Tổng thống Obama cho duyệt xét lại chương trình do thám

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Hoa Kỳ cho biết đang cứu xét xem liệu họ có nên do thám các nhà lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ hay không – sau khi có các báo cáo về do thám mà các giới chức chính phủ nói rằng Tổng thống Obama không biết tới cho đến cách đây vài tháng, tuy sự việc đã xảy ra từ năm 2002.

Một giới chức cấp cao trong chính quyền của ông Obama nói chưa có quyết định về việc theo dõi, mặc dù chương trình đang được duyệt lại. Nhưng thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện, nói bà được Tòa Bạch Ốc báo rằng “việc thu thập tin tức về các đồng minh của chúng ta sẽ không tiếp tục.”

Ông Obama nói với đài tin tức ABC hôm thứ hai rằng ông đã ra chỉ thị cho các cơ quan an ninh quốc gia, nhưng ông muốn đoan chắc rằng họ không vượt quá các lệnh của ông cho dù các khả năng kỹ thuật của họ sẽ cho phép họ làm như vậy.

Ông Obama nói: “Điều chúng ta thấy trong nhiều năm qua là khả năng của họ tiếp tục phát triển và mở rộng và đó là lý do vì sao tôi đang đề xuất một cuộc duyệt xét để bảo đảm rằng những gì họ có thể làm được không nhất thiết có nghĩa là họ nên làm.”

Chính quyền của ông Obama đã bị nhiều người lên án trong mấy tuần lễ vừa qua về mức độ do thám mà Cơ quan An ninh Quốc gia bí mật đã thực hiện. Cơ quan này thường xuyên thu thập dữ liệu về hàng triệu cú điện thoại và các trao đổi trên mạng Internet ở khắp hoàn cầu trong khi tìm cách ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ.

Nhưng những lời phản kháng nhắm vào việc do thám đã tăng cường trong mấy ngày vừa qua với sự tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã theo dõi thông tin liên lạc cá nhân của 35 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel kể từ năm 2002, 3 năm trước khi bà nhậm chức. Các bản tin về việc Hoa Kỳ do thám xuất phát từ việc tiết lộ liên tục các văn kiện do cựu nhân viên hợp đồng Edward Snowden cung cấp, ông này hiện đang bị truy nã và xin tỵ nạn ở Nga.

Bà Feinstein, một đảng viên Dân chủ đại diện tiểu bang California và thường là người ủng hộ chính quyền Obama, nói uỷ ban của bà “không được thông báo thỏa đáng” về mức độ do thám của Hoa Kỳ. Trong một thông cáo, bà nói bà”dứt khoát” phản đối việc do thám các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh Hoa Kỳ như Pháp, Tây Ban Nha, Mexico và Đức.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper và các giới chức khác sẽ ra điều trần trước một ủy ban Quốc Hội vào ngày hôm nay về việc theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA.

Một phái đoàn đông đảo các nhà lập pháp của Liên hiệp châu Aâu đang có mặt tại Washington để dự một loạt các cuộc họp với các nhà làm luật Hoa Kỳ và các giới chức tình báo về những cáo buộc do thám.

Đức cho biết sắp gửi những người đứng đầu ngành tình báo đến Washington để đòi có câu trả lời. Bà Merkel đã gọi điện thoại cho ông Obama tuần trước để lên tiếng đích thân phản đối, và nói rằng các bạn bè quốc tế không thể chấp nhận việc do thám lén lút như vậy.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger đề nghị cắt đứt sự tiếp cận của Hoa Kỳ với một công cụ công cụ quan trọng dùng để theo dõi sự lưu chuyển tiền của các phần tử khủng bố. Hiệp định SWIFT, ký sau khi xảy ra các vụ tâán công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thông tin về các khoản tiền chuyển qua Hội Thông tin Liên lạc Tài chính liên ngân hàng Toàn thế giới có trụ sở ở Bỉ, là cơ quan xử lý việc lưu chuyển tiền bạc giữa các ngân hàng trên toàn thế giới.

Đức cũng đang hợp tác với Brazil về một bản dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để bảo đảm sự riêng tư trong thông tin liên lạc điện tử. Các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc nói nghị quyết sẽ đề nghị mở rộng Công ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự qua cho các hoạt động Internet, nhưng không đề cập đến Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?