Họ bỏ tù “chị Thắng” như thế nào?
Cánh Cò 2013-05-22
Trang mạng Lanhdao.net ghi lại: “40 năm trước, có một tấm ảnh do phóng viên người Nhật chụp đã ghi lại nụ cười lịch sử - “nụ cười chiến thắng” của một người con gái đất Long An. "Nụ cười chiến thắng" đó đã trở thành một trong những biểu tượng cho cả thế hệ anh hùng của miền Nam "thành đồng tổ quốc" trong thời chống Mỹ cứu nước.”
Tại sao chị Thắng lại cười? thì đây, nguyên nhân: “Ngày 2-8-1968, trước Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe kết án, chị Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”
Bốn mươi năm, câu chuyện của chị Thắng tưởng chừng như cả tỉnh Long An, nơi thơm lây cái danh tiếng của chị đã bị người dân dần quên bẵng đi, nào ngờ lịch sử lập lại. Lần này thì hình ảnh không phải là chị Thắng nữa mà là em Phương Uyên, một thiếu nữ vừa tròn 21 tuổi, xấp xỉ tuổi của chị Thắng, cũng ra trước tòa, cũng hiên ngang tuyên bố trước tòa như chị năm xưa.
Tấm ảnh do phóng viên Nhật chụp được trước tòa đã mang tên chị Thắng ra toàn thế giới. Tấm ảnh em Uyên thậm chí đẹp hơn, thánh thiện hơn trong màu áo học trò cũng nhanh chóng tràn ra trên các kênh thông tin toàn thế giới.
Tấm ảnh của em Uyên đăng lần đầu tiên trên trang Dân Việt Online và ngay lập tức...nổi tiếng hơn cả tấm ảnh chị Thắng ngày xưa.
Ảnh của Chị Thắng có hai quân cảnh của chế độ Sài Gòn phía sau, ảnh của Phương Uyên có vài chục công an phía sau.
Ảnh chị Thắng cười lớn, tràn đầy sinh lực. Ảnh Phương Uyên cười nhẹ nhàng, mắt mở lớn sau đôi kính cận. Nụ cười em long lanh hơn bởi chiếc áo trắng có huy hiệu của nhà trường trên ngực. Cái huy hiệu đã làm em khác chị Thắng tuy cả hai đều cùng bị bắt và xử án như nhau.
Chị Thắng dày dạn, phong trần vì bỏ học và được hàng trăm đồng chí trong bưng ngoài thành che chở, động viên, vì vậy nụ cười của chị thoang thoảng mùi thuốc súng. Súng của chị dùng trong trận chiến dẫn đến việc chị bị bắt, bị tra tấn, tù đày.
Em Uyên đang đi học. Và em không có súng.
Em có một tấm vải viết bằng máu của mình: “Tàu khựa cút khỏi biển Đông”.
Và em cũng viết: “Đảng Cộng sản chết đi”.
Không chất nổ, không súng ống nhưng hai cái câu nhẹ nhàng ấy lại làm cho chế độ khủng hoảng. Cả một guồng máy lo đối phó với em, cô bé 21 tuổi.
Trước đó hơn 40 năm chế độ cũ có thể cũng sợ hãi nhưng mức độ không nghiêm trọng như bây giờ. Tại sao vậy?
Vì chị Thắng hy sinh cho chính phủ miền Bắc chống lại miền Nam, phân nửa dân số miền Nam không tin vào sự hy sinh của chị Thắng.
Tội của em Phương Uyên là gì? Đây, công tố viên nói rõ ràng: “nói những điều không hay về Trung Quốc”.
Em Uyên chống Tàu nên không có lá phiếu nào của người Việt chống lại em.
Chế độ hôm nay rúng động trước nụ cười em Uyên và vì cả nước lắng nghe em nói. Nhẹ và êm ái, không cường điệu, không khét mùi tuyên huấn. Em nói như các bạn em bên ngoài, ao ước được nói.
Như tất cả những người biều tình chống Trung Quốc ao ước được nói.
Hơn 40 năm trước chị Thắng tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?” Lời tuyên bố này đã trở thành sự thật khi chỉ 7 năm sau phiên tòa, chị Thắng đã tự do, hơn nữa còn nổi tiếng!
Uyên không nói tới 20 năm và chờ đến 7 năm như chị Thắng. Em khẳng định ngay tại tòa án, lúc thẩm phán đang mài miệt nghe điện thoại chỉ đạo từ Bộ chính trị:
"Ông Hồ Chí Minh nói một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Ngay sau khi em nói, 32 tàu Trung Quốc có mặt tại Trường Sa. Ngay sau khi em nói, một phong trào thanh niên nhớ ơn Bác sẵn sàng quên tổ tiên đã đổ máu xương ra cho Hoàng Sa, Trường Sa mà bây giờ không đứa nào còn nhớ.
Ngay trên đất Long An, quê hương chị Thắng, Phương Uyên điềm đạm, nhỏ nhẹ: “Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ kể lại chuyến thăm chị Võ Thị Thắng sau khi chị tự do có đoạn như sau:
“Buổi đầu gặp chị Võ Thị Thắng, tôi và Văn Lê cứ bàng hoàng mãi về một chi tiết: chị chưa hề nhìn thấy bức ảnh chụp năm 1968 với nụ cười tuổi 20 bất tử của chị (và cũng là của cả một thế hệ trẻ Việt Nam) trước sự hung bạo của giặc…” để từ cảm xúc này nhà thơ có mấy câu thật hay:
Những năm tháng trong lao, Thắng đâu biết
mọi người đều rất tỏ hình em
Tôi tặng em tấm hình với nụ cười đã bay quanh trái đất
Mặt Thắng hồng lên và rưng rưng nước mắt
Em chưa lần ngắm lại nụ cười em!”
Em Phương Uyên cũng vậy. Nào em có biết tấm ảnh đẹp của em đang lưu hành trên khắp thế giới. Em đang ngồi trong tù, không ai mang cho em xem bức ảnh tuyệt vời được chụp từ một nhà báo tại phiên tòa. Anh ta chụp đúng giây phút tuyệt vời nhất bằng cái bấm máy rung động nhiệt tình trước một biểu tượng chứ không phải là một tội nhân. Có tội nhân nào lại tỏa sáng như thế. Sức mạnh nội thân của em đã làm cho cả phiên tòa co rúm, méo mó và thảm hại.
40 năm trước bức hình chị Thắng làm nở mặt những người cầm súng. 40 năm sau tấm ảnh em Uyên làm dơ mặt cũng chính những người ấy. Chị Thắng hy sinh cho Bộ chính trị hôm nay, một dúm người vai vế lớn lên và phát rồ từ những giọt máu đồng chí đồng bào mình.
Cũng chính nhóm người ấy gián tiếp bỏ tù Chị Thắng 40 năm sau khi chà đạp một cô gái mang hình ảnh của chị. Không biết chị Thắng có buồn không khi chính mình bị bỏ tù một lần nữa?
Quan trọng hơn: sự kiên gan của chị đã bị chính đồng chí của mình kết án khi họ có cơ hội đóng vai quan tòa của 40 năm về trước.
Thương cho em Uyên không lẽ lại không có chút ám ảnh nào về sự hy sinh của chị Thắng khi lịch sử lập lại chính xác đến từng centimet?
Nhận xét
Đăng nhận xét