Hội Nghị Quốc-Tế Genève 2 về Syrie
Nhữ Đình Hùng
Syrie: Cựu thủ lãnh đối-lập đề-nghị cấp một 'giấy di-chuyển' (sauf-conduit) cho Bachar Al-Assad
Cựu thủ lãnh của đối-lập, Moaz al-Khatib, đã lần đầu tiên đưa ra sáng-kiến cấp một 'giấy di-chuyển' cho Bachar al Assad và 500 nhân-viên thuộc chánh-quyền, để những người này rời khỏi nước Syrie, nếu như ông Bachar al-Assad chấp nhận rời bỏ chánh-quyền.
Trong một sáng-kiến được đưa ra trên Facebook, ông al-Khatib đưa đề nghị là hai mươi ngày ngày sau khi chấp-nhận việc chuyển quyền một cách hoà-bình, ông Bachar al-Assad sẽ bàn giao quyền-hành cho phó tổng-thống Farouq al-Chareh hay cho thủ tướng Waël al-Halaqi; đổi lại,ông Bachar al Assad sẽ được bảo-đảm có thể rời khỏi nước cùng với 500 người được ông ta lựa chọn, cùng với gia đình và con cái, đi đến bất kỳ nước nào chấp nhận đón tiếp họ! Sau khi bàn giao quyền hành, chánh-quyền hiện hữu sẽ tiếp tục nhiệm vụ trong thời hạn một trăm ngày, trong khi chờ đợi việc thành lập nội các chuyển tiếp, với sự bảo đảm quốc-tế, chuẩn bị nền tảng cho một nước Syrie mới.
Ông Al Khatif cho biết đã đưa ra đề nghị này nhằm tránh sự phá huỷ và làm tan vỡ nước Syrie trên mặt nhân đạo cũng như mặt xã hội. Ông cũng đề nghị LHQ cử một vị 'trung gian hoà giải quốc tế' để giám-sát việc chuyển quyền.
Sau việc xuất-hiện đề-nghị của ông Al-Khatif, phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc Gia Syrie (CNS), Khaled Saleh, cho biết đây chỉ là một sáng-kiến cá-nhân, sẽ được trình trong buổi họp của CNS và sẽ có thể được thảo luận. Cách nói của Khaled Saleh cho thấy điều này trên nguyên-tắc không được chấp-nhận!
*Các nước 'bạn của Syrie' ủng-hộ một hội-nghị quốc-tế về Syrie.
Các trưởng ngành ngoại-giao của các nước 'bạn của Syrie' trong ngày 23.05, qua một thông cáo chung sau cuộc gặp gỡ ở Jordanie, cho biết ủng-hộ việc mở một hội-nghị quốc-tế về Syrie và nhằm để bảo-đảm sự thành-công của hội-nghị trong việc đưa đến một giải-pháp chánh-trị cho cuộc khủng-hoảng Syrie, các tổng trưởng đồng thuận về việc tăng cường hợp-tác và phối-hợp dù là hỗ-tương hay với các đối-tác quốc-tế. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ việc mong muốn thấy các thoả-hiệp Genève về Syrie, được 'nhóm hành-động về Syriẽ chấp-thuận vào tháng sáu năm ngoái, được áp dụng, cũng như việc mong muốn Hd=ĐBA LHQ giữ một vai trò quyết định trong hội nghị này. Mười một nước bạn của Syrie là Anh, Arabie Saoudite, Ai Cập,Đức, Hoa Kỳ, Ý-đại-Lợi,Pháp, Jordanie, Qatar, Emirats ,Thổ Nhĩ Kỳ.
*Cũng trong lúc đó, vào ngày thứ năm 23.05, Liên hiệp quốc-gia đối-lập của Syrie (CNS) đã có một phiên-họp ở Istanbul, kéo dài ba ngày, để xem có nên tham-dự hội nghị quốc-tế về Syrie hay không (hội nghị Genève 2).
Công việc của CNS là lượng định tình hình trên diện địa và việc nhận thêm thành-viên vào liên-hiệp đối-lập để làm tăng thêm tính cách đại-biểu của CNS Những tin tức trên chiến-trường cho thấy quân chánh-phủ đang mở rộng vùng kiểm soát tại Qousseir trong vùng tây Syrie. Đây là một thành phố có tính cách chiến-lược trong việc kiểm soát vùng tây Syrie.
Mặc dù cuộc họp của CNS nói là để xét có nên tham dự hội nghị quốc tế về Syrie hay không, trên thực tế, CNS đã chịu nhiều áp lực của các 'nước bạn' để chấp nhận tham dự hội nghị này. Một thành viên của CNS, dấu tên, nói là 'chúng tôi cuối cùng sẽ đi dự hội-nghị Genève , nhưng đây vẫn là một mẩu 'haschich' mà cộng-đồng quốc-tế vẫn dùng với chúng tôi, họ cho chúng tôi cảm nghĩ là chung-cục đã gần kề nhưng thật ra mọi sự vẫn tiếp diễn!Trong khi đó, phát ngôn viên Khaled Saleh của CNS xác nhận lại đòi hỏi của đối-lập rằng "mọi thời kỳ chuyển-tiếp đều phải bắt đầu bằng việc ra đi của ông Bachar al Assad và các cột trụ của chế đổ.
Để trấn an CNS, các nước bạn của Syrie trong số có Hoa Kỳ đã cho biết " Bachar al Assad, chế độ của ông ta và những người thân cận, đã có bàn tay dính máu, sẽ không có một vai trò nào trong tương lai ở Syrie và hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ quân nổi dậy cho đến lúc ông Assad ra đi!
Thông tấn xã Sana của Syrie đã coi các tuyên bố này đã cắt đứt con đường đi tới hội nghị Genève 2 vì những nước này tự coi như là phát ngôn nhân của nhân dân Syrie, đã nói đến việc tăng cường hỗ trợ cho đối lập Syrie.
Trong ngày thứ năm 23.05, thông tán xả Sana cũng cho biết là tổng thống al-Assad đã tuyên-bố 'Syrie cương quyết đối phó với quân khủng bỗ và nỗ lực (tìm kiếm một giải pháp chánh-trị cho cuộc khủng-hoảng'. Trước đó,trong một phỏng vấn dành cho giới truyền thông Á Căn Đình, ông Assad đã từ chối việc rời bỏ chánh-quyền trước khi có bầu cử tổng thống năm 2014.
Tin tức chánh thức từ phiá Syrie vào ngày chủ nhật 26.05.2013 cho biết Syrie trên nguyên tắc sẽ tham dự hội nghị quốc tế Genève 2. Ngay sau khi có tin này, đã có những chuẩn bị ngoại-giao dồn dập, tại Paris và Bruxelles đã có những cuộc họp trong ngày thứ hai nhằm chuẩn bị cho cuộc họp quốc-tế Genève 2. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bày tỏ hi vọng có thể thúc đẩy dự án hội nghị quốc tế về Syrie ( Genève 2) trong cuộc họp chiều thứ hai với ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại-trưởng Nga Sergueï Lavrov. Ông Fabius cho biết về phiá Syrie,một số tên đã được đưa ra và hi vọng phe đối lập cũng làm được như thế.
Được biết, ngoại trưởng Walid Mouallem của Syrie đã tuyên-bố tại Irak việc Syrie trên nguyên tắc sẽ tham dự hội nghị quốc-tế về Syrie Genève 2, coi rằng hội nghị này, do sáng kiến của Hoa-Kỳ và Nga, mong muốn thấy chế-độ và đối-lập gặp nhau vào tháng sáu, sẽ là một cơ hội tốt để tìm ra một giải-pháp chánh-trị cho cuộc khủng hoảng Syrie.
Phe đối lập CNS đã không thành công trong việc vượt qua các chia rẽ trong nội bộ, đã không thành công trong việc kết nạp 22 thành viên đối lập mới. Theo phát ngôn viên Khaled Saleh, trong số này, chỉ có 8 thành viên được chấp nhận!
*Quân của chánh phủ Syrie đang có những thắng lợi trong việc mở rộng vùng kiểm soát với sự hỗ trợ của quân Hezbollah. Tỉnh Qousseir đã được quân chánh phủ Syrie và Hezbollah kiểm soát đến 80%. Thủ lãnh của tổ chức này, Hassan Nasrallah, nói rằng nhóm của ông phải can-thiệp vào Syrie vì nước này 'bảo vệ phiá sau của quân kháng chiến Hezbollah và không thể khoanh tay khi sự bảo vệ phiá sau bị đe dọa'. Goerge Sabra, xử lý thường vụ chức vụ chủ tịch CNS kêu gọi quân nổi dậy các nơi kéo về Qousseir nhưng cho đến nay, Qousseir coi như đặt dưới sự kiểm soát của quân chánh-phủ.
Như để làm áp lực với chính quyền Damas, nhật báo Le Monde của Pháp ngày 28.05 đã cho đăng một phóng sự của một ký giả và một nhiếp ảnh viên, hai người này đã sống ở Syrie suốt hai tháng qua, cho thấy lực lượng chánh phủ đã xử dụng vũ khí hoá học trong vùng Jobar, không xa trung-tâm Damas. Hai ký giả này cũng ghi nhận các hơi độc không được xử dụng nhiều để tránh việc tạo thành các bằng chứng không thể chối cãi. Trong ngày 22.05, phối-trí-viên đặc-biệt của LHQ về tiến-trình hoà-bình ở Trung Đông , Robert Serry, đã đề cập việc có những tin tức ngày càng nhiều về việc xử dụng vũ khí hoá học ở Syrie và đòi hỏi chánh quyền Syrie cho phép các chuyên viên của LHQ mở các cuộc điều tra ngay.
Được hỏi về việc xử dụng vũ khí hơi độc ở Syrie theo phóng sự của một nhật báo Pháp, Raphaël Pitti, một bác sĩ Pháp vừa từ Syrie trở về, cho biết " khi tôi xem vidéo của Le Monde, tôi khó có thể coi đây là một chất độc cho hệ thần kinh (neurotoxique)...Người ta không có các triệu-chứng,cùng lắm, đó là hơi cay tương ứng với các vấn đề nhãn khoa được mô tả nhưng nhất định không phải hơi sarin.Ông Pitti là một cựu quân nhân và là trưởng phòng hồi lực (sevice réanimation) một bịnh-viện ở Nancy (theo tin lalibre.be)
Trước đây, đã có những tin tức nói tới việc quân nổi dậy dùng vũ khí hoá học.Người ta được biết sau khi chế độ Kadhafi bị sụp đổ,kho vũ khí hoá học của nước này đã bị biến mất!
Một viên chức cao cấp Pháp, dấu tên,vào sáng ngày thứ ba 28.05, nói rằng Pháp sẽ cho phân tích các bằng chứng do các ký giả báo Le Monde đem đến nhưng cũng nói thêm là Pháp, cũng như Anh và Hoa Kỳ, đã cho phân tích các mẫu do chính mình thu thập, cho thấy "có những chỉ dấu nhưng không phải là những bằng chứng rõ ràng về việc xử dụng vũ khí hơi độc ở Syrie"
*Ngày 27.05, ngoại trưởng Anh, William Hague,trước cuộc họp các tổng trưởng ở Bruxelles, cho biết mỗi nước trong khối Liên Âu có thể áp dụng chánh sách của riêng mình vì không có được một vị thế chung trong vấn đề phong tỏa vũ khí. ' Điều quan trọng là chúng ta phải sẵn sàng sửa lại việc cấm vận của chúng ta để nói một cách rõ ràng cho chế độ Assad là chế độ này phải thương thuyết'. Ngoại trừ Pháp và Anh, các nước khác xem chừng lạnh nhạt với ý định này vì e rằng võ khí có thể rơi vào tay những người hồi-giáo cực-đoan và tạo thêm bất ổn trong vùng.Nhưng trong phiên họp chiều thứ hai 27.05 của các tổng trưởng ngoại giao tại Bruxelles, Liên Âu đã quyết định bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với quân nổi dậy ở Syrie, mặt khác, tiếp tục duy trì việc trừng phạt đối với chế độ Damas đã có từ hai năm qua, theo như tuyên bố của ngoại trưởng Anh William Hague.. Một viên chức hữu trách Pháp dấu tên nói rằng quyết định bãi bỏ cấm vận này có tính cách lý thuyết, không có quyết định giao vũ khí trước đầu tháng tám. Theo ngoại trưởng Anh, nước này không dự định gởi võ khí ngay lập tức cho quân nổi dậy.Việc bãi bỏ cấm vận vũ khí ' cho chúng tôi việc có thể làm khi tình hình suy thoái' Được biết cuộc họp của các tổng trưởng ngoại giao đã kéo dài mười hai tiếng, dài hơn là thời gian dự liệu vì có những 'thảo luận gay go' giữa các tổng trưởng, trong số đó Áo và Tiệp đã mạnh mẽ chống đối việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với quân nổi dậy.
Bà Catherine Ashton, ngoại trưởng Liên Âu, đã nhấn mạnh việc Cung cấp vũ khí là để bảo vệ các thường dân và phải chịu nhiều kiểm soát nhằm tránh việc các vũ khí này rơi vào tay những nhóm cực đoan và Liên Âu sẽ xét lại vị thế của mình trước ngày 01.08, sau khi có kết quả của hội nghị quốc tế về Syrie Genève 2. Vẫn theo bà Ashton,các trừng phạt với chế độ Damas được gia hạn thêm 12 tháng nữa!
Ngay sau khi có quyết định về việc bãi bỏ việc phong toả vũ khí đối với quân nổi dậy, phe này đã bày tỏ sự không vừa lòng, coi quyết định này là điều quá muộn. Phát ngôn viên của phe đối lập CNS cho rằng "một cách rõ ràng, đây là một bước tích-cực nhưng chúng tôi e rằng điều này không đủ...". Về phiá quân-đội Syrie tự-do (ASL), phát ngôn viên của bộ chỉ huy quân sự tối cao nói rằng "người ta hi vọng rằng đây là một quyết định thực sự chớ không phải là lời nói xuông...Chúng tôi cần vũ khí để bảo vệ thường dân,nhân dân Syrie. Vũ khí là một yếu tố nhưng chúng tôi cũng mong muốn Liên Âu có một vị thế nghiêm chỉnh hơn,một vị thế vững chắc hơn".
* Sau cuộc họp ở Bruxelles, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã có bữa ăn tối với ngoại trưởng Nga Lavrov và ngoại trưởng Mỹ John Kerry mà 'món ăn duy nhất' là hội nghị quốc tế về Syrie Genève 2. Tuy là 'món ăn duy nhất' nhưng lại có những "vật-liệu" khác nhau và mỗi bên lại muốn có những thêm bớt khác nhau. Về phiá Pháp, ngoại-trưởng Pháp muốn đi vào 'cụ thể' việc chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về Syrie Genève 2 vào tháng sáu
dù rằng việc này vẫn còn có vẻ chưa chắc. Nga và Mỹ là những nước đã đưa ra sáng kiến về hội nghị này. Việc chế độ Damas tham dự hội nghị không còn là vấn đề, phiá chánh quyền của ông Bachar al Assad đã chấp nhận trên nguyên tắc tham dự hội nghị và đã đưa ra một danh sách năm người -đa số là cột trụ của chế độ - để đại diện cho chánh quyền Damas. Nhưng cũng cần sự chấp nhận của phe đối lập, trong lúc này, phe đối lập có nhiều chia rẽ, chưa biết có tham dự hội nghị hay không.Nếu Nga đòi có sự tham dự của Iran, Pháp không muốn có sự tham dự của Iran vào hội nghị Genève 2, coi Téhéran là nước giữ vai trò tạo bất ổn trong vùng, nhất là khi Hezbollah, được coi là cánh tay nối dài của Iran ở Liban, tham chiến cạnh chế độ Damas. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mooncho coi việc tham dự của Iran là điều thuận lợi. Về phía Iran, thứi trưởng Iran, Fayssal al-Mikdad, cho biết vào ngày 27.05 là một hội nghị 'quốc-tế' nhằm tìm một giải pháp cho Syrie được tổ chức tại Iran vào ngày 29.05. "Những điều chúng tôi sẽ làm ở Téhéran và những phe quốc-tế sẽ làm ở Genève 2 là làm cách nào để các điều kiện được tập hợp để cho người Syrie có thể quyết định tương lai đất nước mình". Được biết có hơn 40 nước sẽ tham dự hội nghị ở Téhéran và cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan.
Một "chất liệu" khác được đưa ra bàn là vấn đề xử dụng hơi độc ở Syrie nhưng Paris tránh việc đặt thành một 'giới tuyến đỏ' tuy nói rằng việc xử dụng những vũ khí này ngày càng rõ rệt.
Nếu như hội nghị Genève 2 được coi là do sáng kiến của Nga và Mỹ, nước Pháp cũng muốn coi là cha đẻ của hội nghị này, căn cứ vào cuộc gặp gỡ giữa hai vị tổng thống Pháp François Hollande và tổng thống Nga Vladimir Poutine, đôi bên đã gợi ý việc này Nhưng, vai trò quan trọng của Nga không thể chối cãi vì chỉ có Nga là có thể ảnh hưởng đến Damas. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov nói rằng " Đây không phải là một việc dễ dàng. Đây là thách-đố lớn, nhưng tôi hi vọng rằng khi Hoa Kỳ và Liên Bang Nga dành lấy sáng kiến này, có những cơ may để thành công".
Trong ngày thứ ba 28.04, Nga đã phản đối việc bãi bỏ việc phong toả vũ khí đối với quân nổi dậy, coi đây là việc đổ dầu vào lửa vào lúc người ta tìm cách tổ chức một hội nghị hoà bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov nói đây là một quyết định khá nghịch lý bởi vì việc Cung cấp vũ khí cho các thực-thể (entités) không phải là NHà Nước bị công pháp quốc tế cấm chỉ Đó là một quyết định không chánh-đáng trên nguyên tắc!
Trong ngày thứ ba 28.05, trong một cuộc họp báo, thứ trưởng ngoại giao Nga, Sergueï Riabkov nói rằng quyết định của Liên Âu đem đến nhựng tổn hại trực tiếp cho viễn ảnh một cuộc họp hội nghị quốc-tế..Ông cũng chỉ trích việc phe đối lập Syrie không có khả năng chỉ định một đại diện có tính cách chánh đáng cần thiết như là một trở ngại chính cho cuộc hội nghị. Ông này cũng đề cập đến việc giao cho Syrie các hoả tiễn địa không S-300 sẽ giúp ổn-định' tình hình của nước này và những biện pháp như thế sẽ can gián phần lớn một số ý tưởng nôn nóng nghĩ đến việc cuộc tranh chấp trở thành quốc tế với sự tham dự của các lực lượng ngoại quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Do Thái Moshé Yaalon cho biết "nếu chẳng may mà các S-300 đến Syrie,chúng tôi biết phải làm gì"!
*Những suy nghĩ về cuộc chiến ở Syrie
Quân đội Syrie xem chừng đang thắng trong một trận đánh địa phương quan trọng, khi đang dành được quyền kiểm soát thành phố Qousseir, một thành lũy chánh của quân nổi dậy, con đường chính tiếp liệu cuả quân nổi dậy trong vùng Trung tâm Syrie. Không những thế,, quân đội Syrie cũng đã lấy lại quyền kiểm soát hàng chục địa điểm trong những tuần qua.
Trong ngày thứ tư 29.05,lực lượng vệ binh cộng hoà và quân Hezbollah đã gởi tăng viện đến Qousseir nhằm dứt gọn cứ điểm cuối cùng của quân nôi dậy nhưng quân nổi dậy đã kháng cự mạnh mẽ. Cho đến nay, quân chính quyền Damas đã kiểm soát 80% tỉnh này; việc chiếm đóng hoàn toàn Qousseir tạo thành một lợi thế cho chê độ Damas trước khi có hội nghị quốc tế về Syrie Genève 2.
Qousseir là một thành phố có 30.000 dân, nằm cận biên giới Liban, vùng hoạt động của phong trào hồi giáo 'chiite' Hezbollah. Nếu chánh quyền Damas kiểm soát được vùng này, việc tiếp tế vũ khí cho quân nổi dậy qua ngõ biên giới Liban sẽ bị cắt đứt! Theo Abdel Rahmane thuộc viện quan sát nhân quyền Syrie (OSDH), bên cạnh quân nổi dậy có các chiến đấu quân sunnite người Liban.
Một khi đã giải quyết xong Qousseir, quân chánh phủ Syrie có thể dồn nỗ lực vào việc tái chiếm Homs, thành phố có hơn 80.000 người theo thiên-chúa-giáo đã phải chạy trốn vì chiến-tranh, hay có nỗ lực tái chiém Alep, nơi bị quân nổi dậy chiếm một nửa.
Nếu như quân chánh phủ có một số thắng lợi, một phần nào là do sự chia rẽ nội bộ của phe nổi dậy. CNS nhân danh nhân dân Syrie để thảo luận nhưng không có quyền hành thực sự trên diện địa. Quân đội Syrie tự do (ASL) có kiểm soát trên diện địa lại không có sự thống nhất chỉ huy, mỗi binh đoàn có bộ tư lệnh của mình và có những binh đoàn lệ thuộc Al Qaïda. Điều này giải thích vì sao sau gần hai năm rưỡi quân nổi dậy vẫn chưa lật nổi chế độ Damas! Ủy ban nhân quyền LHQ đòi quân Hezbollah phải triệt thoái, nhưng bên cạnh quân nổi dậy Syrie cũng có sự hiện diện của người ngoại quốc như chí nguyện quân theo hồi giáo sunnite như Maroc, Tunisie, Liban. Theo tin của libnanews.(http://libnanews.com/2013/05/29/la-guerre-contre-la-syrie-de-la-deroute-imminente-des-forces-arabo-occidentales-a-la-conference-de-geneve-ii/), quân chánh phủ Damas đã bắt giữ được các sĩ quan gốc Âu Châu trong lực lượng quân nổi dậy và cả sĩ quan người Qatar. Hãy còn quá sớm để nói quân chánh phủ đã chiến thắng, trước mắt, họ đang chiếm ưu thế để tham dự hội nghị quốc tế Genève 2, trong khi đó, viễn tượng phân chia nước Syrie không phải là điều không thể xảy ra! Bởi vì cuộc khủng hoảng ở Syrie đã thay đổi bộ mặt, nó không còn là sự tiếp nối của cuộc nổi dậy mùa xuân ả rập, nghĩa là sự tranh đấu của nhân dân để lật đổ một chế độ độc tài nhưng là một cuộc chiến có tính cách chiến lược nhằm làm mất ảnh hưởng của khối hồi giáo chiite (Liban, Syrie, Iran, nam Irak) và vạch lại khu vực ảnh hưởng trong vùng.
Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/ 29.05.2013
Nhận xét
Đăng nhận xét