Đọc báo Pháp

Châu Á : Trung tâm xuất khẩu vũ khí trong tương lai ?

Trang bị vũ khí hiện đại là một chiến lược quân sự của các nước Đông Nam Á hiện nay.
Trang bị vũ khí hiện đại là một chiến lược quân sự của các nước Đông Nam Á hiện nay.
REUTERS/Cheryl Ravelo

Mai Vân
Thương mại vũ khí gia tăng mạnh trên thế giới, theo số liệu vừa công bố của IHS, cơ quan có uy tín trên vấn đế này. Chủ đề được báo Les Echos theo dõi dưới hàng tựa : Thương mại vũ khí gần đến ngưỡng 100 tỷ đô la. Điều được tờ báo Pháp chú ý là với đà hiện nay, trong tương lai, châu Á sẽ chuyển dịch từ một khu vực đi mua thành một trung tâm xuất khẩu vũ khí.


Bài báo của Les Echos nhận định rất hóm hỉnh : "Ai bảo là có khủng hoảng ? Nếu xét thị trường vũ khí và các dịch vụ đi kèm theo, thì có lẽ không hề thấy khủng hoảng vì số thương vụ đã bùng nổ từ năm 2008".
Nhìn chung công việc buôn bán đã gia tăng 30% để đạt 73,5 tỷ đô la năm 2012 ; trước đó 4 năm thì chỉ doanh số chỉ ở mức 56,5 tỷ. Theo các nhà phân tích của IHS, các trao đổi sẽ tăng gấp đôi từ đây đến 2020, và ngay từ năm 2018, sẽ vượt qua ngưỡng 100 tỷ đô la.
Les Echos cho là số liệu trên có phần gây ngạc nhiên. Lý do là với luật cắt giảm chi tiêu quốc phòng được gọi là ‘Sequestration Act’ tại Mỹ, có khả năng bộ Quốc phòng Mỹ bị mất 500 tỷ đô la ngân sách, và với việc châu Âu cũng cắt giảm chi tiêu quốc phòng, thì suy nghĩ chung là chi tiêu của các nước đang vươn lên sẽ chỉ bù đắp được phần nào, nhưng không nhiều, cho phần giảm của phương Tây.
Nói cách khác ngành công nghiệp quân sự thế giới sẽ bị đình đốn và nếu có tăng thì cũng chi là một cách yếu ớt. Nhưng số liệu của IHS cho thấy ngược lại, và các chuyên gia của họ dự kiến là thế giới vẫn tiếp tục trang bị vũ khí, ngân sách tiếp tục tăng : 9,3% từ đây đến 2021, lên mức 1,65 ngàn tỷ đô la. Les Echos trích dẫn IHS cho là có 2 yếu tố đáng chú ý : Chi phí quân sự đang xoay về phía Đông và cạnh tranh gia tăng.
Và nếu tình hình diễn ra đúng theo dự đoán, thì châu Âu và Hoa Kỳ sẽ càng lúc càng yếu thế vì dần dần với việc nhập trang thiết bị quân sự, các nước đang vươn lên cũng tăng sức mạnh, khả năng công nghiệp của họ qua việc chuyển giao công nghệ học. Ví dụ rõ nhất là trường hợp Ấn Độ, khi thương lượng mua chiến đấu cơ Rafale của Dassault (Pháp), thì cũng đòi khả năng chế tạo một phần lớn máy bay tại nước họ.
Như thế, các nước nhập khẩu hôm nay sẽ dần dần có trọng lượng hơn, chiếm vị trí quan trọng hơn trong danh sách các quốc gia xuất khẩu, Châu Âu và ngay cả Hoa Kỳ sẽ không giữ đươc chỗ đứng hiện tại. Xu hướng này hiện đã lộ rõ, như trường hợp Hàn Quốc, đã nằm trong danh sách 20 nước xuất khẩu hàng đầu. Trung Quốc cũng đang rất ‘hung hăng’.
Trong bối cảnh đó, các nưóc phương Tây bắt buộc phải xuất khẩu nhiều hơn nếu không muốn công nghiêp họ bị nhận chìm. Có điều là các nước này bị vướng vào việc phải chuyển giao công nghệ cho khách hàng của mình. Chuyên gia của IHS, Guy Anderon dự báo : « Cứ cho châu Á và Trung Đông một thập niên nữa, thì họ sẽ bán ra trang thiết bị tầm cỡ thế giới ».

Chuyển quyền êm thắm tại vùng Vịnh

Tựa đề trang đầu báo Pháp hôm nay khá tản mạn. Tuy tập trung trên thời sự Pháp, nhưng lại đi từ kinh tế - với thâm thủng ngân sách như trên báo Les Echos – qua ngân sách – mà Tổng thống Pháp quyết định rót thêm 1 tỷ euro cho công việc làm, tựa Le Monde – cho đến văn hóa : La Croix giới thiệu « Mùa hè tươi đẹp của các Liên hoan ».
Về thời sự quốc tế, nhân vật được báo giới Pháp chú ý nhất hôm nay là tân lãnh đạo trẻ xưa Qatar, Tamim Ben Hamad Al – Thani, 33 tuổi, mà Le Monde đăng ảnh ngay trang nhất dưới dòng tựa : « Chuyển tiếp êm thấm ở thượng tầng Nhà nước Qatar ».
Le Monde tóm lược nhận định chung với nhận xét : Trong một cử chỉ chưa từng thấy, quốc vương Al - Thani đã nhường quyền lại cho con trai, nổi tiếng là một người thích canh tân. Điều mà Le Monde cũng như các đồng nghiệp ghi nhận và khen ngợi là quyết định của quôc vương, tự nguyện rời bỏ quyền hành, điều chưa từng thấy ở các vương quốc Ả Rập.
Ông cho là đã « đến lúc phải sang trang và trao quyền cho thế hệ mới ». Đối với Le Monde, các lãnh đạo già nua còn bám ngôi ở Vùng Vịnh nên noi theo việc chuyển quyền êm thắm này, vì nó cho thấy là họ đã lạc hậu.

Pháp trải ‘thảm đỏ’ cho doanh nhân Trung Quốc

Dưới tựa đề « Hollande mở rộng cánh tay cho các nhà đầu tư Trung Quốc », báo Les Echos trở lại cuộc đón tiếp các doanh nhân Trung Quốc ở Điện Elysée vào hôm qua. Tờ báo ghi nhận đây là một « hình ảnh rất hiếm, có thể tóm lược trong một từ ngữ : ‘trải thảm đỏ’ ».
Ông Hollande đã đón các doanh nhân Trung Quốc một cách linh đình. Cánh tay rộng mở của ông đã nhấn mạnh thông điệp là các nhà đầu tư Trung Quốc rất được hoan nghênh, tuy ông cũng rất hiểu là dư luận thường khi nhìn Trung Quốc như một mối đe dọa hơn là một cơ may.
Les Echos nhìn thấy là để thuyết phục khách của minh, ông Hollande đã đóng vai một đại diện thương mại, quảng cáo cho chất lượng của sản phẩm Pháp. Tờ báo đánh giá có vẻ không vui là ‘người ở điện Elysée’ cho là không thể vực dậy được kinh tế nếu không có Trung Quốc, đã ra sức kêu gọi đối tác của ông là « hãy tin tưởng »…, "Pháp đã cải tổ từ hơn một năm qua để tăng sức cạnh tranh ». Ông cũng đưa ra một yếu tố khác để thuyết phục : Pháp là cánh cửa vào châu Âu.
Les Echos giải thích mục tiêu của ông Hollande là muốn cân bằng đầu tư hai bên : chỉ có khoảng 250 cơ sở Trung Quốc hoạt động tại Pháp, trong lúc có đến 2.200 công ty Pháp ở Trung Quốc. Les Echos tỏ vẻ hoài nghi về hiệu quả, cho là chính một bộ trưởng đã nói « sự tin tưởng bị phá hủy nhanh hơn là khi xây dựng lại ».

Tử tù : Nguồn cung cấp chính cho cấy ghép bộ phận cơ thể ở Trung Quốc

Nhìn về Trung Quốc, Le Monde hôm nay trở lại hồ sơ thường gây tai tiếng : ghép bộ phận cơ thể. Phần chủ yếu các bộ phận ghép (hơn 65%) được lấy từ nhũng người bị hành quyết. Trong bài phóng sự dài cả hai trang, Le Monde có phần phê phán, nhưng cũng nêu bật một số vấn đề nan giải trong hồ sơ này.
Tờ báo ghi nhận trước tiên là những người tù trong hành lang tử thần thường khi bị hành quyết trước sự hiện diện của bác sĩ giải phẩu, đến tận nơi để lấy bộ phận cơ thể của họ, và dĩ nhiên không ai hỏi họ là có đồng ý hay không. Nhưng Le Monde cũng giải thích là việc làm này cho đến nay đáp ứng nhu cầu vì thiếu người tình nguyện hiến nội tạng.
Từ năm 2007, chính quyền Trung Quốc đã cấm việc bán buôn bộ phận cơ thể, nhưng cũng thường diễn ra những vụ bán chui, đút lót để được ghép bộ phận bị bệnh như thận, gan, tim... Theo bài phóng sự, trích dẫn báo chí tại chỗ, hàng năm có đên 300.000 người trên danh sách xin ghép bộ phận cơ thể, nhưng chỉ có 10.000 vụ được thực hiện và 65% bộ phận cơ thể ghép là lấy từ tử tù.
Tuy nhiên tác giả bài báo cho là tình hình thay đổi tùy nơi, như tại Thượng Hải, một vị trưởng khoa bệnh viện Thượng Hải - xin giấu tên, cho biết là trên 200 ca ghép trong năm 2011, thì đến 80% là của những người bị hành quyết. 20% là của những người hiến tặng qua hệ thống mà chính phủ và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cố gắng hoàn tất : Lập danh sách điện tử những người cho, kế đến xếp thứ tự bệnh nhân theo tình trạng bệnh. Các bênh viện phải chấp hành, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Tác giả bài phóng sự nhìn thấy là qua quyết định trên, Trung Quốc tìm cách thoát ra khỏi nghich lý là phải nhờ đến tử tội để cứu mạng người. Từ khi có lệnh cấm buôn bán bộ phận cơ thể năm 2007, thì các vụ hành quyết đã giảm đi 1/3. Tuy nhiên, theo bài phóng sự, các bệnh viện hoài nghi về hiệu quả của hệ thống nói trên. Riêng bệnh viện Thượng Hải, đã thiếu bộ phận cơ thể để ghép hơn trước nhiều. Nhũng vụ hành quyết mà các bác sĩ được gọi đến đang giảm sụt, vì như một bác sĩ giải thích, chính phủ đang « cố chỉnh đốn hệ thống ».

Hồ sơ Snowden : Âm hưởng chiến tranh lạnh ?

Hành tung cựu nhân viên tình báo Mỳ Snowden vẫn lôi cuốn báo Pháp hôm nay. Le Figaro ghi nhận quan hệ Mỹ - Nga lại căng thẳng lên do hồ sơ tình báo này cho nên đã chạy tựa : « Vụ Snowden mang hơi hướm chiến tranh lạnh », nhắc lại rằng Mỹ nghi ngờ Nga giúp đỡ ‘kẻ phản quốc’ và đòi phải cho dẫn độ, khiến ông Putin đáp trả, cho đấy là ‘chuyện hoang đường’.
Quả là có không khí chiến tranh lạnh : Libération dành cả trang cho sự vụ, nhìn thấy là « Washington rất nóng nẩy », tựa trang thế giới, ghi nhận rằng cả Nga lẫn Trung Quốc đều không cho dẫn độ Snowden đang chạy trốn với cả ngàn tài liệu mật.
Tờ báo trích lại một cách dí dỏm phản ứng của Mátxcơva và Bắc Kinh : ông Putin không nguôi giận, cho rằng lời cáo buộc và yêu cầu cho dẫn độ của Washington là chuyện tầm phào, hoang đường. Bắc Kinh cũng bực tức không kém cho là chuyện ‘không cơ sở’, ‘không thể chấp nhận’, trong lúc mà ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại Ấn Độ đã nài nỉ các bên ‘bình tĩnh lại’ sau khi chính ông đã thổi thêm lửa.
Như thế, chỉ vì một nhà tin học vừa 30 tuổi đầu mà cả thế giới xáo trộn. Nhân vật này tìm nơi ẩn náu từ chế độ độc tài này đến chế độ độc tài khác trong lúc mà các nơi này chế diễu ‘ngành gián điệp’ Mỹ.
Không chỉ Trung Quốc, dĩ nhiên là các cơ quan phản gián Nga cũng đã hỏi chuyện người khách của họ trước khi để anh ta đi. Libération trích dẫn giới tình báo kỳ cựu của Mỹ, cho rằng lời khước từ của Nga và Trung Quốc, không cho Mỹ cho dẫn độ Snowden là logic và cũng được ‘dự kiến’ trước. Nếu Washington lâm vào tình thế đó, cũng sẽ có hành động tương tự.
Người mà giới này có vẻ trách cứ lại là chính quyền Mỹ, đã không biết giải quyết vấn đề một cách khéo léo, kín đáo hơn, thay vì chỉ trích Nga và Trung Quốc. Ngay ông Obama đã bị chê là một người ‘nghiệp dư’ trong hồ sơ này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?