'Thà đừng rút sớm giàn khoan'
Bảo Trân
Gửi cho BBC từ Tp HCM
Cập nhật: 07:49 GMT - thứ bảy, 26 tháng 7, 2014
Đã hơn một tuần kể từ khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan 981,
dù có một vài nghi ngại nhưng nhìn chung dư luận Việt Nam đã tương đối lắng dịu,
đặc biệt với sự xuất hiện của siêu bão Ramasun và vụ tai nạn máy bay MH17.
Nhìn cách thức đưa tin đoán xu hướng chính trị.Đài truyền hình Việt Nam là cơ quan báo chí lớn nhất nước (đứng đầu là một Ủy viên trung ương Đảng) và chương trình quan trọng nhất của nhà đài là Bản tin thời sự 19 giờ.
Mọi nội dung của chương trình này đều được giám sát kỹ lưỡng. Có thể nói khi mà thời của báo giấy và đài phát thanh đã qua, cơ quan ngôn luận của Đảng chính là Đài truyền hình.
''Bênh Nga chằm chặp''
Chỉ cần xem bản tin thời sự là biết “trạng thái” của Đảng Cộng sản. Khi đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khuyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên từ chức vào tháng 11 năm 2012, việc này chỉ được đưa lên vào bản tin 12 giờ trưa (lúc mọi người đang đi làm) và cắt gần như toàn bộ vào chương trình lúc 7 giờ tối cùng ngày.
Năm nay, đến tận cuối tháng Tư, truyền hình và báo chí Việt Nam vẫn còn bênh chằm chặp Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine khiến cho những ai xem thời sự đều bất bình với lực lượng đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine lúc đó là Yanukovych.
Nhưng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trái phép từ ngày 1/5, nhà đài bỗng đưa tin một cách vô cùng khách quan về cuộc xung đột ở Crimea.
Lý do là vì Nga đã không hề lên tiếng bảo vệ Việt Nam do phải bắt tay với Trung Quốc trong trận chiến với Mỹ và phương Tây.
Quay trở lại với việc đưa tin về giàn khoan 981, đài truyền hình Việt Nam đã ròng rã suốt hai tháng trời đưa tin hàng ngày về các hoạt động đấu tranh của hải quân ta, nay bỗng dưng câm bặt.
Tối ngày 17/7, tức là chỉ một ngày sau khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan, trên bản tin 19 giờ chỉ còn lướt qua một tin duy nhất “liên quan” vào cuối chương trình, đó là việc Mỹ hoan nghênh việc giàn khoan đã được di dời.
Tối 19/7, trên kênh thời sự chính thống đã xuất hiện những dấu hiệu đặc biệt. Đầu tiên là việc đưa tin tỉnh Quảng Bình “tổ chức công bố quy hoạch xây dựng” khu tưởng niệm Vụ thảm sát tại thôn Quyết Thắng – “sự kiện bi thương do đế quốc Mỹ gây ra”.
Chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc chưa rút giàn khoan, ai cũng cho rằng Việt Nam đang muốn xích lại gần Hoa Kỳ để tìm sự ủng hộ về quân sự.
Còn về chuyện tưởng nhớ những người con của đất nước trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, không biết đến bao giờ những người đã ngã xuống trong chiến tranh Biên giới 1979 mới được nhắc đến một cách trang trọng như những đồng đội hy sinh trong cuộc chiến chống “đế quốc” xâm lược.
Lại đâu vào đấy?
"Những ai háo hức về một cuộc “thoát Trung” hơn hai tháng nay chắc sắp phải thất vọng"
Nhà cầm quyền dù thân với người láng giềng phương Bắc đến đâu cũng không thể không phản đối hành động xâm phạm quá lộ liễu. Nếu không phản ứng, chính nhà cầm quyền tự làm suy yếu tính chính danh và uy tín của họ.
Nhưng nay sóng gió đã tạm qua, việc liên minh với Mỹ - một hành động bất đắc dĩ vô cùng nguy hiểm có lẽ là không cần thiết nữa.
Hoa Kỳ sẽ giúp “không công” một nước Cộng sản? Không bao giờ! Sự giúp đỡ sẽ phải kèm theo một loạt điều kiện, trong đó chắc chắn phải mở rộng quyền tự do dân chủ mà điều đó có thể dẫn tới một cuộc “Cách mạng nhung”.
Giữ được chủ quyền mà mất chức thì cũng có ý nghĩa gì với những nhà lãnh đạo độc tài. Chính vì vậy, nếu không có biến cố gì xảy ra, việc hòa hoãn với láng giềng anh em Cộng sản vẫn là thượng sách.
Xem ra, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan lại là một cơ hội tốt để một số nhà lãnh đạo ghi điểm bằng những phát ngôn tương đối “mạnh miệng”.
Nhân dân thì tạm quên đi những tồn tại trong xã hội để bày tỏ lòng yêu nước, người đàn anh phương Bắc thậm chí phải cử người sang “xoa dịu” đàn em.
Lợi đủ đường! Nếu cứ thế này, thỉnh thoảng Trung Quốc cứ kéo giàn khoan ra vài ngày lại không chừng lại là điều hay.
Còn với người dân, những ai háo hức về một cuộc “thoát Trung” hơn hai tháng nay chắc sắp phải thất vọng. Với họ, dù có va chạm với láng giềng một chút mà nền kinh tế, chính trị thay đổi toàn diện để có cuộc sống ấm no còn hơn là “hòa bình, ổn định” lâu dài nhưng mãi mãi trì trệ.
Vậy nên, giàn khoan Trung Quốc, lần sau có hạ đặt thì hãy ở lại lâu hơn một chút rồi hẵng về!
Nhận xét
Đăng nhận xét