Điểm Báo Pháp

Cuộc chiến khủng bố không có hồi kết

Alexandre Dhaussy, 22 tuổi, bị bắt giữ sau khi đâm một quân nhân Pháp (Document M6 / Reuters)
Alexandre Dhaussy, 22 tuổi, bị bắt giữ sau khi đâm một quân nhân Pháp (Document M6 / Reuters)

Lê Vy
Hôm nay, các báo Pháp đều quan tâm đến việc bắt được thủ phạm tấn công một quân nhân tại khu vực La Défense, ngoại ô Paris hôm thứ bảy 25/05/2013. Báo Le Monde có bài viết mang tựa : "Một nghi can Hồi giáo cực đoan bị bắt". Tờ báo thiên tả Libération đăng tựa trên trang nhất : "Khủng bố : Cuộc chiến không có hồi kết".


"Ở tuổi 22, anh ta muốn giết người nhân danh đấng Allah", đó chính là bài viết đăng trên báo thiên hữu Le Figaro. Báo Công giáo La Croix chạy tựa : "Thủ phạm tấn công quân nhân nhận tội".Các báo Pháp đưa tin : Alexandre Dhaussy, 22 tuổi, bị bắt vào hôm qua 29/05, tại vùng Yvelines, thừa nhận đã đâm một quân nhân tại La Défense.
Theo báo Le Monde, cảnh sát đã nhận diện anh ta nhờ vào vidéo giám sát và DNA tìm thấy trên tang vật mà anh đã vứt lại. Vụ tấn công đã xảy ra vào khoảng gần 18h ngày 25/05 tại ga tàu La Défense. Một quân nhân đã bị đâm từ phía sau lưng bằng dao. Sau đó, hung thủ đã nhanh chóng trốn thoát, đến nỗi hai quân nhân khác đi trước không phát hiện ra sau khi đồng nghiệp của mình bị tấn công. Vết thương không có gì nghiêm trọng và quân nhân đó đã xuất viện vào thứ hai vừa rồi.
Báo Le Monde cho biết là nghi can xuất thân từ thành phố Trappes, không nghề nghiệp và vốn bị cảnh sát chú ý bởi một số hành vi phạm pháp gây ra vài năm gần đây khi anh ta còn tuổi vị thành niên. Từ nhiều năm nay, anh ta tham gia vào một phong trào Hồi giáo. Tuy chỉ gây thương tích nhẹ trên quân nhân, nhưng trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ khủng bố gần đây thì tính nghiêm trọng của sự việc có ảnh hướng lớn trên các phương tiện truyền thông.
Xin nhắc lại một số vụ việc như vụ Mohammed Merah đã giết chết ba quân nhân và gây thương tích nặng một quân nhân. Gần đây nhất là vụ một quân nhân Anh bị sát hại. Các thủ phạm đều là người Hồi giáo. Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls lo ngại : « có vài chục, thậm chí là vài trăm Merah tiềm ẩn trong đất nước của chúng ta ». Ông cho biết trên kênh truyền hình i-Télé rằng « một số thanh niên đã có tiền án tiền sự về các vụ bạo động nhỏ » và « trở nên cực đoan » dưới ảnh hưởng của internet hay qua trung gian của các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan.
Báo Le Figaro thông tin chi tiết hơn. Trước khi gây án, thủ phạm đã cầu nguyện tại trung tâm thương mại Quatre-Temps ở La Défense. Bài báo cho biết thủ phạm hành động « đơn độc », không thuộc một tổ chức khủng bố nào.
Đối với thẩm phán thì hành vi cố sát của anh ta có vẻ rõ ràng, bởi anh đã cố tình đâm nhiều nhát. Hơn nữa, thủ phạm lại tấn công vào « một quân nhân-người đại diện cho nhà nước ». Hành vi của anh ta được gán vào loại Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, điều tra về nhân thân của anh, tờ báo còn cho biết anh ta « xuất thân trong một gia đình đàng hoàng ».
Báo Libération có cái nhìn rộng hơn, phân tích động cơ của hầu hết các vụ khủng bố gần đây của « các con sói đơn độc ». Tờ báo trích nhận định của Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls : « cuộc chiến chống khủng bố diễn ra ngay trong nhà tù, tại trường học và nhất là trên mạng. Ông khuyến cáo cần phải phát hiện sớm nhất các dấu hiệu cực đoan : theo dõi trên mạng phải là ưu tiên của chúng ta ».

Trung Quốc : hậu trường của cuộc nổi dậy Thiên An Môn

Liên quan đến thời sự tại Trung Quốc, báo Le Monde trong mục địa chính trị có bài viết : « Bào Phát : hậu trường Thiên An Môn ». Tờ báo cho biết ông Bào Phát, sống tại Hồng Kông, chuyên xuất bản hồi ký của các quan chức cấp cao cộng sản Trung Quốc. Trong số đó có nhân vật Triệu Tử Dương, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị cách chức vì chống lại việc đàn áp cuộc nổi dậy tại Thiên An Môn năm 1989.
Bào Phát là người sáng lập ra nhà xuất bản New Century Press tại Hồng Kông. Từ năm 2005, anh chuyên xuất bản các hồi ký của các quan chức cao cấp cộng sản Trung Quốc, cũng như các phân tích và công trình nghiên cứu lịch sử bị cấm phát hành tại Hoa Lục. Hiện nay, 50% doanh thu của ông tại Hồng Kông là từ sách bán cho du khách Hoa Lục, một thành phần khát khao thông tin và tò mò tìm hiểu về quá khứ đã qua.
New Century Press của anh đã cho xuất bản năm 2010 chân dung châm chọc chua chát cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hay như năm 2012, “Những cuộc trò chuyện với Trần Hi Đồng” - thị trưởng Bắc Kinh, một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6/1989 đã được xuất bản.
Cho đến nay, tác phẩm xuất bản nổi tiếng nhất chính là hồi ký của cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, được ghi chép lại từ những cuộn băng ghi âm. Ông đã bị thanh trừng do phản đối vụ trấn áp cuộc biểu tình tại Thiên An Môn và chết trong hoàn cảnh bị quản thúc tại gia.
Bào Phát là con trai của ông Bào Đồng, cánh tay phải của Triệu Tử Dương trên cương vị là giám đốc bộ phận cải cách chính trị-người đã góp phần đưa Trung Quốc dần tiến theo con đường dân chủ hóa. Bị bắt năm 1989, vào năm 1992, ông Bào Đồng lãnh án 7 năm tù vì tội tuyên truyền phản cách mạng và làm lộ bí mật quốc gia. Sau khi được tự do, ông luôn bị chính quyền Trung Quốc theo dõi sát sao.
Sau khi du học tại Mỹ, Bào Phát đã sống tại Hồng Kông vào năm 2001 và anh nhận thấy rằng « có quá nhiều nguồn thông tin chưa được khai thác và chưa ai biết làm thế nào để khai thác chúng ». Bào Phát không lo bị Hoa Lục kiểm duyệt do anh xuất bản tại Hồng Kông, nhưng thỉnh thoảng Bắc Kinh cũng cố đe dọa anh.
Một cuốn sách khác đề cập đến các di sản mà ông Triệu Tử Dương và ông Bào Đồng để lại mang tựa : « Trên sân khấu và hậu trường, cải cách chính trị tại Trung Quốc trong những năm 1980 ». Cuốn sách cho độc giả biết một số cải cách tiến bộ thời kỳ ấy và ý định muốn ngăn cản đảng Cộng sản liên tục can thiệp vào các vụ việc của chính phủ. Bài báo đưa ra kết luận rằng cần vén mở các điều cấm kỵ và vượt qua mọi sự cấm đoán và ít nhất là đi du lịch sang Hồng Kông để mua những cuốn sách này.

Các nước châu Á tìm cách lấy lòng châu Phi

Sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tìm đến châu Phi để làm ăn. Ngoài việc tìm kiếm nguyên vật liệu, các quốc gia Á châu đặt cược trên sự tăng trưởng tiềm ẩn của châu lục đen. Đó là nội dung bài nhận định đăng trên báo Le Monde trong mục Địa-chính trị mang tựa : « Châu Phi : làn sóng châu Á khuếch trương ».
Bài báo cho biết Hội thảo lần thứ 5 về sự phát triển của châu Phi sẽ diễn ra từ ngày 01-03/06/2013 tại Yokohama. Với sự hiện diện của khoảng 40 lãnh đạo châu Phi, hội thảo lần này là dịp để Nhật Bản quảng bá các thế mạnh của mình trong một bối cảnh cạnh tranh gay go để tận dụng được lợi thế của châu Phi, nơi có mức tăng trưởng dự đoán đạt 5,6% năm 2013.
Với khẩu hiệu : « Tay trong tay cùng với một châu Phi năng động hơn », Nhật Bản đã đưa ra nhiều cam kết trong 5 năm tới. Cũng giống trước đây, Nhật tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình tại châu Phi và phát triển hoạt động hợp tác với châu lục.Ví dụ như Nhật thông báo sẽ chi 100 tỷ yên (754 triệu euro) nhằm giúp đỡ các tập đoàn muốn đầu tư khai thác nguyên liệu tại châu Phi.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng trên, Nhật cũng vấp phải một số trở ngại mà trước tiên là Trung Quốc, quốc gia chiếm một vị trí thống lĩnh tại châu Phi. Khoảng 1 triệu người Trung Quốc sống tại châu Phi. Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại số một của châu Phi. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường bang giao với châu Phi để phát triển các mối quan hệ ngoại thương, đặc biệt là sau các chuyến công du vừa qua của ông Tập Cận Bình.
Về trao đổi giữa Nhật Bản và châu Phi, hiện tại, có 32 đại sứ Nhật tại châu Phi, 8000 dân Nhật và 600 công ty tại châu lục này. Tháng 7/2011, Nhật Bản đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên từ sau Đệ nhị thế chiến tại Djibouti - một quốc gia phía Đông châu Phi. Trao đổi mậu dịch với châu Phi đạt vào khoảng 30 tỷ đô la vào cuối năm 2011, chiếm 2% thương mại Nhật Bản.
Để được châu Phi « sủng ái », chiến lược của Tokyo là củng cố hình ảnh tốt đẹp của Nhật Bản tại châu Phi. Đó chính là một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, có tôn ti trật tự và đặc biệt là tôn trọng các cam kết đã hứa. Nhắm không thể địch nổi với Trung Quốc tại châu Phi, Nhật Bản sử dụng chiêu bài hợp tác với láng giềng của mình là Hàn Quốc và Trung Quốc, vì các quốc gia này cùng có chung lợi ích như Hoa Kỳ và Anh đã từng hợp tác với nhau.

Mỹ : phát hiện vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử

Các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến đề tài Mỹ vừa phá vỡ một đường dây rửa tiền lớn. Báo thiên hữu Le Figaro đăng bài viết : « Mỹ : một vụ rửa tiền kếch xù bị đưa ra ánh sáng ». Báo kinh tế Les Echos có bài : « Tiền ảo là trọng tâm của vụ rửa tiền lớn ».
Ba tờ báo đều cho biết mạng chuyển tiền trực tuyến Liberty Reserve, đặt tại Costa Rica, bị cáo buộc là một ổ tội phạm trá hình trong vòng 7 năm đã giúp rửa hơn 6 tỉ USD từ trộm cắp đến tội phạm.
Hệ thống giao dịch bằng tiền ảo này hoạt động từ năm 2006 tại 17 nước, cung cấp một hệ thống ngân hàng lý tưởng cho bọn tội phạm, khi cho phép giao dịch ẩn danh và dễ dàng tiếp cận mạng lưới này. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cho đến khi bị đóng vào tuần trước thì mạng lưới này có khoảng 1 triệu người sử dụng, trong đó hơn 200.000 người tại Mỹ và xử lý hơn 55 triệu giao dịch bất hợp pháp.
Để phá vụ án này, cơ quan chức năng Mỹ đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của cảnh sát 17 quốc gia ở 5 châu lục. Báo Le Figaro đánh giá « đây là vụ rửa tiền quốc tế lớn nhất » mà Mỹ vừa phá.

Ấn Độ : chống lại nạn mafia vùng sông nước

Tại Ấn Độ, nạn khai thác cát trái phép của bọn mafia đang hoành hành và làm giàu cho thành phần này. Mỗi năm, gần 500 triệu tấn cát được khai thác từ sông ngòi và ven biển để cung cấp cho ngành xây dựng đang phát triển mạnh. Ngày 02/05, Tòa án Tối cao đã đề nghị chính phủ Ấn Độ cũng như chính quyền các bang đưa ra các biện pháp nhằm chặn đứng tình trạng khai thác trái phép cát, có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Nạn khai thác cát hủy hoại bờ sông và ngăn cản mạch nước ngầm tích nước. Khi mưa đến, người nông dân phải đối mặt với lũ lụt. Tại bờ biển, rừng tràm biến mất. Nhiều bang tại Ấn Độ đã thành lập những đội chống nạn khai thác cát trái phép, nhưng vẫn không đủ phương tiện để giám sát. Một số nhà điều tra bị ám sát. Họ thiếu sự ủng hộ của dân địa phương.
Bài báo trích nhận định của một luật sư : « Nạn khai thác trái phép này là do sự đồng lõa của các nhà công nghiệp, các quan chức cảnh sát và cả nhân viên nhà nước ». Ngành công nghiệp xây dựng chiếm 9% trong tổng thu nhập nội địa GDP của Ấn Độ.
Cuối cùng, tờ báo đặt câu hỏi: liệu sông ngòi tại Ấn Độ phải bị hủy diệt để cho trường học và các trung tâm thương mại mọc lên chăng ? Một số tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường khuyến cáo sử dụng một số vật liệu khác, như rác thải công nghiệp tái chế trong ngành xây dựng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?