Khủng Hoảng Kinh Tế Ở Âu Châu Đang Là Đe Doạ Lớn Nhất Cho Tổng Thống Obama.
• Tình hình kinh tế ở Mỹ đã gây nhiều nhức đầu cho ông Obama. Cơn khủng hoảng kinh tế ở Âu châu, tương tự như vụ phá sản của tổ hợp tài chánh Lehman Brothers năm xưa, sẽ gây nên những ảnh hưỏng xấu, đổ vào Hoa Kỳ đúng vào lúc bầu cử sắp xảy ra.
Liệu chừng Âu châu có thể làm ông Barack Obama mất chức tổng thống hay không? Mới nghe thì thấy câu hỏi này thậm vô lý. Việc bầu tổng thống Hoa Kỳ sẽ xảy ra vào tháng 11, chứ có phải bây giờ đâu? Hai tiểu bang Florida và Ohio mới là hai tiểu bang nguy hiểm phân tranh thắng bại, gọi là swing states, việc gì đến nước bên ngoài như Hy Lạp hay Tây Ban Nha? Phải chăng các nước Âu châu vốn dĩ vẫn thiên tả, họ phải yêu ông Obama nhiều hơn là đảng Cộng Hoà mới đúng chứ?
Vâng, chuyện Âu châu là chuyện ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương, thế mà nó lại ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Đó là một sự thực hiển nhiên, không làm vui lòng ông Obama chút nào cả. Tình trạng suy thoái gấp đôi ở Âu châu có thể giết chết cơ hội phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ. Trong cuộc họp báo mới nhất của tổng thống Obama hôm thứ Sáu vừa qua, với nét mặt lo âu, cho thấy ông hiểu rõ nguy hiểm đang tràn từ Âu châu tràn vượt đại dương sang đến Hoa Kỳ. Mức độ phát triển kinh tế chậm, và tình trạng thất nghiệp cao ở Hoa Kỳ sẽ làm tan vỡ cơ hội tái đắc cử của ông Obama. Hiện nay ông đang bị ông Mitt Romney bám theo sát nút.
Đa số dân Mỹ đều chán ngấy khi nghe tin tức về tình hình Âu châu. Mỗi khi nghe ai giải thích về tình hình chính trị ở Hy Lạp, hay hoạt động ngân hàng ở Tây Ban Nha, khán thính giả Mỹ nghe với sự chán nản ê chề. Chúng tôi vừa mới đi thăm các nước Âu châu bằng đường bộ trong bốn tuần lễ, chúng tôi xin được trình bày những nhận xét của chúng tôi về tình hình chính trị kinh tế ở Âu châu theo ngôn từ của một người Mỹ như sau.
Hãy tưởng tượng Hoa Kỳ chưa bao giờ phê chuẩn bản Hiến Pháp hiện hành, vẫn còn dùng bản Hiến chương thành lập Bang Liên Hoa Kỳ năm 1781 – Articles of Confederation . Hãy tưởng tượng theo Hiến chương đó, chúng ta sẽ có một chính phủ liên bang rất nhỏ, không có một đồng xu trong ngân qũi. Chỉ có tiểu bang mới có quyền đánh thuế và đi vay mượn. Bây giờ chúng ta lại nhắm mắt tưởng tuợng tiếp tiểu bang chỉ có toàn sa mạc tên là Nevada mắc nợ đến 150% tổng sản lượng của tiểu bang. Thêm một tưởng tượng nữa là ở tiểu bang California với tình trạng ngân hàng bị vỡ nợ. Và hãy tưởng tượng tiếp là tình trạng thất nghiệp ở những tiểu bang đó lên đến 20%, chưa kể là đám thanh niên bị thất nghiệp với tỉ lệ nhiều gấp đôi. Khi đó sẽ xảy ra bạo động, biểu tình ở Las Vegas và Los Angeles vì dân chúng bất mãn, phẫn nộ.
Bây giờ muốn giải quyết tình trạng bi đát của Nevada và California chỉ còn có nước đi năn nỉ hai tiểu bang Virginia và Texas đứng ra cứu nguy. Hai tiểu bang sau này có tỉ lệ thất nghiệp thấp, chỉ bằng một nửa của hai tiểu bang miền Tây. Chúng ta lại tưởng tượng tiếp là các thống đốc 50 tiểu bang cùng ngồi lại thảo luận phương pháp cứu nguy cho California, vàNevada. Qũi Tiền Tệ Quốc tế cũng bay sang Sacramento để thương thuyết đề nghị áp dụng chính sách kiệm ước, thắt lưng buộc bụng để cứu vãn tình thế.
Đó chính là hình ảnh những gì đang xảy ra ở Âu châu, chỉ có điều khác là ở Hoa Kỳ chúng ta có hệ thống chính phủ liên bang, nên mới không có vụ thảo luận ì xèo về việc chia sẻ gánh nặng cứu nguy hai tiểu bang đang gặp vận xui. Liên Hiệp Âu châu không hề có định chế nào mạnh như chính phủ liên bang Hoa Kỳ để có thể làm những quyết định cương quyết và hữu hiệu.
Nguồn thu nhập của các định chế trung ương của Âu châu hết sức khiêm tốn, nhỏ bé: chỉ không tới 1% Tổng Sản Lượng các nước trong khối Âu châu. Không có Bộ Ngân Khố Âu châu. Không có liên bang Âu châu phụ trách việc trả nợ. Chỉ có một ngân hàng chung gọi là European Central Bank. Đến bây giờ chúng ta mới học được một bài học đau đớn, có người đã từng nêu ra cách đây 13 năm: Âu châu chỉ dùng một loại chỉ tệ không đủ.
Thực vậy, khi lập ra liên minh tiền tệ mà lại không theo tổ chức của một quốc gia liên bang thì sự liên minh đó còn nguy hiểm, tệ hại hơn cả là đừng có liên minh. Cái nghịch lý ở chỗ là càng ràng buộc với nhau về tiền tệ bao nhiêu, càng làm các nước Âu châu xa cách nhau thêm. Ngược lại với chủ đích ban đầu khi lập ra Liên Minh Âu châu. Theo tài liệu của IMF (Qũi Tiền Tệ Quốc Tế), tình hình kinh tế các nuớc Âu châu bị co lại như sau: Hy lạp co giảm 4.7%, Bồ Đào Nha 3.3%, Ý co cụm 1.9% và Tây Ban Nha suy giảm 1.8%. Trong lúc đó, tỉ lệ thất nghiệp ở Tây ban Nha là 24%, ở Hy Lạp 22%, Bồ Đào Nha 14%. Những nước sau đây mắc nợ nhiều hơn sản lượng quốc gia của mỗi nước: Hy Lạp, Ireland, Ý và Bồ Đào Nha. Những nước đó đang phải trả lãi suất đi vay cao hơn lãi suất của nước Đức gấp bốn lần, hay hơn .
Có lẽ dấu hiệu đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng này là hiện tượng thất nghiệp rất cao trong giới trẻ. Nó làm chao đảo tinh thần của dân chúng. Ở Hy Lạp và Tây ban Nha hơn một nửa thanh niên bị thất nghiệp. Thực vậy, đây là con số chính xác. Cứ hai người Hy Lạp, hay Tây Ban Nha là có một người thất nghiệp, họ kiếm ăn hàng ngày một cách vất vưởng trong thị trường lao động chui, làm lấy tiền mặt được ngày nào hay ngày nấy. Trong lúc đó, họ phải sống nhờ cha mẹ dưới cùng một mái nhà.
Tuy nhiên, hình ảnh về các nước Âu châu ở phía Bắc thì lại khác Tỉ lệ thất nghiệp ở Đức vào khoảng 5.4%. Ở Hoà Lan và ở Áo tỉ lệ thất nghiệp còn thấp hơn nữa. Nền kinh tế của những nước này còn đang lớn mạnh. Chính quyền ở đó không gặp khó khăn khi cần đi vay tiền. Cụm từ “Âu châu với hai tốc lực” nghe ra có vẻ vô lý, song đó là sự thực. Một bên là Âu châu dòng dõi Đức, Nhật Nhĩ Man phiá Bắc, và bên kia là Âu châu dòng giống Latin ở phía Nam.
Người già ở Âu châu bàn tán riêng với nhau rằng lẽ ra Âu châu không vướng phải thảm hoạ hiện nay nếu như đừng có bày vẽ ra liên hiệp tiền tệ. Phải chi đừng có đồng Euro dollar, thì đâu có vụ vay tiền bừa bãi của các nước miền Nam, và vụ vỡ bong bóng về điạ ốc ở Tây ban Nha. Nếu như các nước này vẫn còn dùng đồng “drachma” ở Hy Lạp, đồng “lira” ở Ý, đồng “peseta” ở Tây Ban Nha và đồng “escudo’ ở Bồ Đào Nha thì nước Âu châu nào có nền kinh tế suy yếu cứ việc định giá lại đồng tiền của họ để thoát ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, thay vì ngửa tay đi vay, giảm lương công xá, cắt giảm kinh phí chi tiêu của chính phủ, và tăng thêm thuế.
Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi rút chân ra khỏi liên hiệp tiền tệ hầu như sẽ đắt gíá ngang ngửa với sự chuyển biến thành cơ chế liên bang kiểu Mỹ. Ngày 17 tháng Sáu này, dân Hy Lạp sẽ đi đầu phiếu bầu cử. Họ sẽ chọn cho đảng nào không đòi hỏi áp dụng chương trình kiệm ước như một điều kiện để được vay tiền cứu nguy nền kinh tế. Đa số dân Hy Lạp chưa muốn rút chân ra khỏi khu vực đồng Euro. Nhưng chính phủ Hy Lạp sẽ không thể nào từ chối áp dụng chương trình thắt lưng buộc bụng mà không trở về với đồng tiền drachma cũ của họ.
Hành động muốn rút chân ra khỏi liên hiệp Âu châu, còn gọi là “Grexit” khiến cho dân chúng những nước vùng Điạ Trung Hải lo âu. Dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh truyền nhiễm này là cuộc khủng hoảng trầm trọng trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha. Dân chúng ùn ùn bảo nhau đi rút tiền ra khỏi ngân hàng. Sau cùng, nếu như Hy Lạ rút chân khỏi liên hiệp tiền tệ Âu Châu, mọi sổ sách kế toán ngân hàng sẽ phải hoán đổi sang đồng drachmas cũ. Làm được chuyện này ở Hy Lạp, dân chúng sẽ đặt câu hỏi sao không làm tương tự như thế ở Tây Ban Nha?
Liên hiệp tiền tệ Âu châu đang đi vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Kinh tế Âu châu suy thoái, sống trong tâm trạng lo âu khiến cho thu nhập về thuế xuống thấp, trong lúc đó, chi phí về eo phe, an sinh xã hội lại tăng. Mặc dù người ta muốn áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của nước Đức, nhưng mức khiếm hụt ngân sách vẫn tăng lên vùn vụt. Chính phủ của các nước này không còn có thể đi vay với lãi suất thấp đủ sức trả nợ. Trong lúc đó, ngân hàng lại bị băng huyết, vì dân chúng đòi rút tiền ký thác ra khỏi ngân hàng. Cho đến nay, ngân hàng nào hết tiền có thể nhờ chính phủ cầu cứu với European Central bank tạm ứng, dùng tiền mặt mua công trái chính phủ. Nhưng chiến thuật này cũng sắp bị bó tay. Bời vì ngân hàng European Central Bank không thể ngăn cản người dân Tây ban Nha hoảng hốt đổi tiền “Spanish euro” sang đồng tiền “German euro”. Nói cách khác là họ đem tiền tiết kiệm từ ngân hàng trong nước bỏ vào ngân hàng Đức, vì họ sợ rằng một ngày đẹp trời nào đó tiền của họ để trong ngân hàng Tây Ban Nha sẽ bị hoán chuyển sang thành đồng “pesetas”.
Hiện tượng này hết sức nguy hiểm. Nó sẽ làm nổ tung hệ thống ngân hàng. Hiện nay sổ sách ngân hàng trung ương thuộc hệ thống TARGET 2, đang ở tình trạng mất cân bằng rất lớn. Ngân hàng trung ương những nước này đã thiếu nợ ngân hàng Đức Bundesbank khoảng 650 tỉ euro. Mỗi tuần con số nợ đó lại tăng.
Sự kiện đó làm cho chúng ta nhớ lại giai đoạn lịch sử kinh hoàng xảy ra vào mùa hè năm 1931. Trong các trận túc cầu (soccer) có hai tăng (half), bốn hiệp, cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế năm1929 thị trường chứng khoán ở Hoa kỳ bị sụp đổ mới chỉ là nửa tăng đầu. Sau đó, nửa tăng sau là sự suy sụp của hệ thống ngân hàng Âu châu. Khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng 5 năm 1931, khi ngân hàng lớn nhất nước Áo là ngân hàng Creditanstalt tiết lộ họ hết tiền. Hai tháng sau, ngân hàng Danat Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức sụp đổ, gây thành một cú sốc chết người.
Úc bấy giờ, lòng tin vào tình hình kinh tế bị mất, mức thất nghiệp tăng dễ sợ. Tình trạng thất nghiệp lên đến mức cao nhất là 49 % công nhân Đức bị thất nghiệp, vào tháng 7 năm 1931. Và chúng ta đều biết hậu quả chính trị của nạn thất nghiệp trầm trọng đó là những nhóm chính trị cực đoan xuất hiện khắp Âu châu. Họ trở nên nổi tiếng, được lòng dân chúng. Cực tả thì có nhóm Cộng Sản, cực hữu thì có phe phát xít. Vì thế Hitler nhảy ra nắm quyền vào năm 1933, và sáu năm sau chiến tranh thế giới bùng nổ.
Không ai mong muốn lịch sử sẽ tái diễn. Và lại, dân Âu châu bây giờ già nua, không còn tinh thần hiếu chiến ưa thích quân đội như trước. Tuy nhiên, tình hình sẽ không lắng dịu dễ dàng, nhất là trong những nước La Tinh ở phía Nam. Tại Hoà Lan, và Phần Lan các đảng hữu phái thắng cử. Họ lên án cả liên hiệp Âu châu, cũng như nhóm di dân xâm nhập vào nước họ. Trong các cuộc bầu cử vào quốc hội ở Pháp và Hy lạp sắp tới, phe cực hữu đang thắng thế, và phe cực tả cũng sẽ dành được nhiều ghế. Cạnh đó, người ta thấy xuất hiện những nhân vật chính trị quái dị được bầu lên. Ví dụ diễn viên hài Beppe Grillo thắng cử ở Ý, và đảng Cướp Biển (Pirate Party) thắng cử ở Đức.
Phong trào bầu cử theo cảm tính của thời nay không hẳn sẽ dẫn đến chiến tranh. Nhưng cứ cái kiểu bầu cử như thế này sẽ khiến cho việc cai trị chính quyền ở Âu châu trở nên hết sức khó khăn. Không một nhà lãnh đạo nào có hy vọng nắm quyền được hai nhiệm kỳ. Chính sách thắt lưng buộc bụng ở Âu châu cũng có nghĩa là nhà lãnh đạo đang tại chức bị thất cử là chuyện bình thường.
Sau hai năm đối đầu với tình trạng các chính phủ thay phiên nhau đổ vì không gỉai quyết được khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, Âu châu mới bắt đầu nhận ra một sự thực.
Sự thực này là con dao hai lưỡi. Hoặc Thủ tướng Angela Merkel phải quanh trở về với đề nghị của người tiền nhiệm, thủ tướng Helmut Kohl, tức là đưa liên hiệp Âu châu đến thể chế liên bang, nếu không nó sẽ tự hủy diệt. Hay là cứ để liên hiệp tiền tệ Âu châu từ từ tan rã, không kiểm soát được. Còn một cách khác là các nhà lãnh đạo Âu châu đá cái lon thiếc khủng hoảng tiền tệ đi chỗ khác. Nhưng coi chừng kỳ này lon thiếc đó chứa đầy thuốc nổ.
Đối với nước Đức, đây là một vấn đề hết sức nan giải. Con đường đi đến thể chế liên bang có nghĩa là phải báo cho cử tri Đức biết rằng họ sẽ phải đứng ra gánh vác số nợ của các nước miền Nam Âu, tương đương với 8% Tổng Sản Lượng Quốc Gia, lớn hơn cả kinh phí hồi thống nhất Đông và Tây Đức trong thập niên 1990’s . Nhưng nếu liên hiệp tiền tệ tan rã sẽ làm nước Đức tốn kém hàng trăm tỉ, và sẽ gây ra cơn sốc tài chánh rất lớn. Không những nước Đức sẽ mất số tiền đã ứng trước, sự sụp đổ kinh tế của các nước phía Nam sẽ gây ra nhiều tai hại cho nền kinh tế Đức. Nên nhớ là 42% hàng xuất cảng của Đức bán sang những nước trong khu tiền tệ âu châu, gấp 8 lần số hàng xuất cảng sang Trung Hoa.
Như vậy Hoa Kỳ sẽ phải làm gì trước tình hình khủng hoảng kinh tế ở Âu châu? Nếu ông Alexander Hamilton còn sống đến ngày hôm nay, hẳn là ông sẽ khuyên lập ra hệ thống liên bang giống như trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Có như thế, liên hiệp Âu châu mới hoạt động hữu hiệu được. Nếu cứ bám lấy Hiến Chương Bang Liên sẽ không thể hoạt động hữu hiệu được. Điều này có nghĩa là các nước Âu châu phải làm được một số điều sau đây: a.) Liên hiệp ngân hàng Âu châu phải bảo hiểm cho tiền ký thác của trương chủ. b) Tái cấp vốn tư bản cho những ngân hàng yếu đuối bằng ngân khoản của tổ chức mới European Stability Mechanism, và c) có một kế hoạch hoán chuyển số nợ quốc gia sang công trái tính bằng đồng euro, được Liên Hiệp Âu châu bảo đảm.
Cho đến nay, người Đức sẵn sàng làm điều kiện đầu, nhưng hai điều kiện sau thì họ cưỡng lại. Trước khi thuận bảo đảm cho tiền ký thác ở ngân hàng Tây Ban Nha, người Đức muốn dành quyề n kiểm soát chặt chẽ hơn về chính sách thuế khoá của các nước hội viên.Họ đã hứa làm khi ký vào hợp đồng vay tiền năm ngoái. Vấn đề đặt ra là điều kiện vừa kể khiến cho hai nước Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi lâm vào qui chế “bán thuộc điạ” cho nước Đức. Chữ dùng này là của một chính khách người Ý.
Việc nước Đức tỏ ra chán ngấy cứ phải đưa lưng ra gánh nợ cho nhóm Âu châu La Tinh kể ra cũng dễ hiểu. Đúng vậy, tại sao các nưóc vùng Nam Âu không có thái độ nghiêm chỉnh cần thiết, để rồi cứ bắt nước Đức đưa lưng ra gánh nợ? Nhưng hiện nay liên hiệp tiền tệ Âu châu sắp tan rã, và công trái bằng tiền Euro đang là yếu tố thiết yếu đế giải quyết vấn đề, tương tự như Công Khố Phiếu Hoa Kỳ- US Treasuries- hồi năm 1780’s. Đôi khi giải pháp tốt nhất lại là kẻ thù của việc làm cho tình hình cho tốt hơn. Cải tổ cơ cấu vùng Âu châu Latin là điều cần thiết, nhưng đòi hỏi phải có thời gian mới đem lại kết quả cụ thể. Trong lúc đó Âu châu đang bị khốn đốn, có thể bị phá sản trong những ngày sắp tới, tính theo ngày chứ không phải trong vài năm nữa.
Theo dự đoán của tôi thì tất cả những vấn đề nan giải cuối cùng sẽ chỉ được giải quyết theo giải pháp của ông Hamilton: tức là liên hiệp tiền tệ Âu châu cần phải tổ chức theo kiểu liên bang Hoa Kỳ. Nhưng muốn làm được điều này sẽ gặp nhiều rủi ro, trước hết còn phải chờ kết quả bầu cử ở Pháp và Hy Lạp. Trong lúc đó, cả thế giới đang lo ngại rằng Âu châu có thể sẽ lâm vào tình trạng phá sản như tổ hợp tài chánh Lehman Brothers ở Hoa Kỳ trước đây.
Cuộc khủng hoảng tài chính ở Âu châu đã khiến cho tình hình kinh tế các nước Latin Âu châu đang bị những cú sốc rất lớn. Hậu quả được thể hiện qua tình hình thị trường chứng khoán thế giới,và tình trạng thất nghiệp tại nhiều nước. Khó khăn kinh tế ở Âu châu đe doạ sẽ đưa đến suy thoái trầm trọng ở Hoa Kỳ, và làm cho những nền kinh tế đang lên như Trung quốc sẽ phải phát triển chậm lại. Chúng ta nên nhớ số xuất cảng của Hoa Kỳ sang Âu châu chiếm 22% tổng số hàng xuất cảng của Mỹ. Những công ty lớn của Hoa Kỳ như hệ thống McDonald , có số thương vụ ở Âu châu chiếm đến 40% tổng số doanh thương của công ty này.
Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ rất xấu: Trong tháng Năm, chủ doanh nghiệp chỉ tuyển dụng thêm khoảng 69,000 việc làm, và tỉ lệ thất nghiệp đang gia tăng. Hoạt động sản xuất công nghệ cũng chậm lại. Lòng tin của giới tiêu thụ suy giảm. và trong tuần lễ vừa qua, thị trường chứng khoán tuột dốc nặng nề, làm mất tất cả những gì thu hoạch được trong ba tháng đầu năm nay. Những dấu hiệu xấu này bắt nguồn vì những lo âu cho rằng tình hình ngân sách của nước Mỹ sẽ đối đầu với mức khiếm hụt vào cuối năm nay. Nhưng nguyên do chính là vì những “cơn lốc xoáy” sụp đổ tài chánh ở Âu châu.
Nói đến hậu quả chính trị của tình hình kinh tế suy thoái ở Hoa Kỳ, không cần phải có bằng Tiến sĩ khoa chính tri học, người ta cũng có thể đoán ra được vì sao Toà Bạch Cung hết sức lo lắng, bối rối. Rõ ràng vấn đề kinh tế đang là ưu tư hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay, và tổng thống Obama đang bị ông Mitt Romney bám theo sát nút. Hồi bầu cử năm 1980, ông Ronald Reagan đặt câu hỏi với dân chúng Mỹ khiến cho ông Jimmy Carter trở thành tổng thống một nhiệm kỳ.Câu hỏi đó là: “Bạn có cảm thấy cuộc sống của bạn khá hơn so với bốn năm trước hay không?”. Cuộc thăm dò mới đây do đài ABC và báo Washington Post thực hiện, cho thấy chỉ có 16% dân Mỹ trả lời YES, tức là họ cảm thấy khá hơn trước.Tỉ lệ này hết sức khiêm tốn.
Định luật về những hậu quả bất ngờ là định luật trung thực nhất khi nói về lịch sử. Nếu sự tan rã của liên hiệp Âu châu đã giết chết hy vọng tái đắc cử của một tổng thống được yêu qúi ở Âu châu, sự tan vỡ đó là một nỗi oan nghiệt lớn nhất trong thời đại của chúng ta.
Bài nhận định của Niall Ferguson trên Newsweek ngày 18/6/2012
Nguyễn Minh Tâm dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét