Dư luận sau chuyến thăm VN của Nick Vujicic

Hòa Ái, phóng viên RFA

2013-05-27

000_Par7566424-305.jpg
Nick Vujicic (trái) ôm em bé khuyết tật 8 tuổi Linh Chi và mẹ của bé khi anh diễn thuyết trước 20.000 người tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2013.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam



Sự kiện người không tay chân - Nick Vujicic đến VN được truyền thông trong nước quảng bá rầm rộ thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ và những người khuyết tật ở trong nước. Họ học hỏi, tiếp thu được gì sau các buổi diễn thuyết của vị diễn giả đặc biệt đến từ Úc?

Người kỳ diệu

Chuyến viếng thăm 5 ngày của “người kỳ diệu” Nick Vujicic đến VN để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp cho rất nhiều học sinh, sinh viên, doanh nhân, người khuyết tật mà theo như truyền thông trong nước mô tả là “truyền cảm hứng sống lạc quan cho hằng triệu người”. Qua các buổi giao lưu, anh Nick-người không tay chân-chuyển tới thông điệp bản thân anh có được cuộc sống vui vẻ, thành công nhờ vào tình yêu thương, lòng tha thứ cũng như giá trị của một người không được đánh giá qua tiền bạc hay mọi điều họ đạt được trong cuộc sống mà người khác chỉ tôn trọng họ qua biểu hiện họ là ai.
Thông điệp của anh Nick nhắm tới các thế hệ VN cần phải sống một cách nghị lực, có đạo đức, biết quan tâm và luôn san sẻ. Anh Nick kêu gọi những người trẻ không uống bia rượu khi hiện tại VN nằm trong danh sách các quốc gia tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới. Anh Nick cũng muốn người VN không hút thuốc giống như anh. Và anh Nick đến từ một quốc gia có nền văn hóa cởi mở lại khuyên các bạn trẻ nên giữ gìn trước hôn nhân trong khi quan điểm truyền thống không nên “ăn cơm trước kẻng” bị cho là cổ hủ, lỗi thời trong xã hội ngày nay. Có rất nhiều người quan tâm theo dõi diễn biến từng ngày trong các hoạt động của anh Nick ở VN. Và cũng có rất nhiều người nhận được sự khích lệ qua các buổi chia sẻ của anh Nick. Một thanh niên ở tận huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nói với đài ACTD sau khi xem qua hệ thống truyền hình:
Người ta không có tay có chân mà người ta còn như vậy thì mình cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dạy mình cách sống, bản lĩnh sống.
-Một bạn ở An Giang
“Cũng khích lệ, phải phấn đấu như người ta. Người ta không có tay có chân mà người ta còn như vậy thì mình cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dạy mình cách sống, bản lĩnh sống. Có thể hiện tại bây giờ mình thấy chưa bằng ông Nick nhưng ông Nick là điểm tựa để cho mình phấn đấu và sống lạc quan”.
Vận động viên cầu lông khuyết tật Trương Ngọc Bình thuộc đội tuyển Quốc gia Việt Nam chia sẻ:
“Dạ mình thấy khâm phục lắm vì mình cũng cùng hoàn cảnh như anh đó, nhưng mà mình vẫn hơn anh ấy là mình có đôi tay, có đôi chân dù khuyết tật nhưng vẫn đỡ hơn anh ấy. Mình khâm phục nhiều lắm, cho mình suy nghĩ để vực dậy cuộc sống của mình đi xa hơn. Theo em nghĩ thì gương của anh Nick thì không riêng gì cho người khuyết tật mà cho cả giới trẻ hiện giờ của cả thế giới. Thanh niên, thiếu niên có thể nhìn vào tấm gương đó mà sống tốt hơn, để tiến bộ hơn”.

Tranh luận trái chiều


000_Par7566387-250.jpg
Nick Vujicic diễn thuyết trước 20.000 người tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2013.AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Bên cạnh hiệu quả tích cực thì sự kiện anh Nick đến VN cũng làm dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Có nhiều người nói là giá trị tinh thần mà anh Nick mang đến là vô giá. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng số tiền 36 tỷ đồng dành để tổ chức sự kiện mời những người khuyết tật thực tế trong đời sống xã hội hiện tại chia sẻ với cộng đồng và có những chương trình hỗ trợ, giúp đỡ cho khoảng 15% dân số khuyết tật tại VN thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ca sĩ Mỹ Linh, người trực tiếp tham dự trong một buổi nói chuyện của anh Nick nhận xét rằng “Anh Nick có thể cười, có thể duyên dáng như vậy, bởi anh có một đời sống tốt. Nếu anh cũng phải mưu sinh, vất vả như người khuyết tật ở VN, thì mọi chuyện đã khác”. Một bạn trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật nói lên ý kiến của mình:
“Một diễn giả không riêng gì anh Nick mà bất cứ người nào đến VN để chia sẻ cho những người khó khăn để đất nước phát triển thì đó là 1 điều tốt và phải nhìn nhận là mình luôn luôn tự hào chào đón những người đó đến chia sẻ. Nhưng mình nghĩ rằng trước khi anh Nick đến thì tại sao những người có kinh tế, có điều kiện ở VN không tạo một điều kiện nhỏ cho những người khuyết tật trong đất nước của VN mình chia sẻ hoặc nói lên những nguyện vọng trước.Tại sao mình không lắng nghe những người thực tế mà mình nhìn thấy? Tại sao chúng ta không nhìn thấy hình ảnh những người đang cống hiến, mồ hôi của những khuyết tật thực tế?Mình nghĩ rằng bao nhiêu người chia sẻ được, làm được như anh Nick khi mà điều kiện ở VN và điều kiện ở Úc-những điều kiện đó quá xa vời, thì đâu là thực tế và đâu là không thực tế?”
Trong khi nhiều bạn trẻ kiên nhẫn đứng chờ để được gặp anh Nick ở sân bay thì cũng có rất nhiều bạn trẻ khác quá nản lòng khi kêu gọi cộng đồng hãy chung tay hỗ trợ cho những mảnh đời khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Họ tự hỏi không biết đến bao giờ VN sẽ có nhà vệ sinh công cộng dành cho người khuyết tật, sẽ có xe buýt dành cho những người đi xe lăn như ở xứ sở Úc, nơi quê hương anh Nick?
Một diễn giả không riêng gì anh Nick mà bất cứ người nào đến VN để chia sẻ cho những người khó khăn để đất nước phát triển thì đó là 1 điều tốt.
-Một bạn trẻ
Vận động viên cầu lông khuyết tật Trương Ngọc Bình, người đoạt nhiều huy chương quốc tế, cho biết phải nổ lực rất nhiều để theo đuổi niềm đam mê của mình. Dù trong đội tuyển Quốc gia nhưng anh Bình không được hưởng chế độ chính quy, chỉ mang tính phong trào. Các vận động viên khuyết tật này chỉ nhận được 1 tháng lương khoảng gần 3 triệu đồng trong thời gian tập huấn trước khi thi đấu các giải Đông Nam Á và Châu Á mà thôi. Chia sẻ với Hòa Ái trong trường hợp được giao lưu như anh Nick, anh Bình sẽ nói:
“Nói thật sự thì mức tiền thưởng cho vận động viên (khuyết tật) VN thì không đủ vô đâu hết mà mình cũng mong rằng cái mức sẽ cao hơn. Theo em nếu được có thêm chế độ bây giờ, không riêng gì em mà còn những bạn trong những bộ môn khác thì em nghĩ nên có 1 chế độ ưu đãi để duy trì các giải mang tính chất thể thao chuyên nghiệp, chứ như bây giờ thì tan rã nhiều lắm. Có nhiều bạn cũng đam mê nhưng điều kiện kinh tế không đủ thì cũng phải bỏ thôi”.
Vợ chồng khuyết tật anh Cúng-chị Thơm, tấm gương vượt khó được Thanh Trúc đề cập đến trong 1 chương trình “Đời sống Người Việt khắp nơi” không biết gì về sự kiện anh Nick đến VN nhưng ước ao được mọi người lắng nghe và quan tâm.
“Em bây giờ yếu lắm rồi, đi bán vé số em đi không nỗi. Hai chân bị tê, yếu quá là yếu, đi bị run dữ lắm. Ước mơ làm sao cho vợ em có chiếc xe điện 3 bánh để vợ em tự đi bán, có điều kiện phương tiện được dễ dàng. Vợ em cũng lùn, 2 chân bị thấp khớp, đi nhiều bị nhức, sưng lên, đi không nỗi”.
Nick Vujicic đã chia tay VN và hứa hẹn ngày trở lại. Trong số những người trông chờ được gặp anh Nick lần nữa thì có lẽ cũng từng ấy số người khuyết tật ở VN mong đợi 1 cơ hội được sẻ chia.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?