Thường Sơn - ODA: Cái giá của nạn ăn cắp vặt
Thường Sơn (CTV Phía Trước)
Theo Tạp Chí Phía Trước
Liệu các nhà tài trợ nước ngoài có nhất thiết phải đổ tiền vào một môi trường tham nhũng chỉ có tiến mà không chịu lùi, lồng trong cận cảnh gánh nợ ODA sẽ tiếp tục chồng chất lên đầu người dân nghèo Việt như một cái giá quá đắt phải trả thay cho giới ăn cắp vặt?
Vì sao phát giác chỉ đến từ quốc tế?
Vào đầu tháng 6/2012, sự việc Đại sứ quán Đan Mạch phải đi đến quyết định dừng 3 dự án viện trợ ODA cho Việt Nam, cùng lúc website của cơ quan này đã đăng tải toàn bộ kết quả kiểm toán tài chính các dự án, đã trở thành tiền lệ đầu tiên về phản ứng quyết liệt không tránh khỏi của khối quốc gia phát triển đối với một đất nước đã có quá nhiều tiền lệ về nạn tham nhũng, trong đó ODA luôn là một lĩnh vực được ví như “bò sữa”.
Hẳn nhiên là thế, bởi đã từ quá lâu, ODA là một loại sân chơi bòn rút dành riêng cho giới quan chức tại một số cấp chính quyền trung ương và địa phương phụ trách lĩnh vực này. PMU18 là một minh họa điển hình, khi vào năm 2006 vụ việc gây chấn động này đã trở nên một hình ảnh tương phản kỳ quặc giữa người dân thế giới chắt chiu đóng thuế và một kẻ như Bùi Tiến Dũng đục khoét tiền viện trợ để tắm bia và mua dâm, giữa sự phát giác chỉ đến từ báo chí và dư luận quốc tế và thói quen im lặng trong suốt một thời gian dài của các cơ quan hữu trách Việt Nam; mà cuối cùng, trước áp lực quá lớn của cộng đồng các nhà viện trợ quốc tế, PMU18 mới được đưa ra ánh sáng cùng những con tốt đưa đầu chịu báng.
Nhưng một chi tiết quá khó hiểu và còn gây bức bối dư luận cho đến tận bây giờ là sau khi vụ tham nhũng PMU18 bị phát giác cùng với vòng lao lý bắt buộc phải thể hiện đối với những kẻ ăn chặn tiền ODA của dự án giao thông, hai phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên cũng đồng thời bị khởi tố. “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – một tội danh rất mơ hồ và luôn được định hình như một cái cớ đầy ẩn ý được cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an ghép cho hai nhà báo này đã lại không bao giờ thuyết phục được dư luận xã hội và người dân, khi hai tờ báo trên chỉ thi hành một chức phận duy nhất là thông tin sự thật đến bạn đọc và xã hội, chứ không phải ăn cắp tiền ODA và chơi gái.
Từ năm 2006 đến nay, những kỳ quặc tiếp theo cũng lại đã xảy ra, hầu như công khai, vì từ sau vụ PMU18, đã chẳng có bất kỳ trường hợp sâu mọt nào trong lĩnh vực nhận viện trợ ODA được chính quyền Việt Nam chủ động công bố. Những phát hiện từ cơ quan chức năng về hành vi vi phạm ODA, dù chỉ rất ít về số lượng, nhưng cũng không vì thế mà được công khai khi luôn tồn tại vô số rào cản vô hình ở phía trước.
Thậm chí ngược lại, trong các cuộc hội thảo, tọa đàm và bàn tròn quốc tế về công tác tiếp nhận ODA, những quan chức từ các cơ quan Việt Nam liên quan mật thiết đến ODA như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao… vẫn tự tin cho rằng hiệu quả sử dụng ODA ở đất nước này là… rất tốt.
Cho đến khi nổ ra vụ án PCI – Đại lộ Đông Tây ở TP.HCM năm 2008. Chỉ đến khi đó, dư luận thế giới mới hiểu rõ chân tướng thực của những kẻ như Huỳnh Ngọc Sĩ và hình bóng ẩn giấu của một ủy viên Bộ Chính trị là như thế nào, khi tật đục khoét ký sinh đã trở nên trắng trợn hơn bao giờ hết. Một lần nữa, người dân đóng thuế ở các nước phát triển lại có đầy đủ lý do để quan ngại sâu sắc về môi trường vừa thiếu minh bạch vừa tràn lan tham nhũng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, mà ODA chắc chắn là một hiện hình trong số đó.
Những lời thanh minh về việc “Kiểm toán quốc tế có thể không hiểu rõ quy trình hạch toán của Việt Nam” của những người được xem là “giới khoa học”, liên quan đến 3 dự án viện trợ ODA bị phía Đan Mạch quyết định dừng tài trợ mới đây, có vẻ như càng khiến cho dư luận người dân Việt Nam cũng phải quay lưng lại với chính đồng bào của mình. Bởi đã từ quá lâu, dư luận xã hội không lạ gì những chiêu trò được coi là “làm khoa học” của “một bộ phận không nhỏ” trong giới khoa học – những người mà công việc hàng ngày của họ chỉ là “vẽ” ra những dự án, kèm theo những dự toán tài chính nhiều tỷ bạc để rút ruột ngân sách và tiền viện trợ, bất chấp cái được gọi là “công trình khoa học” của họ thường chẳng mang lại một chút giá trị sử dụng nào cho xã hội.
Cũng từ thời điểm năm 2006 trở lại đây, ấn tượng không kém là tất cả những vụ việc phát lộ từ sau khi hai nhà báo Việt Nam bị khởi tố lại chỉ được làm rõ từ những người mang quốc tịch nước ngoài.
Và cũng một lần nữa, lời hứa “sẽ kiên quyết chống tham nhũng” của một số quan chức quản lý nào đó của Việt Nam lại có nguy cơ bị biến thành một thứ bong bóng ứ đầy bụng song lại quá dễ để xì hơi.
Tật xấu của người Việt
Đến giờ này, quá nhiều lời cảnh báo tha thiết trước đây của giới phản biện xã hội về nguy cơ tham nhũng trong ODA lại có nguy cơ bay theo mây gió. Bởi nếu không phải là như vậy, có lẽ đã không xảy ra hiện tượng “chi tiêu sai mục đích” quá đỗi trơn tru mà những cơ quan tư vấn Việt Nam đã tưởng như thật dễ dàng qua mặt được cơ quan viện trợ DANIDA của Đan Mạch.
Nhưng vào lần này, có lẽ rút kinh nghiệm ức tràn từ nhiều lần trước, DANIDA đã có riêng cho mình một cơ quan kiểm toán. Chắc chắn đó là điều mà những quan chức Việt Nam quen ăn xổi vẫn chưa thể nhìn thấy quá phần sống mũi của họ. Để kết quả cuối cùng mà cơ quan kiểm toán công bố với toàn bộ dư luận quốc tế và xã hội Việt Nam đã trở nên một bằng chứng không thể chối cãi cho những đồn đoán trước đó: trong số hơn 49 tỷ đồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến hơn 11 tỷ đã “bốc hơi”, chiếm đến 23%.
Ngay lập tức, người ta có thể liên tưởng cái tỷ lệ 23% này với vô số lời đồn đoán trước đây về “hệ số thất thoát” trong lĩnh vực ODA là tương đương, thậm chí còn vượt hơn tỷ lệ thất thoát từ 30-50% trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Không hẳn là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng, người nước ngoài trực tiếp cung cấp cho người Việt một bằng chứng – bằng chứng đủ để thêm một lần nữa làm giàu thêm ngữ nghĩa cho cuốn sách về những tật xấu của người Việt.
Trong các hội nghị về viện trợ, những nhà tài trợ nước ngoài chỉ giữ thái độ phê phán thận trọng mà có thể hiểu lý do sâu xa của nó là từ “yêu cầu ngoại giao”. Thế nhưng cái thực trạng tham nhũng ODA ở Việt Nam, mà từ nhiều năm trước chính một số người làm công tác viện trợ của nước ngoài cũng đã biết đến lối ví von về Chương trình 135 đã trở thành công thức “5-3-1”, tức tiền viện trợ khi xuống đến đối tượng thụ hưởng trực tiếp thì đã bị bốc hơi một phần lớn qua các tầng nấc chính quyền trung gian, mới có thể hiểu sự ức chế của người dân đóng thuế ở các nước phát triển chất chứa đến mức nào.
Ai đó có thể cho rằng con số bốc hơi hơn 11 tỷ đồng trong 3 dự án viện trợ của Đan Mạch chỉ là “chuyện nhỏ”. Song cái tỷ lệ có thể coi là thất thoát đến 23% như thế đã gián tiếp cho thấy con số thất thoát thực trong những dự án tiếp nhận ODA ở Việt Nam, đã và sẽ tiến hành, còn có thể lớn hơn nhiều, đi cùng với nhiều lời đồn đoán của dư luận xã hội.
Tật xấu của người Việt – một trạng thái nhận thức và lối hành xử ti tiện trong nạn ăn cắp vặt, khiến cho chính chúng ta, những người dân Việt, đã thường phải thốt lên lời ta thán về thể diện quốc gia đã rước vào thân nỗi nhục quốc thể.
Vẫn còn đến 30 tỷ USD viện trợ ODA được các nhà tài trợ nước ngoài cam kết giải ngân. Vẫn còn nhiều công trình giao thông sử dụng đậm vốn ODA như Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2… Chưa kể đến nhiều dự án được xem là quốc kế dân sinh, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương khác…
Nhưng với một thời gian đắm chìm quá lâu của công tác quản lý vốn ODA ở Việt Nam kể từ sau vụ PMU18, cũng là khoảng thời gian đã chẳng có lấy một Tuổi Trẻ hay một Thanh Niên nào còn nói thay cho tiếng nói phản biện xã hội, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ suy ngẫm sao đây? Liệu có nhất thiết phải đổ tiền vào một môi trường vẫn thiếu minh bạch về tài chính cùng nạn tham nhũng chỉ có tiến mà không chịu lùi?
Câu trả lời gần như là không còn cần thiết nữa, lồng trong cận cảnh gánh nợ ODA sẽ tiếp tục chồng chất lên đầu người dân nghèo Việt như một cái giá quá đắt phải trả thay cho giới ăn cắp vặt.
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
Nhận xét
Đăng nhận xét