “cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nga đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng, dầu khí, điện tử viễn thông... Ngược lại, Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nga và qua đó vào thị trường các nước trong khu vực.”
Trong lĩnh vực năng lượng, Nguyễn Tấn Dũng và Vladamir Putin cùng tuyên bố : “Hai bên cũng nhất trí xem xét khả năng tiến hành đàm phán ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do song phương nhằm tạo điều kiện cho hàng hoá hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Việt Nam ủng hộ việc doanh nghiệp Nga tiếp tục tham gia hiện đại hóa và cải tạo các công trình năng lượng do Liên Xô giúp xây dựng trước đây, đồng thời xây dựng các công trình điện năng mới, kể cả điện hạt nhân, ở Việt Nam, triển khai hợp tác khai thác than cả tại hai nước; tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng ,sản xuất và cung cấp ô tô, máy móc nông nghiệp…”
Chi tiết hơn về hợp tác năng lượng, tin của Báo Điện tử đảng CSVN cho biết : “Bao gồm cả năng lượng hạt nhân, hợp tác về dầu khí và kỹ thuật quân sự. Hai bên đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực này. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký hợp tác chiến lược và nhiều hợp đồng cụ thể về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam, ở Liên bang Nga và nước thứ ba với Tập đoàn dầu khí Gazprom và Zarubeznhep của Nga. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam ký hợp tác với các đối tác Nga khai thác than tại Xiberi và vùng Viễn Đông để cung cấp cho thị trường việt Nam.”
Về Chính trị, Nguyễn Tấn Dũng cho biết : “ Hai bên đã thảo luận và thống nhất về phương hướng và nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác bền vững lâu dài, cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga: Hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp qua cơ chế trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên. Lãnh đạo Nga hoan nghênh và chờ đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh thăm Liên bang Nga vào nửa đầu năm 2010. Tổng thống Nga đã mời Chủ tịch nước Việt Nam sang dự Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít. Việt Nam chờ đón Tổng thống Liên bang Nga Mét-vê-dép sang thăm chính thức và dự Cấp cao Nga - ASEAN lần hai tại Hà Nội cuối năm 2010. Hai nước sẽ kỷ niệm trọng thể 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/1950 - 1/2010).”
Sự kiện Nga và Việt Nam kỷ niệm 60 năm bang giao cũng sẽ đến với Trung Hoa và Việt Nam tương tự như thế vào năm 2010. Trong khi việc chuẩn bị cho lễ lạc rình rang giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã bắt tay vào việc thì Nga và Việt Nam mới có lời tuyên bố chung ở Mạc Tư Khoa cho sự kiện lịch sử này.
Nhìn chung thì những thỏa hiệp về quốc phòng, kinh tế và năng lượng giữa Việt Nam và Nga đã đạt tới mức tòan diện và cao nhất từ trước đến nay. Nhưng không ai tin các loại vũ khí mới của Việt Nam có thể chống nổi một cuộc tấn công ở Biển Đông của Hải quân Trung Hoa.
Nhưng sự kiện trong cùng một ngày (15/12/2009) mà Việt Nam đạt được tới hai thỏa hiệp hợp tác quốc phòng với Mỹ và Nga Sô tại ngay nhà của hai đối thủ lãnh đạo cuộc chiến tranh lạnh trước đây đã cho thấy Việt Nam muốn chọn cách phòng thủ hay nhất là đu dây cho khéo giữa các đại cường để được bình an với anh hàng xóm khổng lồ Bắc Kinh. -/-
Phạm Trần
(12/09)
Nhận xét
Đăng nhận xét