Châu Âu ‘cắn răng’ trừng phạt kinh tế Nga
Cho đến giờ Liên minh châu Âu đã đưa các cá nhân và công ty của Nga vào danh sách cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Danh sách này hiện đã có 87 cá nhân và 18 cơ quan.
Trừng phạt kinh tế
Trước hết, mặc dù người ta nghĩ rằng sẽ có cấm vận vũ khí nhưng nó chỉ áp dụng với các hợp đồng mới. Những hợp đồng đã ký, chẳng hạn Nga mua tàu chiến Mistral của Pháp, không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, lĩnh vực xuất khẩu năng lượng công nghệ cao sẽ bị hạn chế ngoại trừ các thiết bị sử dụng trong ngành khí đốt do người châu Âu rất lo lắng về việc trừng phạt một ngành mà họ bị lệ thuộc nhiều vào Nga.
Thứ ba, các ngân hàng Nga sẽ khó mà tiếp cận nguồn vốn từ các thị trường tài chính Châu Âu nhưng chỉ có ngân hàng nhà nước bị ảnh hưởng.
Trong vòng 10 ngày qua các đại sứ châu Âu đã phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng các nước châu Âu sẽ cùng chia sẻ thiệt hại.
Trung tâm tài chính London sẽ mất phần từ Nga. Mất bao nhiêu? Điều này khó nói nhưng có thể lên đến hàng trăm triệu bảng.
Đức chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu các thiết bị công nghệ cao vào Nga.
Xuất khẩu vũ khí của Pháp vào Nga có giá trị gần gấp 10 lần xuất khẩu của Anh.
Đức đổi ý
Vậy thì điều gì đã thay đổi? Thủ tướng Đức Angela Merkel tin rằng bản thân bà đã bị Tổng thống Nga ‘lừa’ và bà không thể nào tin ông Putin được nữa. Mặt khác, bà Merkel cũng cân nhắc rằng tình trạng bất ổn ở miền đông Ukraine có nguy cơ gây bất ổn cho một khu vực nằm sát trung tâm Châu Âu.
Cho nên trong tuần này Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã chỉ ra rằng ‘sự xói mòn hòa bình và ổn định sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với phát triển kinh tế’. Do đó ông đã biện hộ cho việc phải có thêm lệnh trừng phạt Nga.
Chính phủ Đức dường như đã có sự ủng hộ của cử tri với 52% người dân nước này nói họ muốn trừng phạt Nga nặng nề hơn. Quan điểm của công chúng Đức đã thay đổi sau sự kiện chuyến bay MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine.
Vị giám đốc điều hành của Liên đoàn Kỹ sư Đức mặc dù dự đoán các biện pháp trừng phạt kinh tế này sẽ rất ‘đau’ đối với một số nhà sản xuất nhưng ông không hề phản đối.
Quan hệ đổ vỡ
Trong khoảng thời gian đó, các nhà lãnh đạo phương Tây đã kết nạp Nga vào G7 để thành G8 và đối xử với Moscow như là một đối tác đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.
Các nước châu Âu đã tăng cường giao thương với Nga đến mức một số nước đã trở thành quá lệ thuộc vào quan hệ với Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trước đây không hề muốn cấm vận kinh tế đối với Nga, nhưng họ đã bị lay chuyển vì hai lẽ: sự phẫn nộ trước việc các nhà điều tra bị cấm tiếp cận hiện trường vụ rơi máy bay MH17 và việc nước Nga, kể từ khi thảm họa xảy ra, đã cho phép chuyển vũ khí hạng nặng qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine.
Tính toán ở châu Âu là họ phải hành động vì uy tín của chính họ và có thể họ sẽ còn đi xa hơn nữa để đảm bảo rằng ông Putin và những người thân cận của ông ấy hiểu rằng hành động của họ sẽ đem lại hậu quả.
Nga sẽ phản ứng thế nào? Điều này khó nói được mặc dù Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nói rằng nước ông sẽ không trả đũa.
Nhận xét
Đăng nhận xét