Trang web về tình trạng hối lộ ở Việt Nam
Cập nhật: 08:05 GMT - thứ sáu, 28 tháng 6, 2013
Một trang web phản ánh tình trạng hối lộ nhận Bấm giải thưởng của chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam trong tháng này (Vaci 2013).
Trang web www.toidihoilo.com là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dịch vụ Dữ liệu Trực tuyến Việt Nam từ sáng kiến của một nhóm ba người, đứng đầu là anh Hà Phúc Hoàn.
Nằm trong số 24 dự án được giải thưởng Vaci, trang web toidihoilo.com được đánh giá là đã góp phần "giải quyết khó khăn trong việc xác định hoặc thu thập cũng như khuyến khích người dân chia sẻ các bằng chứng thuyết phục nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng".
Trang này còn được cho là "công cụ cần thiết để chia sẻ, làm rõ các hành vi tham nhũng; nơi trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm khi gặp phải những trường hợp đòi hỏi, yêu cầu hối lộ " và "giúp cơ quan chức năng có được bằng chứng thuyết phục, dữ liệu chính xác về thực trạng đưa và nhận hối lộ".
Anh Hà Phúc Hoàn nói với BBC: "Website này lập ra không phải để cơ quan chính quyền nhà nước tham gia xử lý từng vụ việc. Mục đích tạo ra nhằm thu thập dữ liệu, xác định nguyên nhân, thực trạng, lý do đưa và nhận hối lộ từ đó có những thay đổi về mặt vĩ mô".
"Nó còn là kênh trao đổi, tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân, từ đó, có thể tư vấn giúp nhà nước xây dựng hoặc thay đổi chính sách phù hợp hơn."
Hàng nghìn người truy cập
Theo anh Hoàn, ý tưởng hình thành website này dựa trên một trang web của Ấn Độ có tên là ipaidabribe.com.
Ra đời từ tháng 7/2011, hiện trang web này mỗi ngày có khoảng 1.000 người viếng thăm (unique visitors) với hơn 30.000 lượt xem nội dung.
Người dân có thể đăng tải các thông tin về những vụ việc tham nhũng, nhũng nhiễu đòi hối lộ mà họ gặp phải, thí dụ "Thanh tra giao thông thuộc sở giao thông vận tải TP HCM nhận hối lộ tại trụ sở", hay "Mất 100 triệu mới vào làm được ở bệnh viện huyện"...
Hà Phúc Hoàn cho rằng website toidihoilo.com "là công cụ chia sẻ, không phải công cụ cho chống phá, nói xấu cá nhân, người chia sẻ thông tin sẽ không có được lợi ích trong việc cung cấp sai thông tin nên thông tin đưa lên sẽ là trung thực".
Anh cho rằng mục đích chính không phải là xử lý từng trường hợp đơn lẻ, mà là "thay đổi về chính sách, nhận thức của người dân".
Ví dụ nói về việc cảnh sát giao thông lạm quyền, chặn xe lấy tiền hối lộ, thay đổi chính sách có thể dẫn tới việc quy định người vi phạm phải nộp tiền phạt qua ATM, qua tiền điện hàng tháng hay các hóa đơn chi tiêu gia đình khác.
"Cách thức này có thể chấm dứt tình trạng đưa và nhận hối lộ của cảnh sát giao thông."
Ngoài website, nhóm chủ dự án còn lập một trang trên mạng xã hội Facebook với phương châm Vì một xã hội minh bạch.
Nhận xét
Đăng nhận xét