Phương Tây mở rộng chế tài với Nga
Theo BBC
Cập nhật: 04:11 GMT - thứ tư, 30 tháng 7, 2014
Trong số các chế tài mới có việc cấm công dân Mỹ hoặc người làm ăn ở Mỹ sử dụng dịch vụ của ba ngân hàng Nga.
Mục tiêu là trừng phạt Nga về việc tiếp tục hỗ trợ cho phiến quân ở miền Đông Ukraine.
Moscow bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ và EU, rằng Nga cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân ly khai.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama nói Hoa Kỳ đang mở rộng trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực chính của kinh tế Nga là năng lượng, vũ khí và tài chính.
Ông tuyên bố: "Nếu Nga tiếp tục con đường hiện nay thì thiệt hại cho nước này sẽ còn tiếp tục tăng".
Bộ Tài chính Mỹ nói ba ngân hàng bị trừng phạt lần này là VTB, Ngân hàng Moscow, và Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank).
Trước đó, EU đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong các lĩnh vực dầu lửa, thiết bị quân sự và các công nghệ nhạy cảm.
Chi tiết của lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào thứ Tư 30/7, và EU cũng sẽ công khai danh tính các quan chức Nga bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại ở châu Âu.
'Không thể tránh khỏi'
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vốn không mặn mà với việc mở rộng chế tài vì sợ ảnh hưởng quan hệ làm ăn với Nga, thừa nhận rằng các biện pháp mới đưa ra là "không thể tránh khỏi".Vladimir Chizhov, Đại sứ Nga tại EU, nói với BBC: "Tôi thất vọng vì EU đang trượt theo con đường không dẫn đến đâu cả".
"Tôi có thể hiểu rằng họ đang quan ngại về tình hình hiện nay; chúng tôi cũng quan ngại, nhưng không bắt buộc phải đưa ra chế tài."
Ông Chizhov nói thêm rằng ông tin là Ukraine phải bị trừng phạt vì cuộc khủng hoảng ở miền Đông.
Vụ máy bay Malaysia Airlines, chuyến bay số hiệu MH17, bị rơi ở khu vực này làm tăng thêm kêu gọi EU phải hành động.
Nhóm điều tra viên quốc tế vẫn không thể tiếp cận hiện trường vụ rớt máy bay vì chiến sự quá ác liệt giữa quân ly khai và các lực lượng của chính phủ.
Phương Tây cho rằng phiến quân thân Nga đã bắn rơi máy bay hôm 17/7 bằng hỏa tiễn do Nga cung cấp vì tưởng lầm đây là máy bay quân sự của Ukraine.
Tuy nhiên phe ly khai và Moscow bác bỏ cáo buộc này và đổ lỗi cho quân đội Ukraine.
Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi Nga và phiến quân tạo điều kiện cho các điều tra viên tiếp cận hiện trường.
Ông nói: "Họ còn không biết chắc liệu tất cả các tử thi đã được chuyển đi chưa, và đây là gánh nặng khủng khiếp cho bất cứ gia đình nào, và là thái độ không thể chấp nhận nổi".
"Hiện trường máy bay rơi cần được cách ly, các bầng chứng cần được giữ gìn và Nga cần sử dụng ảnh hưởng của mình đối với phiến quân nhằm bảo đảm một cách xử lý đàng hoàng."
Quân đội Ukraine hiện đang tiếp tục chiến dịch tấn công phiến quân tại vùng Donetsk.
Cuối tuần trước, EU đã đặt thêm 15 cá nhân và 18 tổ chức của Nga vào danh sách phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh châu Âu vì vai trò của họ trong cuộc xung đột Ukraine.
Trong danh sách gồm 87 mục tiêu bị EU trừng phạt có người đứng đầu cơ quan an ninh Nga FSB, Tổng thống Chechnya, và hai công ty năng lượng ở Crimea.
Tuy nhiên tập đoàn dầu khí Anh BP, hiện đang nắm giữ 20% cổ phầ̉n của tập đoàn dầu lửa nhà nước Nga Rosneft, cảnh báo là nếu Nga bị trừng phạt thêm thì việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhận xét
Đăng nhận xét