Không hy vọng thì chết mất!
Hồ Trung Tú
Viết từ TP. HCM
Một số cây bút bày tỏ hy vọng về những bình luận của Chủ tịch Trương Tấn Sang
Bài phỏng vấn chủ tịch nước TrươngTấn Sang trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/6 vừa qua đã làm nức lòng nhiều người.
Các blogger nổi tiếng như Nguyễn Quang Lập, Thùy Linh, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Thông, hay Trương Duy Nhất cũng đều có những thán từ như “quá đã”, “hy vọng”, với niềm hứng khởi đặc biệt.
Tui cũng hứng khởi như vậy, như hồi nghe ông nói về chuyện không phải một con sâu mà là một bầy sâu trong nồi canh.
Nhưng khi đọc đến đoạn “Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác” thì tui hết hứng khởi.
Bộ máy này còn có thể làm cho trong sạch được ư? Thì ừ, cứ cho là đem chém hết rồi tuyển bộ máy khác đi thì cái cơ chế nào để bộ máy mới lại không nhiễm bẩn tiếp tục? Vấn đề là cái cơ chế nào để giám sát bộ máy chứ không phải làm cho trong sạch bộ máy.
Tìm ra cơ chế
Thực lòng tui, chứ không dám nói là toàn dân, chờ ông là chờ ông tìm ra cái cơ chế để bộ máy tự nó trong sạch chứ không phải là hô hào một cuộc làm trong sạch bộ máy. Nói cho dễ hiểu, phải có cơ chế làm cho con người không nhiễm bẩn, hay tự giữ mình sạch chứ không phải bắt từng người đứng lên kiểm điểm xem tắm mấy ngày rồi thì bắt đi tắm!
Và vì thế tự dưng tui nổi lên thói xét nét xấu tính. Ông nói, chúng ta nghe, và dĩ nhiên chúng ta không phải là những đứa trẻ chỉ biết nghe, ta có quyền phán đoán, đánh giá xem ông nói thật hay nói đùa, nói thực lòng hay chỉ là một đối phó chính trị.
Ta cũng khó có đủ thông tin để biết ông thực sự nghĩ gì trong đầu nên cứ trên mặt chữ mà xét vậy. Ngoại trừ những mẫu câu có từ thời Bác Hồ còn sống như “Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật”... khỏi phải bàn ra thì toàn văn bài phỏng vấn ta thấy có mấy khả năng xảy ra ở động cơ khi ông nói những lời tâm huyết ấy:
1. Ông thực lòng nghĩ vậy và đang từng bước thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết 4. Ông thực sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy , nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác. Điều này thì để báo Nhân Dân viết xã luận sẽ đầy đủ hơn.
2. Một khả năng nữa là ông bất lực, ông thấy hết biết hết những tiêu cực nhưng ông bất lực! Ngay cái sự bất lực này cũng nên chia ra mấy nguyên nhân:
Ông muốn thay đổi nhưng quyền lực không có, nên cứ nói cho vui vậy rồi đâu vẫn hoàn đấy, chả ai sợ nữa, bộ máy biết, như đã từng biết cái chức vị của ông ở các vị tiền nhiệm là để trang trí cho vui chứ không thực quyền, đôi lúc nó cũng cần để xoa dịu lòng dân nhưng, chỉ vậy thôi.
Ông muốn thay đổi nhưng không biết thay đổi như thế nào, nên chỉ còn trông vào nghị quyết 4.
"Nhiệm kỳ còn không nhiều, chủ tịch cố gắng tìm ra cái đầu dây mối nhợ nào đó mà rút một phát, chứ nghe mấy thầy dùi nói chỗ này quan trọng, chỗ kia quan trọng, chả mấy mà về vui thú điền viên, bọn em hết hứng khởi, không còn gì để hy vọng thì buồn lắm."
3. Ông hoàn toàn giả dối, đối phó với dư luận, với người đối diện, với người phỏng vấn, nói sao cho hay là qua một quận, mọi chuyện còn đó, từ từ ...tính ! Khả năng này thấp.
4. Ông không dối nhưng ông không biết sự thật cuộc sống đang diễn ra như thế nào. Và thật vậy, chỉ trong một bài phỏng vấn không dài ta đã thấy hai lần ông nói đến chuyện ông “có nghe nói nhưng chưa có điều kiện kiểm tra” (chuyện dinh cơ Bí thư tỉnh ủy Hải Dương và chuyện nhiều người “sang tận Singapore mua hết biệt thực này đến biệt thự kia”).
Chuyện này ai cũng đã nghe đầy hai lỗ tai, địa phương nào cũng loạn dinh cơ, chỉ có ông thì không biết, hay cũng biết nhưng ... cần kiểm tra chính xác! Dĩ nhiên kiểm tra là cần thiết, kiểm tra mới kết luận được.
Nhưng thưa chủ tịch, kiểm tra ra thì đó mới chỉ là một con bịnh, một con sâu. Đây là một bầy sâu thì sự kiểm tra không cần nữa mà phải cần đến phương án khác, kiểm tra, khởi tố kỷ luật thì chỉ như làm màu, như cho thuốc aspirin thôi !
Ở đây có yếu tố nữa cần phải xét cho nó khách quan đó là ông không biết thực sự, nếu vậy thì cái tháp ngà nào đang bao vây ông? Nghĩ thế đi cho nó nhẹ người !
5. Ông thực sự muốn giải quyết vấn đề nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Là người trong hệ thống ông chỉ biết dùng những chiếc chìa khóa mà hệ thống trao cho. Ông thực sự không biết phải làm gì khác. Nếu vậy thì tội cho dân này quá. Cắn răng mà chờ một nhiệm kỳ nữa vậy.
Nói về chống tham nhũng, ông nói: “Gốc gác của vấn đề này nằm ở chỗ hiện còn sử dụng tiền mặt quá lớn trong nền kinh tế. Ðể giải quyết căn cơ hơn, nhất định phải thay đổi phương thức giao dịch này, phải thu hẹp dần, thay vào đó là thanh toán, giao dịch qua ngân hàng”.
Không biết ông có thực sự tin là khi giao dịch qua ngân hàng thì tham nhũng sẽ giảm hay không chứ dân đen bọn em biết thừa không có thứ gì mà tiền bọn mafia không lách qua được. Kiểm tra qua ngân hàng ư, em mua luôn người kiểm tra đó thành mù luôn, máy không mù ư, thì em mua cái máy cho mù luôn. Máy không mù thì cái báo cáo cũng do người nào đó soạn em làm người đó mù luôn.
Thanh tra hằng năm thì em lại làm như chủ tịch nói: “chiêu đãi đoàn thanh tra của trung ương trước khi kết thúc công việc bằng một đêm vui vẻ với các cô gái xinh đẹp tại khách sạn”. Kính mong chủ tịch đừng kỳ vọng quá vào đó mà mất thời gian.
"Không có cách nào khác là một xã hội dân chủ pháp quyền, đa nguyên đa đảng, báo chí tự do như một công cụ giám sát của dân. Và đó mới là thứ dân cần ở ông, chưa đến lúc nói ra nhưng cũng nên hé lộ vài lời cho dân biết về cuộc thay đổi căn cơ nào đó. "
Nhiệm kỳ còn không nhiều, chủ tịch cố gắng tìm ra cái đầu dây mối nhợ nào đó mà rút một phát, chứ nghe mấy thầy dùi nói chỗ này quan trọng, chỗ kia quan trọng, chả mấy mà về vui thú điền viên, bọn em hết hứng khởi, không còn gì để hy vọng thì buồn lắm.
Tai mắt của dân
Tít bài phỏng vấn là “Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng thành công”, bản thân cách nói này không ổn! Chống tham nhũng không bao giờ có đích cuối cùng để gọi là thành công. Mỹ hay Na Uy, Phần Lan giờ cũng còn chống tham nhũng.
Vấn đề cần nêu là phải tìm cho ra một cái cơ chế để người dân, toàn dân tham gia chống tham nhũng hiệu quả chứ không phải là đảng làm thành công hay không thành công việc này! Tai mắt của dân còn hơn Tố Hữu nói “Trăm tay nghìn mắt”, còn hơn cả Phật bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, sẽ không có tên tham nhũng nào không bị nhân dân phát hiện và lôi ra ánh sáng. Vấn đề chỉ là cái cơ chế cho dân làm việc đó thôi.
Chủ tịch nói “không bỏ qua bất cứ dư luận nào” thế nhưng dư luận đầy đó có ai nghe đâu! Thứ nữa, cái tít này, tức câu nói này, cho thấy sẽ quyết liệt, có thể sẽ có kỹ luật nội bộ ở cấp cao nhất.
Thế nhưng không ai chắc chắc sau đó bộ máy mới đó lại tham nhũng hay không. Nếu cứ tiếp tục cái cơ chế này, vận hành này thì đến con nít nó cũng biết tham nhũng sẽ lại tiếp tục ở tay người kế tiếp khác và đây chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ, không hơn không kém.
Điều quan trọng ở đây là cần phải tìm cho ra cái cơ chế vận hành xã hội giúp ngăn ngừa tham nhũng. Không có cách nào khác là một xã hội dân chủ pháp quyền, đa nguyên đa đảng, báo chí tự do như một công cụ giám sát của dân. Và đó mới là thứ dân cần ở ông, chưa đến lúc nói ra nhưng cũng nên hé lộ vài lời cho dân biết về cuộc thay đổi căn cơ nào đó. Và đó, cuộc thay đổi ngoạn mục ấy là kỳ vọng của nhân dân đặt lên ông.
Lãnh đạo Việt Nam có cho phép đa nguyên đa đảng, báo chí tự do?
Tui, chứ không dám nói toàn dân, kỳ vọng vào ông, hay bất cứ người nào khác, hãy hé lộ cho đôi lời chứ đừng là những lời tỏ ra thông cảm hiểu biết tiêu cực như ông nói trong cuộc phỏng vấn này.
Nói đi thì phải nói lại, viển vông mơ mộng xa xôi rồi cũng phải quay về lại thực tế.
Toàn bộ bài phỏng vấn trọng tâm rơi vào ý này: “Nay Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính của Ðảng được tái lập, cũng là cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng. Với thể chế chính trị của nước ta thì cách tổ chức bộ máy về phòng chống tham nhũng như vậy là mạnh mẽ nhất rồi và "ra tay" cỡ như vậy cũng đã là cao nhất. Nhân dân đang rất trông chờ kết quả từ quyết sách mới”.
Thì vâng, xin trông chờ kết quả từ quyết sách mới này vậy. Nếu không có chút hy vọng nào thì chết mất!
Tựa bài do tòa soạn đặt. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà văn, nhà báo đang sống ở Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét