Nga, lá bài chủ chốt trên bàn cơ năng lượng thế giới

  
   
  
 

REUTERS/Gleb Garanich/Files

Yheo RFI
Thanh Hà
Thứ ba 29 Tháng Bẩy 2014 

Embed      
Vì khủng hoảng Ukraina, Mỹ mạnh tay hơn châu Âu trong việc trừng phạt các tập đoàn dầu khí Nga. Bruxelles lúng túng do Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của châu Âu. Nhờ công nghệ khai thác dầu và khí đá phiến, thế giới không còn bị đe dọa cạn kiệt năng lượng hóa thạch, nhưng Nga vẫn là một đối tác hàng đầu trên bàn cờ năng lượng quốc tế, đặc biệt là đối với châu Âu.
Ngày 16/07/2014 Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga : hạn chế các hoạt động của các tập đoàn dầu khí như Rosneft, Gazprombank hay Novatek trên thị trường Mỹ. Cùng lúc, Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ tạm dừng các chương trình hợp tác của các doanh nghiệp Nga với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI), với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu BERD. Bruxelles nhẹ tay hơn Washington do châu Âu cần mua dầu khí và than đá của Nga.
Trong năm 2013 dầu hỏa và khí đốt chiếm 68 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. 50 % ngân sách của nhà nước liên bang tùy thuộc vào một lĩnh vực kinh tế duy nhất này. Bộ Năng lượng của Mỹ đã căn cứ vào dữ liệu thống kê của Hải quan Nga cho thấy : năm ngoái Nga xuất khẩu tới 174 tỷ đô la dầu hỏa và 73 tỷ khí hóa lỏng. Châu Âu là khách hàng số 1 của Nga. Chỉ một mình tập đoàn khí đốt Gazprom bảo đảm đến 30 % nhu cầu tiêu thụ tại 28 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu.
Liên hệ sống còn giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu
Tháng 4/2014 Âu Mỹ bắt đầu đưa ra những biện pháp cụ thể trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina và thôn tính vùng Crimée của Ukraina. Cùng lúc bộ trưởng Tài chính và Năng lượng Đức, Sigmar Gabriel cảnh cáo : Châu Âu không thể quay lưng lại với các nhà cung cấp dầu khí của Nga và Matxcơva ít có khả năng khóa van với các khách hàng châu Âu.
Theo thẩm định của công ty tư vấn Mỹ, Sanford C. Berstein & Co, đóng cửa thị trường với khí đốt của Nga sẽ buộc Liên Hiệp Châu Âu phải hoặc là đầu tư thêm 215 tỷ đô la để nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp thay thế (năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, than đá, …tìm các nhà cung cấp khác để lấp vào chỗ trống của các tập đoàn Nga) hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ đến 15 tỷ mét khối /năm.
Năng lượng là một nhược điểm của ông khổng lồ châu Âu. Liên Hiệp nhập vào hơn 50 % năng lượng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp trong toàn khối. Bruxelles nhìn nhận nếu không nhanh chóng thúc đẩy chính sách năng lượng, chỉ 20 năm nữa mức độ lệ thuộc của khối này vào dầu khí nhập cảng sẽ lên tới 80 %.
Mỹ trong chiến lược năng lượng của châu Âu
Trong lúc Bruxelles lúng túng với Matxcơva về hồ sơ năng lượng, thì Hoa Kỳ nhân hội nghị thượng đỉnh Âu – Mỹ mùa xuân vừa qua đã đề nghị « sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Matxcơva ».
Dù luôn xem các nguồn dự trữ của mình là một yếu tố an ninh, chiến lược, nhưng Hoa Kỳ đã làm chủ được các kỹ thuật khai thác mới, hoàn thành một cuộc cách mạng về công nghệ nên đã bắt đầu xuất khẩu dầu đá phiến. Từ năm 2011 tới nay, hàng năm Mỹ sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu/ ngày. Như vậy so với ba năm trước đây, mỗi ngày Hoa Kỳ đã bơm thêm 3 triệu thùng dầu vào thị trường quốc tế. Nói cách khác trong ba năm qua, chỉ một mình nước Mỹ đã tung ra thị trường một khối lượng dầu hỏa tương đương với mức cung cấp của Irak trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa suông, khi biết rằng, đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không đơn giản.
Thứ nhất chính sách năng lượng của bản thân Hoa Kỳ vẫn chủ trương bảo vệ các nguồn dự trữ quốc gia, vì đó là một yếu tố an ninh của bản thân nước Mỹ. Thứ hai, việc đưa khí đốt từ Mỹ sang châu Âu đòi hỏi nhiều đầu tư tốn kém. Điều đó có nghĩa là dầu khí của Mỹ bán cho châu Âu sẽ đắt hơn so với giá mà châu Âu đang mua của Nga hiện nay.
Thêm vào đó là vấn đề thời gian : sớm nhất thì cũng phải vài ba năm nữa dầu khí của Hoa Kỳ mới chảy tới Châu Âu. Trả lời đài RFI Thierry Bros, chuyên gia về năng lượng trực thuộc Ủy ban châu Âu và là tác giả của cuốn « After the US shale gas revolution », nhà xuất bản Technip nhắc lại : chính nhờ kỹ thuật khai thác khí đá phiến mà Hoa Kỳ đang trở thành một nguồn cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu của thế giới :
« Trở lại với cuộc cách mạng khí đá phiến ở Hoa Kỳ, nhờ cuộc cách mạng này mà từ năm 2010, nước Mỹ đã trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Vào khoảng năm 2015-2016, tức là chỉ một hoặc hai năm nữa, nước Mỹ sẽ đứng đầu trong số các nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng bằng đường thủy. Và chỉ đến cuối thập niên này, Hoa Kỳ sẽ là nhà cung cấp khí đốt quan trọng thứ nhì hay thứ ba toàn cầu. Kèm theo đó là những hậu quả kinh tế hết sức quan trọng. 
Thứ nhất là nhân loại không còn sợ các nguồn năng lượng hóa thạch bị cạn kiệt. Điều đó cũng có nghĩa là giá dầu hỏa và khí đốt không thể tăng mãi. Qua đó các nước đang sống nhờ xuất khẩu dầu khí sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của họ. Giá dầu khí trong tương lai sẽ giảm đi chứ không còn là những cái giá ‘trên trời’ như trong 5-6 năm về trước nữa. Điển hình là vừa qua, Nga ký hợp đồng 400 tỷ đô la với Trung Quốc. Đôi bên đã thương lượng với nhau về giá cả trong suốt 10 năm trời. Trong thời gian qua, Nga cứ nghĩ là giá khí đốt sẽ còn tăng giá. Nhưng vào thời điểm này, phía Gazprom đã phải nhượng bộ vì ý thức được rằng, càng chờ lâu, giá thành càng có khuynh hướng giảm đi thêm nữa. Nhất là một khi khí đã phiến tràn ngập thị trường ».
Về phần mình, trả lời đài RFI giáo sư Samuele Furfari, chuyên gia về Địa chính trị, giảng dậy tại Đại học tự do Bruxelles ghi nhận thêm : không nhờ dầu khí đá phiến, với chiến sự tại Cận Đông, bất ổn ở Irak và khủng hoảng ở Ukraina hiện nay, giá một thùng dầu thô trên thế giới sẽ dao động ở mức trên dưới 200 đô la một thùng thay vì vẫn được duy trì ở dưới ngưỡng 110 đô la như hiện tại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?