Phó giáo sư còn “ăn cắp vặt”
“Đến chuyện học hàm người ta còn ăn cắp được cơ mà! Đáng ra là Phó giáo sư nhưng lại cứ nhận mình là Giáo sư…”
“Chuyện ở Nhật treo tấm biển bằng tiếng Việt cấm ăn cắp vặt chẳng có gì ngạc nhiên cả, bởi ăn cắp vặt đã trở nên phổ biến trong xã hội. Không thể né tránh, coi đó là chuyện nhỏ được, bởi ăn cắp vặt là khởi đầu của mọi sự lừa đảo”, PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nêu quan điểm.
Học hàm người ta còn ăn cắp được cơ mà!
Gần đây, dư luận đang xôn xao chuyện ở Nhật Bản có một tấm biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt. Giả dụ, ông là người trực tiếp nhìn thấy tấm biển ấy thì sẽ phản ứng thế nào?Tôi chẳng thấy có gì ngạc nhiên cả.
Ông không ngạc nhiên?
Thứ nhất, ăn cắp thì nước nào cũng có. Có chăng, điều khác biệt ở chỗ ăn cắp lớn hay nhỏ thôi, ví như ở Mỹ có những vụ trộm nhà băng chẳng hạn. Thứ hai, ăn cắp thì thời nào cũng có. Câu chuyện vua Pi-ốt Đại đế của nước Nga dẫn một đoàn quan chức ra nước ngoài, thấy ở đó có nhiều hàng hóa, vua ra lệnh nếu ai ăn cắp sẽ bị chặt tay. Và ở ta, tôi nhớ trong một cuốn sách của GS Dương Quảng Hàm (xuất bản khoảng những năm 40 của thế kỷ trước) đã từng nhắc đến tật ăn cắp vặt của người Việt rồi còn gì. Thế nhưng, tôi e rằng ở ta, ăn cắp vặt là phổ biến hơn.
Căn cứ nào để ông đưa ra nhận định ấy?
Hẳn nhiên là tôi không dựa vào một kết quả nghiên cứu nào, bởi sẽ chẳng có công trình nào nghiên cứu cái đó cả. Thực tế thì chuyện ăn cắp vặt nhan nhản ra. Bây giờ, cứ hở ra cái gì là mất, rồi thì chặt chém trong buôn bán, công chức thì ăn cắp giờ Nhà nước. Đến chuyện học hàm người ta còn ăn cắp được cơ mà! Đáng ra là Phó giáo sư nhưng lại cứ nhận mình là Giáo sư… Nghĩa là, không chỉ ăn cắp dưới dạng vật chất mà còn ăn cắp cả dưới dạng phi vật chất, tinh thần.
Hai dạng ăn cắp đó thì theo ông, dạng nào nguy hiểm hơn?
Nó nguy hiểm như nhau thôi.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ở Nhật Bản treo tấm biển như thế chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Liệu điều đó có đủ sức thuyết phục với cá nhân ông?
Tôi là người Việt, tôi cũng muốn tin đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” (cười). Còn như tôi vừa nói thì cái gì cũng có nguyên do của nó.
PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Ăn cắp vì thiếu thốn: Chẳng khác con vật
PGS.TS Phạm Bích San, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. |
Ông nghĩ sao với lập luận: Sở dĩ người ta phải đi ăn cắp như thế là vì thiếu thốn, nghèo khó?
Tôi không nghĩ thế và đừng bao giờ đánh đồng chuyện đó. Bởi có giai đoạn, chúng ta coi những người nghèo là trong sạch còn gì! Nếu vì thiếu thốn, không đủ tiền mua mà phải đi ăn cắp thì chẳng khác gì con vật.
Vậy ông giải thích căn nguyên của nạn ăn cắp vặt phổ biến trong xã hội là do đâu?
Chúng ta chuyển từ xã hội truyền thống mà ở đó sở hữu công rất lớn, tâm lý của chung táy máy thành của riêng đã tạo ra thói quen. Bước sang cơ chế thị trường, tâm lý đó vẫn còn tồn tại. Ở cấp độ thứ hai là chuẩn mực, trong đó bao hàm luật pháp chưa nghiêm. Giáo dục thì vẫn còn lỏng lẻo nếu không muốn nói là rất có vấn đề, không hình thành được nhân cách khi mà học sinh ở đâu đó coi thường môn Lịch sử. Đó toàn là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Từ đó nó quy định hành vi: Nạn táy máy vẫn còn khá phổ biến.
Cũng cần lưu ý, trước đây, khi ra nước ngoài thì người ta được chuẩn bị cả về học vấn; giờ thì do chúng ta đẩy mạnh hội nhập với quốc tế nên số người Việt ra nước ngoài càng ngày càng nhiều, trong đó có cả những người không được chuẩn bị chu đáo. Thế nên, nạn táy máy của người Việt ở nước ngoài cũng không ít.
Khi mà “nạn táy máy của người Việt ở nước ngoài cũng không ít” thì theo ông, hệ quả của nó là gì?
Là thể diện quốc gia bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khi mà thể diện ấy không lấn áp được sự tầm thường của con người. Và kết quả là những tấm biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt như ở Nhật Bản ra đời.
Biển cấm ăn cắp vặt bằng tiếng Việt ở Nhật Bản.
Thú thực, bây giờ nếu có phải đi xe buýt thì tôi rất sợ chuyện bị móc túi. Rồi về nhà, cổng lúc nào cũng phải khóa bởi sểnh cái là mất đồ.
Tâm lý đó hoàn toàn dễ hiểu. Bây giờ, sẽ không ngoa khi cho rằng chúng ta phải sống chung với ăn cắp vặt. Ngay cái chuyện đi chợ, nếu thiếu 500đ, nhiều khi người ta còn lờ đi không trả. Còn ai mà đòi 500đ thì bị coi là thứ rất vớ vẩn.
Và thực tế thì, nhiều khi bị mất đồ, nạn nhân chỉ âm thầm cho qua, nghĩ thôi thì của đi thay người. Liệu điều đó có khiến cho nạn ăn cắp vặt càng phổ biến?
Tôi cho rằng tâm lý xã hội đó là có nhưng bảo nó quyết định đến sự tồn tại, phổ biến của nạn ăn cắp vặt thì không hẳn. Bởi lẽ, đó là hệ quả của rất nhiều thứ, trong đó có giáo dục và luật pháp.
Khởi đầu của mọi lừa đảo
Tôi đã từng đề cập câu chuyện này với một nhà nghiên cứu văn hóa. Ông cho rằng, ăn cắp vặt là chuyện nhỏ. Nếu báo chí bàn đến chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, làm mất thể diện quốc gia. Ông nghĩ sao?Tôi không cho rằng ăn cắp vặt là chuyện nhỏ mà nó là vấn đề rất lớn, bởi ăn cắp vặt là bước khởi đầu của mọi sự lừa đảo. Người Pháp vốn có câu: Hôm nay bạn lấy một quả trứng, ngày mai bạn lấy cả con bò. Bản chất xã hội hiện đại phải là lương thiện chứ không phải là táy máy, chụp giật. Ăn cắp vặt là một chỉ báo nhỏ nhất cho thấy sự phát triển của xã hội và nhân cách con người.
Còn đúng là chuyện này ảnh hưởng đến hình ảnh, thể diện quốc gia. Người ta sẽ có hai cách hành xử: Thứ nhất là đóng cửa bảo nhau để tiếng xấu không lan ra, thứ hai là nhìn thẳng vào sự thật để truy tìm nguồn gốc, tìm cách giải quyết. Tôi thiên về lựa chọn thứ hai bởi nếu cứ trốn tránh thì sẽ chẳng giải quyết được gì.
Lại có ý kiến cho rằng, thói ăn cắp vặt thể hiện tư duy vặt. Ông bình luận gì về luận điểm này?
Tư duy vặt, tư duy nhỏ không có nghĩa là nó sẽ không lương thiện. Đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Ông bảo, bản chất của xã hội hiện đại là phải lương thiện. Vậy để đạt tới xã hội ấy, chúng ta cần phải làm gì?
Làm nhiều thứ lắm. Phải xây dựng nhà nước pháp quyền và quản lý chặt chẽ; phải không được coi ăn cắp vặt là chuyện nhỏ vì đó sẽ là vấn đề lớn nhất để phát triển hiện nay; giáo dục phải cho ra giáo dục, phải hình thành nhân cách cho trẻ. Tôi cho rằng, giáo dục vẫn là cái cốt lõi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Bây giờ, chẳng riêng gì người có trình độ thấp ăn cắp vặt đâu mà ngay cả những người có học hành đầy đủ cũng thế, thậm chí ăn cắp ở những cái tinh vi hơn khi mà biết biến những thứ là của công thành của mình chứ không đơn thuần là lấy đồ của người khác. Khi mà nhân cách con người chưa được chú trọng đào tạo, rèn luyện thì khi đó, ăn cắp vặt chẳng loại trừ ai, dù có bằng cấp đầy mình”.
Theo Kiến Thức
Xem tin nguồn: http://ttxva.org/pho-giao-su-con-an-cap-vat/#ixzz2XlBo9ncX
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook
Nhận xét
Đăng nhận xét